Trong tài liệu công bố mới đây mà người ta cho là của các cựu tổng bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, và ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Đức Bình, phe kiên định cộng sản thẳng tay phê phán đề nghị cải tổ hệ thống của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.
Ông Nguyễn Văn An, trong bài trả lời phỏng vấn báo Việt Nam hồi đầu tháng 12/2010, lỗi hệ thống ở Việt Nam nằm ở chỗ Đảng Cộng sản “chưa hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ đã vội chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa”.
Nay, các lá thư được nói là của các ông Lê Khả Phiêu và Nguyễn Đức Bình cho rằng bài viết của ông Nguyễn Văn An, người mà họ vẫn gọi là ‘đồng chí’, đã “đi ngược lại đường lối chính trị của Đảng”.
Trong một diễn biến như để cảnh cáo những ai hy vọng có thay đổi về lý luận tại Đại hội này, ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị ngay hôm qua 10/1 đã chủ trì cuộc họp báo, nơi Đảng kiên quyết bác bỏ “nhu cầu đa nguyên” về chính trị tại Việt Nam.
Kinh tế và đối ngoại
Nhưng chính việc tranh cãi về lý luận vốn ngày càng cũ kỹ và xa lạ với sinh hoạt kinh tế quốc tế này đang có khả năng tác động mạnh đến cách Đảng chọn lãnh đạo.
Hai ông Phiêu và Bình được trích lời đề nghị TBT Nông Đức Mạnh và Ban lãnh đạo “đấu tranh bảo vệ đường lối của Đảng, luôn cảnh giác với nguy cơ đi chệch hướng cách mạng, đồng thời từ đường lối mà lựa chọn nhân sự Trung ương, nhất là nhân sự chủ chốt”.
Họ cũng cáo buộc ông Nguyễn Văn An “đòi từ bỏ chủ nghĩa Mác”.
Dù tại Việt Nam ngày nay, người dân chỉ “quan tâm kiếm tiền hàng ngày”, như mô tả của Margie Mason (AP) trong bài về Đại hội Đảng XI từ Hà Nội, Đảng Cộng sản vẫn dùng lý luận về chủ nghĩa xã hội để uốn nắn đường lối kinh tế.
Tuy thế, hiện chưa rõ có phải vì lý do chủ nghĩa, hay vì tâm lý ‘Ta-Địch’ khiến người ta nghĩ ‘doanh nghiệp của ta’ thì phải giữ bằng mọi giá, và được ưu tiên hơn tư nhân hay tư bản nước ngoài.
Về đối ngoại, mô hình Leninist trong công an và quân đội có thể khiến các đồng minh tiềm năng tại Phương Tây phải đặt câu hỏi liệu ứng viên Việt Nam có hoàn toàn đánh tin cậy hay không, một khi xảy ra xung khắc quyền lợi giữa họ với đối thủ Trung Quốc.
Bởi ngày nay, Phương Tây ngày càng gần đến quan điểm rằng ủng hộ cho một hệ thống chính trị theo những giá trị khác với họ, ví dụ như ở Trung Đông hay Pakistan, là chiến lược chứa đựng nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, mâu thuẫn nhân quyền và tôn giáo đến từ cái nhìn ý thức hệ hạn hẹp tại Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thu hút phê phán không đáng phải có từ các giới ở Âu Mỹ.
‘Sự cố Marchant’ ở Huế gần đây có thể sẽ khiến tân Đại sứ David Shear phải xem lại đường lối ‘thuyết phục, khuyến khích là trên hết’ với Việt Nam có thẩm thấu tới các địa phương.
Trước khi sang Việt Nam, ông Shear dự kiến sẽ phải điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ khóa 112 vừa có thêm đông đảo các dân biểu Cộng Hòa theo phái cứng rắn, bảo thủ.
Nếu ban lãnh đạo mới tại Việt Nam không giúp được gì lại còn làm khó cho khối hành pháp Mỹ của Tổng thống Obama đang bị Quốc hội tấn công nhiều mặt, thì đường lối của Mỹ với Việt Nam sớm muộn cũng sẽ phải đổi.
Bỏ sang một bên các ‘ân oán’ từ thời chiến với Hoa Kỳ thì công bằng mà nói, Việt Nam được dư luận quốc tế khen ngợi thời gian qua không phải là vì ngày càng đi vào con đường xã hội chủ nghĩa, mà là các nỗ lực hội nhập với trào lưu chung.
Niềm tin và kỹ năng
Đại hội XI vì vậy sẽ phải chọn lựa hoặc là những người chuyên thuyết giảng về đường lối xã hội chủ nghĩa mông lung, hoặc các lãnh đạo có tài kinh bang tế thế, hay ít ra là những gương mặt có khả năng quản trị.
Không ai cấm các đảng viên cộng sản ở Việt Nam tin vào chủ nghĩa xã hội hay bất cứ điều gì khác vì niềm tin của con người là điều người ta tự hào.
Trang nhà của chính phủ Singapore có tiểu sử của các bộ trưởng với mục học thức (đa số tốt nghiệp các đại học Anh hoặc Mỹ), và phần tín ngưỡng ghi rằng một số vị theo Thiên Chúa giáo.
Dù vậy, niềm tin tôn giáo của riêng họ không phải là tiêu chí chọn công chức chuyên nghiệp cho Singapore.
Nhưng tại Việt Nam, việc áp đặt niềm tin của riêng ban lãnh đạo Đảng cho mọi công dân, từ học đường tới cơ chế tuyển chọn công chức vừa gây phí phạm thời gian, vừa tạo cơ hội tham nhũng trong thi cử về đạo đức chính trị.
‘Con người xã hội chủ nghĩa’ tại Việt Nam nay là hiện tượng mang tính phổ biến, hay chỉ là đặc thù của Việt Nam?
Còn về kỹ năng, sau hơn 20 năm Đổi mới, Việt Nam vẫn chưa có được những lãnh đạo cao cấp nhất giỏi ngoại ngữ để giao tiếp bình thường, làm bạn với các lãnh đạo quốc tế mà không cần phiên dịch.
Hà Nội từng có nhiều đồng minh một phần nhờ các mối giao hảo trực tiếp, thân tình giữa các lãnh tụ cộng sản như ông Hồ Chí Minh với các nhân vật nước ngoài, từ Trung Quốc, Liên Xô đến Ấn Độ.
Ngày nay, các lãnh đạo Việt Nam có vẻ như không có bạn thân quốc tế mà chỉ gặp quan chức nước ngoài ở những buổi giao tiếp chính thức, nơi họ cũng không bày tỏ được gì nhiều vì rào cản ngôn ngữ.
Đây chỉ là một ví dụ nhỏ để thấy sự trái ngược giữa tiêu chuẩn bên trong hệ thống, thậm chí tụt lùi đi so với trước, và nhu cầu thực tế bên ngoài đòi hỏi ngày càng cấp bách.
Và nhiều khi, tiêu chuẩn chọn lãnh đạo cũng khá đơn giản: như London bầu ra thị trưởng Boris Johnson với khẩu hiệu tranh cử là giảm bớt lượng xe hơi vào thành phố gây ách tắc và ô nhiễm.
Ông Johnson đã làm được điều này bằng cách áp đặt một lệ phí cho xe hơi, đi kèm hệ thống cho mượn xe đạp công cộng, khiến xe hơn vào nội đô London giảm tới 30%.
Chẳng cần các tiêu chí xa xôi, chỉ cần sau kỳ đại hội này, Hà Nội chọn được người lãnh đạo giảm được 15% nạn kẹt xe thì đã là một thành công.
Đại hội Đảng dù còn nhiều tính nghi lễ, cũng nên tránh bệnh lễ hội, đi dự cho vui, bầu cho có, và vượt qua hạn chế đặc thù để chọn lãnh đạo trong tinh thần ủng hộ người có tầm nhìn xa và kỹ năng cụ thể, tương xứng với vị thế một dân tộc đã gần 90 triệu dân.
N.G.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2011/01/110111_vn_party_ideology.shtml