The Diplomat, 15 tháng Tám 2013
Trần Ngọc Cư dịch
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1995, Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là một trong những nước có đầu tư dẫn đầu tại nước này. Việt Nam có tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong 20 năm qua. Vào năm 2018, quốc gia này hi vọng được công nhận là một nền kinh tế thị trường và, vào năm 2020, Việt Nam hi vọng ở vào địa vị một nước công nghiệp hóa.
Tuy nhiên, việc cải tổ chính trị và bảo vệ nhân quyền đã không tiến bộ song hành với tăng trưởng kinh tế. Những vấn đề này đã cộm lên như những lãnh vực đáng quan tâm đối với một số quan chức Hoa Kỳ muốn theo đuổi một chính sách đối ngoại chủ động hơn tại Việt Nam nhằm hạn chế những vi phạm nhân quyền và đẩy mạnh chế độ pháp trị. Những quan tâm của họ có phần xung khắc với tham vọng của Chính quyền Obama trong việc nới rộng quan hệ quân sự và kinh tế với Việt Nam nhằm biến nước này thành một đồng minh chiến lược tại Đông Nam Á.
Kể từ khi Chính quyền Obama đưa ra chính sách tái quân bình lực lượng hướng về châu Á, Hoa Kỳ đã gia tăng hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á, như Việt Nam và Philippines để đối trọng lại ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Các hải cảng của Việt Nam, vai trò thành viên của nước này tại ASEAN, cũng như thị trường đang lớn mạnh của nó đối với hàng hóa Mỹ, có khả năng biến Việt Nam thành một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ ở trong khu vực.
Hành động ve vãn Việt Nam của Chính quyền Obama diễn ra vào một thời điểm độc đáo trong lịch sử của khu vực này. Quan hệ lâu đời của Việt Nam với Trung Quốc gần đây đã xuống cấp vì thái độ quyết đoán của Trung Quốc về vấn đề lãnh hải trong Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông Việt Nam]. Do đó, Việt Nam đã nới rộng quan hệ hữu nghị với một số nước nhằm ngăn chặn hành động thù nghịch tiềm năng của Trung Quốc.
Chính quyền Obama đã gia tăng đáng kể các nguồn lực dành cho Việt Nam. Trong ngân sách năm 2014, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã gia tăng mức chi tiêu cho công tác yểm trợ giáo dục và đào tạo quân sự quốc tế cũng như yểm trợ tài chính quân sự nước ngoài. Trong thời gian làm Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Hillary Clinton đã nhiều lần đến Hà Nội. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cũng đã đến Việt Nam. Vào tháng Sáu năm nay, Tướng Martin Dempsey [Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Mỹ] đã tiếp người đồng nhiệm Việt Nam, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ [Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng VN], tại Lầu Năm Góc. Ngoài ra, Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đang ráo riết đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương [TPP], một hiệp định tự do mậu dịch có lợi cho kinh tế đang tăng trưởng của Việt Nam.
Chuyến thăm viếng gần đây của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang làm rõ nét những nỗ lực của Chính quyền Mỹ trong việc hợp tác với Việt Nam. Vào cuối chuyến thăm viếng, ông Trương Tấn Sang đã đưa ra một thông cáo chung với Ông Obama mô tả chi tiết việc thiết lập Quan hệ đối tác Toàn diện Mỹ-Việt nhằm tạo một khuôn khổ để đẩy mạnh quan hệ hai nước. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear gọi cuộc thăm viếng này là một thành công và cho biết thêm rằng nhiều cuộc họp giữa quan chức hai nước sẽ được tổ chức trong năm nay.
Tuy nhiên, vấn đề cải tổ chính trị và nhân quyền có tiềm năng cản trở, nếu không làm tiêu tan, những hi vọng của Chính quyền Mỹ về việc hợp tác với Việt Nam. Đối với nhiều quan chức Chính phủ Hoa Kỳ, những vấn đề này có thể phá vỡ mối quan hệ giữa hai nước. Trước khi Chủ tịch Trương Tấn Sang đến Mỹ, Tiểu ban châu Á và Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ đã mở một cuộc tường trình về quan hệ của Mỹ với Việt Nam, trong đó những vi phạm nhân quyền của Việt Nam đã cộm lên như một vấn đề trung tâm. Các thành viên của Tiểu ban này đã bày tỏ mối quan tâm về việc Chính phủ Việt Nam đàn áp các nhà tranh đấu nhân quyền và các lãnh đạo tôn giáo, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ phải tạo sức ép buộc Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và chế độ pháp trị.
Chủ tịch Ủy ban Hạ viện Steve Chabot đã đặt nghi vấn là liệu việc Chính quyền Obama chi ra một ngân quĩ cho việc phát triển quân sự tại Việt Nam có phải là một cách sử dụng khôn ngoan tiền thuế của dân Mỹ hay không. Ông tuyên bố thêm rằng, một quan hệ liên tục của Mỹ với Việt Nam là khó biện minh, cho đến khi nào nước này chịu “thực hiện những cải tổ thích đáng và chứng tỏ cam kết tôn trọng những quyền cơ bản của người dân”.
Tiểu ban này ghi nhận rằng, nếu và khi các cuộc đàm phán TPP đạt được thỏa thuận cuối cùng, Quốc hội còn phải phê chuẩn chúng, và họ sẽ duyệt xét rất kỹ lưỡng chỉ vì các vi phạm nhân quyền của Việt Nam. Dân biểu Dana Rohrabacker bày tỏ mối quan tâm bằng cách khuyến cáo Hoa Kỳ không nên tiếp sức cho “Chính phủ Việt Nam đàn áp dân chúng”.
Việc làm luật đang được xúc tiến tại Quốc hội Mỹ có thể cản trở Hoa Kỳ hợp tác với Việt Nam. Trong một phiên họp duyệt xét và tranh luận dự luật [mark-up session] vào ngày 27 tháng Sáu, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã thông qua dự luật H.R. 1897, một dự luật được dân biểu cả hai đảng đề xuất nhằm đẩy mạnh dân chủ và tự do tại Việt Nam. Ủy ban này cũng lưu ý rằng việc Việt Nam đẩy lùi các bảo vệ nhân quyền, dân chủ, và tự do báo chí có thể chặn đứng việc Mỹ hợp tác với Việt Nam, bất chấp cả tầm quan trọng địa chiến lược của nước này.
Dự luật này ngăn cấm các viện trợ nằm ngoài lý do nhân đạo cho Việt Nam nếu Chính phủ này không chịu cải thiện lối ứng xử đối với các tù nhân chính trị và tôn giáo. Trong phiên họp duyệt xét và tranh luận dự luật, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã gọi dự này là một “thông điệp có răng” [message with teeth] gửi đến Chính phủ Việt Nam.
Bất chấp các quan tâm về vấn đề nhân quyền và cải tổ chính trị được nêu lên trong chuyến viếng thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Việt Nam có vẻ không muốn cải thiện tình hình. Gần đây, Chính phủ Việt Nam thông qua một đạo luật [Nghị định 72] có tiềm năng hạn chế bất đồng chính kiến trên Internet. Sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã lên án nghị định này, gọi nó là “không phù hợp với các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, cũng như với các cam kết của Việt Nam theo Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền”.
Chính quyền Obama thấy rõ các trở ngại tiềm năng này. Họ cũng quan tâm về những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Năm 2010, Hillary Clinton, trong chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao, đã cảnh báo rằng Việt Nam cần phải cải thiện hồ sơ nhân quyền của mình. Joseph Yun, lúc bấy giờ là Quyền Trợ lý Bộ trưởng tại Phòng Sự vụ Đông Á và Thái Bình Dương, hiện đang được đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Malaysia, đã báo cáo với Quốc hội Hoa Kỳ rằng Chính quyền Obama đã cho Việt Nam biết việc nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt sẽ gặp khó khăn nếu Việt Nam không cải thiện việc tôn trọng nhân quyền.
Mặc dù cùng chia sẻ những mối quan tâm nói trên, nhưng Chính quyền Obama và Quốc hội Mỹ hình như có hai ngưỡng chấp nhận khác nhau [different acceptability thresholds] đối với việc phát triển quan hệ Mỹ-Việt. Chính quyền Obama, vì bận tâm hơn với an ninh quốc gia và các liên minh quân sự khu vực, có vẻ muốn đặt tình hình nhân quyền và chính trị tại Việt Nam ở một tầm quan trọng thấp hơn tiêu chuẩn của các đại biểu Quốc hội Mỹ, là những chính trị gia đang chịu nhiều sức ép của cử tri, nhất là người Mỹ gốc Việt. Trước khi Chính quyền tiếp tục quan hệ đối tác Mỹ-Việt hay đưa ra các cam kết với Việt Nam, trước hết Tổng thống phải có sự hợp tác của Quốc hội để đảm bảo rằng chính sách đối ngoại của ông sẽ không gặp sự chống đối từ trong nước.
R. M.
Ryan McClure là một luật sư và là một blogger về chính sách đối ngoại. Bạn đọc có thể theo dõi ông trên Twitter@The BambooC.
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.