Bàn qua về mạng lưới khám chữa bệnh và y tế địa phương

Chúng ta có thực sự thiếu giường bệnh để phục vụ bệnh nhân không!?

Mọi người dân có nhất thiết ngày càng phải tốn nhiều tiền như hiện nay để chăm sóc sức khỏe của mình hay không!?

Ngân sách quốc gia có phải bắt buộc ngày càng phải chi ra rất nhiều tiền mà vẫn không đáp ứng được nhu cầu chữa bệnh của người dân không!?

Tôi nghĩ là không.

Mặc dù đã có một số những thành tích nhất định trong những năm qua, nhưng ngành y tế cũng đã ngày càng bộc lộ những nhược điểm lớn, không thể khắc phục được. Cũng ngày càng không thể đáp ứng tốt được các nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Sở dĩ có tình trạng như vậy là do năng lực đội ngũ lãnh đạo yếu kém, thiếu thực tế; cộng với các căn bệnh về thành tích và phong trào. Nhà nước đã lập nên và duy trì một mạng lưới y tế đồ sộ, tốn kém (huyện nào cũng có bệnh viện, xã nào cũng có trạm xá) nhưng lại hoạt động rất kém hiệu quả. Và cho đến tận bây giờ các cơ sở y tế địa phương ở tỉnh, huyện vẫn tiếp tục được “cơi nới” thêm buồng, giường bệnh. Các trung tâm y tế xã phường vẫn tiếp tục được xây mới. Nhiều trang thiết bị đắt tiền vẫn đang được mua sắm và tiếp tục bị “bỏ xó” do không có người sử dụng hoặc không có nhu cầu sử dụng…, gây lãng phí rất lớn cho toàn xã hội.

Người ta đã quên mất một điều cốt tử: ngành y là một ngành rất đặc thù, nó chỉ cần chất lượng hơn là không cần số lượng. Ngoài những đòi hỏi về trang thiết bị, thuốc men phải tốt, thì cái tối quan trọng là con người sử dụng và vận hành các thiết bị trên. Đó chính là các thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao (ngoài y đức tốt). Nghĩa là có các con người ưu tú được đào tạo cơ bản và phải có một quá trình tích lũy kinh nghiệm nhất định trong quá trình hành nghề, ít nhất phải là 4 – 5 năm sau khi ra trường tại các cơ sở điều trị lớn.

Vậy mà đội ngũ y tế địa phương nhất là ở xã, huyện thì đa phần là có trình độ chuyên môn không cao do khi mới ra trường đã được phân công thẳng về các tuyến cơ sở. Đấy là chưa kể hiện nay do chất lượng đào tạo chung xuống cấp, và có một phần lớn các thầy thuốc được đào tạo mà không qua thi tuyển (do được cử tuyển) có đầu vào bằng 0 và một số khác có đầu vào gần bằng 0 (bác sĩ chuyên tu).

Một trong những nguyên nhân quan trọng nữa đó là sự phân cấp, phân tuyến thiếu khoa học, làm cho đội ngũ bác sĩ, y tá tuyến dưới tuyến trung ương không có điều kiện được hành nghề, dẫn đến các kiến thức học ở trường cứ mai một dần.

Vấn đề hành lang pháp lý đối với ngành y tế cũng rất quan trọng. Hiện nay hầu như không có một chế tài pháp luật nào để bảo vệ các thầy thuốc trước sự lộng hành thái quá của bệnh nhân và người nhà họ. Nó tạo ra tâm lý hoang mang, chán nản dẫn tới thái độ vô cảm của thầy thuốc đối với bệnh nhân, làm xói mòn tính tích cực của các thầy thuốc.

Ngày nay, có khá nhiều bác sĩ, y tá nhất là ngành ngoại sản đã phải tự bỏ tiền túi ra đền cho gia đình bệnh nhân chỉ vì những cái chết bất khả kháng do tai biến nghề nghiệp để tránh bị kiện cáo và bị gia đình bệnh nhân làm phiền. Cách đây khoảng 10 năm, Bộ Y tế đã có một thông tư chính thức cho phép không phải thử phản ứng đối với các thuốc kháng sinh trừ hai loại Penixilin và Streptomixin. Thế mà tại cùng một bệnh viện vẫn có nhiều khoa phòng vẫn thử phản ứng bình thường do quá sợ tai nạn rủi ro dẫn tới đền bù, kiện cáo lôi thôi.

Có một vấn đề rất nghiêm trọng nữa trong việc khám chữa bệnh mà không thấy một cấp lãnh đạo nào lưu tâm xem xét, đó là việc phân bổ chỉ tiêu về số lượng bệnh nhân, số tiền trên một giường bệnh hàng quý, hàng năm. Thoạt nhìn, đây là một việc có vẻ khoa học, nhưng thực chất thì “dã man” vô cùng. Đây chính là đầu mối quan trọng phát sinh rất nhiều tiêu cực, lãng phí cho xã hội không những về tiền bạc, thời gian mà cả sức khỏe của con người. Tại sao lại phải có chỉ tiêu về số lượng bệnh nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh!? Về tình, về lý thì càng ít hoặc không có bệnh nhân thì xã hội càng được hưởng lợi chứ tại sao lại phải bày đặt chỉ tiêu!? Thật sự rất phản khoa học. Chính vì đảm bảo số lượng bệnh nhân để đảm bảo có tiền chi tiêu và duy trì biên chế (hiện nay ngân sách chi tiền theo chỉ tiêu giường bệnh) mà các cơ sở y tế từ tỉnh trở xuống tìm mọi cách thu nạp bệnh nhân bừa bãi, yêu cầu bệnh nhân nhập viện rất vô lối như kiểu bắt cóc hoặc cố tình kéo dài thời gian nằm điều trị của bệnh nhân một cách không cần thiết.

Ví dụ như rất nhiều người bệnh đến khám chỉ mắc những bệnh thông thường như cảm cúm, viêm long đường hô hấp hay rối loạn tiêu hóa… trên thực tế không cần phải điều trị hoặc chỉ cần kê đơn về điều trị tại nhà nhưng cũng bị chẩn đoán “phóng” lên thành viêm phế quản, viêm phổi và được giải thích theo chiều hướng nghiêm trọng hóa và “khuyến khích” nên nằm viện điều trị. Từ đó dẫn tới rất nhiều tốn kém cho ngân sách và xã hội, vì một người nhập viện là kéo theo các chi phí về thuốc men, xét nghiệm, thời gian ở viện của bệnh nhân và người nhà. Chỉ đơn cử tại khoa chẩn đoán hình ảnh tại một bệnh viện nhỏ tuyến tỉnh mà người viết được biết, hàng ngày phải tiến hành chụp hơn 100 lượt phim X-quang mà thực tế trong đó chỉ khoảng 20 lượt là có chỉ định chụp hợp lý, lãng phí gần 100 lượt phim, tính sơ sơ cũng mất khoảng 2, 3 triệu đồng của xã hội. Đấy là chưa kể việc chụp phim còn ảnh hưởng tới sức khỏe của bệnh nhân.

Các tình trạng trên cũng làm xói mòn đạo đức và nhân cách của các thầy thuốc, gây tăng số lượng bệnh nhân nội trú một cách phi lý, gây thiếu giường bệnh một cách giả hiệu. Ngoài ra còn vô vàn nguyên nhân làm cho trình độ khám chữa bệnh của các tuyến địa phương ngày càng sa sút, mà trong khuôn khổ một bài viết ngắn không thể đề cập hết. Điều đó khiến bệnh nhân thiếu tin tưởng, dần dẫn đến tình trạng các tuyến dưới hầu như không có việc làm hoặc không đảm đương được nhiệm vụ được giao. Bệnh nhân vì thế vượt tuyến, gây nên tình trạng quá tải ở một số bệnh viện trung ương.

Một điều đặc biệt nữa ít được mọi người quan tâm đến từ trước tới nay là chúng ta mặc nhiên cho phép có sự chênh lệch về trình độ tay nghề giữa các thầy thuốc ở các vùng miền khác nhau. Như thế thì thật là bất công đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, và các địa phương khác. Đối với các ngành nghề khác như kinh tế, nông nghiệp thì trình độ một kỹ sư ở địa phương có thể kém hơn so với các đồng nghiệp ở Hà Nội hoặc Sài Gòn thì còn có thể chấp nhận được. Nhưng đối với thầy thuốc thì không, nó có thể gần tương đương hoặc kém một chút chứ không thể một trời một vực như hiện nay được. Vì tính mạng con người ở đâu cũng là như nhau.

Theo tôi, để khắc phục các tình trạng trên một cách lâu dài, triệt để, trên cơ sở lấy chất lượng là chính, thì:

1. Ngoài việc duy trì và hiện đại hóa các bệnh viện, viện đầu ngành ở trung ương như hiện nay để làm nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyên sâu và giải quyết các dịch vụ y tế cao cấp như ghép tạng, mổ sọ não…, phải xây dựng các cơ sở khám chữa bệnh theo vùng lãnh thổ (đối với năm huyện miền xuôi hoặc bốn huyện miền núi) với quy mô từ 200 đến 250 giường, được trang bị các máy móc, thiết bị đủ để đảm bảo hầu hết các nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, kể cả các phẫu thuật lớn và dịch vụ y tế cao cấp. Ngân sách và chuyên môn do Bộ Y tế trực tiếp quản lý chứ không do cơ quan hành chính địa phương quản lý như hiện nay.

2. Song song với đó, giải tán dần các bệnh viện chuyên khoa ở các tỉnh, chỉ giữ lại các bệnh viện tâm thần và viện lao. Không phải ngẫu nhiên mà các nước phương Tây người ta đã thiết lập các bệnh viện đa khoa ngay từ khởi thủy. Vì chỉ ở đó, các bệnh nhân mới được chăm sóc một cách tốt nhất và đỡ tốn kém nhất.

3. Tiến tới quy hoạch các bệnh viện tỉnh cũng trong mạng lưới quy hoạch vùng, giải tán các bệnh viện huyện và các trạm xá xã, phường (chỉ giữ lại các trạm xá ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo). Chuyển các trung tâm y tế huyện thành các đội y tế dự phòng như trước đây nhưng biên chế tập trung để đảm bảo chất lượng, đồng thời xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình. Chúng ta sẽ không phải lo là ở cơ sở sẽ không có người làm, vì ngoài các bác sĩ gia đình, còn có hệ thống y tế tư nhân hoạt động rất có hiệu quả. Chỉ cần quy hoạch mạng lưới y tế tư nhân này phù hợp và điều chỉnh họ hoạt động theo pháp luật là đủ.

Nếu tiến hành các bước trên một cách khoa học thì chắc chắn sẽ không thể tốn kém nhiều vì khi tiến hành bán đấu giá các cơ sở y tế, các thiết bị y tế không cần thiết thì sẽ được một số tiền rất lớn, đủ để xây dựng các cơ sở vật chất cần thiết của mạng lưới y tế. Nhờ thế, chỉ phải bỏ ra một số ít tiền để thêm mua một số máy móc thiết bị mới.

4. Các công tác tuyên truyền sẽ do hệ thống đài báo quốc gia và mạng lưới y tế học đường đảm nhiệm.

5. Song song với việc xây dựng cơ sở vật chất, chúng ta sẽ tiến hành đào tạo lại chuyên môn cho các thầy thuốc ở địa phương, đồng thời kiên quyết nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường y bằng cách chỉ tuyển chọn các thí sinh có điểm đầu vào cao. Không đào tạo các bác sĩ cử tuyển và bác sĩ chuyên tu.

Tôi nghĩ chỉ sau 6 năm là chúng ta sẽ có một bộ mặt y tế mới, đảm bảo phục vụ nhân dân một cách tốt nhất, tiết kiệm nhất. Nếu hệ thống khám chữa bệnh trên hoạt động thì chắc chắn sẽ không còn cảnh bệnh nhân vượt tuyến, không còn cảnh quá tải ở các bệnh viện. Người dân ở mọi vùng miền đều có thể được chăm sóc y tế một cách tốt nhất như nhau, tiết kiệm được rất nhiều kinh phí và nhân lực so với hiện nay.

Mọi cuộc cách mạng đều phải trả giá. Vấn đề là chúng ta có dám làm hay không!?

S. N.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

 

 

This entry was posted in y tế. Bookmark the permalink.