Hôm nay là ngày vui của khá nhiều người, tuy nhiều người chẳng nói ra, nhưng lại là ngày N riêng của một cô Em gái.
Đã mấy hôm rồi, cái lão nhà văn trong con người tôi nó nổi máu xúc động, nhân cái ngày vui đó lão định bụng viết riêng một bài cho Em. Nhưng trong cái nghệ viết văn, càng “định bụng” càng khó có Văn. Cái khó thứ nhất là Viêt GÌ thì đã xác định được rồi: ngày vui viết bằng chữ N của Em gái viết bằng chữ E hoa. Nhưng trong nghệ văn và vào cái thời đại tự do viết văn, phải ganh đua giữa nhiều phong cách, chọn được Cách viết nhằm ganh đua với bạn văn đâu có dễ? Chậm trễ là vì vậy.
Tôi quyết định làm một cuộc thử nghiệm và ghi lại nguyên văn những gì xảy ra với chính mình (kể cả và từ những ý nghĩ lan man) trong cái phút giao thừa giữa Đêm thứ Bảy qua Sáng chủ nhật… Thì cứ thử ghi lại như vậy, xem có thành “văn chương chữ nghĩa” không, thử coi thôi mà …
Trong một truyện ngắn in trước đây có tên Thư không đề địa chỉ tôi đã kể về một cuộc đi suốt đêm chở đồ tiếp tế cho con và cháu tại một “nhà trẻ gia đình” do Mẹ tôi mới về hưu làm “giám đốc” vào cái thời còn bị buộc phải sơ tán. Vào cái đêm tôi đạp xe suốt đêm ấy, tôi đã nhận ra một chi tiết, ấy là vào cái khoảnh khắc hết đêm qua ngày trời vô cùng tối. Tối ụp xuống. Trước đó còn le lói chút ánh sáng sao, khi đó sao bỗng tắt hết. Trên đầu không còn gì nữa. Trước mặt chẳng còn gì nữa. Con đường cũng biến đâu mất.
Tôi đã phải xuống xe, dắt chầm chậm. Nhưng cái xe chở đồ nặng, dầu mỡ mắm muối đường sữa thuốc thang, lại bao gạo to đùng vắt ngang bóp-ba-ga, lại ngang khung một bao mùn cưa tiếc rẻ chở củi về rừng, theo đà đạp đi thì dễ, nhưng dắt thì vô cùng khó. Thế là phải dừng lại bà con ta ạ, phải dừng lại cả hành trình đấy. Và phải ghếch chiếc xe vào cái chỗ chẳng mấy xứng đáng với nó. Được cái vào cái lúc tối tăm đó, điều cứu vãn con người chính là những gì đang diễn ra trong đầu óc con người thay cho những gì con người đang hành động theo thói quen.
Vào cái phút đó tôi đã ngồi xuống vệ cỏ, rồi trong đầu xuất hiện một tứ thơ. Mấy câu mở đầu Trần gian này vắng lắm / Sao đông đúc nhiều người / Trần gian đầm nước mắt / Sao thừa thãi tiếng cười… chính là đã ra đời cái bữa trời tối sầm giữa đêm, lúc giữa đêm đã quen đi trong bóng đêm rồi trời lại còn tối ụp xuống. Nhưng con người ta là vậy. Ơn Giời Đất, vào cái phút tối om đó, một tứ thơ trong trẻo bỗng ra đời.
Đêm qua, tôi lại ra cửa sổ, từ tầng cao nhìn xuống trần gian… Đúng thế: thẳng hướng con mắt tôi nhìn ra kia là nhà cô bé công nhân dọn cầu thang khu chung cư. Cô bé loắt nhoắt, đến độ nếu gặp ngoài đường, chẳng ai nghĩ cô là công nhân. Thế mà đã có hai con. Thế mà đã bị chứng đau lưng hành hạ mấy năm rồi. Tôi hỏi sao cô không đi khám và chữa bệnh, cô ngập ngừng nói rằng “nghỉ nhiều sợ mất việc” Làm sao mất được? “Biết mình ốm yếu, ai người ta còn muốn thuê nữa?”
Tầm mắt đưa xa hơn chút nữa khỏi nhà cô sang chốn trần gian khác là khu vui chơi đang xây dựng. Quanh quẩn dạo Tết, trước sau đêm giao thừa, ở đó có vụ nổ rồi cháy. Dư luận xầm xì. Các phe tranh chấp dằn mặt nhau đấy. Ăn cho lắm của chúng nó thì mới có nổi khu vui chơi to đến thế, thì chúng nó bắt ọe ra đấy. Dư luận nằm im ở đó. Chắc là bên bị hại chẳng muốn dở dói ra làm gì. Thế là bên gây hại được thụ hưởng sự không dở dói. Nhưng thôi, chẳng viết thêm chuyện đó nữa. Bẩn.
Tôi trở lại ngồi vào bàn. Lẩn thẩn nghĩ sang một tứ thơ vừa xuất hiện. Cái tứ thơ gắn với Ngày vui của Em gái. Tôi lấy bút ghi vào bìa trong cuốn sách đọc cho thiếu nhi “365 câu chuyện ông kể cháu nghe trong đủ 365 ngày”, ghi lời đề tặng một bạn nhỏ tuổi yêu quý. Thôi mà, chẳng viết lại đây lời đề tặng đó làm chi, mặc dù đó mới chính thực là một tứ thơ.
Và đây cũng là một tứ thơ. Hôm nay là Ngày vui của Em gái tôi. Tôi mong sao em sớm có niềm vui từa tựa như là cái chú bé tôi vừa viết lời đề tặng tập sách. Hãy cứ vui cái vui trần gian đó đi nhỉ? Rồi cái bóng đen giao thừa giữa một Ngày cũ qua một Ngày mới thế nào rồi cũng hiện ra đó mà.
Dẫu sao, để kết thúc đoản thiên tùy bút vĩ đại và khiêm tốn, vẫn cứ theo cung cách như là đang làm thơ ấy, cứ quay lại cái đề tài hôm nay là Ngày vui của Em gái tôi. Nói cho rõ: không phải là ngày 8 tháng 3 đâu đấy. Cái ngày 8 tháng 3 vừa rồi, dù là đã quốc tế hóa, nhưng vẫn chưa được tôi viết bằng chữ N hoa. Xin bạn đọc lưu ý điều đó giúp.
Hà Nội, tảng sáng 07-03-2010
PT