Trách móc người Việt Nam hoang phí có phần đúng mà cũng có phần nghe như hơi bất nhẫn. Người Việt Nam, người dân quê Việt Nam, vốn chất phác và rất cần kiệm, rất biết chắt chiu những gì cha ông để lại cho mình. Nhưng nhiều thói quen đã được tập nhiễm từ bao nhiêu lâu nay, không phải từ khi có chút của ăn của để mà bắt đầu chơi sang, mà trước đó rất lâu nữa kia. Hình như người ta đã dạy cho nhiều thế hệ những quan niệm tưởng đâu hay ho mà hóa ra là các thói hư tật xấu, trong đó tật xấu nhất là cách nhìn đảo ngược các giá trị của quá khứ, ngỡ như đảo ngược như thế mới là cách mạng. Bởi thế, hoang phí phát sinh, một phần lớn do cách ứng xử với các giá trị theo chiều hướng phải tung hê chúng đi, dày đạp lên chúng, để từ con số không mà thiết lập một hệ giá trị mới, xưa kia chưa từng có.
Ai chịu trách nhiệm về kiểu ứng xử ấy? Chính là một thứ ảo tưởng mê muội một thời đã lôi cuốn người ta, như trong một cơn điên tập thể: bạ chùa chiền nào cũng phá, tài năng nào của chế độ cũ cũng vứt bỏ, sách vở nào người xưa để lại cũng chứa đầy nọc độc phong kiến, phản động, phải đem ra đốt sạch, điệu hát lời ca nào cũng mang đầy tình cảm hưởng lạc ủy mị, hoặc pha phách mê tín dị đoan, phải vừa nghe vừa cảnh giác để khỏi ảnh hưởng đến mình. Cho đến khi tỉnh ra, chủ nghĩa tập thể không còn nữa, thì người ta lại đi đến cái trạng thái cực đoan quay ngược một cách vô chính phủ: cái gì của công, nếu đập phá được thì đập quách đi cho bõ ghét, còn như nếu “nẫng” lấy được thì phải tìm mọi cách nẫng ngay. Sự cực đoan không phải ở người dân tầm thường mà ở ngay trong hàng ngũ quan chức thường rao giảng những lý tưởng đẹp, những định hướng xã hội chủ nghĩa. Bán rừng đầu nguồn, đẩy đất nước đến nguy cơ mất an ninh, lâm vòng tai họa, thì cũng là ngón sở trường của các ngài đã luôn mồm “định hướng xã hội chủ nghĩa” một cách không kém hùng hồn.
Bauxite Việt Nam
Mỗi mảnh đất của quê hương là một mảnh thịt xương người Việt đã ngã xuống để giữ gìn. Sao không bằng sức mình làm giàu trên mảnh đất ấy? Trao nó vào tay người ngoài không chỉ là hoang phí mà còn là một mối nguy hiển hiện. Đó là một sự lãng phí có tội với tương lai của đất nước.
“Tiết kiệm là quốc sách” – câu nói ấy được lặp đi lặp lại không biết bao lần trên sách vở, báo đài nhưng dường như tác dụng của nó thực sự chưa thấm vào đâu. Tôi chợt nghĩ, đó là do người Việt Nam chúng ta không những không có bản tính tiết kiệm mà ngược lại còn vô cùng hoang phí, nên khẩu hiệu ấy mới như “nước đổ lá khoai”.
Hãy bỏ qua những “tiểu tiết” như tắt điện, tắt điều hòa khi ra khỏi phòng hay những bữa tiệc xa hoa của không ít người Việt Nam khiến người nước ngoài cũng phải “nể” – những sự hoang phí mang tính cá nhân như thế chưa thấm vào đâu so với “trào lưu” hoang phí của cả một đất nước.
Bắt đầu từ chuyện những hồ nước Hà Nội bị san lấp và nhiều cánh đồng “bờ xôi ruộng mật” khắp các tỉnh thành đột nhiên biến thành sân golf hay được bê tông hóa thành khu công nghiệp. Đúng sai, phải trái thế nào người dân đã nói quá nhiều. Tôi chỉ xin nhấn mạnh rằng việc xẻ thịt ao hồ, đồng ruộng như thế là cực kỳ hoang phí.
Đâu phải thành phố nào trên thế giới cũng được thiên nhiên ban tặng hệ thống hồ đẹp và dày đặc như Hà Nội. Vậy mà chúng ta đã biến bao hồ lớn hồ nhỏ của Thủ đô thành ao tù chứa rác, thậm chí còn muốn bức tử chúng để xây cao ốc, chung cư. Và dù biết rằng phải mất mấy trăm năm, mấy ngàn năm những mảnh đất cằn khô mới thành ruộng nước hai mùa trồng lúa, chúng ta vẫn nhẫn tâm đổ bê tông cốt thép lên trên để “xây cho nhà cao cao mãi”. Hành vi đó có thể gọi là gì ngoài hai từ hoang phí?
Ai đi qua đường Láng sẽ nhìn thấy tấm biển đề “Di tích lịch sử văn hóa Chùa Nền”, tấm biển mờ mịt vì bụi, chỉ lối vào một ngôi chùa luôn đóng cửa im ỉm, sân chùa đã được trưng dụng làm kho hàng, bãi gửi xe, trước cổng chùa ngổn ngang xi măng, sắt thép. Có phải vì cả nước có quá nhiều những “di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng” nên chúng ta thành ra coi thường? Nếu cứ hoang phí các di tích như thế, đến lúc chúng ta sẽ phải xếp chúng vào “sách đỏ” vì nguy cơ tuyệt chủng.
Cả những “di sản văn hóa phi vật thể” cũng đâu được chúng ta trân trọng. Sự hoang phí đội lốt bảo tồn mới đáng sợ làm sao: chúng ta háo hức giới thiệu với thế giới về ca trù, quan họ; sung sướng nếu trong cuộc giao lưu, bạn bè nước ngoài nói vài câu tiếng Việt hay hát một điệu dân ca. Nhưng chính chúng ta đâu có biết trân trọng chúng? Bao nhiêu người Việt Nam ngồi xem hết một vở chèo hay một vở cải lương? Chúng ta đối xử một cách lạnh nhạt những thứ mà ngoài miệng xưng tụng là tinh hoa. Với sự hoang phí ấy, liệu bao nhiêu bằng công nhận của UNESCO mới đủ để giúp những tài sản tinh thần của dân tộc ta thôi tuyệt chủng?
Một sự lãng phí đáng lo ngại hơn nữa – lãng phí nhân tài. Đất nước ta có truyền thống hiếu học và trọng người có học. Nhưng giữa trọng thị và biết cách sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nhân tài lại có khoảng cách khá xa. Đã có bao nhiêu người tu nghiệp trời Tây, mong được về làm việc trong cơ quan Nhà nước nhưng rồi đành ngán ngẩm khăn gói ra đi “làm thuê cho Tây”. Bao nhiêu vị có học hàm học vị vẫn hàng ngày đến cơ quan chỉ để nhâm nhi nước chè? Bao nhiêu luận văn, luận án phủ bụi trong thư viện?
Nhân tài không phải như ao hồ tự nhiên mà có, để có một nhân tài, người mẹ đã đổ mồ hôi trên cánh đồng, người cha đã sôi nước mắt trên những cuốc xe ôm, người con đã mờ mắt vì những đêm chong đèn thức trắng. Vậy mà nhân tài cuối cùng đi đâu? Chợt nhớ lời của người xưa: “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Nhưng với Việt Nam, có lẽ không phải số nhân tài quá ít nên không đủ lấp đầy “nhà trống”, mà vì nó trống trải, lạnh lẽo, khó sống quá nên nhân tài vào cửa trước ra cửa sau. Ai đó đã đúc kết một câu nói chua chát nhưng không phải không có lý rằng người Việt ta “giàu thì ghét, nghèo thì khinh, thông minh thì không dám dùng.” Nếu vẫn giữ sự lãng phí nhân tài, liệu đến bao giờ chúng ta mới có thể hóa rồng, hóa hổ hay mãi mãi chỉ loay hoay trong cái bẫy thu nhập trung bình?
Tôi chợt lạnh người khi gần đây báo chí đang xôn xao về chuyện nhiều địa phương cho nước ngoài thuê rừng, thuê đất. Chao ôi, mỗi mảnh đất của quê hương là một mảnh thịt xương người Việt đã ngã xuống để giữ gìn. Sao không bằng sức mình làm giàu trên mảnh đất ấy? Trao nó vào tay người ngoài không chỉ là hoang phí mà còn là một mối nguy hiển hiện. Đó là một sự lãng phí có tội với tương lai của đất nước.
Nếu không chịu tỉnh mộng, vẫn tưởng người Việt chúng ta luôn biết tiết kiệm, biết trân trọng những thứ mình có, đến một ngày sực tỉnh muốn trân trọng, muốn tiết kiệm những thứ ấy e đã muộn rồi.
KD
Nguồn: tuanvietnam.net