Rồng nằm, Cọp ẩn: Liệu Trung Quốc và Ấn Độ có thể khống chế phương Tây được chăng?

Giới thiệu sách:

Prem Shankar Jha

Crouching Dragon, Hidden Tiger:

Can China and India Dominate the West?

Soft Skull Press, Berkely, 2010, ISBN 13: 978-1593762483 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 Vấn đề

Các báo cáo quốc tế đều đi đến kết luận chung là những thành tựu kinh tế đầy ấn tượng của Trung Quốc và Ấn Độ đang đe doạ thế giới. Điển hình là BRIC Report của Goldman Sachs 2004 tiên đoán đến năm 2040 TSLQG Trung Quốc sẽ vượt xa Hoa Kỳ và Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản. CIA Report Hoa Kỳ cũng xác nhận mức sản xuất hàng hoá của Trung Quốc và cung ứng dịch vụ của Ấn Độ trong tương lai sẽ dẫn đầu. Sự trổi dậy này đang gây nhiều lo âu và tranh cải trong công luận tại các nước phương Tây.

Lo âu càng có cơ sở khi ưu thế ngoại thương của hai nước gia tăng và khả năng ứng phó của chính giới phương Tây  thu hẹp hơn, vì Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản chưa chấm dứt thời kỳ suy trầm và nợ công lại tràn ngập làm cho tiềm năng phục hồi kinh tế trở nên mơ hồ. Do đó, phương Tây sớm muộn gì sẽ bị Trung Quốc và Ân Độ khống chế và nguy cơ này là một hiện thực khách quan.

Nhưng ngược lại,  Prem Shankar Jha giải toả được lo âu khi lập luận là hai nước không đủ sức tạo được vị thế siêu cường quốc tế, vì cả hai không có thể chế thích hợp để giải quyết những bất công xã hội và xung đột chính trị. Mọi kế hoạch của chính giới phương Tây không thể chỉ dựa trên thành tựu kinh tế, mà còn cần các các yếu tố khác, toàn diện hơn của hai nước này. Đó là nội dung thông điệp của tác giả trong tác phẩm “Rồng nằm, Cọp ẩn: Liệu Trung Quốc và Ấn Độ có thể khống chế phương Tây được chăng?” mà bài viết sau đây sẽ giới thiệu.

Tác giả

Prem Shankar Jha, người Ấn, học Triết, Chính trị và Kinh tế tại Đại học Oxford (Anh). Ông làm việc cho cơ quan UN Special Fund, UNDP, thuộc UNO, làm tư vấn thông tin kinh tế cho Thủ Tướng V. S. Singh. Về sau, ông là biên tập viên kinh tế cho các nhật báo và tạp chí The Hindustan Time, The Hindu, The Times of India, Economic Times và Financial Express của Ấn và The Economist của Anh. Ông nổi danh với các sách như ”Kashmir 1947: the Origins of a Dispute” và “The End of Saddam Hussein’s Iraq – History through the Eyes of the Victim”.

Nội dung

Trong lời giới thiệu tác giả đề ra mục tiêu là so sánh và lý giải những thành tựu và thách thức của hai nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ để phản chứng mối lo âu hiện nay của công luận. Trong phần đầu tiên tác giả trình bày những nét tương đồng và tương phản của hai nền kinh tế này.

Trong chương đầu, ông phân tích các đường hướng cải cách qua tiến trình trong lịch sử và thách thức của tương lai bằng cách mô tả các đặc điểm tăng trưởng và hậu quả cho hai nước. Dù cùng đạt nhiều thành tựu, nhưng trong thực tế các biện pháp thực hiện của Trung Quốc và Ấn Độ có nhiều dị biệt. Dù khác nhau về cơ cấu dân số, kinh tế chuyên ngành và hệ thống chính trị nhưng hai nước có một điểm chung là đang sống trong một thời kỳ chuyển hoá từ kinh tế hoạch định sang thị trường và cùng theo đuổi một mục tiêu là tăng trưởng kinh tế trong khuôn khổ ổn định xã hội.

***

 Trong phần kế tiếp ông đào sâu các vấn đề chính của kinh tế thị trường XHCN mang đặc trưng Trung Quốc qua bốn chương sách. Tựu trung, đặc điểm chính của nền kinh tế là tư bản nhà nước. Nhưng nhà nước không là toàn bộ hệ thống kinh tế thuần nhất tập trung hoạch định mà là một cơ chế hỗn loạn có đến 70.000 trung tâm quyền lực với sáu cấp độ khác nhau từ trung uơng, địa phương và khu vực và có năm loại cán bộ cao cấp có thẩm quyền để quyết định vận mệnh cho nền kinh tế. Dù cơ chế thị trường thành hình qua cải cách táo bạo và tốc độ tăng trưởng của kinh tế gây nhiều ấn tượng, nhưng hiện nay chỉ có 50 % các sản phẩm công nghiệp là do thị trường quyết định.

Trong một hệ thống công quyền phức tạp, thiếu kiểm soát và cơ chế thị trường không hiệu năng, làm sao phép lạ kinh tế đã xãy ra như trong thời gian qua? Tác giả giải thích là thành công do các doanh nghiệp quốc doanh và giai cấp trung gian tác động, tầng lớp mới đứng giữa chính quyền và dân chúng. Ông triển khai khái niệm này như là một lý thuyết cơ bản để giải thích. Thực ra, khái niệm Intermediate Class là của Michal Kalecki đề ra trong tác phẩm “The Politics and Economics of Intermediate Regimes” mà tác giả tham chiếu cùng với Communist Manifesto của Karl Marx. Nhưng Marx cho là giai cấp này phản động hơn là tiến bộ vì ngăn chận bánh xe tiến hoá của lịch sử.

Tăng trưởng không do cải cách chính trị hay luật pháp mà là do giai cấp trung gian tác động. Thành phần này còn được gọi là tư bản thân tộc, có vây cánh với chính quyền địa phương, khôn ngoan biết sử dụng những biện pháp ưu đãi thuế khoá và đầu tư trong thời kỳ đầu tiên cải cách. Họ sử dụng tiền do nhà nước tài trợ để đầu tư, một hình thức không sợ mất vốn riêng và nguy hiểm khi thua lỗ, cấu kết nhau hơn là cạnh tranh. Họ thành công vì biết trục lợi qua các biện pháp thu mua nhà đất rẻ tiền và đầu tư độc quyền vào một số lĩnh vực chiến lược. Vì có bao che chính trị nên họ không có tinh thần sáng tạo và sợ nguy hiểm phá sản như doanh nhân phương Tây.

***

 Khi bàn về nền kinh tế Ấn Độ, hai chủ đề mà tác giả thảo luận là tại sao tăng trưởng chậm chập và giai cấp trung gian lại không thành đạt như tại Trung Quốc.

Phát triển thị trường Ấn kéo dài từ 1951 đến 1991. Tăng trưởng chậm không đơn thuần do kinh tế hoạch định sai lầm, mà còn nhiều lý do thuộc về cấu trúc. Trong những năm 50, nền kinh tế chiụ ảnh hưởng phương thức kế hoạch theo Liên Xô, nhưng mềm dẻo hơn. Từ thập niên 80 về sau, Ấn hướng theo mô hình của Nam Hàn. Khác với Trung Quốc, cơ chế thị trường và doanh giới tư nhân Ấn đã có sẳn có từ thời thuộc địa. Bên cạnh những doanh nghiệp lớn còn có những doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng không đóng vai trò quan trọng, vì không có khả năng đương đầu với doanh nghiệp lớn và không được chính quyền hỗ trợ.

Năm 1957 để đối phó với tình trạng khan hiếm ngoại tệ chính quyền Ấn áp dụng chính sách khắc khổ, đình chỉ các biện pháp nhập khẩu các mặt hàng tiêu thụ và không hỗ trợ gia tăng xuất khẩu. Cả hai gây ảnh hưởng đến thị trường bông vải và hàng dệt và làm kinh tế phát triển trì trệ. Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ được chính quyền chú trọng hơn. Nhờ hưởng nhiều biện pháp đặc ân của chính phủ và có khả năng phá vỡ các rào cản mậu dịch dần dần các doanh nghiệp này đi vào vị thế độc lập. Họ thực sư bắt đầu gây tác động tăng trưởng và thành một giai cấp trung gian.

Từ năm 1992 để có cơ hội hội nhập vào kinh tế thế giới trong thời kỳ toàn cầu hoá chính quyền hủy bỏ các biện pháp khắc khổ và gia tăng các biện pháp giải phóng mậu dịch.   Doanh nghiệp nhỏ chuyển mình và đóng vai trò quan trọng hơn. Khác với Trung Quốc giai cấp trung gian tại Ấn ngoài giới tiểu thương còn có người cho vay nặng lãi và nông gia giàu có điạ phương, họ có nhiều ảnh hưởng trong các cuộc bầu cử hay các biện pháp phát triển thị trường. Vì không có phương tiện canh tân kỹ thuật như các doanh nghiệp lớn, nên doanh nghiệp nhỏ không thể tác động đến việc cung ứng sản phẩm rẻ tiền cho thị trường thế giới như công xưởng Trung Quốc. Khi nền kinh tế Ấn tự do hơn, Intermediate Regimes bắt đầu thành hình, dù khá muộn màng.

***

Sau khi trình bày những nguyên nhân đưa tới thành tựu kinh tế, tác giả phân tích những hậu quả xãy đến cho hai nước mà bất ổn xã hội và xung đột chính trị là hai thách thức nghiêm trọng.

Động loạn xã hội tại Trung Quốc có nhiều lý do. Do các biện pháp chiếm đất, bồi thường rẻ, nông dân không sống được với giá nông phẩm rẻ phải ra thành phố mưu sinh. Đến thành phố tìm việc trong các khu vực xây dựng công nghiệp và không có hộ khẩu, nên nông dân tạo thêm bất ổn tại thành thị, phân biệt đối xử con nguời qua chế độ hộ khẩu cư trú là một đặc thù của Trung Quốc. Những biện pháp hỗ trợ quá mức cho thị dân tạo bất quân bình về phân phối lợi tức cho nông dân.

Đầu tư không phối hợp và phát triển không đồng bộ gây thiệt hại về sử dụng tài nguyên và môi sinh mà dân địa phương là nạn nhân. Tranh chấp giữa giai cấp trung gian mới gây xung đột chính trị, mà hậu quả là chính quyền trung ương không còn khả năng kiểm soát các hoạt động của địa phương, tranh chấp quyền lực giữa chính quyền Thượng Hải và Trung uơng là thí dụ điển hình. Ngoài việc chứng minh các bất ổn tác giả còn bàn đến các trở lực cho cải cách và dân chủ hoá.

Dị biệt mức độ tăng trưởng giữa nông thôn và thành thị ngày càng gay gắt, trong khi xung đột chính trị giữa trung ương và địa phương trong việc dành đặc quyền đặc lợi càng trầm trọng hơn. Chính quyền dù có ý thức sự cách biệt giàu nghèo của dân chúng và lãnh đạo và trình độ phát triển của địa phương nhưng không có biện pháp phối hợp hữu hiệu để đem lại quân bình. Thách thức này ảnh hưởng đến tính chính thống về sự lãnh đạo của Đảng. Chính quyền không có thiện chí tạo ra những cải cách chính trị quan trọng vì lo sợ động loạn càng lan rộng sẽ nguy hiểm hơn cho sự sinh tồn của chế độ. Do đó, các biện pháp nhằm tăng cường sự kiểm soát của Đảng ở điạ phương càng được đẩy mạnh hơn. Thiếu truyền thống nhà nước pháp quyền nên các biện pháp dân chủ hoá theo mô hình phương Tây là điều bất khả thi.

Tuy nhiên, tác giả cho là có thể giải quyết vấn đề chính thống cho lãnh đạo và có hai đề nghị cải cách bước đầu cho tiến trình dân chủ hoá. Một là từ nay Đảng viên phải được dân chúng bầu cử công khai và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hai là phải xây dựng nền tư pháp độc lập theo nhà nước pháp quyền và tách khỏi Đảng quyền.

***

Bất ổn xã hội và xung đột chính trị tại Ấn Độ khác biệt hơn về hình thức và mức độ nếu so với Trung Quốc. Ấn Độ hãnh diện vì thưà hưởng hệ thống luật pháp cùa Anh và có truyền thống sinh hoạt chính trị dân chủ, nhưng tham nhũng diễn biến khác và trầm trọng hơn. Theo tác giả có nhiều lý do giải thích. Thứ nhất, quy chế công chức cho phép đặc miễn truy cứu các tội phạm hình sự. Đây là một đặc quyền hiến định quy định trong thập niên 30 dành cho công chức Anh thời thuộc địa. Sau khi tu chỉnh hiến pháp năm 1948 đặc quyền được giữ lại cho công chức Ấn và gây hậu quả bất lợi cho đến ngày nay. Tác giả cho là tại Ân không thể gọi là tham nhũng (corruption) do tư bản thân tộc cậy quyền phạm luật và mua chuộc nhau, mà là hình thức tống tiền công khai (extortion) khắp mọi tầng lớp và mọi nơi theo kiểu của Ý và Liên Xô. Mối quan hệ giữa dân chúng và chính quyền không bình đẳng theo hiến pháp quy định, mà thực tế thái độ gia trưởng cửa quyền thời thực dân vẫn còn phổ biến tại các cơ quan công quyền.

Động loạn tại nông thôn Ấn Độ lan rộng hơn và tổ chức chống đối chính quyền chặt chẽ hơn Trung Quốc, mà Naxaliles, một tổ chức sách động nông dân vũ trang nổi dậy theo mô hình Mao là thí dụ. Tình hình trầm trọng hơn khi ảnh hưởng toàn cầu hoá lan rộng và các biện pháp công nghiệp hoá được áp dụng từ năm 1992. Thị trường dệt nội địa bị hàng Trung Quốc cạnh tranh và triển vọng xuất khẩu bông vải giảm đi làm công nhân điêu đứng. Nông dân bị ảnh hưởng nặng nề khi hệ thống ngân hàng không còn cho vay canh tác vì triển vọng xuất khẩu nông sản bị hạn chế. Nông dân chỉ còn cách là vay nặng lãi của tư nhân địa phương để có phương tiện tiếp tục. Họ không thể mưu sinh vì trả lãi suất qúa cao. Theo tác giả, có ít nhất 100.000 nông dân tự tử từ năm 1998 đến 2003 để thoát cảnh nợ nần.

***

Để so sánh giữa tình hình Trung Quốc và Ấn Độ tác giả nêu lên một vài điểm chính. Cả hai giới tư bản thân tộc tại Trung Quốc và công chức Ấn Độ gây tác hại cho tăng trưởng. Trong nông nghiệp, cả hai biết sử dụng đặc quyền trong các biện pháp miễn thuế, định giá rẻ truất hữu ruộng đất để làm lợi cho riêng mình. Trong công nghiệp, cả hai sử dụng tiền ngân hàng nhà nước để đầu tư nhưng vô trách nhiệm và đặc quyền cấu kết với nhà đầu tư để hưởng lợi. Trình độ phát triển cơ cấu hạ tầng của Ấn Độ tụt hậu ít nhất là 15 năm so với Trung Quốc. Bang giao hai nước sẽ còn nhiều trở ngại vì tranh chấp biên giới và vấn đề Tây Tạng. Theo tác giả, Trung Quốc nên tiếp tục theo đuổi công nghiệp chế biến hàng thương phẩm trong khi Ấn Độ sẽ thuận lợi hơn khi mở rộng cung ứng dịch vụ cho phương Tây.

Trước trào lưu suy trầm của kinh tế thế giới cả hai bắt đầu ý thức cải cách phương thức tăng trưởng bằng những biện pháp khích hoạt cho nền kinh tế nội địa, thay vì tập trung cho ngoại thương như trước đây. Tác giả cho là cả hai tiếp tục sai lầm và làm cho tình hình trầm trọng hơn. Thay vì đầu tư nhiều hơn vào khu vực nông thôn để giúp nông dân gia tăng lợi tức, Trung Quốc lại đầu tư cải thiện cơ cấu hạ tầng và hỗ trợ cư dân thành thành thị. Ấn Độ gia tăng kinh phí để kích thích mãi lực tiêu thụ cho dân thành phố và nông thôn trong khi chỉnh trang các cơ sơ hạ tầng tụt hậu theo tác giả là ưu tiên. Các biện pháp hỗ trợ tài chính hiện nay hầu như không giải quyết các vấn đề bất công xã hội hay xung đột chính trị.

***

Tóm lại, dù kinh tế có thể tiếp tục tăng trưởng ở mức khiêm nhường do suy trầm toàn cầu, nhưng Trung Quốc không có các cải cách thể chế dân chủ để giải quyết công bình xã hội và xung đột chính trị; Ấn Độ dù có thể chế dân chủ đại nghị, nhưng tham nhũng trầm trọng và cơ cấu hạ tầng tồi tệ hơn nên các khó khăn tương tự cũng không thể giảm đi. Với một tương lai bất định, cả hai không có cơ hội trổi dậy như một siêu cường để có thể chế ngự phương Tây. Do đó, tác giả kết luận mọi lo sợ của phương Tây là hoang tưởng.

Nhận xét

Đối với độc giả phương Tây đóng góp xuất sắc của tác giả là phần trình bày về thực tế phát triển của hai thị trường Trung Quốc và Ấn Độ. Với nhiều tư liệu và dẫn chứng công phu tác giả đem lại những thí dụ có giá trị thuyết phục, đặc biệt các chi tiết về bất ổn xã hội và tranh chấp chính trị. Đóng góp lý thuyết Intermediate Class có phần hạn chế hơn. Sử dụng lý thuyết để mở lối cho khảo hướng, nhưng tác giả lại không dùng lý thuyết để đúc kết vấn đề, nhất là trình bày những giới hạn của lý thuyết để giải thích cho sự trổi dậy. Vấn đề tăng trưởng phức tạp hơn nhiều. Những thành tựu trong công nghiệp thông tin, điện ảnh và dược phẩm của Ấn chỉ giải thích bằng viễn kiến của chính giới, sự hợp tác quốc tế của doanh nghiệp và nổ lực hiếu học của giới trẻ Ấn là chính. Do đó, lý giải về tăng trưởng cũng cần các lý thuyết khác bổ sung.

Độc giả người Việt thất vọng hơn vì tác giả không mang đến những lý giải mới lạ. Tác hại tham ô của các nhóm lợi ích vô trách nhiệm và tương lai đen tối của công nhân và nông dân là đề tài quen thuộc. Đảng viên phải do dân bầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật là một ý kiến mới lạ và có thể thích hợp cho Việt Nam. Tuy nhiên, tác phẩm này đem lại một giá trị cảnh báo đặc biệt: mô hình kinh tế của Trung Quốc hay Ấn Độ không là một lý tưởng để noi theo vì bất ổn xã hội, tranh chấp chính trị và phá hủy môi sinh là những hậu quả mà Việt Nam không có phép lạ nào trong việc tìm ra khả năng mới để giải quyết vấn đề. Nếu như tác giả chứng minh Trung Quốc không đe doạ trực tiếp cho phương Tây là đúng, thì ngược lại, tác giả sẽ sai lầm khi những nguy cơ này là hiện thực cho tương lai Việt Nam vì có nhiều lý do khác tác động.

Trao đổi kinh nghiệm tăng trưởng là đề tài được Amartya Sen bàn đến qua mối quan hệ văn hoá giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Trong tiểu luận “Passage to India” Sen cho là hệ thống dân chủ đa đảng, phương tiện truyền thông đại chúng và các biện pháp cải thiện y tế công cộng tại Ấn Độ là bài học cho Trung Quốc. Tinh thần vô úy trước bạo lực, nhiệt tình thảo luận công khai trước những bất đồng, sẵn sàng chấp nhận phê bình để sửa sai là truyền thống đặc sắc của Phật giáo mà Trung Quốc có thể áp dụng vào những cải cách chánh trị. Ngược lại, Ấn Độ sẽ học được những biện pháp cải cách kinh tế của Trung Quốc.

Bản dịch Việt ngữ tại http://bit.ly/15v23eV.

Hiện nay trên thị trường đã có nhiều sách Anh ngữ bàn về đề tài liên quan này, xin liệt kê để độc giả quan tâm tiện tra cứu:

Pranab Bardhan, Awakening Giants, Feet of Clay: Assessing the Economic Rise of China and India, Princeton: Princeton University Press, 2010;

Wendy Dobson, Gravity Shift: How Asia´s New Economic Powerhouses Will Shape the 21st Century, Toronto: UTP Publishing, 2010;

Sahlendra D. Sharma, China and India in the Age of Globalization, Cambridge: Cambridge University Press, 2009;

Jonathan Holslag, China and India: Prospects for Peace, New York: Columbia University Press. 2010.

 

This entry was posted in Trung Quốc. Bookmark the permalink.