Hà Văn Thịnh – Đại học Khoa học Huế
Trong buổi họp báo sáng 6.1.2010, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tôn Quốc Tường (ĐS TQT) đã nói rất nhiều và khá chi tiết về những gì cần, đủ, thách thức, cơ hội và triển vọng của quan hệ hai nước Trung – Việt hiện nay (Vietnam Net, 16h07’, 6.1.2010). Tất nhiên, về mặt thâm thúy, đa nghĩa thì các hậu duệ của nền văn minh Trung Hoa vĩ đại là những bậc kỳ tài. Bài viết này nhằm mục đích trao đổi (xin lưu ý là sẽ có một vài điều chưa chính xác theo cách hiểu từ suy nghĩ chủ quan của tác giả) về những gì chưa rõ hoặc chúng tôi nghĩ là chưa thỏa đáng…
1. ĐS TQT cho rằng nếu hai nước Trung Việt “hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại”. Đây là mệnh đề hoàn toàn đúng nhưng xin nói lại cho rõ rằng chẳng bao giờ Việt Nam (VN) đấu tranh với Trung Quốc (TQ) một khi mọi chuyện đều đúng với những gì mà thông lệ, luật pháp quốc tế đã quy định. Bất cứ một nhà chính trị, quân sự nghiệp dư nào cũng biết rõ là xét về lợi thế so sánh, VN thua kém TQ rất nhiều: Ngân sách quốc phòng TQ lớn hơn VN 37,5 lần, GDP gấp gần 50 lần, dân số gấp 15 lần… Vì lẽ đó, một dân tộc thông minh và tinh tế như VN chẳng dại gì “đấu tranh” với bất kỳ một siêu cường nào! Thậm chí, lịch sử nhiều đau thương của dân tộc VN đã nói lên một chân lý: Mọi cuộc chiến tranh chỉ nhằm mục đích tự vệ mà thôi. Chính vì tiên đề 1 này nên VN rất mong TQ hiểu rõ cái cốt lõi của vấn đề mà có cách nhìn hiểu biết và thỏa đáng hơn.
2. ĐS TQT cho rằng “sáng kiến” của thời đại (do TQ đưa ra?) là “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” Biển Đông (?) Xin hỏi ĐS TQT rằng, thứ nhất, nếu gác lại thì gác đến bao giờ? Gác lâu quá mọi chuyện có… hóa thành bùn như người VN vẫn nói hay không? Thứ hai, nếu cùng nhau khai thác thì liệu TQ có đồng ý để VN cùng khai thác Hoàng Sa hay không? Thứ ba, về mặt nguyên tắc, chừng nào mâu thuẫn chưa được giải quyết triệt để thì sự mong manh của hợp tác là một định đề mặc nhiên. Vậy thì, tại sao không vừa hợp tác, vừa tiếp tục bàn về tranh chấp? Cái sự “bàn” đó phải đi nhanh hơn hợp tác là điều mà chính nghĩa và sự ổn định luôn chờ đợi.
3. ĐS TQT còn nói rằng các cơ quan hữu trách của TQ “đau lòng” vì chuyện ngư dân VN sau khi được phía TQ “đón tiếp” vào trú bão, “sau khi rời cảng (thuộc quần đảo đang tranh chấp Hoàng Sa), họ lại chỉ trích TQ đối xử không nhân đạo”(!) Là một nhà giáo dạy lịch sử TQ hơn 30 năm nay, tôi không đồng tình với phát biểu nhầm lẫn rất chân thành này. Một là, tôi đồng ý báo chí VN đôi khi quá đà (một thuộc tính tự nhiên của nghề báo) nên dẫn đến sự hiểu sai, hiểu quá. Hai là, ngay bây giờ đang có nhiều tàu thuyền của VN bị phía TQ cầm giữ, đó là sự thật 100%, tại sao ĐS TQT không thấy, không biết? Ba là, nếu quyết tâm truy tìm sự thật lịch sử (trong tiếng Hy Lạp cổ, lịch sử, Historie là “điều tra” – investigation), thì nếu ĐS TQT về đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi để gặp trực tiếp ngư dân thì tốt biết chừng nào! Nói thẳng ra rằng, dù có nghèo cách mấy, bận việc cách mấy, ngày đó, tôi sẽ đến để nghiêng mình cung kính cảm ơn ông ĐS TQT vì ông đã thật lòng điều tra sự thật. Bốn là, dân tộc VN vô cùng căm ghét những kẻ ăn cháo đái bát nên không thể nói xấu TQ một khi TQ (những nhân viên cấp dưới, ở xa chính quyền TW) đối xử nhân đạo. Tôi có thể dẫn ra cho ông muôn vàn câu thành ngữ thâm thúy nói rõ, nói nhiều về điều đó; chẳng hạn: Một miếng khi đói bằng một gói khi no; Tối lửa tắt đèn; Chị ngã em nâng; Lá lành đùm lá rách; Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau…
4. Báo chí của mỗi nước đăng như thế nào là công việc nội bộ của mỗi nước. Tại sao ĐS TQT lại nói rằng TQ không đăng chuyện va chạm trên Biển Đông giữa ngư dân VN và Ngư chính TQ và lại còn tiếp tục khẳng định “Chúng tôi cho rằng không nên đưa tin những việc xấu như thế này”? Xin hỏi ĐS thêm mấy câu hỏi nữa. a) Nguyên tắc của báo chí là không có sự phân biệt giữa tin xấu và tốt. Tin tốt hay xấu là tùy vào quyền lợi, cách nhìn nhận của mỗi người. Chỉ có tin đúng và tin sai. Nếu đúng, thì xấu mấy cũng phải đưa tin. b) Từ (a), một cách gián tiếp, ngài ĐS đã thừa nhận những thiệt hại của ngư dân VN là xấu – do ai gây ra thì có lẽ không cần chứng minh nữa? c) Từ (a) và (b), có thể suy ra rằng TQ luôn luôn đúng? Nếu thế, rất mong ngài ĐS đặt thẳng vấn đề với Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam để hai bên giải quyết thấu đáo theo tinh thần “tri kỷ, tri bỉ”?
5. Điều mơ hồ lớn nhất trong ngôn ngữ của ĐS TQT là khi “điều kiện chín muồi, hai bên giải quyết được vấn đề” tranh chấp ở Biển Đông. Chúng tôi không hiểu về chính trị, chủ quyền, như thế nào, bao giờ, ở đâu là chín muồi? Vì vậy, lại xin hỏi ĐS TQT mấy câu hỏi nữa. I) Thời hạn của sự chín muồi là bao lâu? II) Nếu không xác định rõ thì tính vô hạn, vô chừng của nó sẽ được hiểu theo cách nào? III) Đã định tính, định lượng (sự “chín muồi”), tất nhiên phải có các tiêu chí cụ thể. Nói theo ngôn ngữ khoa học là phải lượng hóa thời gian, không gian, mức độ, giải pháp, sự nhân nhượng lẫn nhau, sự quan tâm cùng nhau… Những tiêu chí đó là gì?
Trong nguyên tắc ngoại giao hữu nghị, bình đẳng, hai bên cùng có lợi, điều tối kỵ là sự áp đặt. Muốn giải thoát khỏi điều tối kỵ đó thì tất cả đều phải rõ ràng, minh bạch. Càng mơ hồ về khái niệm, chúng ta càng dễ lẫn lộn. Càng thiếu tính cụ thể về mặt pháp lý thì càng khó giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp. Càng lẩn tránh sự thật thì sự nghi ngờ càng lớn. Càng để lâu những bất đồng thì sự việc càng nghiêm trọng… Không hiểu ĐS TQT có đồng ý với tôi không?
Huế, 12.1.2009. Tel: 0914.079.210
HVT
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập