Hội thảo nhân kỷ niệm 10 năm Bàn Tròn Ba Lan tại Đại học Michigan, Hoa Kỳ
7-10/4/1999
Dịch giả: Nguyễn Quang A
LỜI GIỚI THIỆU CỦA DỊCH GIẢ
Bạn đọc cầm trên tay cuốn thứ hai mươi tư* của tủ sách SOS2, cuốn Bàn Tròn Ba Lan – Những Bài học. Đây là bản dịch của bản gỡ băng của Hội thảo được tổ chức từ ngày 7 đến 10 tháng 4 năm 1999, nhân kỷ niệm 10 năm của Bàn Tròn Ba Lan, tại Đại học Michigan, Hoa Kỳ.
Bạn đọc nào đã đọc cuốn thứ 14, Một năm Hội nghị Diên Hồng Hungary, về diễn biến Bàn Tròn Hungary mùa hè năm 1989, thì có thể thấy cuốn này là cuốn tương tự, nhưng rất khác về Bàn Tròn Ba Lan vào mùa xuân cùng năm, trước Bàn Tròn Hungary.
Bàn Tròn Ba Lan đã trở thành mô hình chuyển đổi từ hệ thống toàn trị sang hệ thống dân chủ. Nó đã được chuẩn bị từ cuối 1988 nhưng chính thức bắt đầu từ 6-2-1989 và kết thúc vào 4-4-1989 và các thỏa thuận được ký vào ngày 5-4-1989.
Nghiệp đoàn độc lập tự quản Đoàn kết là tổ chức nghiệp đoàn được thành lập một cách hợp pháp ngày 31-8-1980 do Lech Walesa cầm đầu. Cuối năm 1981 Đoàn kết đã có khoảng 10 triệu công đoàn viên.
13-12-1981 thiết quân luật đã được ban bố. Đoàn kết bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Các lãnh đạo của Đoàn kết bị giam giữ, bị bỏ tù. Đoàn kết trở thành phong trào hoạt động bí mật.
Tình hình kinh tế, xã hội của Ban Lan trong những năm ấy và những năm sau đó gặp rất nhiều khó khăn. Với sự trung gian của Giáo hội Công giáo Ba Lan, đã có các cuộc tiếp xúc bí mật và cuối cùng đã dẫn đến Bàn Tròn Ba Lan vào đầu năm 1989.
Phía Đoàn kết và phía Liên minh Chính phủ (Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan, Đảng Nông dân Thống nhất Ba Lan và Đảng Dân chủ Ba Lan cũng như Công đoàn thuộc phe Chính phủ) đã ngồi lại để đàm phán tìm lối ra cho Ba Lan. Mục đích của Đoàn Kết ban đầu đã chỉ là yêu cầu Chính phủ: (a) công nhận Đoàn kết; (b) tái hợp thức hóa Đoàn Kết; và (c) chấp nhận đa nguyên nghiệp đoàn.
Các cuộc đàm phán Bàn Tròn đã chia làm ba nhóm đàm phán chính: (a) nhóm cải cách chính trị; (b) nhóm đa nguyên nghiệp đoàn và đảng; và (c) nhóm các vấn đề kinh tế và xã hội.
Nội dung chính của các thỏa thuận Bàn Tròn đã là Sejm (Hạ Viện) theo hợp đồng, bầu cử một phần tự do: phe liên minh chiếm 65% ghế, phe Đoàn kết 35% số ghế; bầu cử Thượng viện hoàn toàn tự do; lập chế độ tổng thống (do Đảng Cộng sản nắm).
Các cuộc bầu cử ngày 4-6-1989 đã mang lại kết quả như đã thỏa thuận. Nhưng việc phe Đoàn kết chiếm toàn bộ Thượng Viện và toàn bộ 35% Hạ viện với số phiếu rất cao đã gây bất ngờ cho cả hai bên. Phía liên minh dù nắm 65% Hạ viện và Đại tướng Jaruzelski đã trở thành Tổng thống Ba Lan, nhưng đã không thể lập Chính phủ và cuối cùng Chính phủ không cộng sản đầu tiên đã được thành lập.
Đại học Michigan đã tổ chức hội thảo nhân dịp kỷ niệm 10 năm Bàn Tròn Ba Lan trong 4 ngày liền và các diễn giả được mời đã là các nhân vật lịch sử đã tham gia bàn tròn 10 năm trước đó, từ cả 2 phía và Giáo hội Công giáo Ba Lan. Nhiều vị cựu ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng, Bộ trưởng của Chính phủ cộng sản, các nhân vật chủ chốt của Đoàn Kết và các đại diện của Giáo hội đã được mời và trình bày nhận xét của họ về Bàn Tròn và để rút ra những bài học.
Hội thảo được chia là tám phiên họp: phiên khai mạc, phiên bế mạc và 6 phiên chuyên sâu về từng chủ đề lớn. Bản gỡ băng các bài phát biểu, các câu hỏi, các câu trả lời đã được Trung tâm Nga và Đông Âu của Đại học Michigan đưa lên trang web của mình. Và đây là bản dịch tiếng Việt của 8 phiên của Hội thảo đó.
Bàn Tròn Ba Lan đã ảnh hưởng lớn đến diễn biến của Bàn Tròn Hungary, đến diễn biến ở Tiệp Khắc, Đông Đức, thậm chí cả ở Rumani và chắc chắn đến những diễn biến tiếp theo ở Liên Xô và các nước thuộc Liên Xô trước đây. Nó cũng đã ảnh hưởng đến sự dàn xếp ở Nam Phi và thậm chí đến tình hình Myanmar vừa qua (xem diễn tiến của phiên thứ 7).
Có rất nhiều bài học có thể học được từ Bàn Tròn Ba Lan. Bài học lớn nhất là chỉ có con đường thỏa hiệp, đàm phán, bất bạo động mới dẫn đến dân chủ đích thực. Nếu tất cả các bên đều đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên hết, thì dẫu ghét nhau đến đâu, dẫu không tin cậy nhau đến đâu vẫn có thể đi đến thỏa thuận, đến thỏa hiệp, thông qua đàm phán, hòa giải, tôn trọng lẫn nhau.
Tôi nghĩ cuốn sách sẽ rất bổ ích cho tất cả các đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, cho tất cả những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam và hải ngoại và tất cả những người Việt Nam mong muốn đất nước chuyển từ chế độ toàn trị sang chế độ dân chủ.
Những người cộng sản Việt Nam, nếu họ thực lòng đặt lợi ích dân tộc, lợi ích của toàn dân Việt Nam, lợi ích của đất nước lên trên hết, như họ vẫn từng nói, họ có thể học được nhiều thứ từ Bàn Tròn Ba Lan và Bàn Tròn Hungary, cũng như diễn biến của các nước này và các nước hậu xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Họ vẫn có thể giữ được quyền lực chính trị, quyền lực văn hóa và quyền lực kinh tế trong sự phát triển của Việt Nam nếu họ chấp nhận từ bỏ độc quyền chính trị. Nếu Việt Nam trở thành một nước dân chủ thực sự, họ không phải sợ mất sổ hưu, không phải sợ bị trả thù, họ sẽ vẫn giữ được những thế mạnh cũng như danh tiếng về thành tựu lịch sử của mình, nếu có, và góp phần xứng đáng vào sự phát triển của Việt Nam (Họ có thể xem gương của Bí thư thứ nhất của Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan, Thủ tướng Rakowski, các cựu ủy viên Bộ Chính trị, Giáo sư Reykowski, đại sứ Ciosek, cựu Bộ trưởng cộng sản, đương kim Tổng thống Ba Lan lúc đó Kwasniewski, những người đã tham dự và phát biểu tại [nhiều] phiên của hội nghị này). Ngược lại, nếu họ khăng khăng đòi quyền lãnh đạo chính trị và không từ bỏ độc quyền, thì trước sau họ cũng bị lịch sử vứt vào sọt rác.
Bài học của Bàn Tròn Ba Lan cũng rất hữu ích đối với những người bất đồng chính kiến. Họ cũng phải từ bỏ đối đầu, từ bỏ bạo lực và đi đến thỏa thuận với chính quyền nếu họ thực sự vì đất nước. Họ có thể học được rất nhiều từ các lãnh tụ đối lập Ba Lan, như Michnik và những người khác của phe đối lập Ba Lan trong hội thảo này.
Giáo hội Công giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng như các giáo hội khác ở Việt Nam có thể học được nhiều bài học của Giáo hội Công giáo Ba Lan được trình bày trong hội thảo này.
Các nhà báo, các nhà văn, giới trí thức, học sinh, sinh viên và tất cả những ai quan tâm đến sự chuyển đổi hòa bình của Việt Nam từ chế độ toàn trị sang chế độ dân chủ đều có thể học được rất nhiều từ Bàn Tròn Ba Lan, từ hội nghị này.
Nội dung của các phiên hội thảo này quả thực hết sức hấp dẫn và tôi khuyên mọi người hãy bớt chút thời gian để đọc và suy ngẫm.
Trên trang mạng của Đại học Michigan, các tài liệu này có sẵn bằng tiếng Anh và tiếng Ba Lan. Tôi đã hết sức cố gắng để truyền tải chính xác nội dung nhưng do hiểu biết hạn chế nên bản dịch chắc chắn còn nhiều thiếu sót mong được bạn đọc, nhất là các bạn thành thạo tiếng Anh hoặc tiếng Ba Lan, góp ý và lượng thứ.
Hà Nội, 23-7-2013
Nguyễn Quang A
–––––––––––––––
Dịch giả Nguyễn Quang A gửi trực tiếp cho BVN
* Các quyển trước gồm:
- J. Kornai: Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường, Hội Tin học Việt Nam 2001, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin (NXB VHTT) 2002; Con đường dẫn tới nền kinh tế tự do (NXB Tri thức. 2007)
- J. Kornai: Hệ thống Xã hội chủ nghĩa, NXB Văn hoá Thông tin 2002
- J. Kornai- K. Eggleston: Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, NXB VHTT 2002
- 4. G. Soros: Giả kim thuật tài chính
- H. de Soto: Sự bí ẩn của tư bản, NXB Chính trị Quốc gia, 2006 [Sự bí ẩn của Vốn]
- 6. J. E. Stiglitz: Chủ nghĩa xã hội đi về đâu?
- 7. F.A. Hayek: Con đường dẫn tới chế độ nông nô
- G. Soros: Xã hội Mở
- 9. K. Popper: Sự Khốn cùng của Chủ nghĩa lịch sử
- K. Popper: Xã hội mở và những kẻ thù của nó, I, Plato
- K. Popper: Xã hội mở và những kẻ thù của nó, II, Hegel và Marx
- 12. Thomas S. Kuhn: Cấu trúc của các cuộc Cách mạng Khoa học
- Thomas L. Friedman: Thế giới phẳng, Nhà xuất bản Trẻ, 2006
- Một năm Hội nghị Diên Hồng Hungary do Nguyễn Quang A tuyển, dịch, biên soạn
- Kornai János: Bằng Sức mạnh Tư duy, tiểu sử tự thuật đặc biệt, NXB Thanh Hóa, 2008
- Kornai János: Lịch sử và những bài học, NXB Tri thức, 2007
- Peter Drucker: Xã hội tri thức, Quản lý, Kinh doanh, Xã hội và Nhà nước, tập tiểu luận
- Murray Rothabrd: Luân lý của tự do
- Amartya Sen: Tư tưởng về công bằng, sắp xuất bản
- Kornai János: Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, dân chủ và thay đổi hệ thống, sắp xuất bản
- Kornai János: Các ý tưởng về chủ nghĩa tư bản, NXB Thời Đại, 2012.
- Robert Kagan: Thế giới mà Mỹ tạo ra, 2012
- Daron Acemoglu, James A. Robinson: Vì sao các Quốc gia Thất bại, 2012 (NXB Trẻ có bản dịch khác được xuất bản năm 2013)