Mua bán lúa gạo năm 2010: nông dân đang làm tôi mọi cho doanh nghiệp, nông dân đang bị bóc lột thậm tệ

Năm 2010 này, mua bán lúa gạo có hai kỷ lục:

1)     Tổng công ty Lương thực miền Nam đạt lợi nhuận kỷ lục từ mua bán lúa gạo: lợi nhuận vượt kế hoạch 68%, tăng 63% so với cùng kỳ. (1)

2)     Nông dân bán lúa đông xuân với giá rẻ kỷ lục.

VFA MUA LÚA CỦA NÔNG DÂN NĂM 2010 VỚI GIÁ TỐI ĐA 4.000 ĐỒNG/ KG.

Cổ phần hóa doanh nghiệp lương thực nhà nước sẽ phần nào tránh được việc lúa gạo “được mùa, rớt giá”. Ảnh: TRUNG HIẾU

Cổ phần hóa doanh nghiệp lương thực nhà nước sẽ phần nào tránh được việc lúa gạo “được mùa, rớt giá”. Ảnh: TRUNG HIẾU

Khi nông dân bắt đầu thu hoạch vụ đông xuân, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết trên Thời Báo Kinh tế Sài Gòn: “Từ tháng 3, giá lúa thu mua có thể tăng lên chứ không giảm giá liên tục như thời gian qua. Hiện tại, giá lúa (độ ẩm 16%) mà VFA mua tại kho là 4.300-4.400 đồng/kg.”. (2)

Như vậy giá mua lúa đông xuân của VFA khoảng 4.400 đồng/kg. Đây là giá lúa đông xuân thấp nhất kể từ năm 2008.

Đến lúc nông dân thu hoạch vụ hè thu. Trong cuộc hợp bàn mua lúa tạm trử vụ hè thu ngày 9/7, ông Trương Thanh Phong, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam kiêm chủ tịch VFA, đưa ra giải pháp: “Chúng ta nên… phớt lờ mức lợi nhuận 30%, phớt lờ luôn giá sàn thu mua, nhưng yêu cầu DN không được mua dưới giá 3.500 đồng/kg, trên cơ sở đó VFA sẽ tính toán ra giá gạo để triển khai thu mua”. (3)

Như vậy VFA mua lúa hè thu với lúa 3.500 đồng/kg.

Sau khi mua hết lúa đông xuân và hè thu của nông dân với giá tạm trữ nêu trên, VFA tăng giá bán gạo xuất khẩu và giá thu mua lúa, vào tháng 9 giá thu mua lúa khoảng 6.000 đồng/ kg, giá lúa này chỉ những nông dân làm vụ 3 mới bán được, số lượng khoảng 700.000- 800.000 tấn lúa.

Lượng gạo tồn kho 1,5 triệu tấn của VFA chuyển từ năm 2009 sang, gạo này VFA mua ở vụ hè thu 2009, với giá mua lúa tạm trữ 3.800 đồng/ kg.

Như vậy tính chung hết cả năm 2010, toàn bộ gạo xuất khẩu của VFA, mua từ mua lúa của nông dân, với giá tối đa khoảng 4.000 đồng/kg.

VFA BÁN GẠO VỚI GIÁ 469,4 USD/TẤN, MUA LÚA NÔNG DÂN VỚI GIÁ QUI GẠO 350 USD/TẤN.

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân: “Một tấn lúa mua của nông dân 4.000 đồng/kg (tương đương 200 USD/ tấn), xay ra gạo được khoảng 0,6 tấn gạo loại 25% tấm. Như vậy, một tấn gạo 25% tấm chỉ được khoảng 335 USD cộng thêm các chi phí khác sẽ lên đến 350 USD/tấn” (4)

Theo Trung tâm tin học và thống kê (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn): “Tính chung cả năm nay, Việt Nam xuất khẩu được 6,88 triệu tấn, đạt kim ngạch 3,23 tỷ USD”.(5)

Giá gạo xuất khẩu bình quân là 469,4 USD/ tấn.

Vậy mỗi tấn gạo VFA lời: 469,4 – 350 = 119,4 USD, qui ra tiền Việt Nam khoảng 2.280.000 đồng.

1 tấn lúa xay được 0,6 tấn gạo, vậy 1 tấn lúa VFA lời 1.368 đồng. 1kg lúa VFA lời 1.368 đồng.

BÌNH QUÂN MỖI NGƯỜI TRONG TỔNG CÔNG TY LƯƠNG THỰC MIỀN NAM (VINAFOOD 2) ĐẠT LỢI NHUẬN TRÊN 1,2 TỶ MỘT NĂM.

Theo báo Thanh Niên Online: “Số lượng gạo bán ra của Vinafood 2 đạt hơn 4 triệu tấn, trong đó xuất khẩu hơn 3,1 triệu tấn còn lại là cung ứng thị trường nội địa.”. (6)

Nếu tính lợi nhuận gạo bán trong nước bằng lợi nhuận gạo xuất khẩu thì Tổng công ty Lương thực miền Nam đạt lợi nhuận: 4.000.000 * 119,4 * 19.100 = 9.122 tỷ (đã làm tròn số)

Tổng công ty Lương thực miền Nam có khoảng 7.500 người (7). Vậy lợi nhuận bình quân đầu người một năm khoảng 1.210.000.000 đồng. Lợi nhuận mỗi người một tháng khoảng 101.355.000 đồng.

TOÀN BỘ NÔNG DÂN ĐỒNG BẰNG SỐNG CỬU LONG RỚT XUỐNG DIỆN CẬN NGHÈO.

Bán lúa giá 4.000 đồng/kg, giá thành sản xuất lúa được các nhà chuyên môn dự tính khoảng 3.000 đồng/kg, như vậy nông dân lời 1000 đồng/ kg lúa.

Lấy bình quân mỗi hộ nông dân có 2 ha, năng suất đông xuân khoảng 6,5 tấn/ha, hè thu khoảng 5,5 tấn/ha. Như vậy, cả năm 2010, mỗi hộ nông dân lời được: 2 * ( 6.500 + 5.500) * 1000 = 24.000.000 đồng.

Lấy theo chỉ tiêu của Nhà nước mỗi hộ nông dân có 2 con, vậy mỗi hộ có 4 người, thu nhập mỗi người là 6.000.000 đồng/năm, hay 500.000 đồng/tháng.

Căn cứ vào Chỉ thị số 1752/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ nông dân chúng tôi bị đẩy rớt xuống diện cận nghèo.

LỢI NHUẬN MÀ TỔNG CÔNG TY LƯƠNG THỰC MIỀN NAM THU ĐƯỢC LIỆU CÓ HỢP LÝ?

Tổng công ty Lương thực miền Nam độc quyền xuất khẩu gạo, vì thế lợi nhuận của Tổng công ty Lương thực miền Nam là do ép giá mua lúa của nông dâm mà có: bán gạo xuất khẩu giá cao nhưng mua lúa của nông dân giá thấp.

Tổng công ty Lương thực miền Nam độc quyền mua bán lúa gạo nên lợi nhuận tăng 39,7% mỗi năm. Riêng năm 2010 này lợi nhuận lại tăng đến 63%.

NÔNG DÂN ĐANG “LÀM TÔI MỌI CHO DOANH NGHIỆP”, ĐANG BỊ BÓC LỘT THẬM TỆ.

Cùng thu lợi nhuận từ lúa gạo: nông dân lời 1.000 đồng/kg lúa, VFA lời 1.368 đồng/kg lúa.

Nông dân thu nhập 500.000 đồng/tháng – rớt xuống diện cận nghèo; doanh nhân thu nhập 101.355.000 đồng/ tháng – leo lên hàng tỷ phú.

Nghịch lý này cho thấy: “nông dân đang làm tôi mọi cho các công ty xuất khẩu” như nhận định của GS-TS Võ Tòng Xuân. (8)

Nghịch lý này thể hiện sự bóc lột của VFA đối với nông dân, mà Tổng công ty Lương thực miền Nam là đại diện. Một sự bóc lột thậm tệ.

Nghịch lý này đòi hỏi sự công bằng.

Nghịch lý này đòi buộc Chính phủ phải công khai lợi nhuận của Tổng công ty lương thực Việt Nam cho nông dân biết, và xác lập lợi nhuận đầu tấn hợp lý cho VFA.

Nghịch lý này đòi buộc Chính phủ phải thay đổi cơ chế mua bán gạo bất nhân hiện nay: làm cho nông dân nghèo ngày càng nghèo thêm.

Nghịch lý này chứng tỏ sự tắc trách của Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ.

Nghịch lý này truy vấn lương tâm của mọi nhà lảnh đạo Đảng và Nhà nước.

Ngày 06/12/2010

H. K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

(1)   Tổng công ty Lương thực miền Nam Online, bài “Hội nghị tổng kết năm 2010 của Tổng công ty Lương thực miền Nam” http://www.vinafood2.com.vn/CMS/Pages/XemTin.aspx?IDNews=279

(2)   Bài “Bắt đầu thu mua tạm trử 1 triệu tấn gạo” http://www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/sukien/30374/

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.