Công nghiệp 2010: ngoài Nhà nước vượt Nhà nước

(Tamnhin.net) – Tính chung năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 794.200 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2009 trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 333.400 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 42% so với toàn ngành công nghiệp), tăng 17,2%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước ước đạt 284.900 tỷ đồng (chiếm 35,9% toàn ngành công nghiệp), tăng 14,7%; giá trị sản xuất của khu vực kinh tế Nhà nước đạt 175.800 tỷ đồng (chiếm 22,1% toàn ngành công nghiệp), tăng 7,4.

Trong ba ngành công nghiệp cấp I, năm 2010, ngành công nghiệp khai thác ước chỉ đạt 38.900 tỷ đồng, giảm 0,5% so với năm 2009. Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 710.900 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất 89,5% so với toàn ngành công nghiệp, tăng 14,9% so với năm 2009 – gấp đôi chỉ số này của năm ngoái; ngành công nghiệp điện, khí đốt và nước ước đạt 44.300 tỷ đồng, cũng có mức tăng 14,8%.

Trong năm 2010, nhiều sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp có tốc độ tăng so với năm 2009 cao hơn mức tăng chung của toàn ngành như khí hoá lỏng, sơn hoá học, sữa bột, bia, giày thể thao, kính thuỷ tinh, tủ lạnh, tủ đá, khí đốt nhiên liệu dạng khí, điện sản xuất, xe máy, xi măng, quần áo mặc cho người lớn,…

Một số sản phẩm có tốc độ giảm hoặc tăng thấp là dầu mỏ thô khai thác giảm tới 8,8%, tiếp đến là ti vi, đường kính, dầu thực vật tinh luyện, gạch lát ceramic, than sạch khai thác, ô tô, vải dệt từ sợi bông, thuốc lá điếu, điều hoà nhiệt độ, lốp ô tô, máy kéo, máy giặt,…

Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp lớn vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp là do tình hình tiêu thụ năm 2010 tốt hơn rất nhiều so với năm 2009.

Cụ thể, các tháng có chỉ số tiêu thụ cao nhất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong năm 2010 so với cùng kỳ năm trước là: tháng 1 tăng 53,4% (tháng áp Tết Nguyên đán), tháng 4 tăng 28,4% và tháng 10 tăng 13,9%, tháng 11 tăng 15,7%,… Các tháng có chỉ số tiêu thụ thấp là tháng 2 (Tết Nguyên đán) giảm 3,4%; tháng 5 tăng 6,6%, tháng 6 tăng 7,8%,… Tính chung 11 tháng năm 2010, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

Một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ 11 tháng tăng cao là đồ uống không cồn; sản phẩm bơ, sữa; gạch, ngói và gốm sứ xây dựng không chịu lửa; các sản phẩm bằng kim loại; sơn, vec ni và các chất sơn quét; bia; sản phẩm bằng plastic; xi măng; giày, dép; sắt, thép;…

Một số ngành có chỉ số tiêu thụ 11 tháng năm 2010 mạnh hoặc tăng thấp so với cùng kỳ như gồm sứ không chịu lửa; đường; xe có động cơ; xay xát, sản xuất bột thô; thuốc, hoá dược và dược liệu; thuốc lá; cáp điện và dây điện có bọc cách điện;…

Trong khi đó theo Tổng cục Thống kê, tình hình tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo biến động khá phức tạp theo hướng tồn kho thấp ở những tháng đầu năm, cao ở những tháng giữa năm và giảm dần vào các tháng cuối năm.

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/12 của một số sản phẩm tăng cao so với thời điểm cùng kỳ năm trước như xe 4 chỗ ngồi; cà phê hỗn hợp hoà tan; giày, dép vải; sữa tươi tiệt trùng; cáp đồng trục; tủ lạnh, tủ đá; bia đóng chai…

Nhìn chung năm 2010, sản xuất công nghiệp phục hồi và phát triển nhanh dần trong những tháng cuối năm. Cùng với đà phục hồi này, dự kiến lao động toàn ngành công nghiệp tháng 12 tăng 0,6% so với tháng trước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Vụ Kinh tế Công nghiệp, thời gian tới sản xuất công nghiệp còn tiếp tục gặp gặp một số khó khăn ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của ngành.

Giá vàng, USD và lãi suất vay vốn cao, kéo dài ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư và kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Giá một số nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu, đặc biệt là các nguyên vật liệu nhập ngoại, tăng cao, thiếu ổn định. Tình hình cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất, tiêu thụ, xuất, nhập khẩu với các nước trong khu vực và quốc tế ngày càng khắc nghiệt, khó khăn. Cơ sở hạ tầng tuy có phát triển nhưng còn nhiều bất cập, hạn chế.

Điện phục vụ sản xuất mặc dù có phát triển nhưng thiếu ổn định, không đáp ứng đủ nhu cầu, chủ yếu do nguồn nước phục vụ thủy điện năm 2010 và thời gian tới dự báo giảm nhiều so với các năm trước.

M. Đ.

Nguồn: http://tamnhin.net/tieu-diem/7552/Cong-nghiep-2010-ngoai-Nha-nuoc-vuot-Nha-nuoc-.html

This entry was posted in kinh tế, lao động. Bookmark the permalink.