Thông tin đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ đề nghị Bộ Quốc phòng Trung Quốc thỏa thuận không dùng vũ lực tại Biển Đông nhân dịp đối thoại quốc phòng lần thứ 4 giữa hai nước tại Bắc Kinh khiến cho hầu hết những người dân Việt Nam quan tâm đến vấn đề biển đảo của dân tộc đều tỏ ra hoài nghi và có phần thất vọng về tính không thực tế của bản thỏa thuận này cho dù nó có được ký kết hay không.
Mặc dù đây mới chỉ là đề nghị từ phía Việt Nam và chưa chắc phía bên kia (Trung Quốc) đã đồng ý, nhưng nếu phía Trung Quốc đồng ý ký kết thỏa thuận này theo đề nghị của Bộ Quốc phòng Việt Nam thì Việt Nam vẫn sẽ chẳng được lợi lộc gì.
- Chỉ ký kết trong khuôn khổ Bộ Quốc phòng hai nước về không sử dụng vũ lực tại Biển Đông thôi thì chưa đủ. Nhân dân Việt Nam cũng như cộng đồng thế giới quan ngại đến vấn đề Biển Đông không phải ở chỗ quân đội hay lực lượng quốc phòng Trung Quốc tràn xuống Biển Đông, mà chủ yếu là việc Trung Quốc luôn dùng các loại tàu trá hình nhưng lại được trang thiết bị vũ khí phương tiện quân sự hiện đại để gây hấn lấn chiếm biển đảo, tận thu nguồn lợi thủy sản trên Biển Đông của Việt Nam.
Ai cũng biết các lực lượng tàu bán quân sự của Trung Quốc tràn xuống Biển Đông Việt Nam đều là lực lượng ngư chính trực thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc (FLEC), cơ quan hảỉ quan (GAC), cơ quan hải dương (SOA) và các lực lượng hải giám của cảnh sát biển Trung quốc… Những cơ quan này không nằm trong thành phần Bộ Quốc phòng Trung Quốc, do đó cho dù có ký được thỏa thuận này thì Biển Đông Việt Nam sẽ không giảm nguy cơ sử dụng vũ lực từ phía Trung Quốc. Một giả thiết đặt ra là các lực lượng kể trên không những mua lại mà còn đi thuê các tàu quân sự của Bộ Quốc phòng Trung Quốc để sử dụng vũ lực với ngư dân Việt Nam thì liệu Bộ Quốc phòng Trung Quốc có vi phạm thỏa thuận không sử dụng vũ lực với Bộ Quốc phòng Việt Nam không?
Do đó Đảng, Nhà nước Việt Nam muốn thực sự ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực trên Biển Đông phải ký thỏa thuận ở cấp cao hơn mới mong có hiệu quả.Cũng như phải dùng các diễn đàn quốc tế khác thì mới mong Trung Quốc thực thi nghiêm chỉnh thỏa thuận trên Biển Đông.
- Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đã nhắc lại lời của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn rằng hiện hai nước có rất nhiều cam kết, nhiều bản tuyên bố chung không sử dụng vũ lực trong xử lý các tranh chấp ở Biển Đông để lập luận cho rằng “không một thế lực nào có thể xuyên tạc chủ trương hòa bình, hữu nghị giữa hai quốc gia” (ý nói Việt Nam và Trung Quốc trong bài trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam do Dân trí dẫn nguồn ngày 7/6/2013). Là lãnh đạo quốc phòng của một đất nước có bề dày truyền thống chống ngoại xâm và lại là con nhà nòi, tại sao Thứ trưởng Vịnh lại có một niềm tin ngây thơ về kẻ thù núi liền núi sông liền sông đến vậy?
Không cần lý luận dài dòng cao siêu gì cả mà chỉ cần thấy rằng khi nhắc lời của Bộ trưởng Tàu cộng về việc hai nước có rất nhiều cam kết, Thứ trưởng Vịnh giải thích như thế nào sự kiện tàu cá Việt Nam vẫn bị Trung Quốc đâm chìm đốt cháy, tịch thu hủy hoại, ngư dân Việt Nam vẫn bị Trung Quốc đánh đập, giam cầm, đòi tiền chuộc?!
Chẳng lẽ Bộ Quốc phòng Việt Nam coi việc Trung Quốc dàn trận diễn tập đổ bộ, bắn đạn thật trên Biển Đông là hành động “hòa bình giữa hai quốc gia”, coi ciệc xua đuổi, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam không phải là hành động vũ lực của Trung Quốc với chiến thuật lấy thịt đè người để uy hiếp dân tộc Việt trên Biển Đông?
Với hiện trạng như hiện nay, dân tộc Việt Nam rất sợ cái thứ “hòa bình hữu nghị” mà Trung Quốc và giới cầm quyền Việt Nam đang rêu rao.
Từ thực tế đó giới cầm quyền Việt Nam nên có những động thái cam kết, và đi đến ký kết, với Nhà nước Trung Quốc về việc không sử dụng các lực lượng quân sự và phi quân sự trên Biển Đông nhằm duy trì hòa bình trên biển, chứ không chỉ có cam kết không sử dụng vũ lực giữa quân đội hai nước; mặt khác chính phủ Việt Nam cần cam kết với nhân dân về lộ trình và phương cách để buộc Trung Quốc chấm dứt thôn tính trên biển nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng.
Nhân dân luôn trông đợi những việc làm cụ thể này từ phía Đảng và chinh quyền Việt Nam, chứ không phải những lời hứa về lòng tin!
Đ. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.