Y án với anh em Đoàn Văn Vươn

Tòa phúc thẩm tại Hải Phòng giữ nguyên án tù với anh em ông Đoàn Văn Vươn, tuy giảm án cho hai người khác.

Tòa sơ thẩm đã tuyên bố anh em ông Vươn phạm tội ‘Giết người’

Chiều ngày 30/7, tòa bác đơn kháng cáo của ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, bà Nguyễn Thị Thương và Phạm Thị Báu, giữ nguyên bản án sơ thẩm với các bị cáo này.

Như vậy, ông Vươn và Quý bị tuyên phạt 5 năm tù; bà Phạm Thị Báu bị tuyên phạt 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; bà Nguyễn Thị Thương bị tuyên phạt 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Ông Đoàn Văn Sinh được giảm 9 tháng, còn 2 năm 9 tháng tù, và ông Đoàn Văn Vệ được giảm 5 tháng, còn 19 tháng tù giam.

Quyết tâm giết người?

Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng Tư, hai anh em Vươn-Quý bị tuyên bố là có tội ‘Giết người’ với bản án 5 năm tù; Đoàn Văn Sịnh, anh ông Vươn, 3 năm rưỡi; Đoàn Văn Vệ, cháu ông Vươn, 2 năm trong khi hai người vợ của ông Vươn và Quý nhận 15 tháng tù treo vì tội ‘Chống người thi hành công vụ’.

Lập luận của Viện Kiểm sát để đề nghị không giảm án là vì ‘các bị cáo mong muốn và quyết tâm thực hiện hành vi giết người’ và chỉ với may mắn ‘hậu quả giết người không xảy ra’ và ‘nằm ngoài mong muốn của các bị cáo’, theo tường thuật của báo Người Lao Động.

“Hành vi của các bị cáo là hết sức quyết liệt để chống lại đoàn cưỡng chế, dùng mìn tự tạo, súng bắn đạn hoa cải, rải rơm rạ để dùng xăng đốt, có ý chống lại đến cùng.”

Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Cáo trạng nêu rõ hành động của gia đình ông Vươn tấn công vào lực lượng cưỡng chế tại khu đầm tôm của gia đình tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng hôm 5/1 năm 2012 là có bàn bạc, lên kế hoạch và chuẩn bị từ trước.

Theo cáo trạng thì nhà họ Đoàn đã dàn trận bằng cách dựng rào chắn, gài mìn rồi đặt bình gas lên trên với ý định kích cho mìn nổ để làm nổ bình gas. Tuy nhiên, mìn nổ nhưng bình gas lại không nổ.

“Hành vi của các bị cáo là hết sức quyết liệt để chống lại đoàn cưỡng chế, dùng mìn tự tạo, súng bắn đạn hoa cải, rải rơm rạ để dùng xăng đốt, có ý chống lại đến cùng”, bản luận tội nêu.

“Các bị cáo cũng nhận thức được việc sử dụng vũ khí súng, mìn tự tạo trên có thể gây nguy hiểm đến người khác và người trong nhà nên tiến hành đưa tài sản, người thân đi chỗ khác trước khi đoàn cưỡng chế đến”.

Báo mạng VietnamNet cũng dẫn cáo trạng nói rằng lực lượng cưỡng chế chỉ ‘thực thi công vụ’ và ‘không có bất kỳ hành vi nào xâm hại đến lợi ích, sức khỏe của các bị cáo’ để bác lại lập luận ‘phòng vệ chính đáng’ của các bị cáo.

Phòng vệ chính đáng?

Ông Vươn một mực khẳng định rằng mình không ‘giết người’ (Ảnh chụp màn hình)

Tuy nhiên trước tòa anh em ông Đoàn Văn Vươn đã kêu oan rằng họ ‘không hề có ý định giết người’.

Báo Thanh Niên dẫn lời ông Vươn nói tại tòa rằng mục đích việc làm phản kháng của gia đình ông là ‘tạo tiếng vang’ để thu hút sự chú ý của chính quyền trung ương về vụ việc chứ không phải nhằm ‘giết người’.

“Bị cáo đã yêu cầu chú Quý khi dùng súng hoa cải không được dùng đạn bắn thú và bắn cá, mà phải dùng đạn bắn chim, loại nhỏ hơn, mà phải bắn khoảng 20 mét trở ra, vì nếu bắn gần và dùng đạn cỡ lớn sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bị bắn”, Thanh Niên dẫn lời ông Vươn nói.

Lời khai của ông Vươn trước tòa được ông Quý khẳng định: “Khi có quyết định cưỡng chế, anh Vươn có nói với bị cáo thế này thì bị mất trắng rồi, phải gây tiếng nổ để tố cáo với Trung ương”, cũng báo Thanh Niên dẫn lời ông Quý nói trước tòa.

“Bị cáo đã yêu cầu chú Quý khi dùng súng hoa cải không được dùng đạn bắn thú và bắn cá, mà phải dùng đạn bắn chim, loại nhỏ hơn, mà phải bắn khoảng 20 mét trở ra, vì nếu bắn gần và dùng đạn cỡ lớn sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bị bắn”.

Đoàn Văn Vươn khai trước tòa

“Anh Vươn dặn chỉ được dùng súng hoa cải, không được dùng súng quân dụng, đạn thì chỉ dùng đạn bắn chim là đạn nhỏ, không được dùng đạn bắn thú”.

Còn các luật sư biện hộ cho bị cáo thì nghi ngờ về kết quả giám định tang vật là các loại vũ khí mà hai anh em Vươn và Quý đã sử dụng để tấn công lực lượng cưỡng chế. Các giám định viên cho rằng các loại vũ khí này ‘có thể giết người’.

Tuy nhiên, báo Người Lao Động tường thuật rằng các luật sư Nguyễn Việt Hùng và Nguyễn Hà Luân biện hộ cho các bị cáo cho rằng kết quả giám định ‘rất chung chung, không xác thực và không có cơ sở vững chắc’.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/07/130730_tienlang_appeal_trial.shtml

This entry was posted in phản biện, Pháp Luật. Bookmark the permalink.