Chuyên đề về biển, đảo Việt Nam của Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển
MỤC LỤC
Lời Tòa soạn
Lời bạt
Giới thiệu
Khái quát
1. Dàn ý
2. Những nhận xét chung
Rạn đá Pratas
3. Rạn đá Pratas
Quần đảo Hoàng Sa
4. Quần đảo Hoàng Sa
5. Hoàng Sa: Nhóm An Vĩnh
6. Hoàng Sa: Nhóm Trăng Khuyết/Lưỡi Liềm/Nguyệt Thiềm
7. Hoàng Sa: Các rạn đá và đảo khác
Bãi ngầm Macclesfield và bãi cạn Scarborough
8. Bãi ngầm Macclesfield
9. Bãi cạn Truro
10. Bãi cạn Scarborough
Khu vực Trường Sa
11. Khu vực Nguy Hiểm (Dangerous Ground)
12. Trường Sa: Bãi đá ngầm Nguy Hiểm Bắc
13. Trường Sa: Cụm đảo Loại Ta
14. Trường Sa: Cụm đảo Nam Yết
15. Trường Sa: Đông và bắc của cụm đảo Nam Yết và cụm đảo Loại Ta
16. Trường Sa: Phía nam vĩ tuyến 100 Bắc
17. Trường Sa: Đảo và đá hướng tây nam của Khu vực Nguy Hiểm
18. Trường Sa: Cụm đảo Trường Sa
Bảng tra
LỜI TÒA SOẠN
Trong dịp tưởng niệm 25 năm ngày Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma và tấn công hai đảo Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (14/3/1988-14/3/2013), nhiều trang mạng trong nước đã giới thiệu công trình mang tên “Để đảo xa thành gần” do nhóm Trúc Nam Sơn thực hiện.
Nội dung của công trình là sự kết hợp khoa học giữa những mô tả chi tiết của cuốn “Hàng hải chỉ nam – Biển Đông và vịnh Thái Lan” do Cục Tình báo Địa vệ tinh Quốc gia Mỹ xuất bản năm 2011, với hàng trăm tấm hình vệ tinh chụp các đảo, đá, bãi ngầm, bãi cạn, luồng lạch hàng hải… trên Biển Đông được tuyển chọn từ các trang dữ liệu bản đồ như Google Maps, Microsoft Map, Ocean Dots… Sự kết hợp giữa một tài liệu cẩm nang hàng hải đáng tin cậy với những bức hình vệ tinh xác thực đã làm cho các đối tượng địa lý được mô tả trở nên sinh động hơn, giúp người đọc có thể vượt qua những khoảng cách mênh mông của biển khơi và sự chiếm đóng của ngoại bang để thấy “đảo xa thành gần”. Gần nên dễ tiếp thu tri thức để hiểu biết thêm về biển đảo quê hương. Gần để giữ vững ý chí bảo vệ chủ quyền của đất nước. Gần để không bao giờ quên một phần biển đảo của tổ quốc đang bị ngoại bang chiếm đóng.
Công trình “Để đảo xa thành gần” được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của nhóm Trúc Nam Sơn, bao gồm một số thành viên của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông và các cây bút người Việt ở trong và ngoài nước. Mục đích của nhóm Trúc Nam Sơn là góp phần phổ biến thông tin, kiến thức về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông với người Việt, và tham gia tranh luận, phản bác các luận điệu sai trái của Trung Quốc và một số học giả nước ngoài nhằm bảo vệ chính nghĩa của Việt Nam.
Tên gọi của nhóm chính là dựa theo một ý thơ trong bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi:
“Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi”
Để bạn đọc có thêm một tư liệu tham khảo hữu ích về Biển Đông, tạp chí Nghiên cứu và Phát triển hợp tác cùng Quỹ Nghiên cứu Biển Đông và nhóm Trúc Nam Sơn xuất bản ấn phẩm này. Hy vọng cuốn sách sẽ giúp bạn đọc hiểu biết và gắn bó hơn với những vùng biển đảo xa xôi của tổ quốc, để từ đó ra sức đóng góp cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển
GIỚI THIỆU
Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Vì tình trạng tranh chấp chủ quyền và sự chiếm đóng bất hợp pháp của các nước khác, đại đa số người Việt chúng ta không có cơ hội hoặc có ít cơ hội thấy tận mắt hai vùng lãnh thổ Việt Nam thân yêu này. Trong khi đó, lại có rất ít sách vở để đem địa lý và hình ảnh của Hoàng Sa, Trường Sa đến với chúng ta. Vì thế, trong khi Hoàng Sa, Trường Sa nằm trong tim chúng ta, và đó là hai quần đảo đẹp lạ thường – có thể nói đó là hai kỳ quan thiên nhiên biển, thì có lẽ chỉ một thiểu số có thể hình dung được những địa điểm như nhóm An Vĩnh, đảo Phú Lâm, nhóm Nguyệt Thiềm, đảo Hoàng Sa, bãi đá ngầm Nguy Hiểm Bắc, cụm đảo Nam Yết, đảo Ba Bình, đảo Trường Sa…
Để góp phần bù đắp khoảng trống này, nhóm tác giả Trúc Nam Sơn và một số cộng tác viên đã thực hiện cuốn sách này. Nội dung của sách bao gồm hai phần chính. Phần thứ nhất là miêu tả về các đảo, rạn đá, cồn, đảo san hô, phá, bãi ngầm từ góc độ hàng hải. Phần này được dịch từ tài liệu “Hàng hải chỉ nam – Biển Đông và vịnh Thái Lan” (Sailing Directions (Enroute) – South China Sea and the Gulf of Thailand) do Cục Tình báo Địa vệ tinh Quốc gia (National Geospatial-Intelligence Agency) của quân đội Mỹ xuất bản năm 2011. Phần thứ nhì là hình vệ tinh của các đảo, rạn đá, cồn, đảo san hô, phá, bãi ngầm từ Google Maps, Google Earth, Ocean Dots và Microsoft Maps.
Bằng cách kết hợp một tài liệu chuyên ngành có giá trị với hình vệ tinh, chúng tôi hy vọng rằng cuốn sách này đem lại cho người đọc một phương tiện hữu hiệu để tìm hiểu và hình dung về Hoàng Sa, Trường Sa, qua đó góp phần làm cho hai quần đảo thân yêu này gần gũi thêm với chúng ta. Trong khi thực hiện cuốn sách này, chúng tôi đã ngạc nhiên về vẻ đẹp phi thường của Hoàng Sa, Trường Sa, dù chỉ là qua hình vệ tinh, và cũng không khỏi đau xót khi một phần những vùng lãnh thổ tuyệt đẹp này của Việt Nam bị nằm dưới sự chiếm đóng của nước ngoài. Chúng tôi hy vọng rằng cuốn sách này sẽ vừa góp phần đem kiến thức khoa học về Hoàng Sa, Trường Sa và vẻ đẹp của Hoàng Sa, Trường Sa đến với người đọc, vừa góp một viên đá cho nền nhận thức “Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam”.
Ngoài mục đích trên chúng tôi cũng hy vọng rằng cuốn sách này sẽ góp phần phục vụ người Việt đi biển, những con người can trường ở tiền tuyến trong sự nghiệp bảo vệ và duy trì chủ quyền và quyền chủ quyền Việt Nam đối với biển đảo.
Cuốn sách này cũng có thể là một phương tiện tiện lợi cho các nhà nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông trong các lãnh vực khoa học, kinh tế và chủ quyền lãnh thổ.
Nhóm Trúc Nam Sơn