SGTT.VN – Trong buổi gặp gỡ chia tay với báo giới chiều 6.1 tại Hà Nội, nhân kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam, đại sứ Mỹ Michael Michalak nhấn mạnh, nếu phải chọn một thách thức được coi là ưu tiên nhất cần phải khắc phục của Việt Nam thì ông cho rằng đó chính là giáo dục.
Đại sứ Mỹ tin rằng, để có một hệ thống giáo dục đạt đẳng cấp thế giới là thách thức lớn nhất của Việt Nam. Ông nói, cho dù bạn nêu ra bất cứ thách thức gì về kinh tế, hạ tầng, hệ thống phát triển chính trị thì đều cần những người có năng lực trí tuệ, cần có các công cụ để phân tích, nêu ra giải pháp. “Thực sự là chúng ta đang đi vào kỷ nguyên của kinh tế tri thức và vì vậy chúng ta cần một nền giáo dục tốt”.
Một trong những điều ông tiếc nhất mà chưa làm được trong nhiệm kỳ tại Việt Nam cũng liên quan đến giáo dục, đó là chưa hỗ trợ để thành lập được trường đại học kiểu Mỹ tại Việt Nam.
Dự định sẽ rời Việt Nam vào cuối tháng một này, đại sứ Michalak miêu tả 3 năm rưỡi ở Việt Nam của ông đã thành công mỹ mãn, với việc làm sâu sắc thêm lòng tin, tình hữu nghị và mở rộng quan hệ hai nước. Đặc biệt, ông đánh giá trong 2010, khi hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao thì “quan hệ Việt – Mỹ đã biến chuyển thành quan hệ đối tác sống động, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác, mang lại lợi ích to lớn cho nhân dân hai nước”.
Đáng chú ý, đại sứ Michalak khẳng định, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ còn rộng lớn hơn, không chỉ có thương mại và đầu tư. Hàng năm ngày càng có nhiều công dân và quan chức của chính phủ Mỹ và của Việt Nam qua lại Thái Bình Dương để thảo luận các biện pháp đối với các vấn đề cùng quan tâm từ giáo dục, y tế đến an ninh, quốc phòng, trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Các chuyên gia của Mỹ và Việt Nam luôn trao đổi kiến thức và kinh nghiệm chuyên ngành về các vấn đề thương mại, chống ma túy, hàng hải, không phổ biến vũ khí hạt nhân để thế giới an toàn và an ninh hơn.
Trả lời của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị về khả năng Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đến thăm Việt Nam trong năm nay, đại sứ Michalak nói ông không thể xác nhận chính xác thông tin này, mặc dù ông đã làm việc hết sức tích cực để đảm bảo Tổng thống sẽ đến thăm Việt Nam trong năm 2011 này.
Bên cạnh sự hài lòng về hợp tác giáo dục Việt – Mỹ (số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ tăng từ 800 sinh viên năm 1995 lên 13.000 sinh viên năm 2009), đại sứ cũng rất vui mừng vì quyết định tham gia chính thức vào đàm phán hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa qua. “TPP sẽ giúp chúng ta tiến tới mối quan hệ kinh tế to lớn hơn nữa”.
Đại sứ đánh giá, Việt Nam và Mỹ cũng có nhiều tiến bộ trong quan hệ giữa hai quân đội, điều này cho thấy lòng tin và sự tôn trọng giữa hai nước đã được tăng cường, trở nên sâu sắc hơn. Hợp tác quân đội có nhiều mảng để hợp tác như quân y, trợ giúp nhân đạo, cứu trợ thảm họa. “Chúng tôi cũng trao đổi về gìn giữ hòa bình và Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia vào công tác gìn giữ hòa bình của thế giới”.
Chỉ còn ít thời gian ở Việt Nam, ông Michalak bày tỏ mong muốn sẽ được ghi nhớ là một đại sứ đã giúp cải thiện sự gắn bó, lòng tin cũng như là sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước. Sắp tới trở về Mỹ, ông cho biết sẽ làm việc để đảm bảo khu vực tư nhân được tham gia đầy đủ vào các quá trình của APEC trong năm 2011 khi Mỹ là nước chủ nhà tổ chức sự kiện này.
Nhìn về tương lai, đại sứ mong quan hệ Việt – Mỹ sẽ sâu sắc thêm, củng cố và trở thành đối tác tốt của nhau. “Khu vực Thái Bình Dương sẽ là thế giới của tương lai và trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam là một trong những nước quan trọng nhất. Tôi tin rằng Mỹ sẽ là một đối tác tốt của Việt Nam, tôi mong Việt Nam cũng là đối tác tốt của Mỹ và cùng giúp đỡ nhau để phát triển”.
V. A.
Nguồn: http://sgtt.vn/Khoa-giao/135655/Thach-thuc-lon-nhat-cua-Viet-Nam-la-giao-duc.html