Tư nhân là động lực chính của nền kinh tế

Ông Lê Duy Bình.

(TBKTSG) – Vì sự thịnh vượng của nền kinh tế, tư duy về doanh nghiệp tư nhân cũng như các chính sách hỗ trợ đối với khu vực này cần phải được thay đổi một cách mạnh mẽ hơn. Đây là thông điệp mà ông Lê Duy Bình, Trưởng nhóm nghiên cứu đề tài “Vươn tới tầm cao mới: rà soát một số lĩnh vực chính sách ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp tư nhân” muốn đề cập qua cuộc phỏng vấn dưới đây của TBKTSG.

TBKTSG: Báo cáo dường như chỉ mới dừng ở việc nêu hiện tượng mà chưa lý giải vì sao chính sách cho khu vực tư nhân vẫn còn hạn chế như vậy?

Ông Lê Duy Bình: Có thể nói, cái nhìn định kiến đối với tư nhân xuất phát từ mô hình kinh tế trước đây vẫn còn rơi rớt trong nhiều chính sách. Ngoài ra lợi ích cục bộ của các cơ quan ban hành chính sách cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Trong báo cáo, chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cần có một tư duy mới về khu vực kinh tế tư nhân và về cách thức hỗ trợ đối với khu vực này. Điều này còn quan trọng hơn việc xử lý một số những bất cập trong một số luật và nghị định mà báo cáo đã phát hiện và khuyến nghị điều chỉnh. Chỉ khi tư duy đổi mới thực sự thì mới có thể kỳ vọng được sự thay đổi căn bản, lâu dài trong chính sách, pháp luật, thể chế và cách hành xử của các cơ quan quản lý vì sự phát triển hiệu quả của các doanh nghiệp tư nhân.

TBKTSG: Theo nhóm nghiên cứu, cần coi khu vực tư nhân là trụ cột của nền kinh tế và chính sách phát triển công nghiệp; các chương trình nâng cao năng lực quốc gia cần dựa trên nền tảng doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khu vực tư nhân? Đây là một đề xuất mạnh mẽ nhưng cơ sở của đề xuất này là ở đâu?

– Nếu tự hỏi liệu có nền kinh tế nào trên thế giới có năng lực cạnh tranh mạnh mà chỉ dựa vào doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoặc chỉ dựa vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không? Tôi nghĩ mỗi chúng ta đều có thể nhanh chóng khẳng định một cách chắc chắn là không.

Rõ ràng, năng lực cạnh tranh quốc gia và sự tự chủ của nền kinh tế không thể chỉ dựa vào các doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp tư nhân cần được trao một sứ mệnh rõ ràng trong việc phát triển nhiều ngành kinh tế mà các DNNN không nên làm hoặc làm không hiệu quả.

Sự thừa nhận về vai trò trụ cột của khu vực tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp tư nhân, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc làm thay đổi tư duy của các cơ quan hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý. Điều đó đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng, không thiên vị tới các nguồn lực của đất nước, tới các quyền kinh doanh mà trước đây chỉ dành cho các DNNN.

Sự tự chủ kinh tế và năng lực cạnh tranh mạnh mẽ của các nền kinh tế như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Chile có sự góp phần rất lớn từ năng lực cạnh tranh ở cấp vi mô – tức là dựa trên năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước và hầu hết các doanh nghiệp này đều là doanh nghiệp tư nhân. Ví dụ từ những quốc gia này rõ ràng rất đáng để chúng ta suy ngẫm và học hỏi.

TBKTSG: Nếu coi tư nhân là trụ cột của nền kinh tế thì lúc ấy vai trò của DNNN sẽ như thế nào?

– Chắc hẳn là với một trụ cột nữa, nền kinh tế sẽ vững chắc hơn. Coi doanh nghiệp tư nhân là một trụ cột đồng nghĩa với việc buộc các DNNN và doanh nghiệp tư nhân phải cạnh tranh một cách bình đẳng, theo đúng các nguyên tắc căn bản của nền kinh tế thị trường. Các DNNN và tư nhân đều có được cơ hội ngang bằng khi tiếp cận tới các nguồn lực quốc gia, các cơ hội kinh doanh và cũng có thể đều bị loại ra khỏi thị trường nếu như hoạt động yếu kém.

Áp dụng triệt để các nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng này, chúng ta có thể thấy một khu vực doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh hơn, và một khu vực DNNN nhỏ hơn trong tương lai. Nhỏ hơn song có thể sẽ hiệu quả hơn, mạnh và có tính cạnh tranh cao hơn. Điều này, tính tổng lại thì chắc chắn sẽ có lợi hơn cho toàn bộ nền kinh tế và cho sự thịnh vượng chung của quốc gia.

TBKTSG: Theo báo cáo, hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian qua rất tản mạn, chưa phù hợp thông lệ quốc tế. Vậy, theo ông, Nhà nước cần thay đổi cách thức, tư duy hỗ trợ như thế nào? Nên tập trung hỗ trợ những gì cho khu vực tư nhân?

– Sự hỗ trợ của Nhà nước, thoạt nhìn trong các văn bản thì rất nhiều. Quá nhiều song lại manh mún và không có trọng điểm. Thuế và tiền thuê đất là hai hình thức được áp dụng phổ biến nhất và dường như các nhà hoạch định chính sách đang lạm dụng hai hình thức này. Thông thường, đây là cách hỗ trợ dễ làm nhất và ít phải sáng tạo nhất. Như đã trình bày trong báo cáo, các doanh nghiệp lại không hưởng ứng tích cực đối với hai hình thức hỗ trợ này. Họ cần những hình thức hỗ trợ thiết thực, sát với nhu cầu của họ.

Các chính sách hỗ trợ nên được tập trung một cách trọng điểm vào một hoặc một vài cụm doanh nghiệp trong một ngành kinh tế có tiềm năng tạo ra năng lực cạnh tranh lớn nhất. Tại các cụm doanh nghiệp đó sẽ có những gói hỗ trợ tổng thể, đồng bộ về thuế, đất đai, tư vấn về khoa học, công nghệ, thị trường, trình độ quản lý, đào tạo nghề gắn với các nhu cầu của doanh nghiệp. Điều này sẽ hấp dẫn hơn nhiều đối với các doanh nghiệp và có thể tạo ra sự khác biệt về năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này. Trên cơ sở đó, các gói hỗ trợ tổng thể này có thể được nhân rộng dần sang các cụm doanh nghiệp khác.

TBKTSG: Có ý kiến cho rằng đất và tín dụng là hai vấn đề mà khu vực tư nhân bao giờ cũng khó tiếp cận và bị thiệt thòi hơn so với khu vực DNNN và kể cả khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ cần xóa bỏ bất công này là một cách hỗ trợ cơ bản cho khu vực tư nhân?

– Xóa bỏ bất công này là cần thiết nhưng không hẳn là một cách hỗ trợ cơ bản cho khu vực tư nhân. Trên thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng cần có đất hoặc vốn ngân hàng mới bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi khởi sự kinh doanh, doanh nghiệp cần nhiều sự hỗ trợ khác có tầm quan trọng như thương quyền kinh doanh; thông tin kinh doanh; cơ hội tiếp cận tới mua sắm dịch vụ, hàng hóa công; hỗ trợ để tăng năng lực quản trị doanh nghiệp; cải thiện thủ tục hành chính… Hỗ trợ trong những lĩnh vực này cũng có ý nghĩa quan trọng như trong lĩnh vực đất đai và tín dụng.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/sukien/45010/Tu-nhan-la-dong-luc-chinh-cua-nen-kinh-te.html

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.