Hai tiểu đoạn về Tướng Trần Độ

1. Người không chịu im lặng 

Trông bề ngoài ông Trần Độ không có vẻ một vị tướng mặc dù ông đã từng đi qua suốt hai cuộc chiến tranh và làm chính ủy những đơn vị lớn. Có lẽ do ông là tướng chính trị và những năm gần đây ông lại chuyên làm công tác chính trị và văn hóa văn nghệ. Ông đã gần bảy mươi, nói năng chậm rãi nhưng có trí nhớ rất tốt và ông có thể kể liên miên chuyện này chuyện khác xảy ra từ hàng mấy chục năm qua. Chỉ cần hỏi ông một câu là ông có thể trả lời hàng giờ liền, với những dữ kiện và phân tích rất sắc sảo. Nói chuyện với ông cũng thú vị vì được nghe nhiều điều mới lạ và bổ ích.

Tôi mới quen ông nhưng có lẽ Bùi Minh Quốc đã biết ông từ xưa. Hồi chúng tôi tổ chức đại hội thành lập hội văn nghệ, chúng tôi mời ông và ông đã từ Hà Nội cất công vào tham dự và dành thời gian giới thiệu nghị quyết về văn hóa văn nghệ của Trung ương. Lúc đó ông đang phụ trách lãnh vực này và chính ông là tác gỉa soạn dự thảo nghị quyết, một nghị quyết tiến bộ nhất của Trung ương về văn hóa văn nghệ từ trước đến nay. Tuy nhiên chẳng bao lâu nghị quyết đó và cả chính bản thân ông cũng bị vô hiệu hóa vì nghị quyết đã phê phán đảng quá nặng nề, đòi hỏi đảng quá nhiều, bớt quyền lực của đảng trong khi tăng cường tự do dân chủ cho văn nghệ sĩ trong lãnh vực sáng tác. Người ta cho ông là hữu khuynh, làm yếu đi vai trò lãnh đạo của đảng. Đảng phải lãnh đạo triệt để, toàn diện và tuyệt đối mặc dù đôi khi có nhiều”ông đản” chẳng hiểu gì về lãnh vực mình đang lãnh đạo. Trong văn nghệ đã có biết bao trường hợp một tác phẩm, một tác gỉa bị cấm, bị trù dập vì bị một ông lãnh đạo nào đó phê phán dù ông này chẳng bao giờ đọc tác phẩm mà chỉ nghe qua ý kiến người lái xe hay ai đó nói. Ông tướng Trần Độ đã kịch liệt phê phán tình hình đó và rất được anh em văn nghệ sĩ đồng tình ủng hộ.

Điều này chính lại là một mối lo cho Trung ương nên dần dần ông đã bị loại bớt ảnh hưởng, mất dần thế lực, mất luôn cả những chức vụ quan trọng trong đảng và quốc hội. Tôi còn nhớ hồi đó hội nghị tổng kết toàn quốc do Ban Văn hóa Văn nghệ triệu tập, mời đại biểu tất cả các Hội Văn nghệ địa phương về dự, phút chót đã bị đình hoãn vô thời hạn. Người ta sợ một cuộc gặp gỡ đông đảo các đại biểu văn nghệ tỉnh, thành ở Hà Nội sẽ gây nên một trận cuồng phong, nhất là sau khi đoàn văn nghệ Langbian của chúng tôi trong chuyến đi xuyên Việt đã gây sóng gió khắp các tỉnh miền Trung và Tây nguyên. Kể cũng tiếc vì chắc chắn hội nghị đó sẽ làm nên một cơn đại náo. Chúng tôi đã nhận giấy mời, chuẩn bị lên đường nhưng phút cuối nhận được thông báo hủy bỏ hội nghị. Không những thế, sau đó Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương do ông Trần Độ phụ trách cũng bị xóa sổ luôn, sát nhập vào ban khác, do người khác phụ trách. Đúng những người Cộng sản là bậc thầy về tổ chức. Chỉ cần một vài động tác kỹ thuật nhỏ là những người bị coi là nguy hiểm như tướng Trần Độ bị “knock out” ngay.

Có thể vì những kinh nghiệm đó mà sau này ông tỏ ra dè dặt. Có lần Hà Sĩ Phu và tôi nói chuyện với ông khá lâu về tình hình thời sự. Tôi hỏi ông ở Trung ương có thể có những cán bộ lãnh đạo cao cấp tuyên bố ra khỏi đảng như ở Liên xô thời cải tổ không và riêng ông, ông nghĩ như thế nào về điều này. Ông suy nghĩ rất lâu rồi nói: “Tôi cho là không có, còn riêng tôi, tôi chỉ có thể thôi không ra ứng cử ban chấp hành trung ương nhiệm kỳ tới. ” Quả thực sau đó ông không ứng cử hay dù ông có muốn ứng cử cũng không được. Chuyện này đều do tổ chức sắp xếp, không ai có thể tự ứng cử trong bộ máy dân chủ tập trung này được. Với tinh thần phản kháng cố hữu của mình, tôi nghĩ nhiều chuyện có thể làm khác đi nhưng thực tế không như thế. Quả thực tôi chưa hiểu nhiều về cộng sản mặc dù đã là đảng viên gần hai mươi năm trước khi bị khai trừ. Trong cơ chế và bộ máy này, mọi người đã bị điều kiện hóa. Những đảng viên kỳ cựu như Trần Độ, Nguyễn Hộ, Hồ Hiếu, Đỗ Trung Hiếu, khi có tư tưởng tự do, sớm muộn sẽ bị đào thải.

Từ khi thôi giữ các chức vụ quan trọng, thỉnh thoảng tướng Trần Độ vào Đà Lạt chơi, lần nào ông cũng nhắn chúng tôi, nhóm bốn người ở Đà Lạt, đến gặp nói chuyện. Chúng tôi nói chuyện không có chủ ý gì, chỉ cốt thông tin cho nhau và bày tỏ suy nghĩ về những vấn đề thời sự. Có lẽ ông có nhu cầu được trao đổi thoải mái với những người có tự do tư tưởng như chúng tôi, cũng là một kiểu “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Đôi khi tôi nghĩ có thể ông có dụng ý gì chăng nhưng qua mấy lần gặp gỡ thấy ông quả không có chủ ý gì. Chúng tôi nói đủ mọi chuyện tùy hứng. Ông cũng hay kể lại những kỷ niệm xưa trong quá trình hoạt chính trị và văn hóa văn nghệ của mình. Nói chung chúng tôi trao đổi cởi mở và thoải mái, không e dè giữ ý.

Thường ông ở lại nhà nghỉ của Việt Nga. Hình như ông có mối quan hệ thân thiết với thân phụ Việt Nga và chị đối xử với ông như người chú trong gia đình. Việt Nga là một chủ nhà hiếu khách, lại có điều kiện nhà nghỉ nên chúng tôi gặp gỡ ở đây thoải mái. Sau này chúng tôi biết mỗi lần tướng Trần Độ đến Đà Lạt gặp chúng tôi đều bị công an theo dõi giám sát nhưng chúng tôi phớt lờ, vẫn gặp gỡ trò chuyện bình thường.

Gần đây sức khỏe của ông kém hẳn. Ông bị bệnh tiểu đường làm cụt một ngón chân cái và tiếp tục bị hoại thư nên lúc nào cũng phải băng chân, đi cà nhắc và chống gậy. Mắt ông tự dưng mờ đi không đọc được sách báo, phải nhờ người khác đọc. Ông bảo nghe radio cũng không thể tìm đài nên nhờ người nhà dò sẵn vị trí các đài thích nghe, đến giờ ông chỉ việc bật máy lên. Trong hoàn cảnh đó tưởng ông suy sụp, nào ngờ tư tưởng ông lại phấn chấn lên. Ông viết mấy bài ngắn gởi cho Trung ương Đảng để bày tỏ quan điểm của mình về đảng và về tình hình đất nước một cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn bao giờ đã gây tiếng vang chấn động trong đảng, trong và ngoài nước. Có thể ông nghĩ mình chẳng còn gì để phải sợ hãi và phải làm nốt những gì cần làm trong giai đoạn cuối của cuộc đời. Điều này làm tôi quý ông dù trước đây có lúc tôi đã hơi thất vọng về ông. Tôi đã nghĩ ông có thể làm được nhiều hơn nhưng ông đã không làm. Suy nghĩ của tôi thật quá chủ quan.

Lần mới đây nhất khi lên Đà Lạt, mặc dù đi lại rất khó khăn, ông Trần Độ đã nhờ người đưa tới thăm tôi. Đây là lần đầu tiên ông đến nhà tôi. Cuộc nói chuyện của ông lần này có nhiều ngụ ý. Ông kể chuyện ở Hà Nội hình như mới đây ông bị giăng bẫy. Ông nhận được nhiều tài liệu chống đối nhà cầm quyền gởi qua đường bưu điện. Một vài người quen cũ, không thân lắm, lâu ngày không gặp, bỗng dưng đến rủ ông tham gia vào một tổ chức nghiên cứu gì đó phê phán chủ nghĩa Mác-Lênin. Ông đã từ chối thẳng thừng. Ông khuyên tôi nên hết sức thận trọng về những việc liên quan đến pháp luật. Hình như ông cảm thấy có cái gì đó đang đe dọa chúng tôi nhưng ông không nói thẳng. Ông còn đề nghị tôi suy nghĩ viết bài về công nghiệp hóa, hiện đại hóa là vấn đề mà nhiều trí thức ở Hà Nội đang chú ý nghiên cứu. Tôi cảm thấy ông chân thành và có sự quan tâm đặc biệt đối với tôi.

Ít lâu sau, tôi thấy ông xuất hiện trên truyền hình trong một buổi lễ, ông được trao huân chương cao quý gì đó, có vẻ hơi buồn bã. Tôi biết đây cũng là một cách làm cho ông im lặng. Nhưng tôi tin rằng người như ông không chịu im lặng khi chưa nói hết ra những điều tâm huyết của mình trong những ngày tháng cuối của đời dù cho phải trả gía đắt.

 2. Dấu hỏi về một nhân vật

Mấy năm gần đây, mỗi lần lên Đà Lạt, tướng Trần Độ thường đi với một người hơi kỳ lạ tên là TCĐ[1]. Ông khá cao lớn, nổi bật với chiếc đầu to kỳ lạ. Trên đầu ông cái gì cũng như quá khổ. Trán cao và hói lên tận đỉnh đầu, mắt lộ với đôi mày rậm, chiếc mũi dài với cánh mũi nở lớn, miệng rộng với hàm răng thưa và to. Thoạt nhìn ông khó có cảm tình.

Ngay từ đầu, tuy ông đi với tướng Trần Độ nhưng chúng tôi cũng cảnh giác vì ông là người lạ. Khi hỏi riêng, tướng Trần Độ cho biết ông TCĐ trước là thư ký của một cán bộ lãnh đạo cao cấp nổi tiếng – nguyên trí thức miền Nam đi theo cách mạng, nay ông CĐ chuyển sang làm kinh tế, không có vấn đề gì, có thể tin cậy được. Tuy chúng tôi không có gì bí mật bàn bạc với tướng Trần Độ mà chỉ nói những chuyện chung chung nhưng hầu như ai cũng có ý nghĩ cần phải cảnh giác với nhân vật hơi lạ lùng này.

Ông TCĐ thường đưa tướng Trần Độ từ Sài Gòn lên bằng xe riêng của mình và lo hết mọi chi phí ăn ở. Ông đang là cố vấn cho một công ty lớn do vợ ông làm giám đốc. Đây là một công ty tư vấn đầu tư, kiêm dịch vụ du lịch và nhiều hoạt động khác, có đội xe hàng trăm chiếc. Nghe nói công ty có chi nhánh ở nhiều tỉnh và cả văn phòng đại diện ở nước ngoài. Ông CĐ tuy danh nghĩa là cố vấn nhưng thực chất điều hành mọi hoạt động của công ty. Mỗi lần đưa tướng Trần Độ lên Đà Lạt, ông thường cùng đi với bà vợ và cô thư ký, chắc là để vừa đi chơi, vừa kết hợp công tác. Tôi thấy ông nhận fax và trả lời điện thoại liên tục. Chắc công việc làm ăn của công ty ông cũng khấm khá.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi biết ông CĐ hồi còn ở Hà Nội đã chủ trì làm kinh tế cho một cơ quan Trung ương, nơi ông làm thư ký cho người lãnh đạo cao cấp, không hiểu vi phạm gì mà đã hai lần ở tù. Bây giờ ông ra ngoài kinh doanh với tư cách tư nhân. Quá trình đó và quy mô kinh doanh của ông hiện nay, cộng với sự gần gũi với tướng Trần Độ đã làm chúng tôi thắc mắc. Tuy nhiên chúng tôi vẫn bảo nhau mình chẳng làm gì phi pháp nên không cần phải quá cảnh giác. Chúng tôi vẫn tiếp xúc với ông bình thường và nói chuyện với tướng Trần Độ khi có ông cũng không có gì dè dặt.

Ông CĐ tự giới thiệu đã từng làm báo, viết văn và cũng là một nhiếp ảnh gia chuyên về chân dung. Ông thường mang theo máy ảnh, hiệu gì đó có vẻ rất hiện đại. Mỗi lần chúng tôi họp mặt ông thường chụp hình chung và nhân đó chụp chân dung của từng chúng tôi. Chúng tôi nói đùa riêng với nhau là ông CĐ đã có đủ bộ sưu tập hình ảnh của chúng tôi để báo cáo cho Bộ Nội vụ. Ngoài bốn người chúng tôi ở Đà Lạt, có lần Trần Minh Thảo ở xa được báo lên dự gặp mặt cũng được chụp chân dung cẩn thận. Tuy nhiên chúng tôi nghĩ rằng Bộ Nội vụ muốn có ảnh của chúng tôi cũng đâu cần tới ông này vì không ai hoạt động gì bí mật và tất cả chúng tôi đều có hồ sơ trong ban tổ chức vì đã từng là cán bộ, đảng viên.

Ông CĐ tỏ ra hào phóng. Mỗi lần gặp mặt trò chuyện xong, ông thường mời tất cả đi ăn nhà hàng. Có lần ông đưa cả gia đình bà con đông đảo cùng đi, thuê phòng ở khách sạn Dinh 2, khách sạn thuộc loại sang trọng nhất ở đây, tổ chức ăn uống chiêu đãi như một đại tiệc. Ông còn giúp vợ Bùi Minh Quốc trong việc chào hàng búp bê len là một mặt hàng do chị sản xuất. Ông lấy cả trăm con, trả tiền trước và nói sẽ đưa đi giới thiệu ở các nơi ông có quan hệ làm ăn.

Ông CĐ còn có một cái thú mà chính ông nói ra. Đó là sưu tập bài viết của những nhân vật bất đồng chính kiến để làm tư liệu lịch sử. Ông khoe đã có phần lớn bài viết của chúng tôi và nhiều người khác đăng trên các báo nước ngoài. Mỗi lần gặp ông đều hỏi thăm ai có bài gì mới cho ông xin để đưa vào bộ sưu tập. Chúng tôi lại cười riêng với nhau chắc ông CĐ muốn có một hồ sơ đầy đủ để báo cáo. Nhưng chúng tôi viết bài và phổ biến công khai với tên họ, địa chỉ đầy đủ, đâu cần dấu giếm ai.

Không phải chỉ có thế. Thỉnh thoảng ông CĐ còn cung cấp cho chúng tôi một vài tài liệu nước ngoài chống đối chế độ mà chúng tôi không có. Một lần ông thông báo sắp đi nước ngoài lo việc kinh doanh, ai cần gởi gì ông sẽ mang giúp. Đồng thời ông cũng đề nghị chúng tôi giới thiệu ông với những người phụ trách các đài, báo nước ngoài mà chúng tôi có quan hệ để ông tiếp xúc làm quen. Đến đây thì chúng tôi không đùa được nữa.

Rõ ràng là một ý đồ xuyên suốt. Tuy ông che dấu nhưng không qua được mắt chúng tôi. Mỗi lần chúng tôi gặp nhau riêng đều phân tích về trường hợp của ông. Vài lần ông đã bảo chúng tôi là khi ông cùng tướng Trần Độ gặp chúng tôi, ông cũng ngại và biết công an có thể theo dõi nên rất cảnh giác. Điều nói đó đối với chúng tôi là một thái độ che dấu không khôn ngoan lắm dưới cặp mắt quen phân tích suy luận của chúng tôi. Làm sao một người đã từng ở tù, đang làm kinh tế phát đạt, thích sưu tầm bài viết của những người bất đồng chính kiến, lại công nhiên đi với tướng Trần Độ gặp chúng tôi mà không ngại nếu không phải đã làm theo chỉ thị của ai đó. Một nguồn tin chưa xác minh cho biết hình như ông có dính líu đến một vài vụ bị bắt bớ của một số người bất đồng chính kiến ở Sài Gòn.

Dấu hỏi về ông TCĐ đã rõ dần. Chúng tôi đã gián tiếp cảnh báo tướng Trần Độ nhưng ông hình như không quan tâm lắm. Dấu hỏi này chắc chắn một ngày nào đó sẽ có lời đáp.

(Trích trong tác phẩm “Mảnh trời xanh trên thung lũng” viết năm 1996, Nhà Xuất bản Văn Mới, California, Hoa Kỳ in năm 2007).

T. D. B. C. 

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN 

 

[1]Tác giả cho biết đây không phải tên thật của người này, TCĐ có nghĩa là “Tên Chỉ điểm”.  Xin lưu ý: trong bài viết về Trần Độ trên Bauxite Vietnam ngày 9/8/2013, Hà Sĩ Phu có nhắc đến một nhân vật “họ Trình” với cô thư ký Ng. của gã luôn “gắn” với Tướng Trần Độ (Bauxite Vietnam).

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.