“Ông chủ” tương lai – Liệu có bị suy nhược?

(Tamnhin.net) – Dư luận cả nước bàng hoàng về hành vi của một bà gọi là bảo mẫu dùng chân tắm cho cháu bé ba tuổi như tắm con vật. Video clip quay tại một cơ sở giữ trẻ tư nhân ở tỉnh Bình Phước. Quá nhiều câu hỏi đặt ra cũng như có quá nhiều nỗi đau nhói lên trong lòng mỗi con người bình thường. Trong đó, có một câu hỏi bình thường mà thật khó trả lời, câu hỏi về nơi học của con cái công nhân.

Bữa ăn đạm bạc của một gia đình công nhân (ảnh Internet)

Bữa ăn đạm bạc của một gia đình công nhân (ảnh Internet)

Công nhân ở đây là những người đang ngày đêm vất vả trong các khu công nghiệp để làm nên những con số tăng trưởng kinh tế hào hứng đọc ở các diễn đàn. Câu hỏi có vẻ bất ngờ bởi khắp nơi đã và đang vang lên những tuyên bố “trẻ con được cả xã hội quan tâm chăm sóc”. Hơn cả trẻ con nói chung, con cái của giai cấp công nhân, giai cấp tiên phong lãnh đạo ở nước ta, luôn được khẳng định là “thế hệ kế thừa vừa hồng vừa chuyên”.

Còn thực tế ở các khu công nghiệp hiện nay, hầu hết không có trường học mầm non. Thậm chí, hệ thống nhà trẻ công lập không nhận trẻ dưới 18 tháng. Hàng năm, ngành GD-ĐT báo cáo thành tích huy động trẻ ra lớp rất cao, nhưng đã trừ lứa tuổi mầm non này ra. Người công nhân chỉ được nghỉ đẻ bốn tháng để chăm sóc con, sau đó muốn đi làm chỉ có thể gửi con vào các cơ sở giữ trẻ tư nhân. Mà các cơ sở giữ trẻ tư nhân, ngành GD-ĐT cho rằng, do chính quyền địa phương quản lý, còn chính quyền địa phương lại nói không có người để quản lý.

Thực trạng ấy có nguyên nhân sâu xa từ tư duy về an sinh xã hội. Cái hệ thống phúc lợi mà công nhân đang dựa vào, chủ yếu nhờ các mối quan hệ gia đình, quen biết. Chính sách nhà nước chưa thật sự quan tâm và cũng chưa buộc các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp phải có trách nhiệm xây dựng hệ thống phúc lợi công cộng cho công nhân.

Đã có thời gian dài coi công nhân nhập cư là “vấn nạn xã hội”. Ở nhiều địa phương, công nhân nhập cư không được coi là công dân thực sự, họ chỉ là công dân hạng hai, không hộ khẩu, không được bình đẳng hưởng các phúc lợi về y tế, giáo dục… Khi xây dựng khu công nghiệp, người ta cho rằng sẽ thu hút nguồn nhân lực tại chỗ nên không quan tâm xây dựng bất cứ cơ sở gì cho công nhân, ngoài cái nhà máy để làm việc sinh lời.

Thực tiễn nhanh chóng chứng tỏ tư duy ấy thật sai lầm. Hiện nay, hầu hết công nhân trong 14 khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh là từ nơi khác đến. Hầu hết trong khoảng 1,2 triệu công nhân ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ là từ miền Trung, miền Bắc. ĐBSCL có nguồn nhân lực dồi dào nhưng hiện trong 43 khu công nghiệp, 41 cụm công nghiệp đang hoạt động cũng có tỷ lệ lớn công nhân nhập cư. Thế nhưng, ĐBSCL ngay cả khu công nghiệp Trà Nóc nổi tiếng vì hình thành từ trước năm 1975 và diện tích đã cho thuê hết từ lâu nhưng đến nay không hề có nhà trẻ, trường học riêng. Chưa nói tới trạm y tế, cửa hàng thực phẩm, bách hóa và các cơ sở văn hóa phục vụ những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống người công nhân.

Nếu rồi đây, các cấp quản lý vẫn chỉ lo “tăng cường quản lý”, các đoàn thể chỉ lo “tuyên truyền giáo dục” kèm các hoạt động từ thiện rời rạc thì việc chăm sóc con cái của công nhân vẫn chưa căn cơ. Khi con cái của công nhân không được đi học và chăm sóc tốt thì thế hệ kế tiếp của “họ” có nguy cơ bị suy nhược cả về vật chất lẫn tinh thần.


S. N.

Nguồn: http://tamnhin.net/tieu-diem/6801/–Ong-chu-tuong-lai–Lieu-co-bi-suy-nhuoc-.html

This entry was posted in lao động. Bookmark the permalink.