Nghĩ đến con cháu…

Học sinh làng Long Jôn, xã Đăk Ang (Kon Tum) vượt sông Pô Kô đến trường: “cầu” được lát bằng cây lồ ô, tre nứa rồi neo vào dây thép. Địa điểm này cách nơi người dân vượt sông bằng cách đu dây chừng 15 km. Ảnh: Tuổi trẻ Online

Học sinh làng Long Jôn, xã Đăk Ang (Kon Tum) vượt sông Pô Kô đến trường: “cầu” được lát bằng cây lồ ô, tre nứa rồi neo vào dây thép. Địa điểm này cách nơi người dân vượt sông bằng cách đu dây chừng 15 km. Ảnh: Tuổi trẻ Online

Sau một cơn say dài của tiệc tất niên, 1h sáng ngày 1.1.11, tôi thức dậy, mở Vietnamnet, đọc bài viết về chuyện Thủ tướng nói với cán bộ lãnh đạo 13 tỉnh thành sáng 31.12 (Vietnamnet, 6:00 = GMT+7, 31.12.2010). Thấy câu nói “chúng ta nghèo phải bán khoáng sản thô nhưng phải nghĩ đến con cháu” mà tỉnh cả người! Tỉnh rụi, tỉnh ngay giống như là cái sự “tỉnh” tưng bừng sau cả một giấc ngủ dài suốt năm 2010 (!).

Điều đầu tiên phải bàn là cứ vừa nghĩ đến con cháu vừa tiếp tục bán khoáng sản thô là can cớ sao đây? Đã nghĩ đến thì chưa làm, không nên làm khi nếu thế hệ cha ông gắng sức thêm một chút vẫn có thể sống thoát được khỏi khó khăn và, cháu con vẫn còn đó của để dành. Còn nếu cứ thở dài lo cho mai sau nhưng khoáng sản thô cứ thay nhau đội nón ra đi, vừa đi vừa giẫm những bước chân thô ráp và nhoe nhoét bùn đỏ của nó lên bờ xôi, ruộng mật; vung vãi lên trời khói bụi ô nhiễm, gây hệ lụy đến muôn thứ trong môi trường sống thì giải quyết sao đây? Thủ tướng còn nói một câu rất hay rằng ông đã tự phê bình trước Bộ Chính trị “vì quản lý rừng chưa thành công” (?)! Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, tôi luôn nghĩ rằng hai chữ THÀNH CÔNG là chỉ dành riêng để nói về cái gì đó thắng lợi vượt bậc, nó lớn hơn chỉ tiêu đặt ra, đôi khi nó nằm ngoài sức tưởng tượng tốt nhất; chẳng hạn như: Chúng ta quyết tâm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Nếu cách hiểu của tôi là đúng thì có nghĩa là lâu nay việc quản lý rừng vẫn tạm coi là tốt, là được – nó chỉ thấp hơn mức “thành công” một chút thôi. Vả lại, thành công thường phải liên quan đến sự vật mới – một cái gì đó nằm ngoài cái thông thường, đã có chứ không phải là tiếp tục cái cũ. Ví dụ, người xưa dạy Quân tự cậy mình mà thành, tiểu nhân cậy người mới thành. Chữ “thành” trong trường hợp này là biến đổi hoàn toàn một con người thành một nhân cách mới, giá trị mới, ảnh hưởng mới. Chính vì thế, tôi không hiểu Thủ tướng nói “quản lý rừng chưa thành công” là nói theo nghĩa nào?

Thủ tướng còn cho biết vô khối tin tức động trời như có nhà máy thép sử dụng hết 50% sản lượng điện của một địa phương (!); đất Hà Nội đắt hơn cả Tokyo và Paris; “Các dòng sông đen ngòm hết rồi, có mấy hệ thống sông lớn đều báo động hết về ô nhiễm”; phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lĩnh vực và tạo sự đồng thuận trong nhân dân…

Tất cả những thông tin trên làm cho người đọc hoang mang ngay trong ngày đầu năm mới vì khó hiểu đến… toát cả mồ hôi. Chỉ một nhà máy mà dùng hết một nửa sản lượng điện của cả một tỉnh thì xây dựng để làm gì? Ai cho phép điều đó xảy ra và quốc kế an sinh đứng hàng thứ mấy trong kế hoạch tăng trưởng? Nếu Thủ tướng đã biết rõ các dòng sông đang “chết” (đen ngòm) thì giải pháp ra sao? Các chế tài phải nghiêm khắc đến cỡ nào mới đủ? Chẳng lẽ để lại cho con cháu sự đem ngòm của mọi dòng sông đều chết? Nếu giá đất Hà Nội đội trên trời mà chỉ phàn nàn về việc “quản lý thế này thì nguy” – người dân không tài nào hiểu nổi là Thủ tướng đang ám chỉ “ai”? Chẳng lẽ không phải Thủ tướng đang quản lý đất nước đó thôi? Nếu đúng là trách nhiệm của Thủ tướng thì nhất thiết ông phải đưa ra giải pháp khắc phục và phải khắc phục bằng được.

Người đọc vô cùng khó hiểu chuyện Thủ tướng nói rằng sẽ tạo ra được sự đồng thuận vì trên thực tế, sự đồng thuận chỉ đến bằng sự tự nguyện của trái tim, khối óc chứ không một ai có thể tạo ra. Nếu có thể tạo được thì, may ra, tạo nên cái gọi là… Cái sai trong việc quản lý rừng thì nói là chưa thành công, còn cái không thể mua được (sự chân thành của tình cảm) Thủ tướng lại nói là có thể tạo ra được thì chắc là không thể lý giải nổi rồi!

Nghĩ đến con cháu là trách nhiệm của tiền nhân. Cho dù là hơi muộn nhưng cách nghĩ trên của Thủ tướng là điều đáng được lòng dân ghi nhận. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng những chuyện khó khăn, bức xúc mà Thủ tướng đã chỉ ra cần phải được lượng định hóa, cụ thể hóa chứ không phải là tâm tư, tâm sự. Chẳng hạn, giải quyết những việc đó thế nào, biện pháp ra sao và thời hạn của việc giải quyết đó là bao lâu? Không thể có chuyện chỉ nhìn thấy các vấn đề bức thiết của xã hội mà không đưa ra các giải pháp tức thời. Nghĩ đến con cháu, trước hết là nghĩ đến những việc cần làm ngay, hôm nay – trong năm 2011 này. Thế hệ cha ông đang loay hoay thì làm sao có đủ thành quả tốt đẹp cho con cháu, ngày mai?

H. V. T.

Huế, 2h22’, 1.1.11.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

This entry was posted in kinh tế, Môi Trường. Bookmark the permalink.