(1) Trung Quốc tiếp tục phát huy sức mạnh quân sự
Đoàn Hưng Quốc
Bản tin trên tuần san hàng đầu về hàng không không gian Aviation Week ngày 30-12-2010 cho đăng hình chụp của một máy bay tàng hình (stealth) đang thử máy trên sân bay của Trung Quốc.
Phi cơ này mang tên J-20 thuộc cùng thế hệ nhưng lớn hơn so với hai kiểu máy bay hiện đại nhất của Mỹ là F-22 và F-35, nên các nhà quan sát Tây Phương nhận xét đây sẽ là loại chiến đấu – oanh tạc cơ (fighter-bomber) tầm xa. Các chuyên gia cũng đánh giá rằng không quân Trung Quốc sẽ được trang bị loại máy bay này trước năm 2020 nghĩa là sớm hơn dự kiến trước đây của Bộ Quốc phòng Mỹ, và sẽ có tầm ảnh hưởng lớn đến cán cân quân sự tại vùng biển Hoa Đông, Đài Loan và khu vực Biển Đông.
Như vậy Bắc Kinh đang canh tân quốc phòng song song trên nhiều mũi nhọn chiến lược:
– Tăng cường Không quân với loại máy bay tàng hình J-20 nói trên (dự trù vào năm 2017-19).
– Phát huy loại tên lửa tầm xa Đông Phong 21D (chu vi 2000 km – dự trù vào năm 2012) chống hàng không mẫu hạm để răn đe hạm đội Hoa Kỳ trong trường hợp có tranh chấp tại Đông Á.
– Xây căn cứ trên đảo Hải Nam và tăng cường hạm đội tàu ngầm (từ 60 chiếc năm 2009, dự trù 75 chiếc năm 2025).
– Tăng cường lực lượng thủy quân lục chiến và các tàu đổ bộ tối tân loại 071 từ năm 2006
– Ngoài ra còn có những dự đoán chưa được xác nhận là Hoa Lục có chương trình xây các hàng không mẫu hạm.
Đ. H. Q.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Chú thích:
1 Aviation Week: China’s J-20 Stealth Fighter In Taxi Tests (Dec 30-2010)
2 The Heritage Foundation: Submarine Arms Race in the Pacific: The Chinese Challenge to U.S. Undersea Supremacy (Feb 02-2010).
****
(2) Sự thật về J-20 của Trung Quốc
Các nhà phân tích quân sự Trung Quốc và thế giới đang tranh luận quanh những tấm hình được cho là của máy bay J-20.
J-20 là tên của chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Trung Quốc, được biết đến nhiều hơn với tên gọi J-XX khi thiết kế.
Các bức ảnh công bố về một loại máy bay chiến đấu mới với các cấu trúc tương tự như máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-22 Raptor của Mỹ và Sukhoi PAK-FA T-50 của Nga. Theo quan sát, máy bay này được cho là có khả năng tàng hình và được trang bị cánh mũi.
Các nhà phân tích quân sự của Trung Quốc và nước ngoài đang tranh luận rất nhiều về tính xác thực của các bức ảnh này. Nhiều ý kiến cho rằng, các bức ảnh này là kết quả của các phần mềm đồ họa, hoặc là mẫu thiết kế của một loại máy bay mới có thể phỏng đoán là các mẫu máy bay J-14 hoặc J-20, thuộc là chương trình J-XX.
Nhiều câu hỏi được đặt ra về nguồn gốc của các bức ảnh này, không loại trừ khả năng đây là một sự cố ý “rò rỉ thông tin” mang động cơ chính trị của giới quân sự Trung Quốc, cùng với sự công bố phát triển tên lửa chống tàu sân bay mới để tạo dư luận.
Hiện Mỹ là quốc gia hàng đầu thế giới trong phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5, họ cũng là quốc gia duy nhất sở hữu máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Nga là quốc gia thứ hai sở hữu máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5, sẵn sàng chiến đấu trong khoảng 5 năm nữa.
Chương trình F-22 được khởi xướng từ năm 1986, nguyên mẫu đầu tiên cất cánh vào năm 1990, được chấp nhận vào trang bị sau 15 năm thử nghiệm. Tương tự, Sukhoi PAK-FA T-50 của Nga cũng phải mất ngần ấy thời gian để phát triển và thử nghiệm.
Nhìn lại công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, đặc biệt là công nghiệp hàng không, dù có những bước phát triển vượt bậc, song xét về khía cạnh kinh nghiệm và công nghệ vẫn còn thua xa Nga và Mỹ.
Công nghiệp hàng không Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn với việc phát triển động cơ phản lực nội địa. Các mẫu máy bay chiến đấu đang được sản xuất tại Trung Quốc chủ yếu sử dụng động cơ nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu là Nga.
Các mẫu động cơ phản lực nội địa như WS-10A của công ty máy bay Thẩm Dương, WS-15 của công ty máy bay Thành Đô gặp quá nhiều trục trặc kỹ thuật, độ tin cậy trong hoạt động tệ đến mức không thể chấp nhận được. Quá trình khắc phục các khuyết điểm kỹ thuật đang diễn ra, ít nhất một thời gian khá dài nữa các vấn đề mới được khắc phục xong.
Như vậy, một mẫu động cơ mới cho tiêm kích thế hệ 5 chắc chắn chưa có sẵn. Trong khi đó, động cơ cho tiêm kích thế hệ 5 đòi hỏi những tiêu chuẩn rất khắt khe so với động cơ cho máy bay thông thường.
Trung Quốc có thể bắt chước các thiết kế khí động học từ F-22 và PAK-FA T-50, song việc xử lý các vấn đề về che chắn sự bức xạ hồng ngoại của động cơ, bố trí các vật liệu hấp thu sóng radar cũng là một vấn đề cực kỳ phức tạp.
Bên cạnh đó việc phát triển hệ thống điện tử và radar cho máy bay tàng hình còn phức tạp hơn. Các hệ thống điện tử của Trung Quốc chủ yếu sao chép từ các hệ thống tương tự của Nga và Mỹ, sự đồng bộ, độ tin cậy trong hoạt động của các hệ thống này còn nhiều nghi vấn.
Việc phát triển một mẫu radar quét mảng pha điện tử tương tự như hệ thống radar N050 BLRS AESA/PESA của PAK-FA T-50 của Nga và radar AN/APG-77 AESA của F-22 của Mỹ vẫn là nhiệm vụ bất khả thi trong thập niên tới của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.
Kết luận, các bức ảnh công bố về máy bay tàng hình thế hệ 5 của Trung Quốc chỉ là một sự đồn thổi, chương trình phát triển nếu có thật cũng chỉ đang ở giai đoạn phác thảo ý tưởng thiết kế. Có thể khẳng định rằng, ít nhất khoảng 10-15 năm nữa Trung Quốc mới có được bản thiết kế của mẫu máy bay tàng hình thế hệ 5 đúng nghĩa của riêng mình.
Trung Hiếu (theo Armstrade)
Nguồn: http://quocphong.baodatviet.vn/Home/QPCN/Su-that-ve-J20-cua-Trung-Quoc/20111/125880.datviet