Khi các đồng minh phản ứng…
Một ngày sau khi Thượng Viện Hoa Kỳ bỏ phiếu thu hồi đạo luật “Không hỏi, Khỏi nói” – Don’t Ask, Don’t Tell – để khỏi gây lúng túng cho các binh sĩ đồng tính trong quân lực, lãnh đạo Hoa Kỳ lại lúng túng về chuyện khác.
Trưa Chủ Nhật 19, giờ New York, Hội đồng Bảo an Liên hiệp qQuốc khẩn cấp nhóm họp. Và một đặc sứ không chính thức của Mỹ, Thống Ðốc Bill Richardson của tiểu bang New Mexico, thì tuyên bố tại thủ đô Bắc Hàn, rằng bán đảo Triều Tiên có nguy cơ là thùng thuốc súng.
Xin quý độc giả đọc lại đoạn trên. Ðầy phi lý! Một đặc sứ mà không chính thức thì đại diện ai và tới Bình Nhưỡng làm gì để nói về thùng thuốc súng? Chuyện binh lính đồng tính là ưu tiên thế nào? Mà vì sao Hội đồng Bảo an lại họp khẩn cấp vào một ngày Chủ Nhật, cuối năm…?
Rồi họp tới khuya mà không kết quả.
Hội đồng nhóm họp do lời yêu cầu của Liên bang Nga, một trong năm thành viên thường trực, bốn thành viên kia là Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Trung Quốc. Lý do nhóm họp là vì Nam Hàn loan báo sẽ có một ngày tập trận bằng đạn thật tại đảo Diên Bình (Yeonpyeongdo) trong khoảng thời gian từ 18 đến 21 tháng 12. Thời điểm thì còn tùy thời tiết. Cuộc tập trận sẽ có sự quan sát của Tư lệnh Lực lượng Quân sự Liên hiệp quốc trên vùng phi quân sự Nam–Bắc Hàn.
À ra thế.
Nam Hàn tập trận bằng đạn thật trên lãnh thổ của mình, một hòn đảo nhỏ xíu có chừng ngàn dân và nhiều hầm trú ẩn và mời Liên hiệp quốc vào giám sát. Bắc Hàn coi đây là một sự khiêu khích nên đòi Nam Hàn hủy bỏ, nếu không thì sẽ tấn công… nữa. Xung đột “liên–Triều” giữa Nam và Bắc Hàn trên bán đảo Triều Tiên có thể bùng nổ. Vì vậy, Nga yêu cầu Liên hiệp quốc can thiệp để can gián, và theo lời mời của Bình Nhưỡng, ông Bill Richardson qua Bắc Hàn nói chuyện, nhưng không với tính cách đại diện chính thức. Chính thức thì hai bên chưa nói chuyện với nhau.
Lại một chuỗi phi lý khác!
Nam Hàn chưa tập trận và chưa có ai mất mạng thì thế giới đã rúng động. Ðảo Diên Bình của Nam Hàn là nơi đã lãnh đạn pháo kích của Bắc Hàn ngày 23 tháng 11, khiến bốn người thiệt mạng (gồm hai lính Thủy quân lục cChiến Nam Hàn và hai thường dân) và 18 người bị thương. Lần đó, không thấy Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc được ai đó khẩn cấp triệu tập.
Trước đấy, ngày 26 Tháng Ba, một tiềm thủy đĩnh Bắc Hàn phóng ngư lôi đánh chìm hộ tống hạm Thiên An (Cheonan – PCC722) khiến 46 binh sĩ Nam Hàn tử nạn. Vụ Cheonan bùng nổ, cả Hoa Kỳ và Nam Hàn cũng đều lên tiếng là “không chấp nhận được”. Rồi thôi. Cũng chẳng thấy Liên hiệp quốc nhúc nhích.
Nghĩa là khi Bắc Hàn bất ngờ tấn công gây tổn thất sinh mạng thì thế giới khoanh tay. Bây giờ, Nam Hàn báo trước việc công khai tập trận thì thế giới can gián, vì sợ Bắc Hàn làm ẩu khiến bán đảo Triều Tiên thành thùng thuốc nổ. Trong khi ấy, Hoa Kỳ làm gì? Gửi đặc sứ qua Bình Nhưỡng nói chuyện mà là không chính thức, rồi được Bắc Hàn làm quà với đề nghị trao trả hài cốt một số binh lính Mỹ đã hy sinh từ thời Chiến tranh Cao Ly (1950–1953), để tỏ thiện chí.
Xin chào mọi người vào sân khấu bi kịch – loại phi lý. Théâtre de l’Absurde.
***
Xin nhớ lại chuyện xưa, cứ như một truyện dài quái đản.
Năm 1968, Bắc Hàn cho đặc công tấn công Thanh Cung của Tổng thống Nam Hàn nhằm ám sát Tổng thống Phác Chính Hy. May mà hụt. Năm 1983, mật vụ Bắc Hàn đặt bom ám sát nội các Nam Hàn đang thăm viếng Miến Ðiện, làm bốn Tổng trưởng Nam Hàn thiệt mạng. Năm 1987, mật vụ Bắc Hàn đặt bom nổ tung một phi cơ hàng không Nam Hàn: 115 người chết. Năm 1996, đặc công Bắc Hàn đột nhập vào Nam bằng tàu ngầm và chạm súng với quân đội Nam Hàn.
Trong các năm 1999, 2002 và 2009, hải quân Bắc Hàn đã nhiều lần đụng trận với Nam Hàn ở phía Nam lằn ranh “Bắc phương giới tuyến” – Northern Limit Line – phân định hải giới Nam–Bắc Hàn sau đình chiến năm 1953. Ranh giới này được phía Hoa Kỳ xác định vào lúc chót, trước khi đình chiến, và được Liên hiệp quốc công nhận, mà Bắc Hàn phủ nhận và đòi xóa.
Từ nhiều năm nay, chế độ cộng sản Bình Nhưỡng nhiều lần khiêu khích như vậy ở ngoài biển, ngày càng sâu hơn vào phía Nam giới tuyến và ngày càng tiến dần về hướng Ðông, vào sát lãnh thổ Nam Hàn và thủ đô Hán Thành.
Ðấy là chưa kể đến kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm và thử nghiệm các đợt hỏa tiễn Lao động hay Ðại pháo đồng, loại I, II, III, v.v. và bắn qua đầu Nhật Bản!
Sau vụ chiến hạm Cheonan bị đắm hồi Tháng Ba, chính quyền Hán Thành đề nghị Hoa Kỳ cùng tiến hành thao diễn hải quân trên Hoàng Hải, vùng biển phía Tây bán đảo Triều Tiên, giữa Nam–Bắc Hàn và lãnh thổ Trung Quốc. Mục đích là để can gián – gián chỉ – Bình Nhưỡng đừng vọng động. Chính quyền Barack Obama trì hoãn mãi mà không đáp ứng, sau đó mới đưa một hạm đội vào thao diễn ở… phía Ðông bán đảo Triều Tiên, trên biển Nhật Bản, rất xa tỉnh Sơn Ðông để Bắc Kinh khỏi giật mình!
Vì vậy, Nam Hàn hoài nghi không ít về lời cam kết của Hoa Kỳ.
Họ càng thất vọng hơn khi Hiệp định Tự do Thương mại Song phương (KORUS/FTA) ký với Mỹ từ năm 2007 mà chưa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Phía Hoa Kỳ đòi thương thuyết lại một số điều khoản, dù một hiệp định y hệt mà Hán Thành đã ký với Liên hiệp Âu Châu thì không gặp trở ngại. Trước khi tới Hán Thành dự Thượng đỉnh G–20 vào hai ngày 11 và 12 tháng Mười Một, Tổng thống Obama hứa sẽ khai thông bế tắc này, mà cũng không xong!
Với một đồng minh chiến lược đang nằm dưới tầm đạn của Bắc Hàn mà Hoa Kỳ vẫn tính toán hơn thiệt về xe hơi hay thịt bò – để thỏa mãn yêu cầu của nghiệp đoàn công nhân xe hơi và các nông gia Mỹ – thì Bắc Hàn có thể yên tâm. Mười ngày sau khi Thượng đỉnh G–20 kết thúc trong tẻ nhạt tại Hán Thành với sự thất vọng lớn của các nước về Obama thì Bình Nhưỡng chơi bạo! Lãnh đạo Bình Nhưỡng không thất vọng về ông Tổng thống này.
Lãnh tụ Kim Chính Nhật càng yên tâm vì một thái độ khác của Hoa Kỳ:
Theo lịch trình hàng năm, cuộc thao dượt hỗn hợp giữa Nam Hàn và Hoa Kỳ – tên là Hoguk – phải tiến hành vào ngày 21 tháng Mười Một vừa qua. Ðầu tháng Mười Một, phía Hoa Kỳ lại thoái thác vì “có bất tiện về việc bố trí”. Một tín hiệu mà Bắc Hàn không thể lầm được!
Lý do khiến Hoa Kỳ thoái thác? Nhiều lắm!
Theo chương trình của cuộc thao dượt Hoguk 2010, Thủy quân lục chiến Mỹ tại căn cứ Okinawa bên Nhật sẽ cùng 70.000 lính Nam Hàn tập đổ bộ để “giải phóng” một hòn đảo Nam Hàn bị chiếm đóng. Khu vực diễn tập quy mô này sẽ có… đảo Diên Bình. Nhật và Nam Hàn đều cùng muốn trắc nghiệm như vậy, cho Bắc Hàn và Trung Quốc thấy rõ ý chí của các đồng minh.
Nhưng chính quyền Obama lại do dự không muốn sát cánh với Nam Hàn vì ngại là Nhật sẽ yêu cầu diễn tập tương tự để can gián Bắc Kinh. Ðó là một lẽ. Lẽ khác là Mỹ không muốn phương hại tới quan hệ với Trung Quốc vì những tính toán khác, như nhờ can gián Iran chẳng hạn.
Lý do thứ ba mới là “đặc thù Obama”: Hoa Kỳ muốn tái nhóm “hội nghị sáu bên về Liên–Triều” (giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên Bang Nga và Nam/Bắc Hàn).
Hãy nói về hội nghị đó: Từ tháng Chín, Bắc Kinh cổ súy việc… giải trừ võ khí hạch tâm tại bán đảo Triều Tiên và kêu gọi tái nhóm hội nghị, Obama tưởng thật. Ðặc sứ Mỹ về hồ sơ Triều Tiên là Stephen Bosworth được phái qua Á Châu vận động các đồng minh về việc đó. Bình Nhưỡng còn mời nhà bác học về nguyên tử, giáo sư Siegfried Hecker của Ðại học Standford – nguyên Giám đốc Los Alamos National Laboratory – qua thăm các dự án sắp hoàn tất với những thông tin không thể lầm lẫn về khả năng chế tạo bom hạch tâm, mỗi năm hai trái là ít. Nghĩa là Bắc Hàn hé cho coi bài trước khi bước vào canh bạc để ngã giá.
Ðại sứ Bosworth còn ở Á Châu và Giáo Sư Hecker vừa về thì Bình Nhưỡng nã đạn vào đảo Diên Bình. Một kiểu tháu cáy rất bạo. Nhưng, suy đi tính lại thì Bắc Hàn dại gì mà không chơi dại?
Kết quả, Tổng trưởng Quốc phòng Nam Hàn bay chức để một nhân vật cứng rắn lên thay và Nam Hàn cùng Nhật Bản bảo nhau phải có lập trường dứt khoát hơn. Cuộc tập trận bằng đạn thật trên đảo Diên Bình được Nam Hàn thông báo là trong ý nghĩa đó.
Lần này, lập tức Trung Quốc và Liên bang Nga nhảy vào cuộc.
Ðới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện của Bắc Kinh – nhân vật có thế lực hơn Ngoại trưởng – qua Bình Nhưỡng nói chuyện và trở về thì buông lời can… Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ James Steinberg: Có gì thì nên nói chứ không nên bắn! Nghĩa là trở lại đề nghị đàm phán sáu phe cố hữu.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga thì mời Đại sứ Nam Hàn và Hoa Kỳ lên nghe lời can. Nhưng có khác với Bắc Kinh, Mạc Tư Khoa cũng nhắc Đại sứ Bắc Hàn là nên tự chế đến tối đa và Nga mới yêu cầu Hội đồng Bảo an họp khẩn.
Lần này, ta chú ý là khác với vụ hộ tống hạm Cheonan bị đánh chìm vào tháng Ba – khi Nga đứng cùng Trung Quốc để bao che cho Bắc Hàn – trong vụ đảo Diên Bình bị pháo kích vào tháng Mười Một, Nga đã ba lần lên tiếng kết án thái độ khiêu khích của Bình Nhưỡng. Mới nhất là hôm 13, khi Ngoại trưởng Nga tiếp vị tương nhiệm của Bắc Hàn.
Liên bang Nga phải cân nhắc về mối quan hệ với hai nước Triều Tiên. Chẳng thể đứng cùng Hoa Kỳ và Nam Hàn để gây khó cho Bình Nhưỡng và Bắc Kinh, Nga vẫn không quên Nam Hàn mới là thế lực kinh tế cần thiết. Nam Hàn mua năng lượng dầu khí và đầu tư rất mạnh vào Nga – gần hai tỷ đô la trong năm 2009. Và kỹ nghệ đóng tàu của Nam Hàn – lớn nhất thế giới, xin tạm quên Vinashin đi – đang cải thiện khả năng chuyên chở cho Nga. Ngoài đầu tư, Nam Hàn còn có nhiều loại kỹ thuật cao cấp mà Nga muốn tiếp nhận…
Vì vậy, dù chẳng muốn đứng về phe Mỹ, hoặc hoàn toàn ủng hộ Nam Hàn, Nga cũng có thái độ cứng rắn hơn với Bắc Hàn. Nên mới triệu tập Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Trong bi kịch phi lý này, ta thấp thoáng nhìn ra một điều hợp lý: Nam Hàn không nhịn nữa. Khi ấy, mình mới để ý tới một mẩu tin rất lạ: Hôm thứ Bảy 18 tháng Mười Hai, tàu duyên phòng Nam Hàn vừa đụng chìm một “ngư thuyền” Trung Quốc vào đánh cá bất hợp pháp gần đảo Eocheong trong Hoàng Hải. Vào đánh cá lậu, bị xét hỏi thì đòi tông vào tàu duyên phòng và hành hung sĩ quan Nam Hàn. Cuối cùng thì đi thăm hà bá, một ngư phủ thiệt mạng, hai người mất tích.
Cách trả lời của Nam Hàn có lối dũng mãnh thô bạo mà dân ta đã biết ngày xưa khi các đơn vị Nam Hàn vào tham chiến theo lời yêu cầu của đồng minh Hoa Kỳ.
Kết cuộc thì Hội đồng Bảo an họp hành mà không có kết quả. Với lá phiếu phủ quyết, Bắc Kinh không cho hội đồng đá động gì tới trách nhiệm gây hấn của Bình Nhưỡng, và lời kêu gọi tự chế đã rơi trong khoảng không.
Khi trời quang mây tạnh hơn, trưa thứ Hai 20, giờ địa phương, Nam Hàn tiến hành việc tập trận và còn cho chiến đấu cơ bay ở trên để phòng ngừa Bắc Hàn lại pháo kích vào đảo Diên Bình. Rồi cuộc tập trận hoàn tất vào buổi chiều mà không có một tiếng nổ từ phía Bắc Hàn. Chế độ Bình Nhưỡng quậy rất mạnh để bắt bí thế giới trước khi Hán Thành cho tập trận làm thiên hạ đảo điên vì sợ. Khi Nam Hàn bình tĩnh dấn tới thì biển vẫn êm, sóng vẫn lặng.
Khi thiên hạ đảo điên vì sợ thì Bắc Kinh kiên định lập trường: Bao che cho lũ côn đồ. Quý quốc đừng làm quá mà cháu nó nổi hung lên là hỏng hết mọi chuyện. Chi bằng nói chuyện với nó và cho nó chút kẹo…
Nam Hàn đã từng thử nghiệm giải pháp hòa bình, “Nhật quang Chính sách” của các Chính quyền thiên tả thời trước. Giải pháp ấy là nuôi hổ đói và gián tiếp quy tội cho Hoa Kỳ. Nhưng lại nuôi thói tật hung hăng bắt bí của Bình Nhưỡng. Bây giờ, hết thấy sinh viên Nam Hàn biểu tình chống Mỹ nữa mà đa số dân chúng lại thành diều hâu và đòi chính quyền đối phó cương quyết hơn.
Tại Nhật Bản cũng vậy, dân Nhật ít phàn nàn về các căn cứ quân sự của Mỹ và 87% có ác cảm mạnh với Trung Quốc. Thái độ cứng rắn ấy của Nam Hàn và Nhật Bản khiến người ta nhìn lại Hoa Kỳ.
Nhìn từ bên ngoài, Hoa Kỳ đang lúng túng với các đồng minh.
Nhật Bản, Nam Hàn, Úc Ðại Lợi đều muốn Mỹ có đối sách dứt khoát hơn với Bắc Kinh và đứa con nuông của Thiên triều tại Bình Nhưỡng. Các nước Ả Rập Hồi giáo, từ Saudi Arabia tới Egypt cũng vậy, muốn Hoa Kỳ phải đẩy lui mối nguy hạch tâm của Iran, thậm chí nên dụng binh hơn dụng lễ. Trên chiến trường A Phú Hãn, vai trò hai mặt của đồng minh Pakistan đã thành vấn đề rõ rệt. Nhận viện trợ của Mỹ, Pakistan lại dung dưỡng lực lượng Taliban bên trong A Phú Hãn, làm đòn bẩy khuynh đảo chế độ Kabul sau ngày Mỹ rút. Và chỉ truy lùng các nhóm Taliban trong khu vực Tây Bắc hiểm trở của mình. Thậm chí còn phản phé khiến trưởng trạm CIA tại đây bị lộ mặt và phải rút lui.
Giữa hoàn cảnh chật vật và lụp chụp như vậy, Thủ tướng Ôn Gia Bảo của Bắc Kinh lại qua Ấn Ðộ rồi Pakistan với cuốn chi phiếu rất dày và những hợp đồng rất bộn: 16 tỷ đô la nơi này, 35 tỷ nơi kia, theo kiểu “phóng tài hóa thu nhân tâm”.
Trong khi ấy, Quốc hội và chính quyền Obama hoan hỉ chào mừng việc đạo luật “Không hỏi, Khỏi nói” thời ông Clinton lại được thu hồi. Cũng lạ!
N. X. N.
Nguồn: http://www.nguoi–viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=124675&z=97