Giải thưởng Nobel hoà bình là một trong năm nhóm giải thưởng ban đầu của Giải Nobel, được trao “cho người đã có những đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các quốc gia, trong việc giải trừ hay hạn chế các lực luợng vũ trang và trong việc tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hoà bình”. Giải Nobel hoà bình đựoc trao hàng năm vào ngày 10 tháng 12, ngày mất của Alfred Nobel tại Oslo, thủ đô Na Uy. Nobel chưa bao giờ giải thích lý do tại sao ông lại chọn Na Uy là nuớc chịu trách nhiệm xét Giải Nobel Hoà bình chứ không phải là Thuỵ Điển; nhiều nguời cho rằng có lẽ Nobel muốn loại trừ việc chính phủ nuớc ngoài có thể thao túng Giải Nobel Hoà Bình nên mới chọn Na Uy vì quốc hội nuớc này vốn không chịu trách nhiệm về quan hệ đối ngoại.
Giải Nobel hoà bình gồm một bằng chứng nhận, một huy chuơng và một khoản tiền tưong đưong 1,4 triệu USD. Năm nay Giải thưởng đó được trao cho ông Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc đang bị ngồi tù, mặc dù trước đó nhà cầm quyền Trung Quốc đã dùng mọi áp lực can thiệp.
Trước việc Uỷ ban trao giải thưởng của Na Uy nhất định trao giải cho nguời như đã định, “một tổ chức của Trung Quốc” đã vội vàng quyết định thành lập “Giải Khổng Tử hoà bình” và tuyên bố sẽ trao giải thưởng này cho ông Liên Chiến, vốn là nguời đứng thứ hai trong chính quyền Đài Loan Trung Quốc trước đây vào ngày 9 tháng 12 năm 2010, trước ngày trao giải Nobel hoà bình một hôm. Tan Chang Liu, một trong những người tổ chức giải thưởng này cho biết giải thưởng trị giá 15.000 USD và phủ nhận việc tổ chức này có liên quan với chính phủ Trung Quốc. Mặc dù nguời phát ngôn của văn phòng Liên Chiến nói văn phòng của ông không có thông tin về giải thưởng này, và Liên Chiến đã không tới dự lễ phát thuởng nhưng nguời ta cũng kịp nặn ra cảnh cho một em bé lên nhận giải thay với đầy đủ nghi thức cần phải có của một cuộc lễ.
Tuy vậy đã có nhiều người Trung Quốc cho rằng đây là “một sự khinh nhờn Khổng Tử”, là “một trò hề”, là một giải thưởng “không có tiêu chí” và lễ trao giải này đã vội vàng kết thúc trong tiếng cười riễu của người xem.
Có câu nói, gọi những kẻ không biết mình biết người, rõ ràng thua kém nguời nhưng bề ngoài lại cố tìm cách tỏ ra không kém là “chơi trèo”. Người viết bài này nghĩ rằng câu nói đó rất đúng với trò trao giải thưởng hoà bình Khổng Tử cập rập, qua quít vừa diễn ra, dù nó được nhà cầm quyền Trung Quốc đứng đằng sau.
Có người Trung Quốc tỏ ra lo lắng, không biết năm sau cái gọi là giải này có được trao nữa hay không? Và lần này đến lượt ai? Liệu có thể là Nguỵ Kinh Sinh* hay không? Hay là một nhân vật nào đó sẽ xuất hiện?
B. C. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Ghi chú: Nguỵ Kinh Sinh, một công nhân, nhà bất đồng chính kiến xuất hiện trong phong trào “Bức tường dân chủ Tây Đơn” năm 1979, đã bị nhà cầm quyền Trung Quốc trục xuất, hiện đang sống ở Mỹ.