1. Sự chậm trễ của Việt Nam
Cho đến hôm nay, Việt Nam vẫn chưa gia nhập Công ước chống tra tấn (CAT, 1984), dù cho đã có 153 quốc gia trên thế giới là thành viên Công ước này, và dù nhà nước đã nhiều lần đưa ra cam kết về vệc gia nhập Công ước. Trong khi nhìn qua láng giềng, Campuchia đã là thành viên của CAT từ năm 1992 (cũng như thành viên của Nghị định thư bổ sung của Công ước (OP–CAT, 2002) từ 2007), Lào cũng đã gia nhập CAT trong năm 2012.(*)
Gần đây, vào ngày 25/2/2013, khi phát biểu trước khóa họp 22 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (Liên Hợp Quốc) tại Geneva, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam – nhằm khẳng định việc Chính phủ Việt Nam quyết định ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014–2016 để “đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung của Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ quyền con người” – tiếp tục hứa hẹn về việc sớm gia nhập này. Trong một cuộc hội thảo vào tháng 4/2013 tại Hà Nội, một công chức của Bộ Ngoại giao cũng tái xác nhận Việt Nam cũng đang nỗ lực để gia nhập CAT, cũng là để có thành tích trình bày trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc trong dịp Kiểm điểm định kỳ (UPR) vào đầu năm 2014. Tuy nhiên, lộ trình cụ thể của việc này không được công bố cho công chúng biết, và cũng không có gì để bảo đảm chắc chắn Việt Nam sẽ sớm gia nhập CAT, cũng như ký kết Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPWD).
Trong bối cảnh thực trạng tra tấn, đối xử tàn ác, vô nhân đạo tại Việt Nam ít được đề cập trên các phương tiện truyền thông nhà nước, người dân chi biết đến một vài vụ việc nghiêm trọng, chủ yếu do công an địa phương gây ra, mà thủ phạm đã bị truy tố và kết án (như vụ anh Nguyễn Văn Khương bị đánh đến chết bởi một công an huyện Tân Yên, Bắc Giang ngày 23/7/2010; vụ ông Nguyễn Mậu Thuận bị đánh đến chết bởi 4 công an xã Kim Nỗ, Đông Anh, Hà Nội ngày 30/8/2012). Còn nhiều vụ việc tử vong khác còn tiếp tục để lại nghi ngờ trong dư luận, nhiều đơn khiếu nại về tình trạng nơi tạm giữ, trại giam, đối xử của nhà chức trách… được các blog, trang tin độc lập hoặc phương tiện truyền thông từ bên ngoài đăng tải nhưng ít thấy cơ quan nhà nước phản hồi. Rõ ràng, các cá nhân, tổ chức quan tâm đến lĩnh vực này cần nỗ lực hoạt động hơn để cùng tìm hiểu về các khía cạnh liên quan (như pháp luật quốc gia và quốc tế, phương thức, mạng lưới vận động…), nâng cao nhận thức của cộng đồng và vận động các cơ quan nhà nước hội nhập quốc tế và thực thi các cam kết. Đây cũng là một trong những điều cần làm của những người muốn khôi phục lại truyền thống nhân đạo của Việt Nam, dường như đã mất, nếu trước đây từng có.
Ngày quốc tế hỗ trợ nạn nhân của tra tấn (International Day in Support of Victims of Torture) – 26 tháng 6 – được tổ chức hàng năm là dịp để mọi người trên khắp thế giới lên tiếng chống lại tội ác tra tấn và hỗ trợ cho các nạn nhân bị tra tấn, bị đối xử tàn ác, vô nhân đạo bởi các nhân viên công lực. Ngày này được lựa chọn bởi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vì hai lý do. Thứ nhất, vào ngày 26/6/1945, Hiến Chương Liên Hợp Quốc được ký kết, đây là văn kiện quốc tế đầu tiên buộc các thành viên của Liên Hợp Quốc phải tôn trọng và thúc đẩy các quyền con người. Thứ hai, ngày 26/6/1987 là ngày Công ước chống tra tấn của Liên Hợp Quốc bắt đầu có hiệu lực.
Quyết định, vào ngày 12/12/1997, hàng năm tổ chức Ngày quốc tế hỗ trợ nạn nhân của tra tấn được Đại hội đồng đưa ra theo đề xuất của Đan Mạch. Ngày 26 tháng 6 được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1998. Trong lần kỷ niệm đầu tiên này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan, đã phát biểu: “Đây là ngày mà chúng ta bày tỏ sự trân trọng đối với những người đã trải qua những điều không thể tưởng tượng. Đây là dịp đề cả thế giới lên tiếng chống lại những điều khó có thể nói ra. Lẽ ra từ lâu đã phải có một ngày dành cho việc nhớ đến và ủng hộ những nạn nhân, những người phải chịu tra tấn trên khắp thế giới.”
Từ đó, hàng năm Ngày quốc tế hỗ trợ nạn nhân tra tấn được hàng trăm cá nhân, NGO bảo vệ nhân quyền trên thế giới tổ chức với nhiều hình thức phong phú. Ngày này có thể được coi như một cột mốc của năm, đánh dấu sự trưởng thành thêm của phong trào chống tra tấn toàn cầu. Tuy nhiên, ngày 26/6 vẫn chưa đươc người Việt Nam quan tâm nhiều.
2. Các hình thức kỷ niệm ngày 26/6
Một số mạng lưới NGO toàn cầu trong lĩnh vực chống tra tấn (như IRCT, OMCT, Amnesty International…) làm đầu mối hỗ trợ NGO tại các quốc gia tổ chức sự kiện ngày chống tra tấn. IRCT (Hội đồng quốc tế hỗ trợ nạn nhân tra tấn), với trụ sở chính tại Đan Mạch, hàng năm đều có Báo cáo toàn cầu (Global Report) ghi lại các hoạt động của ngày 26/6 trên thế giới. Trang tin điện tử của tổ chức (IRCT.org) cũng có nhiều tài liệu, tranh vận động, gợi ý về các hình thức vận động.
2.1. Tọa đàm, hội thảo, kiến nghị và tuần hành
Các hoạt động thông tin, giáo dục, thông qua các cuộc tọa đàm, hội thảo, mời chuyên gia nói chuyện là những hình thức phổ biến nhất để đánh dấu ngày chống tra tấn tại nhiều quốc gia trong những năm trước. Nội dung của các cuộc tọa đàm có thể là chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về thực trạng tra tấn, đối xử tàn ác, vô nhân đạo, pháp luật quốc gia, các chuẩn mực và cơ chế quốc tế liên quan đến chống tra tấn; các phương thức hỗ trợ nạn nhân của tra tấn (pháp lý, y tế, tâm lý, kinh tế…).
Tại Campuchia, một thành viên của CAT, trong ngày 26/6/2012, bảy tổ chức nhân quyền đã tọa đàm về chủ đề “Phục hồi” tại Phnom Penh. Bên cạnh việc thảo luận về thực trạng sử dụng tra tấn, ba nạn nhân đã được mời kể lại kinh nghiệm bản thân và hậu quả lâu dài của tra tấn đối với họ. Tại Hồng Kong, Trung tâm Nhân quyền Á châu (AHRC) tổ chức một loạt buổi nói chuyện bởi các chuyên gia quốc tế, tổ chức họp mặt với các phóng viên trao đổi về các chủ đề liên quan.
Việc vận động, ký niệm cũng có thể lồng ghép với các sinh hoạt văn hóa như vẽ tranh, ca nhạc, đóng kịch… Các hình thức trẻ trung, đa sắc màu này dễ hấp dẫn được nhiều lứa tuổi. Hoạt động ký thình nguyện thư, kiến nghị cũng giúp cho việc giáo dục công chúng, gây dựng sự đoàn kết trong xã hội. Tại nhiều nơi, việc số lượng lớn người nắm chặt tay nhau, tạo thành “sợi dây người” (human chain) trước các cơ quan công quyền hoặc nơi công cộng biểu đạt rất ấn tượng sự doàn kết, quyết tâm và thu hút sự chú ý của mọi người.
Trong ngày 26/6/2012, tại nhiều quốc gia các cuộc tuần hành, chạy bộ cũng được tổ chức. Tại Manila (Philippines), 650 cá nhân từ xã hội dân sự, cơ quan nhà nước, cùng nhau chạy bộ chống tra tấn (Basta! Run Against Torture – BRAT), sự kiện hàng năm này thể hiện mong muốn của người dân về một quốc gia không có tra tấn. Cùng ngày, tại nhiều quốc gia châu Á khác, như Indonessia, Campuchia, Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka… nhiều hoạt động thúc đẩy việc xóa bỏ tra tấn đã diễn ra.
Tùy đối tượng hướng đến (đại biểu Quốc hội, cơ quan nhà nước, luật gia, bác sĩ hoặc nạn nhân của tra tấn…) và thông điệp muốn truyền tải, các nhóm sẽ lực chọn phương thức tổ chức thích hợp. Tại Công-gô, nhiều thanh niên đã vận động người dân quyên góp các vận dụng thiết yếu (như bàn chải đánh răng, chăn, màn …) gửi cho những phạm nhân trong các nhà tù. Công tác chuẩn bị nên thực hiện càng sớm càng tốt.
2.2. Các bài trình bày quan điểm, tuyên bố chung
Cũng nhân ngày chống tra tấn, bên cạnh các phát biểu của các cá nhân bảo vệ nhân quyền hay các lãnh đạo quốc gia, quốc tế, các tổ chức bảo vệ nhân quyền cũng thường ra tuyên bố chung (joint statement) thể hiện quan điểm, kêu gọi các cơ quan chức trách tăng cường trách nhiệm trong việc phòng chống tra tấn, bảo vệ các nạn nhân.
Dưới đây là một số trích đoạn tuyên bố, phát biểu trong ngày 26/6/2012:
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, 2012:
“Trong Ngày quốc tế hỗ trợ nạn nhân của tra tấn này, chúng ta bày tỏ sự đoàn kết, ủng hộ với hàng trăm ngàn nạn nhân của tra tấn và gia đình của họ trên khắp thế giới đang phải chịu đựng khổ đau. Chúng ta cũng lưu ý nghĩa vụ của các quốc gia không chỉ trong việc ngăn chặn tra tấn, mà còn phải cung cấp cho mọi nạn nhân của tra tấn các cơ chế khắc phục, sự bồi thường nhanh chóng và hiệu quả, cũng như các hình thức phục hồi về xã hội, tâm lý, y tế và các hình thức phục hồi thích hợp khác. Cả Đại hội đồng và Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cùng thúc giục các quốc gia thiết lập và tài trợ cho các trung tâm hoặc cơ sở giúp phục hồi.”
Tuyên bố chung Ủy ban chống tra tấn, Tiểu ban chống tra tấn, Báo cáo viên độc lập về tra tấn và Ban quản trị Quỹ vì nạn nhân của tra tấn Liên Hợp Quốc, 2012:
“Có một người đàn ông bị giam giữ tùy tiện đã tìm đến các cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc để tìm kiếm công lý. Khi cơ quan của Liên Hợp Quốc ra kết luận có lợi cho ông, người đàn ông bị trả thù vì đã lên tiếng bảo vệ quyền của mình. Ông đã bị tước đoạt sự chăm sóc y tế, bị biệt giam và bị cán bộ trại giam đánh đập.
Hôm nay, vào Ngày quốc tế hỗ trợ nạn nhân của tra tấn, chúng ta nhắc nhở các quốc gia rằng họ có nghĩa vụ bảo vệ các cá nhân đó và bảo đảm rằng họ không bị trả thù hoặc truy bức vì hợp tác với các cơ quan của Liên Hợp Quốc…
Nhân ngày này, chúng ta bày tỏ tình đoàn kết với những người, sau khi trải qua những hình thức tra tấn và đối xử tàn ác tồi tệ nhất, đặt niềm tin vào các cơ chế của Liên Hợp Quốc, dù cho có nguy cơ bị trả thù. Điều cần thiết là các quốc gia diễn dịch các cam kết chống tra tấn của mình bằng các biện pháp bảo đảm rằng các nạn nhân và luật sư nhân quyền liên quan đến các cơ chế Liên Hợp Quốc chống tra tấn sẽ không bị trả thù hoặc tái trở thành nạn nhân…”
Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc Navi Pillay, 2012:
“Trong 25 năm qua, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả trong cuộc chiến chống lại tra tấn. Tra tấn đã được hình sự hóa trong pháp luật các quốc gia, các điều khoản của Công ước chống tra tấn thường được lồng ghép vào giáo trình đào tạo cho cảnh sát. Nhưng còn nhiều việc phải làm. Việc sử dụng tra tấn còn lâu mới hết. Mỗi ngày, nhiều cơ quan của Liên Hợp Quốc làm việc về vấn đề tra tấn, trong đó có cơ quan của tôi, tiếp tục nhận được các báo cáo về tra tấn tại nơi giam giữ, có thể nhằm ép nhận tội hoặc nhằm hăm dọa.
Vào Ngày quốc tế hỗ trợ nạn nhân của tra tấn này, tôi kêu gọi mọi quốc gia thực thi các cam kết họ đã đưa ra nhằm phòng ngừa, truy tố, và trừng trị việc sử dụng tra tấn và các hình thức đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm. Như Công ước chống tra tấn đã chỉ rõ việc sử dụng tra tấn là bất hợp pháp, trong mọi hoàn cảnh, không có ngoại lệ…”
Tổng thư ký và Chủ tịch IRCT, 2012:
“Ngày này cho chúng ta thời gian để lắng lại và nhớ đến những người đã phải chịu đựng, đồng hành với những người đang phải chịu đựng, vì lẽ hậu quả của tra tấn còn kéo dài sau khi hành động thực tế xảy ra…”
Trên đây là một số phát ngôn, quan điểm phần nào thể hiện tính chất toàn cầu của nạn tra tấn và của cuộc chiến chống lại tra tấn. Tháng 6 này có thể là dịp để xã hội dân sự Việt Nam tạo đà trong cuộc vận động nhà nước sớm gia nhập Công ước chống tra tấn, thực thi các cam kết đã đưa ra trong việc bảo vệ quyền của người dân, tạo ra sự minh bạch của hệ thống giam giữ, cũng là bày tỏ sự quan tâm của chúng ta đối với những người đang bị tạm giam hoặc đang thi hành án phạt tù (một nhóm yếu thế/ dễ bị tổn thương trong mọi xã hội).
K. T.
TÌM HIỂU THÊM TẠI:
- Hội đồng quốc về vì nạn nhân tra tấn (International Rehabilitation Council for Torture Victims – IRCT): IRCT.org
- Hiệp hội Quốc tế phòng chống tra tấn (APT): http://www.apt.ch
- Tổ chức thế giới chống tra tấn (OMCT), thành lập năm 1985, là một liên minh của các NGO chống lại tra tấn, mất tích cưỡng bức: http://www.omct.org/
- Ân xá Quốc tế (Amnesty International): www.amnesty.org
- Tổ chức chống tra tấn và hình phạt tử hình FIACAT
- Văn phòng cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc: OHCHR.org
- nhanquyen.vn
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
(*) Công ước chống tra tấn (tên đầy đủ là Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục – CAT) được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 10/12/1984, theo Nghị quyết 39/46, và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987, theo Điều 27(1)), có các nội dung cơ bản như sau:
- Điều 1 đến 16 (Phần I): các điều khoản nội dung quy định các nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước cần áp dụng trong pháp luật quốc gia. Đây là những nội dung quan trọng nhất của Công ước.
- Điều 17 đến 24 (Phần II): thẩm quyền và các phương thức hoạt động của Ủy ban chống tra tấn, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi Công ước (thông qua việc xem xét báo cáo định kỳ của các quốc gia, nhận khiếu nại của các nạn nhân tra tấn, điều tra tình hình thực tế…)
- Điều 25 đến 33 (Phần III): các khía cạnh kỹ thuật về ký kết, phê chuẩn Công ước, thủ tục sửa đổi, việc bảo lưu Công ước.
Xin xem toàn văn ở đây.