Tái quân bình lực lượng nghĩa là gì?

Richard N. Hass, Foreign Affairs, May/June 2013

Trần Ngọc Cư dịch

Lời dịch giả: Chúng tôi xin trích dịch dưới đây một phần bài tiểu luận “The Irony of American Strategy” (Sự trớ trêu của Chiến lược Mỹ) của học giả Richard Hass, đăng trong tạp chí Foreign Affairs số tháng Năm/tháng Sáu 2013. Richard Hass là Chủ tịch  Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations), một cơ quan nghiên cứu chính sách có uy tín của Mỹ, từ tháng Bảy 2003 và cũng là tác giả của một sách nghiên cứu gần đây nhất, cuốn  Foreign Policy Begins at Home (Chính sách Đối ngoại bắt đầu từ trong nước). Trước khi giữ chức Chủ tịch viện nghiên cứu nói trên, Hass từng là Giám đốc Ban Hoạch định Chính sách tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và là một cố vấn thân cận của Ngoại trưởng Collin Powell.

Khác hẳn với Trung Đông, châu Á là một địa bàn cạnh tranh giữa các đại cường, nơi mà sự hiện diện và hành động quân sự của Hoa Kỳ có thể tỏ ra cực kỳ hữu ích trong việc chặn đứng hay xử lý nhiều vấn đề tiềm năng. Chính quyền Obama đã khôn ngoan khi nhấn mạnh nhiều hơn về tầm quan trọng của phần thế giới này vào năm 2011, mặc dù đáng lẽ ra chính quyền này có thể (và phải) làm tốt hơn trong việc phát biểu và thực thi đường lối mới của mình. “Chuyển trục chiến lược” (pivot) ám chỉ một sự xoay chiều quá gắt, bằng cách vừa ngụ ý một cuộc rút quân quá nhanh từ phần lớn khu vực Trung Đông, vừa không nhắc đến tất cả những gì Hoa Kỳ đã làm qua nhiều thập kỷ tại Đông Á. “Tái quân bình lực lượng” (rebalancing), nhãn hiệu thứ hai mà chính quyền này dành cho chính sách châu Á, mô tả nghiêm chỉnh hơn cả thực chất lẫn cơ sở lý luận của đường lối mới. Lúc đầu, những chiều hướng quân sự của chính sách mới cũng đươc nhấn mạnh quá đáng (overemphasized). Việc duy trì và có lẽ gia tăng có chọn lọc sự hiện diện quân đội Mỹ trong khu vực là quan trọng từ trước đến nay; nhưng còn có những việc có ý nghĩa hơn cả việc triển khai 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ tại Australia, đó là phương hướng của chính sách ngoại giao Mỹ đối với Trung Quốc và các láng giềng của nó, là sự sẵn có viện trợ kinh tế để thúc đẩy phát triển chính trị và kinh tế tại các nước nghèo trong khu vực, và khả năng đàm phán một hiệp định thương mại mới (cụ thể là, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) càng nhanh chóng và bao gồm càng nhiều thành viên càng tốt.

Đường lối hữu hiệu nhất để đảm bảo sự ổn định của châu Á là Hoa Kỳ phải giữ thái độ năng động, phải là một đối tác chiến lược đáng tin cậy, và phải hiện diện trong mọi ý nghĩa và mọi lãnh vực, nếu không các nước khác trong khu vực sẽ bắt đầu phục tùng các láng giềng hùng mạnh hơn mình hoặc bản thân các nước đó sẽ lao vào con đường quốc gia chủ nghĩa hơn và trở nên hung hăng hơn. Như vậy, việc đồn trú một lực lượng Mỹ to lớn (hiện nay là 28.000 quân) tại Nam Hàn vẫn tiếp tục có ý nghĩa, mặc dù sáu thập kỷ đã trôi qua từ ngày Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt và bản thân Miền Nam đã trở nên giàu có và hùng mạnh. Việc ngăn ngừa một cuộc tái phát xung đột vũ trang là một ưu tiên cao, và sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Nam Hàn đã góp phần thực hiện điều đó. Việc làm rõ rằng bất cứ một cuộc xung đột võ trang nào trong tương lai cũng sẽ đưa đến sự thống nhất toàn bán đảo Triều Tiên dưới chính quyền Miền Nam nhất định sẽ gia tăng sự tự chế của Miền Bắc, cũng như tăng cường những nỗ lực của Trung Quốc trong việc kiềm chế đồng minh bất trị của mình. Hoa Kỳ cũng có thể cố gắng trấn an Trung Quốc rằng bất cứ một nước Triều Tiên thống nhất nào cũng sẽ là phi hạt nhân (nonnuclear) và chỉ cho phép một số nhỏ quân đội Mỹ, nếu có, trú đóng. Một sự trấn an như thế cũng có thể ảnh hưởng lên chính sách Trung Quốc vào một thời điểm mà ban lãnh đạo mới tại Bắc Kinh đang tỏ ra những dấu hiệu chán ngán những hành vi lố bịch của Bắc Hàn, một đồng minh lâu đời của Trung Quốc.

Cơ sở lý luận để bảo vệ Nam Hàn là tương đối dễ hiểu, căn cứ trên những cam kết bằng hiệp định của Hoa Kỳ, nhưng Washington phải làm gì trong một số kịch bản tiềm năng khác thì không được rõ ràng cho lắm. Hoa Kỳ có bổn phận đối với Đài Loan, cũng như đối với Nhật Bản, Philippines, và Australia, nhưng Hoa Kỳ không muốn bị kéo vào một cuộc xung đột trong vùng mà không có những lý do chính đáng tuyệt vời. Vì vậy, chính sách đối ngoại Mỹ phải đối diện với một trò đi dây tế nhị: chính sách này vừa phải truyền đạt đầy đủ quyết tâm để ngăn chặn hành động xâm lược nhắm vào các nước bạn và đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng vừa phải tránh đưa ra tín hiệu về một sự hậu thuẫn vô điều kiện (phiên bản ngoại giao của một sự rủi ro do quá tin tưởng vào thiện chí của đối tác / moral hazard), sợ rằng nó sẽ khuyến khích các nước bạn và đồng minh có hành vi khiêu khích và liều lĩnh. Trên thực tế, điều này có nghĩa là tiếp tục cung cấp hậu thuẫn quân sự có giới hạn cho Đài Loan, đồng thời khuyến cáo nước này tránh xa các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng chính trị. Điều này cũng có nghĩa là Mỹ phải tham vấn kỹ lưỡng với Nhật Bản, Philippines, và các nước bạn khác trong khu vực nhằm đảm bảo rằng hành vi quyết đoán của Trung Quốc không phải là không bị đối phó và rằng các cuộc khủng hoảng là có thể tránh được hoặc, nếu không thể tránh, thì cũng được làm giảm nhẹ chứ không để leo thang.

Quản lý những quan hệ Mỹ-Hoa trong một bối cảnh như thế sẽ không dễ dàng, nhưng thực hiện điều này thành công là thiết yếu. Trong thế hệ sắp tới, sẽ không có một thử thách nào nghiêm trọng đối với nền ngoại giao của Hoa Kỳ hơn nỗ lực đưa Trung Quốc vào các thiết chế khu vực và toàn cầu, dù đó là việc quản lý kinh tế, hạn chế hiện tượng thay đổi khí hậu, hay chống lại sự bành trướng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và các phương tiện cơ giới để phóng loại vũ khí này. Thế giới cần đến sự giúp đỡ của Trung Quốc để thống nhất Triều Tiên bằng đường lối hòa bình, để ngăn ngừa Iran trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân, và buộc Pakistan thay đổi đường lối. Cơ sở lý luận ban đầu cho việc xích lại gần nhau giữa Washington và Bắc Kinh (hợp tác để chống Liên Xô) không còn phù hợp với tình hình hiện nay, cơ sở lý luận tiếp theo đó (hợp tác vì hai bên đều có lợi ích kinh tế) là quá hẹp hòi, tự nó không thể duy trì sự hài hòa giữa hai nước. Nỗ lực hợp tác chặt chẽ trong việc giải quyết các thách thức nghiêm trọng trong vùng và trên toàn cầu phải được coi là yếu tố quyết định trong hỗn hợp gồm nhiều lựa chọn.

Tuy nhiên, nói đến một “G-2” Mỹ-Hoa hay một “chế độ công quản toàn cầu” (global condominium) là không thực tế. Lãnh đạo Trung Quốc vẫn tiếp tục tập trung vào những nhu cầu nội bộ trước mắt của Trung Quốc và bận rộn với nỗ lực nâng cao hình ảnh của đất nước trên toàn khu vực. Như vậy, về phần Hoa Kỳ và các nước khác, chính sách khôn ngoan nhất là phải đi nước đôi, hợp tác trên những lãnh vực có thể hợp tác với nước Cộng hòa Nhân dân đồng thời duy trì một sự hiện diện ngoại giao, kinh tế, và quân sự hùng hậu trong khu vực và một mạng lưới dày đặc những quan hệ địa phương (a thick web of local ties). Một lập trường như thế sẽ không cho phép Trung Quốc có hành động hiếu chiến, tạo niềm tin cho các nước trong khu vực có đủ tự tin để đối đầu không sợ hãi với người láng giềng to lớn, và cung cấp nền móng cho một cuộc đáp trả thẳng thắn (a robust response) nếu Trung Quốc không chịu hội nhập các định chế khu vực và toàn cầu, mà thay vào đó, lao vào một con đường cơ bản là dân tộc chủ nghĩa và hiếu chiến. Tuy nhiên, vì cái giá quá cao của một nỗ lực bao vây ngăn chặn (containment), chọn nó làm chính sách vào lúc chưa thật sự cần thiết sẽ là một sai lầm và thậm chí có thể đưa đến một quan hệ thù nghịch không phục vụ lợi ích của bất cứ nước nào.

 

R. N. H.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

 

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.