Quan hệ Việt – Mỹ 2010: Sôi nổi nhờ Biển Đông

Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết (trái) bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates. Đứng giữa là Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết (trái) bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates. Đứng giữa là Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt. Ảnh: Reuters

Nhìn lại một năm 2010 sắp kết thúc, có thể nói không sai là khía cạnh ngoại giao chiến lược đã trở thành yếu tố nổi bật nhất trong quan hệ Việt Mỹ, phần nào che khuất hai lãnh vực truyền thống là nhân quyền và kinh tế, vẫn thường xuyên chi phối bang giao giữa hai bên. Do thái độ quyết đoán hung hăng của mình trên vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đã mặc nhiên biến thành tác nhân thúc đẩy Washington và Hà Nội xích lại gần nhau hơn.

Hàng không mẫu hạm George Washington thuộc Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ neo lại ngoài khơi Đà Nẵng, tiếp đón một phái đoàn quan chức chính quyền và quân đội Việt Nam lên thăm. Sự kiện diễn ra ngày 8/8/2010, có thể được xem là biểu tượng, đánh dấu một năm phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Mỹ, đặc biệt là trong lãnh vực nhạy cảm nhất là quân sự quốc phòng.

Lẽ dĩ nhiên, năm 2010 là một năm quan trọng đối với quan hệ Việt – Mỹ vì lẽ đây là thời điểm đánh dấu 15 năm ngày hai nước cựu thù bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, các hoạt động kỷ niệm cột mốc này lại sôi động hơn hẳn những lúc bình thường, nhất là trong địa hạt quốc phòng, cho đến gần đây, vẫn còn hết sức dè dặt.

Riêng trong lãnh vực này, năm 2010 đã chứng kiến việc Hoa Kỳ và Việt Nam “nâng cấp” quan hệ quốc phòng, với việc Việt Nam lần đầu tiên mở cuộc thao diễn hải quân chung với Hoa Kỳ, dù chỉ ở quy mô nhỏ, nhân dịp chiến hạm John McCain ghé cảng Đà Nẵng vào tháng 8 vừa qua. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng bắt đầu thực hiện việc bảo trì, sửa chữa các tàu quân sự của đệ thất hạm đội khi có yêu cầu. Các chuyến tàu Mỹ ghé Việt Nam cũng nhiều hơn, mà nổi bật nhất là chiếc George Washington.

Ý nghĩa của sự kiện này từng được giới phân tích đánh giá là rất lớn. vì chiếc hàng không mẫu hạm nguyên tử này là biểu tượng của sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại vùng Thái Bình Dương, mà sức mạnh được xem là cản lực duy nhất khả dĩ ngăn chặn được chiều hướng tự tung tự tác của hải quân Trung Quốc trong khu vực.

Cho dù vào ngày 8/8 vừa qua, chiếc tàu này chỉ neo lại ngoài khơi, cách bờ biển Đà Nẵng đến 320 cây số, thế nhưng, đó lại là một vị trí ngay tại cửa ngõ dẫn ra các vùng quần đảo mà Trung Quốc đang tranh chấp với Việt Nam tại Biển Đông. Trước khi ghé Biển Đông, chiếc USS George Washington đã tham gia tập trận cùng với Hải quân Hàn Quốc trong vùng Biển Hoa Đông, làm dấy lên những lời chỉ trích từ phía Trung Quốc, không muốn cho chiếc tàu này đến gần bờ biển của họ.

Theo các nhà quan sát, việc Hoa Kỳ cho hàng không mẫu hạm George Washington ghé Việt Nam là một thông điệp gởi tới Bắc Kinh, nhắn nhủ rằng Trung Quốc không phải là cường quốc duy nhất trong khu vực, và Hoa Kỳ luôn luôn sẵn sàng đứng ra quyền tự do thông thương trên Biển Đông có dấu hiệu bị Trung Quốc đe dọa.

Ngoài các hoạt động cụ thể kể trên, ba lãnh đạo cao cấp Hoa Kỳ, từ Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Clinton, cho đến bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, tất cả đều đã công khai xác định quan điểm dấn thân mạnh mẽ hơn của Mỹ vào Châu Á và Đông Nam Á, phản bác đòi hỏi chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc đối với vùng Biển Đông.

Theo ông Ngô Nhân Dụng, bình luận gia báo Người Việt tại California, nếu tổng kết tình hình quan hệ Việt Mỹ trong năm 2010 sắp kết thúc, điều cần phải ghi nhận trước tiên hết chính là khía cạnh chính trị, ngoại giao, với việc Hoa Kỳ hậu thuẫn cho Việt Nam và một số nước ASEAN chống lại các đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Tuy nhiên, đối với ông Ngô Nhân Dụng, trong năm 2010 này, không thể bỏ qua khía cạnh nhân quyền vẫn khuấy động quan hệ Việt Mỹ, đặc biệt với sự kiện là vào cuối năm, Hạ viện Hoa Kỳ sắp mãn nhiệm đã thông qua nghị quyết yêu cầu Washington đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC của các nước ”cần quan tâm đặc biệt” vì vi phạm quyền tự do tôn giáo.

Trong lãnh vực kinh tế, Việt Nam cần phải tranh thủ được nguồn vốn hiện đang có rất nhiều trong tay các ngân hàng Mỹ, chỉ chờ cơ hội đầu tư sinh lợi. Muốn được như vậy, Việt Nam phải tránh tình trạng như đã xảy ra với Tập đoàn Vinashin.

Trong năm 2011 sắp đến, quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc có khả năng được cải thiện hơn so với năm nay. Chiều hướng đó, theo ông Ngô Nhân Dụng, sẽ là một điều tốt cho Việt Nam trong bang giao với Mỹ.

T. N.

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20101227-quan-he-viet-my-2010-soi-noi-nho-bien-dong

This entry was posted in Biển Đông, Hoa Kỳ, Ngoại Giao, Trung Quốc. Bookmark the permalink.