Nguyên bản: Inserate gegen den AKW-Export, Jan Knüsel – Asienspiegel 08/08/2013
http://asienspiegel.ch/2013/08/inserate-gegen-den-akw-export/
Dương Thạch (Save Vietnam’s Nature) dịch
08/08/2013 – Các tin tức mới nhất về nước mạch nhiễm phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima một lần nữa cho người ta thấy rõ những hậu quả của tai nạn hạt nhân vẫn chưa được giải trừ.
Báo 47news đưa tin theo một ước lượng mới nhất của chính phủ Nhật, mỗi ngày hơn 300 tấn nước mạch bị ô nhiễm tuôn ra đại dương. Công ty TEPCO không xác nhận con số này. Tuy nhiên tình hình nghiêm trọng đến độ chính phủ Nhật phải xử lý và đưa ra biện pháp cấp tốc là bơm nước mạch lên để lưu trữ trong các thùng chứa. Ngày nay người ta cho rằng việc xử lý hoàn toàn tai nạn hạt nhân sẽ kéo dài khoảng 40 năm với chi phí 11 tỷ đô la.
Mặc dù còn nhiều khó khăn chưa giải quyết được nhưng ngành công nghệ hạt nhân cố thúc đẩy việc tái hoạt động của 48 lò phản ứng trên toàn nước Nhật hiện đang đóng cửa. Trong khi đó chính phủ Tokyo hỗ trợ việc xuất khẩu công nghệ hạt nhân sang các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Jordan, Ấn Độ và Ả Rập Saudi.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, công ty hạt nhân Nhật Bản Mitsubishi sẽ tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Sinop, tại Việt Nam vào năm 2020 sẽ có hai nhà máy điện hạt nhân do Nhật Bản xây.
Sự chống đối của các nhà báo và nhà làm phim
Tuy nhiên ở Nhật không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận chính sách xuất khẩu nói trên. Days Japan (Những ngày Nhật Bản), một tạp chí ảnh độc lập Nhật Bản, trong ngày tưởng niệm Hiroshima đã có hành động đặc biệt là đăng quảng cáo chống điện hạt nhân trọn một trang trên báo Việt Nam tiếng Anh „Việt Nam News“.
“Vì những mối nguy hiểm to lớn không lường, nhân dân Nhật Bản chống đối việc xuất khẩu công nghệ hạt nhân của Nhật Bản” viết bằng chữ lớn, nền phía sau là ảnh một lò phản ứng bị hư hại nặng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Trong một đoạn văn ngắn gọn trên quảng cáo, Days Japan trình bày quan điểm của mình: “vì thảm họa hạt nhân, theo ước lượng 150.000 người vẫn còn phải sống tại nơi tạm trú, khoảng một nửa số học sinh tiểu học trong các làng chung quanh không được ra chơi ngoài sân“.
Quảng cáo nêu lên tình trạng ô nhiễm nước tại nhà máy điện hạt nhân cũng như các cuộc biểu tình chống điện hạt nhân thường xuyên trước cửa quốc hội Nhật và kết thúc bằng câu hỏi “Bạn có biết rõ mối nguy cơ điện hạt nhân sẽ cướp đi vĩnh viễn nơi cư ngụ thân yêu của bạn không?“.
Quảng cáo tại ba nước
Việc quảng cáo này được đăng là điều đáng ngạc nhiên vì báo chí Việt Nam thường bị kiểm duyệt nhất là khi nói đến những vấn đề trái ngược với quan điểm của chính phủ. Với số lượng nhỏ 20.000 ấn bản và Việt Nam News là một tờ báo tiếng Anh có thể là nguyên nhân đã để cho cơ quan nhà nước nhắm mắt làm ngơ.
Days Japan thực hiện chiến dịch quảng cáo này không những ở Việt Nam mà còn đăng quan điểm của mình trên các tờ báo tiếng Anh ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ.
Phê phán nghiêm khắc theo truyền thống
Từ khi thành lập vào năm 1988, tờ nguyệt san này luôn có những quan điểm phê phán nghiêm khắc về chiến tranh, môi trường, hậu quả tai nạn hạt nhân, bệnh liệt kháng (sida), nghèo đói cũng như nhân quyền. Tuy nhiên, lỗ lã và bất đồng với công ty mẹ Kodansha đã khiến tờ báo phải đình bản sau hai năm hoạt động.
Days Japan được hồi sinh năm 2004 với hình thức một tạp chí báo ảnh độc lập. Tổng biên tập hiện nay là Ryuichi Hirokawa 69 tuổi, người trước kia đã là một biên tập viên cùng để lại dấu ấn trong tờ báo. Ông cũng là người thường đăng những quảng cáo hết sức đặc biệt.
Một tài liệu chống xuất khẩu
Với cuốn phim tài liệu “Shinobiyoru Genpatsu” (*) (“Nhà máy điện hạt nhân đang thâm nhập”) nhà đạo diễn Shinsuke Nakai tham gia vào thành phần chống xuất khẩu điện hạt nhân. Trong cuốn phim, ông lồng vào một liên hệ nội dung từ Fukushima đến Việt Nam, nơi ông đã đến thăm một làng mà mai này sẽ có nhà máy điện hạt nhân xây dựng ở đó.
Cư dân ở đó hầu như không biết gì về hậu quả nghiêm trọng của tai nạn nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản. “Tai nạn hạt nhân đã đưa đến hệ quả là Nhật Bản sẽ không thể xây dựng thêm nhà máy điện hạt nhân nào trên đất nước Nhật. Để tồn tại, các công ty hạt nhân của chúng tôi đi ra nước ngoài. Bất chấp những gì sẽ xảy ra cho người dân ở Việt Nam?” ông Nakai chỉ trích như vậy trong một cuộc phỏng vấn.
Đối với ông Ryuichi Hirokawa của Days Japan, chiến dịch quảng cáo chống xuất cảng hạt nhân của ông nhằm tạo dựng được nhận thức về sự nguy hiểm của công nghệ hạt nhân. “Bổn phận của chúng tôi là nói với mọi người ở nước ngoài biết về sự phản kháng ở Nhật Bản. Ở đây một chiến lược xuất khẩu đang được thực hiện mặc dù nước chúng ta đã không thể xử lý hoàn toàn được cuộc khủng hoảng hạt nhân của mình“, Hirokawa nói với hãng thông tấn Kyodo.
*******************
Chú thích của người dịch:
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN