Nghe ai? Ai nghe?

(Tamnhin.net) – Thông thường thì “bề dưới” nghe “bề trên” – Nghe theo chiều “thuận”

Bề dưới nghe bề trên là điều thông thường

Bề dưới nghe bề trên là điều thông thường

“Bề dưới” ở đây có thể là con cháu trong nhà, nhân viên cấp dưới hoặc rộng hơn là “nhân dân”. “Bề trên” là cha mẹ, ông bà, chú bác; là cán bộ cấp trên, là “sếp lớn”, “sếp nhỏ” – gọi chung là “lãnh đạo”.  Cái chiều NGHE THUẬN này đơn giản lắm, chả mấy khi vướng mắc. Vướng mắc thời lập tức có cả một rừng quy chế xã hội ràng buộc – thấp thì có “gia pháp” cao thì có “luật pháp”, khiến BỀ DƯỚI không thể không vâng theo. Tuy nhiên vẫn có ngoại lệ, TRÊN bảo, bảo nhiều lần, DƯỚI vẫn không nghe!

Tại cớ làm sao? Xin thưa: Có thể do ba nguyên nhân: Thứ nhất, tại cái khoảng cách giữa TRÊN và DƯÓI không được phân minh lắm, nói đúng ra là TRÊN chỉ là cái sự ngồi GHẾ TRÊN, chứ tư chất, kiến thức và hành động nhiều khi chỉ bằng thậm chí còn không bằng DƯỚI –  thành “CÁ MÈ MỘT LỨA”.

Thứ hai, do “Bề trên ở chẳng chính ngôi, khiến cho bề dưới chúng tôi hỗn hào” – Ở chẳng “chính ngôi” thì có nhiều biểu hiện lắm, từ sống thiếu gương mẫu, buông thả đến nói một đằng làm một nẻo, tham lam vô độ, vơ vét của công, lừa dối mọi người… Thế là dần dần dẫn đến việc DƯỚI coi khinh TRÊN.  Thứ ba, do kẻ dưới ngỗ ngược quá, vô luân quá, không coi gia pháp, luật pháp là gì, ngang nhiên làm điều sai quấy.

Nhưng trong một xã hội DÂN CHỦ thực sự, thì không chỉ tồn tại mỗi trường hợp NGHE theo thuận chiều như vậy. Song hành với nó là vấn đề rất được xã hội quan tâm: “NGHE theo CHIỀU NGƯỢC”, tức là BỀ TRÊN nghe BỀ DƯỚI – biểu hiện cụ thể của sự tôn trọng quyền làm chủ của NGƯỜI DÂN (một cộng đồng thuộc BỀ DƯỚI). Chiều nghe ngược này phải thường xuyên được coi trọng ở tất cả các cấp, các ngành, từ trung ương xuống địa phương. Coi trọng không chỉ trên lý thuyết, mà phải bằng thực hành. Tại sao thế?

Tại vì CHÂN LÝ không bao giờ thuộc quyền sở hữu cá nhân, cho dù cá nhân ấy là ai. Đã là của mọi người thì không thể chỉ có một chiều THUẬN: BỀ DƯỚI phải tuân theo (NGHE) BỀ TRÊN. Về điểm này, có một vị từng đóng vai trò BỀ TRÊN – Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã có lần nói: “Thực tiễn đã chứng minh rằng, không ai độc quyền chân lý, ngọc càng mài càng sáng. Chân lý ban đầu càng được cọ sát, càng được tranh luận và trải qua thử thách trong cuộc sống thì càng được làm sáng tỏ thêm, càng tiệm cận tới gần chân lý đích thực hơn, thậm chí có khi phải thay đổi nhận thức ban đầu tới 180 độ”. (Nguồn).

“DÂN là GỐC”, “DÂN là CHỦ”, “mọi QUYỀN LỰC đều thuộc về NHÂN DÂN” mà DÂN như nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nhận định, còn thuộc phạm trù VĨNH VIỄN (Tài liệu đã dẫn).

Nghe DÂN tức là nghe theo ý chí và nguyện vọng của DÂN; là đặt lợi ích của DÂN, của DÂN TỘC, của TỔ QUỐC lên trên hết. Lắng nghe DÂN một cách trân trọng và thực sự cầu thị, không dùng những điều giả tưởng thiếu căn cứ, cũng như không bao giờ được dùng quyền lực để phủ quyết, phủ định ý nguyện của DÂN theo kiểu cậy quyền cậy thế! Lại phải biết lắng nghe không chỉ những điều THUẬN TAI mà còn phải trân trọng cả những ý kiến TRÁI CHIỀU, NGHỊCH TAI và không chỉ nghe không, nghe rồi để đó mà phải biến nguyện vọng của dân thành hiện thực!

Nghe DÂN, thực ra cũng vẫn là nghe THUẬN CHIỀU, bởi DÂN mới thực sự là CHỦ NHÂN ĐẤT NƯỚC, cán bộ – dù ở cấp cao đến mấy, vẫn chỉ là ĐẦY TỚ của DÂN mà thôi. Một khi đầy tớ không nghe lời chủ thì đạo lý còn không, kỷ cương còn không?!.

T. H. T.

Nguồn: http://tamnhin.net/Phiem-dam/7369/Nghe-ai-Ai-nghe.html

This entry was posted in Đảng CSVN, Trung Quốc. Bookmark the permalink.