Theo tin nóng hổi BVN vừa nhận được thì cuộc đấu tranh chống lại việc bán rừng đầu nguồn cho Trung Quốc mà hai lão tướng Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh dấy lên và BVN là nơi đầu tiên truyền tin rộng rãi nay đã bước đầu có kết quả: Thủ tướng Chính phủ vừa thông báo miệng với một trong hai tác giả sẽ cho ngừng các dự án nguy hiểm ấy lại. Đó là một tin đáng mừng và là một thắng lợi của công luận được loan truyền trên internet. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi Nhà nước ra quyết định chính thức, BVN xin đăng thêm một ý kiến của nhà nghiên cứu Phạm Chi Lan, một bài trả lời phỏng vấn của Công ty InnovGreen là một trong những chủ đầu tư đã dành được hợp đồng mua rừng của Việt Nam và một bài bình luận của nhà văn Phạm Viết Đào. Bà Phạm Chi Lan chỉ ra những hạn chế về “quan trí”, về “tư duy nhiệm kỳ” ở hàng ngũ các quan chức cấp tỉnh, đưa đến những hành động vô trách nhiệm, có thể tác hại cho đất nước. Chúng tôi nghĩ, cả “quan trí” cả “tư duy nhiệm kỳ” đều phản ánh một thực chất mà bà không muốn nói đến: tệ nạn quan tham đã đi vào cốt tủy và mất nước là nguy cơ sờ sờ trông thấy.
Bauxite Việt Nam
Bee.net.vn – “Theo tôi, việc cho nước ngoài thuê rừng diễn ra ở những khu vực như rừng phòng hộ, đầu nguồn, nhậy cảm về an ninh quốc phòng có thể có nhiều nguyên nhân, trong đó chắc chắn có nguyên nhân do năng lực thẩm định dự án của cấp tỉnh chưa tốt. Quốc hội có thể yêu cầu địa phương trả lời trực tiếp và Chính phủ xử lý vấn đề này” .
Ý kiến của bà Phạm Chi Lan, nguyên Tổng thư ký và Phó chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, xung quanh dư luận về việc một số tỉnh cho thuê đất rừng phòng hộ.
Bán rừng vì “quan trí” chưa cao?
Gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm tới thông tin, một số tỉnh đồng ý để nhà đầu tư nước ngoài thuê rừng trong đó có rừng phòng hộ, bà có quan tâm tới thông tin này không? Nếu thực sự có chuyện như vậy, đứng ở góc độ một nhà kinh tế, bà có thể lý giải nguyên nhân?
Tôi rất quan tâm tới vấn đề này, cũng như vấn đề cho phép đầu tư nước ngoài ở các vùng ven biển, các dự án khai thác tài nguyên, kể cả tài nguyên đất đai, diễn ra khá nhiều trong vài năm gần đây. Về góc độ kinh tế, rất cần xem xét cẩn trọng các dự án này để đảm bảo lợi ích lâu dài của đất nước.
Chúng ta đang quan tâm sâu sắc tới phát triển bền vững, tới nâng cao hiệu quả và chất lượng của tăng trưởng kinh tế, tới tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng chấm dứt kiểu phát triển dựa chủ yếu vào vốn, vào khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ, vì vậy thu hút đầu tư nước ngoài cũng phải tuân thủ các yêu cầu này.
Chúng ta cũng không còn ở giai đoạn khát vốn đến mức sẵn sàng chấp nhận mọi dự án đầu tư nước ngoài nữa, mà phải biết chọn lựa, biết nhìn xa hơn, tổng thể hơn khi quyết định.
Riêng về các dự án trồng rừng, những vấn đề đang xảy ra theo tôi có thể có các nguyên nhân như sau:
Thứ nhất, ở nước ta, đầu tư nước ngoài vào trồng rừng nói riêng, vào nông nghiệp nói chung bao gồm cả lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn thấp. Vì vậy, những dự án đầu tư trồng rừng thường có sức hấp dẫn lớn với các địa phương. Những cam kết bao giờ cũng rất ngọt ngào của nhà đầu tư nước ngoài có thể làm mờ đi, che khuất đi những lợi ích hoặc bất lợi lâu dài và rộng hơn cho phía chủ nhà, mà lẽ ra phía chủ nhà phải quan tâm, phải tỉnh táo để cân nhắc kỹ lưỡng.
Thứ hai, có thể có sự chưa gắn chặt hoặc chưa ăn khớp giữa chiến lược, quy hoạch phát triển chung của quốc gia với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương nào đó.
Chiến lược, quy hoạch phát triển chung của quốc gia thì thường trải rộng và áp dụng cho một thời gian dài, lại liên quan đến nhiều ngành, nhiều vùng, nhiều cơ quan, trong khi sự phối hợp thực hiện và giám sát ở nước ta lại yếu.
Chiến lược của địa phương thường được xây dựng trong tỉnh, dựa vào các ban ngành của tỉnh, khi đã thành nghị quyết của Tỉnh ủy thì thường cứ thế mà thực hiện.
Trong một số trường hợp quyết định của tỉnh không phù hợp với quy hoạch chung, chúng ta lại nể nang, bỏ qua (như với một số dự án nhà máy thép chẳng hạn), do vậy không tạo nên được sức ép đòi hỏi các địa phương phải tuân thủ chiến lược, quy hoạch phát triển chung của quốc gia hoặc xem xét lợi ích của các địa phương liên quan.
Cuối cùng và theo tôi quan trọng nhất là năng lực thẩm định dự án của cấp tỉnh còn chưa tốt, do “quan trí” ở một số nơi chưa cao, trong khi các cơ quan trung ương lại chưa làm tốt vai trò hỗ trợ, phối hợp, giám sát các địa phương trong lĩnh vực này.
Hầu hết quyết định thường do lãnh đạo đưa ra, thiếu sự phản biện hoặc tham vấn giới chuyên môn hoặc các đối tượng liên quan một cách nghiêm túc.
Chưa kể, tư duy nhiệm kỳ và cách đánh giá của chúng ta hầu như không có tính hồi tố dễ dẫn đến lãnh đạo nhiệm kỳ này đưa ra quyết định, nhiệm kỳ sau mới thấy tác hại thì không còn ai đứng ra chịu trách nhiệm nữa.
Trước kia, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng định đầu tư trồng rừng ở Việt Nam nhưng không thực hiện được vì lý do an ninh quốc phòng. Trường hợp các dự án nói trên thì sao thưa bà? Tướng Đồng Sỹ Nguyên thì bày tỏ quan ngại “nhiều địa điểm cho thuê có vị trí chiến lược và địa chính trị trọng yếu”…
Tôi còn nhớ, cách đây 15-20 năm đã có những nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc muốn trồng rừng ở mìền Trung lấy nguồn nguyên liệu làm gỗ ván ép, hoặc trồng thông ở Quảng Ninh để lấy nhựa, nhưng tất cả đều không được phê duyệt. Lúc đó chúng ta đã cân nhắc nhiều đến yếu tố quốc phòng, an ninh, trong khi chưa định hình thật rõ những vùng nào là nhạy cảm, không cho phép đầu tư nước ngoài được vào.
Khoản 1, điều 30 của Luật Đầu tư hiện hành quy định “Cấm đầu tư các dự án gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích cộng đồng”. Như vậy, nếu các dự án cho thuê rừng đang đề cập mà không phương hại tới quốc phòng, an ninh quốc gia hoặc lợi ích cộng đồng thì có thể được làm.
Song những dự án có thể phương hại tới quốc phòng, an ninh quốc gia hoặc lợi ích cộng đồng thì nhất thiết phải xem xét lại, nếu cần thì thu hồi quyết định cho đầu tư, chứ không thể bỏ qua sự vi phạm điều khoản quan trọng này.
Trên thực tế, nhiều nước vẫn thuê rừng của nhau. Còn Trung Quốc đã thực hiện chính sách thuê đất từ thời xưa rồi. Liệu có phải dư luận đang quá nhạy cảm?
Thuê đất, thuê rừng theo đúng luật của các nước sở tại, đảm bảo lợi ích của các bên thì đâu có ai phản đối. Trung Quốc đúng là đã có chính sách thuê đất từ lâu. Tuy nhiên theo một số nghiên cứu và báo chí của nước ngoài, việc Trung Quốc thuê đất ở một số nước khác đang gây nên những lo ngại và phản ứng từ cộng đồng dân cư các nước đó. Nước ta đất chật người đông, trình độ, năng lực và kinh nghiệm quản lý lại còn hạn chế, nên những bức xúc của công luận về vấn đề này là chính đáng và hoàn toàn có thể hiểu được.
Có cơ sở pháp lý để rút giấy phép đầu tư
Đặt giả thiết các dự án đầu tư nói trên có sai phạm, liệu có cơ sở pháp lý nào để rút giấy phép đầu tư không? Theo bà, việc rút giấy phép có ảnh hưởng thế nào tới tính hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài của các dự án trồng rừng vì như bà đã nói, đầu tư vào trồng rừng ở nước ta còn thấp?
Trước hết theo tôi cần rà soát lại toàn bộ các dự án đó xem có phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư hiện hành và với quy hoạch quốc gia không. Nếu dự án nào không phù hợp thì cương quyết rút phép lại. Điều đó hoàn toàn có thể làm được.
Khoản 4, điều 72 của Luật Đầu tư về Thay đổi nội dung, hoãn, đình chỉ, hủy bỏ dự án đầu tư nêu rõ: “Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn, đình chỉ hoặc hủy bỏ dự án đầu tư phải xác định rõ lý do và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”.
Sau đó, phải rà lại quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch của các địa phương, xác định rõ vùng nào không cho phép đầu tư trồng rừng. Tôi tin vùng được phép làm sẽ rộng hơn nhiều so với vùng cấm.
Với những nhà đầu tư (không chỉ là nhà đầu tư nước ngoài) quan tâm tới việc trồng rừng ở các khu vực quy hoạch không cấm, cần tạo điều kiện tối đa bằng những ưu đãi về thuế, chính sách giá thuê đất… Phải có chính sách minh bạch, công khai và đối xử công bằng với các nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư trong nước.
Câu hỏi cuối cùng, bà chờ đợi Quốc hội thể hiện vai trò của mình như thế nào, khi những dự án này thực sự đang khiến dư luận băn khoăn và lo lắng?
Trong một bài phỏng vấn mới đây với ông Đặng Hùng Võ, đã đề cập tới vấn đề có thể có nơi chia nhỏ dự án và “biến” một số rừng phòng hộ đã lỡ cho nước ngoài thuê thành diện tích rừng sản xuất kinh doanh để “lách” trình Chính phủ, hoặc “chạy” để biến những khu vực ngoài quy hoạch thành trong quy hoạch cho phép, nên có thể Quốc hội chưa thể thực hiện được vai trò giám sát trực tiếp.
Theo tôi, dù có ai đó cố tình lách luật, Quốc hội vẫn cần và có thể tìm hiểu, phát hiện và lên tiếng. Quốc hội hoàn toàn có thể yêu cầu các địa phương và các cơ quan trung ương liên quan giải trình, trả lời những băn khoăn, thắc mắc của dư luận trực tiếp hoặc thông qua văn bản. Quan trọng hơn, Quốc hội cần đòi hỏi Chính phủ có biện pháp xử lý nghiêm những vi phạm, kể cả rút giấy phép nếu cần, và giám sát việc thực hiện điều đó.
Ngọc – Hạnh – Quỳnh (thực hiện)
(*) Đầu đề do BVN đặt.
Nguồn: bee.net.vn