SGTT.VN – Câu chuyện về thuyền trưởng Mai Phụng Lưu (Lý Sơn, Quảng Ngãi) một lần nữa lại dành được sự quan tâm của dư luận. Lần này không phải là những niềm vui trùng phùng, không cờ hoa, không tràn ngập những nụ hôn như lần trước. Giờ đây, “sói biển” đành chấp nhận bỏ biển sau khi lâm vào cảnh nợ nần sau nhiều lần “đánh cược” với số phận nơi đầu sóng ngọn gió.
“Sói biển” bỏ biển: Từ bỏ vùng biển tổ quốc thiêng liêng
Sau 44 ngày bị bắt và lênh đênh trên biển, trải qua biết bao hiểm nguy, khốn khó, tàu của ngư dân Mai Phụng Lưu đã về đến đất liền vào lúc 10 giờ kém 20 phút, ngày 26.10.2010. Mặc dù phải đối diện với nhiều nổi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng khi được phóng viên các báo hỏi: Anh có còn ý định ra khơi nữa không? thì anh Lưu vẫn tuyên bố rằng “Nhất định thế, biển này cha ông để lại cho chúng ta, tại sao chúng ta không bám biển mà từ bỏ. Cho dù tui đã bị bắt đến đến 4 lần, đắng cay cực khổ đã quá nhiều nhưng nhất định chúng tôi sẽ ra khơi!”.
Tuy vậy, sau một thời gian đối diện với các khoản nợ do 4 lần bị Trung Quốc bắt giữ, “sói biển” Mai Phụng Lưu đã phải đành ngậm ngùi từ giã cái nghiệp mà anh đã gắn bó với đời mình hơn 30 năm qua.
Đối với nhiều người, Mai Phụng Lưu được biết đến là một người thuyền trưởng gan dạ, can trường bám biển. Một số báo dẫn lời ngư dân Nguyễn Đảng, gần 70 tuổi, người đã nhiều lần cùng Mai Phụng Lưu đạp lên đầu sóng ngọn gió ra khơi thì “Thằng cha Lưu đi biển thuộc từng hòn đảo, từng rặng san hô ngầm. Lái thuyền lượn quanh các đảo như người ta đi xe máy tránh ổ gà trên những đoạn đường quen gần nhà. Anh em đi với nó rất khoái. Nhưng cũng không có thằng cha nào can đảm như cha này, bị Trung Quốc bắt nhiều lần mà vẫn không ngán, vẫn ra khơi”.
Tin “sói biển” giờ phải đành ngậm ngùi bỏ biển khiến không ít người phải cảm thấy xót thương và tiếc nuối. Rồi đây, trên từng ngọn sóng của biển đảo quê hương sẽ vắng bước chân anh, một ngư dân đầy kinh nghiệm, người thuyền trưởng lão luyện, luôn hết lòng vì các thuyền viên của mình và nhất là người luôn dành cho biển đảo quê hương tình yêu bao la.
Nhìn gương mặt sạm nắng gió của anh, thực sự khó có thể tin nổi người đàn ông giàu nghị lực chưa hề sợ bão tố của biển, nhưng giờ đây, sự can trường trong anh đã mất, nghị lực của anh đã cạn trước những bão tố của cuộc đời.
Hơn thế nữa, sự bỏ biển của anh cũng có thể làm ảnh hưởng đến sự tự tin của nhiều ngư dân khác trước quyết định ra khơi đánh bắt xa bờ. Và ai cũng biết rằng chính những ngư dân đang âm thầm bám biển nơi đầu sóng ngọn gió là minh chứng hùng hồn nhất cho chủ quyền lãnh thổ nước nhà.
Bỏ biển, cũng đồng nghĩa với việc Mai Phụng Lưu sẽ mãi rời xa những vùng biển thân yêu của tổ quốc ở ngoài biển xa xôi, như anh đã từng khẳng định: “Tôi mạo hiểm, tôi luôn muốn đi xa hơn mọi người, nhưng tất cả đều nằm trong vùng biển Việt Nam. Tôi không xâm phạm những vùng biển cấm”.
Lối đi nào cho ngư dân đánh bắt xa bờ
Với bờ biển dài khoảng 3.260 km, trong đó có 28 tỉnh thành có bờ biển, hơn 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm lực lớn về kinh tế biển. Theo các nhà chuyên môn, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia trên thế giới, có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ (chưa kể đến một số đảo). Bình quân cứ 100km2 đất liền có 1km bờ biển, cao gấp sáu lần chỉ số trung bình của thế giới.
Vùng biển Việt Nam có hệ sinh thái và tài nguyên sinh vật phong phú, đến nay đã phát hiện hơn 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc về sáu vùng đa dạng sinh học biển và nhiều loại động vật quí hiếm khác.
Về nguồn lợi hải sản, trữ lượng cá toàn vùng biển Việt Nam ước tính khoảng 4,2 triệu tấn, với ngưỡng khai thác bền vững 1,4 – 1,7 triệu tấn/năm. Việt Nam hiện đang được xếp thứ 12 thế giới về năng lực khai thác hải sản.
Với những đặc điểm thuận lợi về vị trí địa lý, tiềm năng về nguồn lợi hải sản nêu trên nhưng hiện nay thực trạng khai thác hải sản của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Nghề đánh bắt cá trên biển của ngư dân Việt Nam đã được hình thành từ rất lâu và được xem là ngành nghề truyền thống của những người sống ven biển. Tuy nhiên đa phần đều thuộc dạng tự phát, nhỏ lẻ. Phương tiện đánh bắt chủ yếu là các thuyền cỡ nhỏ, thích hợp cho việc đánh bắt ở vùng nước nông, gần bờ.
Hiện nay việc khai thác xa bờ tại các ngư trường xa như tại khu vực quần đảo Hoàng Sa đang gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro, có cả các yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Trong đó một phần do phương tiện phục vụ cho đánh bắt xa bờ như tàu thuyền, ngư cụ không đảm bảo an toàn trước sóng to gió lớn bất thường, phần còn lại là do những hiểm nguy thường trực trước tình trạng bắt bớ, đánh đập, tịch thu trang thiết bị máy móc của các tàu thuyền lớn nước ngoài đối với các ngư dân Việt Nam diễn ra liên tục trong thời gian qua.
Ngoài những khó khăn và rủi ro, để đạt hiệu quả cao khi đánh bắt cá xa bờ thì rất cần những ngư dân can trường bám biển, dàn dạn kinh nghiệm, đặc biệt là phải hiểu rõ các quy luật tự nhiên và phải thuộc nằm lòng các đường đi, các tảng đá ngầm có thể gây nguy hiểm cho tàu thuyền giữa biển cả bao la.
Để đánh bắt cá xa bờ, rất cần những ngư dân có đầy đủ “bản lĩnh” dày dạn kinh nghiệm như “sói biển” Mai Phụng Lưu. Ngoài ra cũng rất cần có những phương tiện hiện đại, sự cam kết đảm bảo được an toàn về tài sản và tính mạng của ngư dân từ các cơ quan chức năng.
Hiện nay, khi các ngư trường ven bờ đang bị khai thác triệt để, thiếu tính bền vững thì việc tiếp cận và khai thác tại các ngư trường xa là yêu cầu thiết yếu hơn bao giờ hết.
Nếu những ngư dân cả đời gắn cuộc sống của mình với biển thì nay đành bó tay trước những khó khăn mà phải đành bỏ biển thì ngành đánh bắt hải sản, một ngành mà được cho là lợi thế của Việt Nam sẽ phát triển như thế nào? Và cuộc sống của những ngư dân và gia đình của họ cả đời mình đã gắn chặt với biển sẽ ra sao? Những câu hỏi này đang rất cần câu trả lời của các nhà chức năng.
Muốn chinh phục và khai thác hiệu quả nguồn lợi từ biển, đồng thời đảm bảo được tài sản và tính mạng của ngư dân, nên chăng phải có những tầm nhìn xa, có chiến lược lâu dài và hiệu quả. Khi đó biển Việt Nam mới thực sự xứng đáng với câu “rừng vàng, biển bạc” và đời sống của những ngư dân ngày đêm bám biển, đang âm thầm khẳng định chủ quyền của Việt Nam nơi xa khơi không còn bạc bẽo.
T. M. Q.
Nguồn: http://sgtt.vn/Goc-nhin/135786/Lam-gi-khi-ngu-dan-bo-bien.html