Nếu nhìn vào quá trình tái cơ cấu mà Vinashin đang thực hiện, hãy tạm ứng một niềm tin vào những nỗ lực của Chính phủ và của Vinashin trong việc xây dựng một Vinashin mới.
LTS: Năm 2010 sắp khép lại với nhiều dư âm đáng suy ngẫm. Nhìn nhận một cách công bằng, năm 2010 Việt Nam đã “vượt bão” tương đối thành công, với những thành tựu trong tăng trưởng kinh tế đáng ghi nhận. Đây cũng là năm của nhiều sự kiện có ý nghĩa bản lề đối với công cuộc phát triển của Việt Nam trong nhiệm kỳ tới. Mỗi sự kiện đã xảy ra, dù vui, hay buồn, ảnh hưởng tích cực, hay tiêu cực đều đáng được nhìn nhận như những bài học hữu ích trên con đường phát triển nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức này.
Hãy cùng Tuần Việt Nam nhìn lại những sự kiện/vấn đề nổi bật của năm, tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông và thu hút sự quan tâm rộng rãi của công luận.
Bài viết dưới đây nhìn lại một trong những “hiện tượng” của năm: tập đoàn kinh tế nhà nước hàng đầu Việt Nam: Vinashin lâm cảnh nợ nần chồng chất vì làm ăn thua lỗ. Không đi vào mổ xẻ những nguyên nhân cũng như trách nhiệm dẫn tới sự cố Vinashin, vốn đã được phân tích quá nhiều trên báo chí thời gian qua, góc nhìn của tác giả tập trung vào vấn đề tái cấu trúc Vinashin nói riêng và các tập đoàn kinh tế nhà nước nói chung nhằm để khối doanh nghiệp này phát triển lành mạnh và thực thi được vai trò mà người ta kỳ vọng ở chúng.
Nếu cần để bình chọn sự kiện năm 2010, có lẽ một trong những sự kiện lớn nhất chính là sự cố Vinashin vỡ lở với khối nợ nần khổng lồ và Chính phủ buộc phải thực hiện việc cải tổ, tái cơ cấu toàn diện đối với tập đoàn này.
Cho dù, những công việc tái cấu trúc Vinashin bước đầu thực hiện đã có những kết quả nhất định như Chính phủ đã công bố nhưng cho đến những ngày gần đây, hậu quả của việc Vinashin làm ăn thua lỗ, không trả được các khoản nợ đến hạn vẫn tiếp tục kéo dài. Ví dụ gần nhất là ngày 15.12, tổ chức đánh giá hệ số tín nhiệm Moody’s đã hạ bậc tín nhiệm trái phiếu Chính phủ Việt Nam từ Ba3 xuống B1. Một trong những nguyên nhân khiến Moody’s quyết định như trên có một phần từ Vinashin làm ăn thua lỗ, không trả được nợ đúng hạn.
Có thể nói, vụ việc Vinashin một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về quản trị doanh nghiệp nhà nước ở các tập đoàn kinh tế. Hay nói cách khác, sự đổ vỡ của một Vinashin “cũ” đã báo hiệu một sự đổ vỡ mang tính dây chuyền về quản trị doanh nghiệp nhà nước ở nhiều tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn khác của nhà nước nếu chúng không sớm được đổi mới, chấn chỉnh.
Một cách thức quản trị thiếu trách nhiệm, thậm chí cố tình vi phạm pháp luật của một nhóm lãnh đạo, cán bộ của Vinashin trong đó có cả ông Phạm Thanh Bình, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Vinashin, ông Trần Quang Vũ, nguyên tổng giám đốc Vinashin, ông Trần Văn Liêm, nguyên trưởng ban kiểm soát…và một số cán bộ, nhân viên khác trong tập đoàn này đã dẫn đến một hậu quả không thể nào tránh khỏi như đã biết.
Nhưng một điều đáng nói nữa là hệ thống kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn lực đầu tư rất lớn của nhà nước dành cho Vinashin nói riêng và có thể nói các tập đoàn nói chung chưa được chặt chẽ. Cho dù có tới 11 cuộc thanh tra, kiểm toán với tập đoàn này trong nhiều năm qua như lời ông Trần Văn Truyền, tổng thanh tra Chính phủ nói thì với những hậu quả diễn ra, như đã thấy ở Vinashin, cho thấy, cả một hệ thống kiểm tra, giám sát từ bên ngoài lẫn nội bộ đã không phát huy hiệu quả.
Sự yếu kém, thiếu hiệu quả của bộ máy giám sát, kiểm tra ấy đòi hỏi đã đến lúc phải chấn chỉnh một cách quyết liệt và nghiêm túc, nếu không muốn lặp lại kịch bản tương tự.
Trên thế giới, không phải không có những vụ sụp đổ thậm chí còn gây chấn động kinh hoàng, và các Chính phủ buộc phải nhảy vào giải cứu để ngăn chặn khủng hoảng. Sự đổ vỡ của một loạt đại gia ngân hàng Mỹ hồi 2008 khiến chính quyền Mỹ phải cấp tập bơm hàng chục tỷ USD ứng cứu để vực dậy một loạt ngân hàng lớn đang trên bờ vực phá sản.
Nhưng sự giải cứu ấy từ Chính phủ phải có điều kiện bắt buộc kèm theo. Tất cả các con bệnh đều phải uống một đơn thuốc khắc nghiệt tái cấu trúc doanh nghiệp, lành mạnh hóa hệ thống quản trị và tuân thủ chặt chẽ kỷ luật tài chính.
Cho đến nay, theo như thông báo của lãnh đạo Vinashin, những sự thay đổi về nhân sự, tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, từ tập đoàn Vinashin cho đến các thành viên trong khối doanh nghiệp này có những cải thiện đáng kể.
Sau cuộc tái cơ cấu bước 1 (theo quyết định số 926/QĐ-TTg ngy 18/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ), Vinashin vẫn còn tới 259 đơn vị, trong đó có 103 cơ sở sản xuất, 28 nhà máy đóng tàu đang hoạt động và 11 nhà máy đóng tàu đang đầu tư dở dang. Đến hết tháng 8.2010, tổng số lao động của Vinashin còn 42.660 người.
Về tài chính, tổng tài sản của tập đoàn này có 95.672 tỷ đồng trong đó, tổng nợ phải trả là 76.241 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn 9.615 tỷ đồng (trong đó tính cả phần cấp bổ sung tháng 10/2010 là 2.500 tỷ đồng).
Dự kiến sau bước 2 – đề án tái cấu trúc tổng thể (bước 2) của Vinashin mới được Thủ tướng phê duyệt, tổng số doanh nghiệp còn lại của tập đoàn Vinashin còn 43 công ty, gồm công ty mẹ (công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước) và 19 công ty con. Sau đợt tái cấu trúc này, tổng tài sản của Vinashin sẽ còn 68.243 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả còn 53.054 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu thực có là 9.615 tỷ đồng (theo đăng ký kinh doanh hiện tại là 14.655 tỷ đồng). Trong 42 công ty có 7 Công ty đóng tàu lớn và 14 công ty vừa và nhỏ, 02 công ty liên doanh có khả năng đóng được tàu đến 150.000 tấn và sửa chữa tàu đến 200.000 tấn. Vinashin cho rằng sẽ đảm bảo sản lượng doanh thu đến năm 2015 đạt 50.000 đến 60.000 tỷ đồng/năm.
Vinashin dự kiến kết thúc quá trình sắp xếp, tái cơ cấu vào năm 2013 và có khả năng, có lãi vào năm 2015.
Nếu nhìn vào quá trình tái cơ cấu mà Vinashin đang thực hiện, hãy tạm ứng một niềm tin vào những cố gắng của Chính phủ và của Vinashin trong việc xây dựng một Vinashin mới.
Nhưng niềm tin cũng phải có cơ sở: cơ sở ấy không phải chỉ dựa trên việc chuyển giao những đơn vị, dự án sang cho các doanh nghiệp khác để giảm nợ, không phải chỉ ở việc cho khoanh nợ, giãn nợ-một cách thức vốn từng áp dụng với những doanh nghiệp đổ vỡ trước đây như tổng công ty Dâu tằm tơ, Dệt Nam Định, ở việc bơm thêm vốn…mà phải ở việc thay đổi cách thức quản trị, điều hành, ở những cố gắng, những cách làm khoa học, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh để có lợi nhuận cao, nâng cao được sức cạnh tranh của chính tập đoàn này.
Nhưng người dân thì còn mong nhiều hơn thế. Hãy coi những vấn đề xảy ra với Vínashin như một mệnh lệnh thúc ép không chỉ tập đoàn này mà tất cả các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước khác phải thay đổi, chấn chỉnh lề lối quản trị, sản xuất, kinh doanh để đảm bảo hiệu quả; công khai, minh bạch để người dân, Quốc hội có thể giám sát từng đồng vốn đầu tư vào khối doanh nghiệp này được sử dụng như thế nào, hiệu quả đến đâu.
Nếu như chúng ta không được sớm thấy những sự đổi mới cụ thể, rõ ràng hơn cả về quản trị, điều hành ở khối doanh nghiệp này, ở hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát trong thời gian tới, thì có cơ sở để lo ngại, rồi đây, lại có những Vinashin “cũ” xuất hiện mà một Vinashin “mới” vẫn chẳng rõ hình hài.
|
N. H.
Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-22-vinashin-moi-va-cac-tap-doan-phai-moi-