Không thể chậm trễ hơn nữa trong cải cách triệt để doanh nghiệp nhà nước

Chỉ khi nào phạm trù trách nhiệm bồi thường được áp dụng, những khoản nợ phải có người lo lắng trả, nếu không cá nhân phải bồi thường, thì khi đó mới có thể hy vọng về một cuộc cải cách toàn diện và triệt để doanh nghiệp nhà nước suôn sẻ, không bị cản trở bởi những nhóm lợi ích gắn với cơ chế cũ được hưởng lợi mà không phải chịu trách nhiệm – nền tảng cho một nền kinh tế phát triển bền vững, cho những doanh nghiệp quả đấm thép hình thành, hiện tượng nghi hoặc sân sau của không ít quan chức tham nhũng sẽ được tự động chấm dứt vĩnh viễn.

DNNN vẫn giữ nguyên bản chất của nền kinh tế quản lý tập trung

Khoa học kinh tế phân biệt 2 mô hình kinh tế đối lập nhau: mô hình kinh tế quản lý tập trung nhằm hoàn thành kế hoạch nhà nước được coi là pháp lệnh và nền kinh tế thị trường theo đuổi dộng cơ lợi nhuận. Sau khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu dựa trên nền tảng  kinh tế quản lý tập trung sụp đổ, và nước ta cùng Trung Quốc chuyển đổi sang  phát triển kinh tế thị trường, thì mô hình  kinh tế quản lý tập trung được coi như đã cáo chung trước tính ưu việt của nền kinh tế thị trường hiện đại.

Tuy nhiên, cơ thể nền kinh tế được tạo thành từ các tế bào doanh nghiệp, không thể biến thành nền  kinh tế thị trường chỉ bằng mỗi việc phát triển nhiều thành phần kinh tế thay vì đã bị xoá bỏ trong nền  kinh tế quản lý tập trung, mà mấu chốt nằm ở chuyển đối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang chiếm tỷ trọng ưu thế, được xác định điạ vị pháp lý chủ đạo, thống nhất quản lý nhà nước với quản lý kinh doanh, vốn quyết định bản chất mô hình này, sang mô hình nền kinh tế thị trường tách rời 2 chức năng đó, trả lại cho doanh nghiệp chức năng kinh doanh độc lập – vốn là đặc trưng của nền kinh tế thị trường .

Nguyên lý tách rời 2 chức năng trên có thể tìm thấy trong nhiều văn bản chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhưng đã qua 20 năm đổi mới, tới nay nhà nước vẫn trực tiếp quản lý kinh doanh, chỉ khác những mệnh lệnh và kế hoạch trước kia nay được thay bằng chỉ thị, quyết định, nghị định, vốn là những văn bản dưới luật thể hiện quyền lực riêng của cơ quan hành pháp đối với doanh nghiệp, nghĩa là DNNN vẫn giữ nguyên bản chất của nền  kinh tế quản lý tập trung.

Có thể rút ra điều đó từ ví dụ điển hình SCIC (tên viết tắt tiếng Anh: State Capital Investment Corporation của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước), được điều chỉnh bởi Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 và Dự thảo Nghị định 2010/NĐ-CP ngày 15.9.2010.

Với vốn điều lệ 50.000 tỷ đồng, chưa kể tiếp nhận vốn từ mọi doanh nghiệp nhà nước phải chuyển cho nó quản lý, SCIC ngang tầm Qũy kinh doanh tài chính nhà nước của nhiều quốc gia trên thế giới, nếu xét trong mối tương quan với nền kinh tế quốc dân.

Theo số liệu thống kê gần nhất, năm 2008, Quỹ này tổng cộng toàn thế giới, lên tới 3,5 nghìn tỷ đô la, đứng đầu là Abu Dhabi Investment Authority (ADIA) của nước Vereinigte Arabische Emirate với 875 tỷ Dollar vốn điều lệ; đứng thứ 2 là Sama Foreign Holdings của Saudi-Arabien 431 tỷ Dollar;  đứng thứ 3: Safe Investment Company, Trung Quốc, 347 tỷ Dollar.

Đức nhận đầu tư tiền tỷ từ Qũy này, số dư cuối năm 2008 tới 12 tỷ Euro từ Na Uy, 5 tỷ từ Chilê, và 1,25 tỷ từ Aserbeidschan… Tuy nhiên, ngoài Trung Quốc ra, Qũy kinh doanh tài chính các nước đều thuộc loại hình doanh nghiệp tư bản trong nền kinh tế thị trường (cổ phần, trách nhiệm hữu hạn, tập đoàn), kinh doanh hoàn toàn độc lập theo luật pháp, chính phủ không thể can thiệp trực tiếp.

Ngoài chức năng kinh doanh tài chính trên, theo Nghị định, SCIC còn tiếp nhận và quản lý vốn từ các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc trung ương và tỉnh, tương đương Cơ quan ủy thác của CHDC Đức Treuhandanstalt (THA) trước đây có chức năng tiếp nhận các doanh nghiệp quốc doanh theo Hiệp định tái thống nhất Đức năm 1990, chuyển đổi chúng thành loại hình doanh nghiệp tư bản, quản lý vốn, tái cơ cấu, và tư nhân hoá.

SCIC của ta, với 2 chức năng đã định như so sánh trên, rõ ràng không phải cái gì lạ lẫm với thế giới. Tuy nhiên, theo Nghị định 2010/NĐ-CP, thì SCIC của ta lại hoàn toàn không giống họ, vẫn giữ nguyên bản chất cố hữu của mô hình kinh tế quản lý tập trung, do nhà nước quản lý trực tiếp, ở đây được đặt dưới quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong tổng cộng 79 điều của nghị định có tới 20 điều, tức cứ 3 điều có 1, xác lập quyền và trách nhiệm điều hành của Thủ tướng, bao quát từ A-Z, như: Điều 5 quy định chức năng, nhiệm vụ của Tổng công ty phải thực hiện giải pháp  theo chỉ đạo của Thủ tướng. Điều 6, Thủ tướng quyết định vốn điều lệ. Điều 7, Thủ tướng trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu. Điều 9, Thủ tướng giao thực hiện các nhiệm vụ vì mục tiêu chính trị – xã hội, và các quyền và nghĩa vụ khác. Điều 10, SCIC chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo quyếtđịnh của Thủ tướng. Điều 23, được phép bán hết vốn nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng.  Điều 25,Trường hợp bán bớt dẫn đến không đảm bảo tỷ lệ cổ phần trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp thì báo cáo Thủ tướng quyết định.

Điều 26, được chủ động sử dụng nguồn vốn kinh doanh theo quyết định của Thủ tướng. Điều 68, được sử dụng nguồn Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương để thực hiện các dự án đầu tư theo uỷ quyền của Thủ tướng. Điều49, Hội đồng thành viên quyết định các vấn đề liên quan, trừ các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng. Điều 51, thành viên Hội đồng thành viên do Thủ tướng quyết định. Điều 60, mhân sự Ban Giám đốc, kế toán trưởng do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 68, Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật các thành viên Hội đồng thành viên, quyết định những dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Điều 70, Thủ tướng quyết định biện pháp cụ thể tổ chức lại Tổng công ty. Điều 71, Thủ tướng quyết định việc cổ phần hoá, đa dạng hoá sở hữu của Tổng công ty. Điều 72, Thủ tướng quyết định giải thể Tổng công ty.

Ở các nước theo mô hình kinh tế thị trường, hầu hết những thẩm quyền, và trách nhiệm trong các điều khoản trên đều thuộc chức năng của Hội Đồng quản trị hoặc Ban Giám đốc vốn là nhân sự của doanh nghiệp sinh ra để thực hiện chức năng quản lý kinh doanh, không được phép giao cho Thủ tướng hay các bộ, như ở Đức được hiến định tại điều 66, bởi chúng trái với chức năng thủ tướng và chính phủ thuộc hành pháp quản lý nhà nước vì quốc kế dân sinh chứ không phải kinh doanh nhằm động cơ lợi nhuận, nếu không sẽ dẫn đến hệ lụy, lợi nhuận sẽ thao túng quyền lực, tới lượt quyền lực tạo ra siêu lợi nhuận, làm mất tính cạnh tranh lành mạnh bắt buộc phải có trong nền kinh tế thị trường đòi hỏi mọi doanh nghiệp tham gia thị trường phải bình đẳng, không phân biệt chủ sở hữu.

Hệ lụy không dừng ở đó, khi nước ta có tới trên 10 tập đoàn tương tự SCIC đặt lên vai Thủ tướng, nghĩa là Thủ tướng phải làm việc gấp tới hơn 20 lần 1 Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc Tập đoàn ở các nước theo mô hình kinh tế thị trường , chưa kể đảm nhận chức năng hành pháp – điều bất khả thi trong thực tế cả về qũy thời gian (1 ngày không thể làm việc quá 24 tiếng) lẫn năng lực (người ta chỉ có thể làm được tối đa 3 việc khác nhau cùng lúc, ngoại trừ thiên tài Napoleon làm được 7 việc).

Không một bộ máy nhà nước nào trên thế giới có thể kiểm soát nổi lãnh đạo những tập đoàn theo đuổi lợi nhuận, nhưng trách nhiệm đối với các quyết định kinh doanh lại được cơ quan quyền lực nhà nước “chống lưng” như vậy.

Không thể chậm trễ hơn nữa trong cải cách triệt để DNNN

Thực tế sau tới 2 thập kỷ đổi mới, khối doanh nghiệp nhà nước chiếm chừng  50% nguồn tài lực nhà nước cùng bao ưu đãi, nhưng chỉ chiếm 31,5% tổng doanh thu doanh nghiệp toàn quốc (2008), thuế thu nhập của chúng chỉ chiếm 7% tổng thu ngân sách Nhà nước, tạo ra chỉ 4,4% việc làm toàn xã hội, hiệu quả sự dụng vốn chỉ bằng nửa so với ngoài nhà nước đã đủ chín muồi, không thể chậm trễ hơn, cho một cuộc cải cách triệt để, hay đổi mới bước 2, nhằm vào doanh nghiệp nhà nước; thay thế các chỉ thị nghị định bằng các văn bản pháp lý từ hiến pháp đến lập pháp, lập quy, nghĩa là quốc hội phải vào cuộc trực tiếp, nhằm tạo ra một hành lang pháp lý thích ứng với đòi hỏi chung của nền kinh tế thị trường (dù định hướng gì); cơ quan hành pháp phải đoạn tuyệt với chức năng quản lý kinh doanh; doanh nghiệp phải huy động được đội ngũ chuyên gia kinh doanh giỏi trong và ngoài nước đứng đầu; nếu không doanh  nghiệp nhà nước trước sau vẫn là tế bào của cơ thể nền KTQLTT lắp vào nền kinh tế thị trường, khó có thể tránh khỏi rủi ro bị cơ thể chối bỏ hoặc làm chính nó ốm yếu.

Có thể tham khảo qúa trình chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước CHDC Đức sang nền kinh tế thị trường, bằng cách thành lập THA tương tự SCIC.

Chủ tịch Hội đồng quản trị đầu tiên của THA là Detlev Karsten Rohwedder, 10 năm trước đó đã làm Tổng giám đốc tập đoàn thép Hoesch AG, Tây Đức, lớn hàng đầu thế giới, từng được bình chọn nhân vật qủan lý giỏi nhất Liên bang Đức năm 1983. Tổng Giám đốc là Reiner Maria Gohler, trước đó làm Tổng Giám đốc tập đoàn đường sắt Đức đứng đầu châu Âu.

Khác với SCIC đặt dưới quyền chính phủ, THA được thành lập hoàn toàn độc lập để thực hiện chức năng quy định chi tiết tại Luật Ủy thác, Luật chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước Đông Đức thành doanh nghiệp tư bản; nói cách khác nó chịu trách nhiệm trước pháp luật để thực hiện công việc nhà nước giao, tương tự như chính phủ, quốc hội, toà án thực hiện chức năng độc lập của mình. THA ra đời quản lý vốn của hơn 8.500 doanh nghiệp với 4 triệu lao động, trị giá 600 tỷ DM, (tương đương 300 tỷ Euro hiện nay), chưa kể 1,4 triệu hekta đất nông lâm nghiệp, trụ sở ở Berlin và chi nhánh tại các tỉnh CHDC Đức cũ.

Hội đồng quản trị do Chính phủ bổ nhiệm và miễn nhiệm, tuy nhiên không có nghĩa là cấp dưới của chính phủ, tương tự như chính phủ do quốc hội bầu nhưng không phải cấp dưới của quốc hội. Ban giám đốc do Hội Đồng quản trị tuyển dụng, nhưng cũng không phải cấp dưới của Hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị có chức năng giám sát và tư vấn Ban Giám đốc, chuẩn thuận những giải pháp theo luật định, nhưng không được quyền ra chỉ thị, mệnh lệnh, đưa ra giải pháp khác.

Cũng tương tự như vậy, bộ Tài chính, Kinh tế thay mặt chính phủ có trách nhiệm giám sát về pháp lý và chuyên môn, các bộ khác giám sát theo chức năng của mình.

Khác mô hình kinh tế quản lý tập trung nói chung và ở ta  nói riêng, khái niệm tự chịu trách nhiệm áp dụng cho doanh nghiệp trong mô hình kinh tế thị trường được hiểu theo nghĩa bồi thường như trong bảo hiểm – một phạm trù quyết định sống còn của nền kinh tế thị trường, (khác với trách nhiệm mang nghĩa hành chính, bị kỷ luật, phê bình, hạ cấp, hay hình sự  bị phạt tù theo luật hình sự). Chính vì thế, khi tập đoàn Enron Mỹ phá sản, Jeffrey Skilling Tổng Giám đốc tại vị phải bồi thường 45 triệu đô la.

Hay vụ tập đoàn đa quốc gia BP gây thiệt hại tràn dầu vịnh Mexico, tính đến cuối năm qua đã phải tự bỏ ra tới 8 tỷ USD để khắc phục, theo đó tiền lương hàng triệu đô la mỗi năm của lãnh đạo tập đoàn cũng bị đe doạ. Mới đây nhất, tháng trước, Chính phủ Tiểu bang Sachsen Đức đã đòi Cựu Ban Giám đốc 8 thành viên của ngân hàng Sachsen LB thuộc sở hữu Tiểu bang, phải bồi thường 60 triệu Euro vì đã để ngân hàng này vào thế phá sản vào tháng 8.2007 buộc phải bán đi, kèm theo chính phủ phải bảo lãnh 1 khoản tiền nợ tới 2,75 tỷ Euro, tính tới nay tiểu bang bị thiệt hại tới 72,7 triệu Euro.

Nếu ngân hàng này đặt dưới quyền Thủ hiến như ta, thật khó có thể đòi thủ hiến bồi thường, bởi chưa chính phủ nào bắt được thủ hiến đứng đầu mình bồi thường cả, trong  khi trình độ thủ hiến chắc gì quản lý kinh doanh đã giỏi hơn Tổng Giám đốc nghề nghiệp doanh nhân.

Ở ta, chỉ khi nào phạm trù trách nhiệm bồi thường được áp dụng, những khoản nợ phải có người lo lắng trả, nếu không cá nhân họ phải bồi thường, thì khi đó mới có thể hy vọng về một cuộc cải cách toàn diện và triệt để doanh nghiệp nhà nước suôn sẻ, không bị cản trở bởi những nhóm lợi ích gắn với cơ chế cũ được hưởng lợi mà không phải chịu trách nhiệm – nền tảng cho một nền kinh tế phát triển bền vững, cho những doanh nghiệp qủa đấm thép hình thành, hiện tượng nghi hoặc sân sau của không ít quan chức tham nhũng sẽ được tự động chấm dứt vĩnh viễn như ở các nước hiện đại!

N. S. P.

Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-01-08-khong-the-cham-tre-hon-nua-trong-cai-cach-triet-de-dn-nha-nuoc

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.