Từ ngoài cửa, cháu đã réo gọi: “Ông ơi, có cái này hay lắm, thế nào ông cũng thích”. Rời bàn làm việc, đón cháu gái vào lòng: “Nào, cái gì hay, cháu nói ông nghe đi”. Cháu gỡ tay tôi ra, đứng thẳng và dõng dạc: “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam”, rồi nhắc: “Ông phải hô thật to như cô giáo cháu dạy ấy: “của Việt Nam, của Việt Nam, của Việt Nam”. “Ông nhớ là phải hô ba lần cơ đấy!”, anh cháu vừa nhắc thêm vừa tháo chiếc ba lô trên vai đựng phần thưởng đặt xuống bàn
Cháu ngoại tôi học lớp 1, hôm nay là bế giảng, cháu ôm cả túi quà nặng, nào sách truyện tranh, nào hộp bút, nào bằng khen “Học sinh giỏi” được lồng khung rất đẹp cháu vừa được thưởng, nhưng trên đường về mẹ cháu lại “mách nước” cho cháu: “Ông thích nhất là con nhắc lại khẩu hiệu mà cô giáo vừa dạy ấy, rồi sau đó có khoe gì thì khoe”!
Tôi ôm chặt cháu gái bé bỏng, nguồn sống của tôi, không cưỡng lại được giọt nước mắt rơi trên tóc đứa cháu gái sắp bước sang tuổi thứ bảy. Con gái tôi, mẹ của cháu, sinh đúng năm quân xâm lược Trung Quốc cướp Hoàng Sa của ta. Vậy mà đã đến lượt cháu gái tôi hôm nay được dạy phải ghi nhớ món nợ phải đòi vì chủ quyền của Tổ quốc là thiêng liêng mà mỗi thế hệ Việt Nam phải khắc trong tim.
Thế là, rồi người ta cũng đã cho phép đưa nội dung chống xâm lược, đòi chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải vào dạy trong nhà trường để cháu bé Thùy Trang của tôi hôm nay hồn nhiên và dõng dạc tuyên bố chủ quyền đất nước và lên án kẻ thù xâm lược. Bỗng nhớ đến khuyến cáo của nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện đáng kính: “Có thể nói sau 5, 6 tuổi, tính tình con người ta đã hình thành rồi, giáo dục khó mà biến đổi”. Bạn tôi, Hồ Ngọc Đại, người đã dành trọn cuộc đời cho các cháu học sinh cấp 1, thì khẳng định như đinh đóng cột: “Thời tiểu học là thời hình thành nhân cách, với chất người và chất cá nhân, làm nên cái gốc văn hóa của đời người. Từ 0 đến 11/12 tuổi, em có chất văn hóa gì thì sau này văn hóa cá nhân em đặc trưng bởi tính chất ấy”.
Hôm nay đây, cháu gái bé bỏng của tôi dõng dạc nói lên điều cô giáo vừa dạy để rồi cháu dần sẽ hiểu ra vì sao mà ông cha ta nghiêm khắc làm vậy trong việc giữ gìn từng thước núi, tấc sông của Tổ quốc. Đại Việt sử ký toàn thư, Kỷ Nhà Lê đã viết, năm 1473 vua Lê Thánh Tông đã cảnh báo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy: “Nếu người dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì phải tội tru di”.
Vừa rồi sự láo xược của Hồng Lỗi, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đòi Việt Nam phải “tăng cường giáo dục và quản lý ngư dân” vì họ đã “vi phạm chủ quyền và luật pháp Trung Quốc” để biện hộ cho sự ngang ngược của tàu Trung Quốc trên vùng biển thuộc chủ quyền của ta vừa là điều dễ hiểu và cũng vừa có “dây mơ rễ má” với chuyện cháu bé lớp 1 khoe ông cháu vừa kể. Hàng chục năm nay, sách giáo khoa của Trung Quốc và chương trình giảng dạy của họ đã nhồi vào đầu óc trẻ em nước họ rằng Hoàng Sa mà họ gọi là Tây Sa là thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Họ đã ngụy tạo ra một lượng lớn sách vở, tư liệu và sử liệu để chứng minh rằng từ đời Hán 2000 năm trước, người Trung Quốc đã phát hiện ra quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Nhiều học giả uy tín quốc tế đã bác bỏ điều đó.
Cho dù vậy, nhà trường của họ vẫn giữ nguyên nội dung truyền dạy cho trẻ con nước họ nhằm thực hiện chiến lược bành trướng mà cha ông họ chưa bao giờ buông lơi. Mà muốn bành trướng thật vững chắc và lâu bền thì phải cắm thật sâu mũi nhọn văn hóa nhằm đồng hóa văn hóa bản địa vào văn hóa Đại Hán. Chỉ cần dẫn ra sắc chỉ ngày 21.8.1406 của Minh Thành Tổ gửi tướng viễn chinh Chu Năng đủ nói lên điều đó: “Một khi binh lính vào nước Nam […] hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến những loại ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ nhỏ, loaị sách có câu “thượng đại nhân, khưu ất kỷ” […] một mảnh, một chữ đều phải đốt hết […] Khắp trong nước, phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều gìn giữ cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá huỷ tất cả, một chữ chớ để còn”.
Cùng với phá thì phải xây. Có lẽ họ thấm hiểu lời của Quản Trọng trong kế sách hiểm sâu của họ: “Kế một năm, chi bằng trồng lúa. Kế mười năm, chi bằng trồng cây. Kế trọn đời, chi bằng trồng người”. (“Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc. Thập niên chi kế mạc như thụ mộc. Chung thân chi kế mạc như thụ nhân”). Thật ra thì cùng chẳng phải chỉ Quản Trọng, nhà chính trị đã biến nước Tề hưng thịnh rồi xưng bá, Thomas Hobbes thế kỷ XVII đã nói rõ: “Lao động dành cho đất gọi là sự gieo trồng, và sự dạy dỗ trẻ em gọi là gieo trồng tinh thần”. Vậy là Đông hay Tây đều hết sức coi trọng chuyện “trồng người”. Cho nên, Nguyễn Văn Siêu, danh sĩ triều Nguyễn thế kỷ XVIII, đòi hỏi việc đào luyện con người thì “cần phải thăm dò cái gốc của nó, lại phải tưới tắm cho cái ngọn của nó, mở rộng cái nguồn của nó, lại phải buông lơi cái dòng của nó… Cái lớn thì đủ sức bao dung cái nhỏ, mà cái nhỏ không đủ sức nâng đỡ cái lớn”.
Chỉ đau một điều thật oái oăm là đợi mãi, đợi mãi, đến hôm nay mới được nghe cháu gái tôi reo to lên lời cô dạy. Anh cháu, hôm nay vừa kết thúc lớp 5, chuẩn bị vào cấp hai, song suốt mấy năm vừa qua, tôi hỏi về điều mà em gái cháu vừa nói thì cháu vẫn ngơ ngác! Có một lần cháu nói với tôi về câu chuyện mà cả nhà cháu vừa được bữa cười vui vẻ khi em Thùy Trang của cháu vận dụng ngay điều vừa được cô dạy ở lớp để hỏi mẹ: “Mẹ ơi, có phải ước mơ lớn nhất của ông ngoại là đi biểu tình chống Tàu không?”. Rồi cháu hỏi tôi: “Nó bảo vậy có đúng không hả ông?”.
Tôi cười, xoa đầu cháu: “Vừa đúng vừa không đúng cháu ạ”. Ước mơ lớn nhất của ông là các cháu lớn lên biết phải làm gì để xứng đáng là người Việt Nam dũng cảm, hiểu được ý nghĩa của câu chuyện Trần Quốc Toản bóp nát quả cam trong tay vì căm thù quân xâm lược nhưng chưa đủ tuổi để được cầm quân đánh giặc. “Chuyện này thì cháu hiểu thừa đi chứ, mà rồi Trần Quốc Toản cũng tự tập họp quân sĩ , giương lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân” rồi “oánh” cho giặc tơi bời đấy ông”! – cháu Minh Nhật tự tin trả lời tôi. Ra vậy. Lỗi là của người lớn. Vì sao mãi đến hôm nay, nhà trường mới chính thức dạy cho các cháu lớp Một “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam”? Nói ra thì dài dòng, nhưng thôi, chậm còn hơn không bao giờ. Vả chăng, chuyện “trồng người” vừa không thể chậm song lại vừa hết sức lâu dài. Cứ nghĩ đến lời dạy của ông cha mà xốn xang trong lòng: “phải thăm dò cái gốc của nó, lại phải tưới tắm cho cái ngọn của nó”!
Đâu là cái gốc, đâu là cái ngọn trong chuyện chậm trễ để mãi đến hôm nay cháu gái bé bỏng của tôi mới có thể dõng dạc nhắc lời cô giáo, mà với cháu, lời của cô cũng chính là lời non nước. Không phải lỗi của cháu gái của tôi, đương nhiên, nhưng có lẽ cũng không là lỗi của cô giáo cháu. Vậy thì lỗi của ai? Phải chăng hãy nhớ lời của ông cha vừa dẫn: “Cái lớn thì đủ sức bao dung cái nhỏ, mà cái nhỏ không đủ sức nâng đỡ cái lớn”. Có lẽ “lòng tin chiến lược” không chỉ cần thiết cho “hòa bình, phát triển, thịnh vượng của Châu Á – Thái Bình Dương” và của giữa các nước trên thế giới mà cũng hết sức cần thiết “phải tăng cường xây dựng và củng cố”* trong đời sống tinh thần của đất nước, của cộng đồng xã hội, của mối quan hệ giữa người và người hiện nay. Đặc biệt là xây dựng lại lòng tin đang bị xói mòn, là bớt đi sự trái ngược giữa lời nói và việc làm tạo ra một thói đạo đức giả, làm băng hoại nền tảng đạo đức xã hội, tác động dữ dội đến tâm hồn trẻ thơ.
Mặc dù ở nhà, giữa bữa cơm gia đình, trong câu chuyện của người lớn, các cháu tôi cũng tiếp nhận được những điều cần thiết. Tuy giáo dục gia đình là cực kỳ quan trọng, nhưng dù sao thì muốn trọn vẹn, phải cùng nhà trường thực thi chức năng cao cả của giáo dục là hình thành nhân cách của con người, một con người có khả năng tư duy và hành động với tư cách là một chủ thể trong cộng đồng xã hội. Càng không giản đơn khi các cháu đang sống trong thế kỷ XXI, “thế kỷ của sự khai thác những tiềm năng cực lớn của bộ não”, trong thế giới đó, mỗi cá nhân đối diện với cả thế giới, và cả thế giới thách thức mỗi cá nhân.
Hình như đã có lần, tôi nhớ không thật rõ, là tạp chí Time đã tổ chức bình chọn xem ai là nhân vật tiêu biểu nhất của năm đã chỉ ra: Nhân vật số 1 của năm chính là một tấm gương phản chiếu hình ảnh của mỗi cá nhân khi soi mình vào đó. Khi con người được giáo dục để sống được trọn vẹn tính chủ thể của mình, dám là mình, họ sẽ biết cách tự học tập, rèn luyện như thế nào để trở thành một người chân chính. Một lần nữa, cần nhắc lại ở đây một khuyến cáo nữa của học giả Nguyễn Khắc Viện: Hãy làm sao để cho trẻ “sống hoàn toàn đầy đủ thời thơ ấu của nó, sau lớn lên nó sẽ sống đời người lớn một cách hoàn toàn đầy đủ”. Chúng ta đã làm gì để các cháu có thể “sống hoàn toàn đầy đủ thời thơ ấu của chúng”, để chúng có thể hình thành được những tính cách, mà rồi giáo dục sẽ khó mà biến đổi? Khi mà sự bế tắc của những giải pháp giáo dục cứ lúng túng như “gà mắc tóc” không dám gọi đúng tên sự vật như nó cần phải như thế, thì làm sao con em chúng ta lớn lên sẽ có bản lĩnh sống trung thực và “dám là mình”?
Không phải ngẫu nhiên mà Einstein đã phẫn nộ thốt lên: “Hãy có can đảm để đại diện một cách nghiêm túc những niềm tin đạo đức trong một xã hội đầy rẫy những kẻ vô liêm sỉ”. Cũng vì thế mà đại văn hào Lỗ Tấn của Trung Hoa, và cũng là của thế giới, từng thảng thốt mà rằng: “Hãy cứu lấy trẻ em”! Cứu trẻ em ra khỏi sự dối trá và lừa mị. Hãy tạo nên một môi trường sống lành mạnh và trung thực, nói cách khác, phải vực dậy một đời sống văn hóa đang bị xuống cấp trầm trọng. Các cháu của ta hiện nay đang cần những dưỡng chất đến từ một nền văn hóa mà trong đó, những tinh hoa của truyền thống dân tộc được thăng hoa trong quá trình chọn lựa và tiếp thu những thành tựu của văn hóa và văn minh của thời đại để tăng thêm sức đề kháng chống trả những cặn bả của nền văn minh ấy.
Trong đó nổi bật nhất là giá trị và hệ thống giá trị là cái cốt lõi của văn hóa. Chất nhân văn, tính quật khởi, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc trong hệ thống giá trị của người Việt Nam qua mọi thời đại là cái tạo dựng nên bản sắc văn hóa Việt Nam, vun đắp nên giá trị phổ quát của văn hóa Việt Nam đang cần phải vun đắp.
Trong “Sáng thế kỷ” có chuyện Adam và Eva sau khi ăn trái cấm thì bỗng nhiên phát hiện ra sự trần truồng của mình, cảm giác xấu hổ xuất hiện và cả hai đều bứt chiếc lá vả để che đi bộ phận sinh dục. Chiếc lá vả ấy, theo Franz Werfel, một nhà văn Đức, là “tài liệu văn hóa đầu tiên của loài người”! Không là chiếc lá vả đang nằm trên cây, mà là chiếc lá vả được con người sử dụng để biểu thị nhận thức và cảm xúc của mình, là biểu tượng của con người tự ý thức được về mình. Cái cảm giác “biết xấu hổ” là một thuộc tính người. Khi con người không còn biết xấu hổ, chỉ hành động những rô bốt theo mệnh lệnh đã cài đặt sẵn thì hệ lụy thật khôn lường, không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho nhiều thế hệ kế tiếp.
Cho nên, nói văn hóa là nói đến con người, và bởi vậy, nói con người là nói đến văn hóa. Vì thế, ý nghĩa đầu tiên của văn hóa theo gốc Latinh thường được truyền đạt ở phương Tây mà chỉ hiểu theo nghĩa là “gieo trồng” thì nội hàm của nó đã bị thu hẹp đi rất nhiều (culture theo cùng cách viết chỉ có phát âm khác trong tiếng Anh và tiếng Pháp). Đó không phải gốc nghĩa của văn hóa vốn hay hơn và rộng hơn, xuất xứ từ tiếng Latinh cổ là colore, có nghĩa là sống, là vun đắp, là tôn vinh. Tạo nên một môi trường sống trung thực, bớt đi những lời nói dối triền miên đầu độc tâm hồn trẻ thơ đấy là một đòi hỏi bức xúc để thực hiện việc “trồng người”, thực hiện sứ mệnh cao cả của văn hóa là sống, vun đắp và tôn vinh như vừa nói.
Bài này viết nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi, xin nhắc lại một câu nói của của một bé gái 12 tuổi “Cháu xin thách thức mọi người, hãy hành động như những gì mọi người nói”. Đó là câu nói của Severn Suzuki – cô bé 12 tuổi đến từ Canada, con gái của nhà hoạt động môi trường nổi tiếng David Suzuki – tự mình cùng với các bạn nhỏ khác kiếm tiền, vượt qua chặng đường dài gần 5.000 dặm để tới tham gia Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu toàn cầu do Liên Hợp Quốc tổ chức vào năm 1992 tại Rio de Janeiro, Brazil! Cùng với môi trường sinh thái, môi trường văn hóa đang đòi hỏi một nỗ lực hết sức lớn.
Câu nói “Hãy hành động như những gì mọi người nói” cứ như thể dành cho chính chúng ta hôm nay!
Tp. Hồ Chí Minh ngày 1.6.2013
T. L.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
* Xem diễn văn của Thủ tướng Chính phủ khai mạc khai mạc Đối thoại Shangri-La 2013.
Nhân đây xin gợi một điều, phải chăng khái niệm “ Strategic TRUST” trong văn bản tiếng Anh của Diễn văn nên dịch là “những cam kết với nhau về chiến lược” thì sẽ sáng tỏ hơn, như đề nghị của một trí thức sống ở nước ngoài vừa gửi đến người viết bài này (TL).