Ai phản đối thạc sĩ Đỗ Thị Thoan?

Bài trên RFA của phóng viên Mặc Lâm liên quan đến cuộc phê bình tập thể luận văn của thạc sĩ Đỗ Thị Thoan, tức nhà văn Nhã Thuyên, hé lộ một chi tiết mới. Nhà phê bình Chu Giang trong phần trả lời phỏng vấn đã cho biết, sở dĩ “sự việc bị bùng ra” là bởi vì “sinh viên họ phản đối dữ dội” việc thạc sĩ Đỗ Thị Thoan, trên cương vị giảng viên, “chắc là cũng do hăng hái quá, phát biểu cái quan niệm của cô quá khích”, dẫn tới việc “các cơ quan phải can thiệp”.

Khác với cách đặt vấn đề của những bài báo trước, vốn chỉ rào đón liệu thứ thơ rác rưởi này có được truyền bá trên giảng đường, những tư tưởng phản văn hóa và phi chính trị có được truyền lại cho thế hệ trẻ, nhà phê bình Chu Giang lần này đã trực tiếp đặt vai trò mở màn lên vai của các sinh viên. Bởi không có “sự phản đối dữ dội” của họ thì “ai biết được bên trong nó như thế”.

Chi tiết mới này đã phần nào giúp tôi củng cố cách giải thích của mình cho cuộc tấn công trễ tràng một luận văn kích động phản loạn. Nếu thạc sĩ Đỗ Thị Thoan không nhận công việc giảng dạy ở Đại học Sư phạm Hà Nội vào tháng 9 năm ngoái, không có cơ hội tiếp xúc và chia sẻ tri thức cũng như niềm say mê văn chương của mình cho sinh viên, thì bản luận văn ba năm tuổi của cô chắc đã không phải chịu đựng những quy chụp tào lao đến vậy.

Chi tiết mới này cũng đặt cho tôi một câu hỏi chính và một câu hỏi phụ. Liệu có hay không việc “sinh viên phản đối dữ dội” những quan điểm mà cô Thoan truyền đạt? Và những quan điểm đó là gì? Không ai đáng tin cậy hơn ngoài chính Nhã Thuyên và những sinh viên mà cô đứng lớp lên tiếng.

Về phần mình, tôi không tin có sinh viên nào ở thời đại này, nếu không vì một lý do phản hoặc phi giáo dục, lại có ý định tố cáo giảng viên vì những quan điểm phi chính thống. Từng kinh qua nền giáo dục Việt Nam, tôi đã trải thấy cái cảm giác sung sướng của mình và bạn bè khi được hít hà dù chỉ chút ít những mùi vị bị cấm đoán.

Và nếu niềm tin của tôi tin là đúng, đùn đẩy trách nhiệm châm ngòi tấn tuồng bôi nhọ và dọa nạt bẩn thỉu cho sinh viên, những người cũng gánh phần tổn thất khi cô giáo của họ bị đuổi việc, là một điều thực sự đáng phẫn nộ.

L. C. D.

Nguồn: http://www.procontra.asia/?p=2784

This entry was posted in báo chí. Bookmark the permalink.