Vài góc nhìn về lễ lớn 1000 năm Thăng Long

Tôi đã tham dự lễ lớn 1000 năm Thăng Long trong hai ngày 9 và 10 tháng 10. Dưới đây xin ghi vài hàng về lễ lớn này.
Đôi điều cảm kích

Cảnh trong phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long. Photo courtesy of thethaovanhoa.vn

Cảnh trong phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long. Photo courtesy of thethaovanhoa.vn

Tôi đến thăm di tích Hoàng thành Thăng Long một mình chiều ngày 9 tháng 10. Taxi không đến gần được. Phải đi bộ một khoảng khá dài. Người và người. Vào nơi trưng bày di tích được khai quật và được công nhận là Di sản Thế giới, thấy rất đông người xem và thấy thái độ của mọi người đàng hoàng, mang vẻ mặt vui tươi, tự hào về tổ tiên của mình. Chắc không ít người vì tò mò hay vì không khí đông vui mà đến đấy, nhưng dù sao qua không khí trong ngày hôm ấy, tôi cảm nhận được niềm tin của đồng bào mình vào bản thân dân tộc, vào sức sống mạnh mẽ của dân tộc mình.

Sáng ngày 9 tháng 10 chúng tôi đi thăm lăng cố Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn chúng tôi tụ tập ở khu văn phòng bên trái lăng rồi được bảo là sắp hàng để vào lăng. Gần đến cổng vào thì được biết là phải nhường cho một đoàn khác vào trước. Rồi đoàn ấy đến rất đông, có thể đến khoảng một nghìn người. Những giây phút cảm động. Trong họ có nhiều người già phải có y tá dìu đi hay có bác sĩ đi theo, có người còn khỏe mạnh, ngực đeo đầy huy chương, gương mặt đầy tự hào. Họ là những người đã kinh qua bao nhiêu gian khổ trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập cho dân tộc. Bỗng nghe có tiếng “hoan hô các bà mẹ Việt Nam anh hùng” của vài chị nào đó từ trong đoàn chúng tôi. Rồi nhiều người trong đoàn người Việt Nam ở nước ngoài ra nắm tay các bà mẹ, các cô bác cựu chiến binh từ các tỉnh về, chào và hỏi chuyện. Đoàn của các mẹ, các bác bị đứt đoạn, phải có người nhắc nên tiếp tục bước đi. Ở đâu đó, tôi nghe văng vẳng bên tai “phải đồng lòng thương nước thì đánh được giặc, bất cứ giặc nào”.

Chúng tôi vào lăng, thăm ngôi nhà sàn, và được xem khúc phim về những phút cuối đời của Bác Hồ. Giây phút lâm chung, các nhà lãnh đạo của đất nước lúc ấy nức nở thương tiếc lãnh đạo tối cao của đất nước, đau xót lo âu trước mất mát lớn của dân tộc. Mọi người có mặt ở giờ phút cáo biệt ấy đã toát lên những nét đau thương nhưng đồng thời cũng toát lên một không khí là họ hiểu sứ mạng của họ và họ sẽ sống vì sứ mạng đó.

Chúng tôi cũng được một chị giải thích về cuộc sống của Bác Hồ. Tôi nghĩ chị này hẳn phải có lòng tôn kính thật sự mới có được giọng nói ôn tồn nhưng có sức truyền cảm rất mạnh. Tôi bỗng nghĩ, phải chi chị này giải thích lại lối sống giản dị, gần gũi nhân dân, yêu nhân dân như thế nào cho các cán bộ cao cấp của nhà nước nghe mỗi năm một lần thì hay biết mấy. Bởi vì dường như một số trong họ đã quên những điều dạy của Bác Hồ về các vấn đề cơ bản như xử sự với dân như thế nào, giữ thể diện quốc gia như thế nào…

Những thất vọng

Tôi đi ra Hồ Hoàn Kiếm. Đối với tôi, đây là chốn linh thiêng. Đây là một trong những chỗ mà hồn thiêng sông núi tụ về. Đối với mỗi người Việt Nam, có lẽ ai cũng muốn ít nhất một lần trong đời mình đến thăm cái hồ nhỏ mà thiêng này. Than ôi, người ta chen lấn nhau, đạp lên bãi cỏ xanh, không để ý nhường chỗ cho người già, em bé. Và người ta xả rác bừa bãi, trên bờ và trên mặt hồ.

Rồi cảnh người ta lái xe chen lấn nhau, bóp còi inh ỏi, coi các bà già và em bé đi bộ không ra gì. Đâu là thủ đô Hà Nội thanh lịch mà người Việt Nam muốn tự hào?

Nghe nói người ta dự định làm cổng chào, đào bới gạch lót đường quanh hồ Hoàn Kiếm vốn chưa có nhu cầu thay đổi… tốn hằng triệu, hằng tỉ tiền. Nhưng không có một trường học nào, một bệnh viện nào được khánh thành trong năm có lễ lớn này. Nếu đúng vậy thì đó là thất vọng lớn nhất.

Làm lễ 1000 năm, phải chăng chúng ta mừng sự trường tồn của Thủ đô, bày tỏ lòng tôn kính đối với Đức vua Lý Thái Tổ và đối với những anh hùng hào kiệt của dân tộc đã gìn giữ thủ đô cho đến ngày hôm nay, như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ và bao nhiêu người khác. Để thể hiện lòng biết ơn ấy, phải chăng chúng ta phải xây dựng một nước Việt Nam cường thịnh, cường thịnh trên ý nghĩa sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Làm lễ lớn lao, phô trương hình thức, gây tốn kém cho dân lúc đất nước còn nghèo là cách để tỏ lòng biết ơn?

Người ta đồn đại hàng chục ngàn tỉ đồng được đổ vào cho các chi phí của lễ lớn 1000 năm này. Thành phố Hà Nội công bố rằng “chỉ” tiêu hết có 266 tỉ đồng cho lễ lớn ấy. Báo Tuổi trẻ ngày 26/12 đưa tin là hơn 1000 tỉ đồng được các doanh nghiệp và cá nhân tài trợ cho các hoạt động của lễ. Cộng lại là 1266 tỉ. Đó chưa phải là số liệu cuối cùng vì báo nói là chưa thống kê hết (bài này ra trễ là để chờ các con số trên).

Qui ra đô la thì thành hơn 63 triệu đô la. Trời ơi, dùng một nửa số tiền này thì xây được mấy cái trường học, bệnh viện. Những nạn nhân chất độc da cam, những người còn tấm lòng lo cho các nạn nhân chất độc da cam, những người dân miền Trung bị bão lụt tàn phá, những chiến sĩ ở Trường Sa, những ngư dân bị lính Trung Quốc bắt giữ, đánh đập tàn nhẫn, các em bé phải đu dây qua sông để đến trường, những bệnh nhân phải nằm chung giường ở các bệnh viện hiện nay, thiếu thuốc, thiếu phương tiện cứu chữa…, những quốc gia và cá nhân người nước ngoài viện trợ nhân đạo cho nước ta sẽ nghĩ gì nếu họ hình dung được, hiểu được con số 63 triệu đô la lớn đến mức nào và được chi tiêu như thế nào!

Nói đến tệ nạn xả rác, giao thông không tôn trọng luật lệ, chen lấn xô bồ, tôi hay thấy nhiều cán bộ cầm quyền, kể cả cán bộ rất cao cấp, bỉu môi hay nhăn mặt chê dân mình ý thức còn thấp, chứ không nhận ra đó là nhiệm vụ của nhà cầm quyền và các cơ quan truyền thông phải phối hợp với nhân dân để cải thiện tình hình. Lên xe điện Nhật, người ta vẫn thỉnh thoảng nghe loa nhắc hãy tắt máy điện thoại khi ở trên xe hay hãy nhường chỗ ngồi cho người già, người tàn tật, người có thai…

Cuộc vận động để cho Hà Nội trở thành thanh lịch đúng theo nghĩa của nó phải thực hiện trường kỳ, ít tốn kém. Phải chi người ta trích một phần trong 63 triệu đô la để mở một cuộc vận động thực lòng và bền bỉ nhằm cải thiện cách xử sự của một bộ phận  người Hà Nội, không kể người ấy đã sống ở đó một đời hay nhiều đời, để người Hà Nội và người Việt Nam nói chung có thể tự hào về Thủ đô của mình. Tức là phải chăng Hà Nội cần đi đầu trong quá trình tiến lên cường thịnh về phương diện sức mạnh mềm ít tốn kém.

Lạc vào thế giới tưởng tượng

Cứ băn khoăn thao thức về việc làm sao tạ ơn Tổ tiên nhân 1000 năm Thăng Long, tôi miên man suy nghĩ và lạc vào thế giới tưởng tượng, thấy nếu tôi là người của Ban Tổ chức, tôi sẽ đề nghị không diễu hành và phô trương như lễ lớn vừa qua, mà làm một lễ đơn giản trước Tết, cuối năm âm lịch lịch sử này.

Vào đêm giao thừa sắp đến, mời:
–  10 người của Hà Nội.

–         40 người từ 4 tỉnh cực Bắc, cực Nam, cực Đông và cực Tây, mỗi tỉnh 10 người. Mở dấu ngoặc: tỉnh cực Đông phải mời người ở Trường Sa về.

–         54 người từ 54 dân tộc, mỗi dân tộc 1 người.

–         Chủ tịch nước và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Tổng cộng 106 người.

Đúng 22:30 bắt đầu làm lễ trước một Bàn Thờ Tổ Quốc đơn giản ở quảng trường Ba Đình. Trên Bàn Thờ ấy có những thanh gỗ ghi tên các anh hùng dân tộc Lý Công Uẩn, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh và một thanh gỗ cho các anh hùng vô danh.

Chương trình được tóm lược như sau:

–         Phút mặc niệm

–         Chủ tịch nước đọc diễn văn trong 10 phút, trong đó có phần trích dẫn từ Bình Ngô Đại cáo mà ông đã đọc ngày 10/10 nhưng được ghi rõ hơn.

–         106 người đứng thành vòng tròn. Một thanh niên mang đuốc đến. 106 người truyền nhau ngọn đuốc ấy và thề xây dựng một nước Việt Nam cường thịnh, thề bảo vệ từng tấc đất của Tổ tiên để lại.

–         Tiếng trống nổi lên, giục giã trái tim của từng người tiến lên xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh đúng theo lời dặn của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh.

–         Rồi vọng đến tiếng chuông chùa, chuông nhà thờ khắp Hà Nội, kêu gọi một sự đồng thuận rộng khắp.

–         Ba thanh niên khỏe mạnh thay phiên nhau đọc các bản tuyên ngôn độc lập của Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh.

–         Cả đoàn 106 người đi diễu hành về phía hồ Hoàn Kiếm do Chủ tịch nước dẫn đầu. Đoàn đánh trống đi theo gây khí thế. Chuông chùa và chuông nhà thờ tiếp tục ngân vang. Dọc đường, đồng bào mọi giới ai muốn tháp tùng thì tự do đi theo đoàn.

–         Đến hồ Hoàn Kiếm, mọi người đến trước tượng Lý Thái Tổ, kính cẩn cúi đầu tri ân Đức Vua, hô to khẩu hiệu “Việt Nam muôn năm”, “Hà Nội muôn năm” thật rõ và thật to ba lần, rồi giải tán trong trật tự, ai về nhà nấy. Người ở xa đến về nhà nghỉ do Ủy ban Nhân dân Hà Nội bố trí, uống trà ăn bánh chưng, ăn trái cây từ bốn tỉnh kể trên và đón giao thừa.

Trong khi quá trình trên diễn ra, Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đến một bệnh viện sản khoa, chúc mừng sức sống Việt Nam mới vừa chào đời. Hai ông tặng cho mỗi cháu một bông hồng và một tấm bản đồ Việt Nam, có đầy đủ Hoàng Sa và Trường Sa. Và nếu tôi được giao việc chuẩn bị các tấm bản đồ ấy, thì trên ấy sẽ có mấy dòng chữ sau:

“Thưa các đồng bào vừa mới chào đời,

Thay mặt thế hệ chúng tôi, xin chúc mừng sự chào đời của các đồng bào trong năm 2010 lịch sử này.

Và chúng tôi xin chân thành mong đồng bào tha lỗi cho thế hệ chúng tôi về việc để cho giặc chiếm đóng một phần đất và biển do Tổ tiên để lại. Ngày nào, chúng tôi còn sống thì chúng tôi cố hết sức giành lại. Nhưng lỡ mà không thực hiện được điều ấy, thì chúng tôi thiết tha mong đồng bào khi lớn lên, tìm mọi cách giải phóng các phần đất và biển bị chiếm đóng, thực hiện chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh đúng theo di chúc của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Xin chúc đồng bào mau lớn và mạnh khỏe như Phù Đổng”.

L. V. T.

Tokyo ngày 28/12/2010

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

This entry was posted in văn hoá. Bookmark the permalink.