Trang Bauxite Việt Nam hồi tháng 11/2010 có đăng bài Bi thảm khi thiếu độc lập và tự chủ, Sáu Nghệ tôi trích trong tác phẩm Lý luận Hồ Chí Minh của ông Đoàn Duy Thành, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ. Đoạn trích viết về thời kỳ Cải cách ruộng đất. Sau đó, người nhà của ông Đoàn Duy Thành cho biết, nhiều trí thức trong và ngoài nước đọc bài giới thiệu đã đánh giá cao, đồng thời mong muốn được đọc thêm một số nội dung khác của tác phẩm. Đáp ứng nguyện vọng ấy, tôi lại xin trích nguyên văn một số đoạn trong tác phẩm, thể hiện tư tưởng độc lập và tư duy kinh tế của Bác Hồ, kính nhờ trang Bauxite Việt Nam đăng (những tiểu tựa trong bài giới thiệu là của Sáu Nghệ tôi). Cũng xin nhắc lại, nội dung tác phẩm theo tác giả là “đã được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia và Tác giả nhất trí thông qua ngày 11/08/2010”.
Sáu Nghệ
Tư tưởng độc lập
(…) Đến Trung Quốc, ngoài nghiên cứu phong trào cách mạng Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đi sâu nghiên cứu chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn, với khẩu hiệu: “Dân tộc độc lập. Dân quyền tự do. Dân sinh hạnh phúc”. Nguyễn Ái Quốc rất tâm đắc với học thuyết Tam dân của Tôn Trung Sơn, nó phù hợp với mục tiêu của Người khi ra đi tìm đường cứu nước là: “Độc lập – Tự do”. Học thuyết đó không những phù hợp với đại đa số nhân dân Trung Quốc, mà nó cũng rất phù hợp với nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Người nói: “Tôi học ở Chủ nghĩa Mác phương pháp, còn chủ nghĩa Tôn Dật Tiên thích hợp với Việt Nam”.
(…) Tháng 7-1935, Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản họp tại Mátxcơva, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản. Ở trong nước, đồng chí Trần Phú bị bắt và ốm mất trong nhà lao Sài Gòn. Năm 1935, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong thời gian này, Nguyễn Ái Quốc vẫn là cán bộ của Quốc tế Cộng sản, công tác tại Cục Phương Đông, nhưng bị coi là phần tử theo chủ nghĩa dân tộc. Tuy vậy, Nguyễn Ái Quốc vẫn được nhiều đồng chí có uy tín, như Chu Ân Lai và nhiều đồng chí ở Liên Xô và các nước khác trong Quốc tế Cộng sản ủng hộ. Khi Nguyễn Ái Quốc làm việc và là nghiên cứu sinh cao cấp tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Quốc tế cộng sản (1936-1938) ở Mátxcơva, Xtalin tuy không ưa Nguyễn Ái Quốc, nhưng cũng không gây phiền hà. Càng ngày Nguyễn Ái Quốc càng nhận ra dù theo chủ nghĩa Mác, nhưng nhận thức của mỗi người có khác nhau. Những người có trình độ cao, hiểu rộng, nắm được tình hình xu hướng của thế giới khác với những người chỉ mới đến Liên Xô, học ít ngày rồi về nước; lại càng khác với những đồng chí chỉ hoạt động ở trong nước, chỉ được nghe truyền đạt từ các đồng chí sang Liên Xô, Trung Quốc về. Trình độ văn hóa chênh lệch, có người còn mù chữ, thế mà mang học thuyết về “giá trị thặng dư” ra phổ biến, thì rất khó tiếp thu. Vì vậy Nguyễn Ái Quốc cho rằng, trước hết là mình phải kiên nhẫn, phải giữ vững kỷ luật Đảng, làm rõ mục tiêu của người cộng sản cần làm gì để tìm cách viết, nói giản dị nhất để mọi người trong Đảng cũng như quần chúng hiểu rõ. Từ nội dung “Đường kách mệnh” Nguyễn Ái Quốc viết ngắn gọn, cho các đồng chí ra ngoài nước học thuộc lòng, khi về tuyên truyền giáo dục cho quần chúng, với nội dung dễ nhớ: Việt Nam độc lập, người cày có ruộng, nhân dân không đói, lao động có việc làm, công nhân làm việc 8 giờ. Những nội dung trên đã đi vào lòng quảng đại nhân dân. Dù lúc này chưa về nước hoạt động, nhưng tên “Nguyễn Ái Quốc” đã ngày càng đi vào tâm trí của các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc tìm mọi cách giương cao khẩu hiệu “Đoàn kết, bền bỉ đấu tranh nhằm mục tiêu chung, chống bè phái, phân liệt, cục bộ, chống tư tưởng tả khuynh, hữu khuynh, đầu hàng, cơ hội chủ nghĩa…”
(…) Như vậy, lý luận Hồ Chí Minh rất độc lập, không phụ thuộc vào một chủ thuyết duy nhất nào, mà là chắt lọc, tổng hòa những tinh hoa của các học thuyết, giáo lý, đạo lý của các vị thánh hiền, các tôn giáo chính thống, các nhà triết học, đạo đức học, của trí tuệ loài người được vận dụng vào thực tế, thể hiện bằng hành động cụ thể.
Khi cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Hồ Chí Minh được cử làm Chủ tịch Chính phủ Lâm thời, xây dựng một chế độ mới. Cụ cũng chủ động không hề sao chép một mô hình đã có sẵn của bất cứ một quốc gia nào, mà rút ra những điều hay nhất, tốt đẹp nhất từ các nước trên thế giới, vận dụng sáng tạo vào tình hình cụ thể của nước ta lúc đó.
Là một người cộng sản, một lãnh tụ cộng sản của Việt Nam, Người thấy rằng, muốn đạt được lý tưởng cao đẹp không thể vội vàng, duy ý chí, mà phải đi từng bước, từ thấp đến cao, đặc biệt phải phù hợp với thực tiễn để đưa ra những mục tiêu cụ thể, rõ ràng của từng thời kỳ.
Sau hàng trăm năm chìm đắm trong chế độ phong kiến và 80 năm dưới ách đô hộ tàn ác của thực dân Pháp, nhân dân ta đã bị áp bức, bóc lột đến cùng cực. Vì vậy, sau khi được giải phóng khỏi sự thống trị đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khao khát xây dựng một “xã hội dân chủ, bình đẳng, bình quyền”, đặt tên nước là: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, với mục tiêu rõ ràng là: “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc”.
Khi viết bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước toàn thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh không trích dẫn từ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản hay từ Hiến pháp của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết, mà lại trích dẫn từ Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp, đủ biết tính độc lập và trí tuệ uyên bác của Cụ vĩ đại đến nhường nào. Chẳng những những lời trích đó là chân lý, là nguyện vọng thiết tha của loài người, là lẽ phải không thể chối cãi, mà còn lấy ngay những lý tưởng cao đẹp của chính những nước là kẻ thù xâm lược nước ta, là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Việc làm đó còn tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của mọi lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới, kể cả các nước phương Tây.
Tư duy kinh tế
(…) Còn về làm kinh tế, Hồ Chí Minh đã chuẩn bị đầy ắp trong đầu. Người biết rõ nguyên nhân vì sao mà ta mất nước; mất nước rồi, bao nhiêu phong trào nổi lên, chống Pháp cũng thất bại, trong đó một lý do quan trọng là kinh tế, cơm còn không đủ ăn, thì làm gì có tiền mà mua vũ khí. Ngay cả nhà cách mạng lỗi lạc Phan Bội Châu, đã đỗ Thủ khoa kỳ thi Hương ở Vinh, còn phải than: “Lập thân tối hạ thị văn chương” (Lập thân thấp nhất là bằng văn chương). Cụ Phan nói vậy, không phải là cụ coi thường văn chương, mà có ý nói là phải làm chính trị, làm kinh tế, như Nhật Bản mới mong chấn hưng được đất nước. Vì thế, cụ Phan rất sùng bái nước Nhật làm kinh tế giỏi nên giữ được nước độc lập, mà còn là một cường quốc. Do đó cụ Phan đã sang Nhật Bản, học tập, nghiên cứu, cụ còn khuyến khích mọi người “Đông du”, nghĩa là sang Nhật mà học hỏi.
Đã bôn ba khắp thế giới để tìm đường cứu nước và tìm cách giữ nước nên Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến các mô hình phát triển kinh tế của các nước, nhất là Liên Xô.
Dù nghiên cứu hay học tập ở nước nào, Người cũng rất nghiêm túc, độc lập về tư duy, tự do về suy nghĩ, phân tích, điều gì phù hợp với nước mình, điều gì không phù hợp một cách rõ ràng, minh bạch và trong sáng. Trong thời gian dài lãnh đạo đất nước, hầu như Bác không chê bai một mô hình kinh tế nào, nhất là Liên Xô mà rất tôn trọng mô hình phù hợp đặc trưng riêng của từng nước. Nhưng lựa chọn theo mô hình nào Người chưa hề nói mà đi vào hành động cụ thể với những mục tiêu lớn, bao trùm như: Phải xây dựng lại đất nước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu. Chỉ cần 10 từ: “To đẹp”, “Đàng hoàng”, “Sánh vai với các cường quốc” ngắn gọn của Bác, đã thể hiện rõ tư tưởng, mong muốn, phát triển đất nước trở thành một quốc gia hùng mạnh.
Đối với nhân dân, Người mong muốn: “đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó là đáp ứng tối thiểu nhu cầu về vật chất và tinh thần để làm người bình thường, rất phù hợp với “lòng tham” chân chính cho con người. Có bảo đảm nhu cầu cơ bản đó, thì giáo dục, vận động người dân chuyển dần lòng tham cá nhân sang cho tập thể, cho cộng đồng mới có đạo lý và theo tinh thần tự giác. Vì hiểu lòng người nên Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ nêu những vấn đề thiết thực, có thể làm được, còn những khẩu hiệu, ước mơ chưa chín muồi, thì Bác không đưa ra.
(…) “Lòng tham không đáy” về của cải cũng biến dạng, những doanh nghiệp, nhà quản lý kinh tế phải lao động trí óc hoặc chân tay để có của cải nuôi sống họ và gia đình, góp phần cho quốc gia hưng thịnh. Họ tham làm, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm từng đồng tiền để mở rộng sản xuất là điều phải được khuyến khích. Trái lại có những người làm ra không được mấy sản phẩm, lại có quyền quản lý, họ làm việc nhẹ nhàng, nhưng lòng “tham” của họ thì có “tầm cỡ”, họ tìm mọi cách tránh pháp luật, lập bè phái, êkip, nhóm… họ thỏa hiệp giữa nhóm lợi ích này và nhóm lợi ích khác để thao túng cả khu vực, một vùng, một ngành, một địa phương… để có lợi ích chia cho nhau, còn nguy cơ quốc gia như thế nào thì ít ai nghĩ tới. Cụ Hồ đã dự đoán được tình hình trước mắt và lâu dài, nên rất đi sâu tìm hiểu lòng người nói chung, đặc biệt là những người mà Người có
ý định chọn đưa vào vị trí quản lý quốc gia. Ngoài việc đào tạo, kèm cặp, Người yêu cầu những cán bộ đó phải hành động thực tế, nói ít làm nhiều, xem việc thực thì mới giao việc, sau giao việc là phải kiểm tra, đặc biệt Người quan tâm đến việc chống “nói dối”, báo cáo sai sự thật. Mỗi khi đi thăm một nơi nào, Bác không cho nơi đó biết trước. Bác muốn nắm được thực chất tình hình và khả năng điều hành của cán bộ. Đến đâu, Người cũng chỉ bảo ân cần, nói năng ngắn gọn, ít khi có những lời phê bình gay gắt, trừ một vài việc quá nghiêm trọng.
Tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc nào cũng là tư duy phát triển. Mọi việc luôn luôn biến chuyển không ngừng, hôm nay là đúng, có khi ngày mai đã lạc hậu, nên việc làm có kết quả cụ thể, thì nó tồn tại trong không gian và thời gian, ai cũng nhìn thấy được. Còn lời nói như gió thoảng qua, dù lời nói có được ghi chép, viết thành sách, nhưng chỉ nói mà không chứng minh được trong thực tế thì có hay mấy cũng không có giá trị. Hồ Chí Minh cũng không nhắc lại những câu trong lý luận này, học thuyết kia cho người khác. Bởi vì lý luận nào, học thuyết nào chưa thực nghiệm thì nó vẫn là ở dạng “trừu tượng”, “mong muốn”. Muốn thực hiện nó phải có “con người”. Người căn dặn: đối với “Đoàn viên và thanh niên… Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. “Muốn có Chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Người luôn mong mọi người “thật thà” với nhau, trong các lời nói cũng như việc làm, quan hệ với mọi người, có vậy mới giữ được lòng tin. Hồ Chí Minh rất sợ lời “nói dối”, nhất là cán bộ chủ chốt mà nói không thật, thì tạo ra bao kẻ “nói dối”.
Kết luận
(…) Người đã nói “Sáng nghiệp dị, thủ thành nan” Hồ Chí Minh đã “tiên liệu” (lo trước) rất sớm việc này. Những lý luận Người vạch ra như: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, “Độc lập, tự do, dân chủ”, đã giáo dục cho mọi cán bộ là phải tự chủ. Bao giờ ta tự chủ là ta giành thắng lợi, ỷ lại là sai lầm, là thất bại. Cần học lại câu Người dạy: Lúc nào ta “tự chủ” là lúc đó ta chiến thắng”, trong kinh tế cũng như trong chiến tranh đều như vậy. Chúng ta cần phải khẳng định một lần nữa lý luận của Cụ Hồ, dễ học, dễ hiểu, nó đơn giản, thiết thực và sâu sắc. Quảng đại quần chúng, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới, nơi nào muốn cho cuộc sống của cộng đồng có hạnh phúc, cần nghiên cứu lý luận Hồ Chí Minh, như UNESCO đã đánh giá, khi công nhận Người là Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa lớn.
Sáu Nghệ
(trích nguyên văn 2.328 chữ)
Người trích gửi trực tiếp cho BVN.