TPP, kinh tế Abe và chiến lược xoay trục hướng về châu Á của Mỹ

Andre SteinMiro Vassilev, The Diplomat, 06 tháng Tám 2013

Trần Ngọc Cư dịch

Các cuộc đàm phán TPP là rất quan trọng đối với tương lai Nhật Bản và chính sách châu Á của Mỹ. Nhiều người tranh luận rằng việc Nhật Bản tham gia các cuộc thương thuyết về hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) là biến cố quan trọng nhất trong quan hệ của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong vòng một thập niên nay. Sự thể cũng chỉ vì tính bền vững của quyền lực chiến lược lâu dài của Mỹ tại châu Á và những nỗ lực vực dậy nền kinh tế Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe hoàn toàn nương tựa vào nhau. Nếu không có một Nhật Bản vươn dậy lại trong mặt trận kinh tế, thì châu Á ngày càng bị hút khỏi từ trường của Mỹ và dần dần đi vào quĩ đạo kinh tế và chiến lược của Trung Quốc. Chính sách xoay trục chiến lược hướng về châu Á của Washington sẽ không kiện toàn nếu không có một TPP được Nhật Bản tiếp sức – TPP vừa hỗ trợ một liên minh chính trị an ninh châu Á-Thái Bình Dương hiện đang phát triển, vừa đóng vai trò một hiệp định ngăn chặn Trung Quốc về mặt kinh tế.

Nếu ngày trước Liên Xô đã dựa vào kho vũ khí khổng lồ để duy trì quyền lực bao nhiêu, thì ngày nay thanh thế của Trung Quốc cũng dựa vào sức mạnh khống chế của nền kinh tế của nó bấy nhiêu. Cho đến nay, một cách tương đối, Hoa Kỳ không có đủ những đòn bẫy kinh tế trong chiến lược chuyển trục hướng về châu Á của mình, ngoại trừ các hiệp định tự do mậu dịch (FTA) với một số nước bạn trung kiên nhất: Australia, Singapore và Hàn Quốc. Thay vào đó, Hoa Kỳ đã tập trung chủ yếu vào các nỗ lực chính trị và quân sự, hoặc bằng cách cải thiện quan hệ vốn lạnh nhạt với các nước cựu thù như Việt Nam hoặc triển khai thêm các lực lượng tên lửa đạn đạo phòng thủ khu vực. Nếu được thực hiện, Hiệp định TPP gồm có Nhật Bản sẽ lấp khoảng hở kinh tế này trong chính sách châu Á của Mỹ bằng cách gia tăng các luồng mậu dịch giữa các nước thành viên, làm giảm bớt sự lệ thuộc của họ vào Trung Quốc và nhờ thế tăng cường địa vị kinh tế của họ trước người láng giềng khổng lồ. Điều quan trọng là, việc gia nhập TPP của Nhật Bản trong vai vế là một nền kinh tế lớn nhất châu Á sẽ làm gia tăng gấp bội các hiệu ứng mạng lưới kinh tế của hiệp định này. Nó còn đưa Hoa Kỳ trở lại sân banh tự do mậu dịch trong bối cảnh Trung Quốc đã ký kết, hay đang theo đuổi, các hiệp định tự do mậu dịch (FTA) với một số nước thành viên TPP gồm Singapore, Australia, New Zealand và Chile.

Hiệp định TPP còn bổ túc những quan hệ an ninh của Washington. Các nước TPP đa phần là những đồng minh quân sự thân cận của Mỹ cùng chia sẻ những mối quan ngại về – và thường đứng mũi chịu sào trước – những thách thức hung hăng của Trung Quốc ở trong khu vực. Việc Nhật Bản lệ thuộc vào những tuyến đường biển để nhập khẩu dầu lửa tạo ra một điểm tựa cho những nỗ lực kết hợp [coordinated efforts] liên quan đến các chính sách năng lượng và an ninh khu vực, trong đó có việc làm cùn nhụt những âm mưu hiện nay của Trung Quốc trong việc hù dọa các thành viên TPP bằng các tuyên bố chủ quyền trên biển và dầu khí nằm dưới đáy biển.

Chiến lược châu Á của Mỹ dựa vào tiến trình làm trẻ trung lại nền kinh tế Nhật Bản, một tiến trình vốn dựa vào chương trình kinh tế ba mũi của Abe. Hai yếu tố đầu của kinh tế Abe, ngân sách và tiền tệ, đã được lên kế hoạch và sẵn sàng xúc tiến trong một tương lai có thể thấy trước. Đây là chuyện dễ trong chính sách kinh tế – cho bệnh nhân nếm vị ngọt trước khi uống thuốc đắng. Việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ồ ạt hạ lãi suất đồng thời cho lưu hành thêm tiền như một biện pháp kích thích kinh tế [monetary easing](mạnh tay hơn cả Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ) và những dự kiến về việc chi tiêu thâm thủng ở mức kỷ lục và về nạn lạm phát trong thời gian tới là những liều caféin đầu tiên kích thích nền kinh tế Nhật Bản. Cũng như uống một lúc hai ly expresso khi bụng đói, sự kích thích của cà phê lúc đầu là rất mạnh, nhưng sau cùng sẽ loãng đi. Đó là lý do vì sao Abe có dự định thực hiện cải tổ cơ cấu trong nước để vĩnh viễn đánh thức Nhật Bản ra khỏi giấc nồng kinh tế [economic slumber] đã kéo dài hai thập niên nay.

Về mặt chính trị, Abe đang dựa vào những cuộc đàm phán TPP như một phương tiện thúc đẩy nghị trình cải tổ cơ cấu này. Chính sách trung tâm của những cải tổ này là tăng cường sức cạnh tranh và lấy lại lợi thế của ngành xuất khẩu Nhật Bản. TPP sẽ dẫn đến việc cắt giảm chi phí đối với hàng nhập khẩu, gia tăng khả năng tiếp cận khu vực của hàng xuất khẩu Nhật Bản và giảm bớt sự lệ thuộc của Nhật Bản vào quan hệ mậu dịch với Trung Quốc. Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh xuất khẩu, chính phủ Nhật Bản phải thực hiện thành công những nỗ lực nội bộ xung khắc nhau, gồm việc tăng thuế suất tiêu thụ, nâng cao số người tham gia lực lượng lao động, giảm giá điện thông qua việc nới lỏng các luật lệ điều tiết hoạt động kinh tế, và khuyến khích vốn trực tiếp đầu tư nước ngoài. Thử thách lớn nhất đối với Thủ tướng Abe là cắt giảm những rào cản thuế quan và phi thuế quan của Nhật Bản đối với những nông phẩm chính như gạo chẳng hạn, nếu xét đến cơ sở cử tri nông thôn của Đảng Dân chủ Tự do và sự chống đối trong nội bộ đảng về vấn đề này. Điều không đáng ngạc nhiên là, Abe đã đưa ra chỉ dấu cho thấy rằng ông sẽ tiếp tục bảo hộ mậu dịch một phần nào cho những khu vực nông nghiệp chủ yếu, nhằm thuyết phục các đại biểu Quốc hội trong đảng ông hậu thuẫn những chương trình khác trong nghị trình của ông.

Chính trị nội bộ Nhật Bản sẽ ngày càng có khả năng quyết định sự thành công hay thất bại của Hiệp định TPP. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ và đồng minh, mặc dù ý thức về quyền lợi kinh tế của quốc gia mình, cũng nên thể hiện mọi nỗ lực để hậu thuẫn Abe trong chương trình cải tổ của ông. Họ nên cho phép Nhật Bản từ từ giảm thuế quan nông nghiệp qua một thời gian dài – sự dễ dãi này sẽ khuyến khích việc cải tổ dài hạn của nông nghiệp Nhật Bản, đồng thời ngăn chặn một cuộc nổi dậy đồng loạt trong nội bộ Đảng Dân chủ Tự do, vì đây là một phản ứng có thể chấm dứt sự tham gia của Nhật Bản vào Hiệp định TPP. Duy trì một thái độ im lặng có tính xây dựng [a constructive silence] về việc giảm giá đồng yen, đặc biệt trong cái ẩn số to tướng của thời hậu Bernanke, cũng sẽ là một cách hỗ trợ ngành xuất khẩu Nhật Bản và có chức năng một loại thuốc giảm đau khi cơn nhức nhối của những cải tổ cơ cấu bột phát.

Sự thất bại của kinh tế Abe, kéo theo những cải tổ cơ cấu được thúc đẩy bởi các cuộc đàm phán TPP của Nhật Bản, có khả năng đặt ra những nguy cơ an ninh nghiêm trọng toàn cầu. Nếu Abe thất bại trên những vấn đề quốc nội, các chương trình cải tổ cơ cấu sẽ khựng lại và cùng với chúng, mọi hi vọng phục hồi kinh tế Nhật Bản sẽ tiêu tan. Có hai kịch bản đáng lo ngại – cả hai đều bất lợi cho Nhật Bản lẫn đồng minh. Một là, nếu không thực hiện được các cải tổ, chương trình đồ sộ của Abe vừa giảm lãi suất vừa in thêm tiền, kết hợp với việc kích thích kinh tế táo bạo bằng chi tiêu thâm thủng, có thể dẫn đến đình phát [stagflation], một sự kết hợp đáng sợ gồm lạm phát cao, tăng trưởng kinh tế khựng lại và số người thất nghiệp gia tăng.

Hai là, với núi nợ khổng lồ của Nhật Bản ở mức 230% GDP, nếu lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật bản chỉ tăng thêm 2%, thì các chi phí để phục vụ cho núi nợ này sẽ lên tới 100% ngân sách chính phủ. Kịch bản này là một khả năng rất thật, căn cứ vào các thâm thủng mậu dịch triền miên và tăng trưởng trì trệ của kinh tế Nhật Bản. Trong khả năng xấu nhất, tình trạng này có thể dẫn đến việc bán tháo trái phiếu Nhật Bản – khi chúng mất đi tư thế là nơi cất giữ an toàn cho giới đầu tư nước ngoài, trong khi số người Nhật bỏ tiền vào các quĩ tiết kiệm thì ngày càng giảm đi, không đủ sức lấp chỗ thiếu hụt. Một trong hai kịch bản này sẽ đẩy Nhật Bản đến chỗ vỡ nợ, tạo ra nhiều di lụy rộng lớn, thậm chí có thể làm lu mờ cuộc khủng hoảng của đồng euro hiện nay, đừng nói chi đến việc làm sụp đổ các cuộc đàm phán TPP. Khả năng xấu nhất là, một nước Nhật Bản tuyệt vọng về kinh tế có khả năng chỉ biết hướng nội với một thứ chủ nghĩa dân tộc cực kỳ độc hại, đồng thời rơi vào vòng tay Trung Quốc một cách bẽ bàng, hoàn toàn phá vỡ chiến lược châu Á của Mỹ.

A. S. & M. V.

Andre Stein và Miro Vassilev là những nhân vật chính của Công ty Cryptos Global Investments, một Quĩ Vĩ mô Toàn cầu có trụ sở tại New York. Stein còn là nhà nghiên cứu tại Foreign Policy Initiative, New York, và Vassilev là nhà nghiên cứu tại Truman National Security Project. 

Nguồn: http://thediplomat.com/2013/08/06/the-tpp-abenomics-and-americas-asia-pivot/?all=true

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.