Liệu Trung Quốc sẽ có thể chia rẽ ASEAN hay khối này sẽ đoàn kết vững chắc lại. Cho đến nay có vẻ như ý thứ hai là đúng hơn.
Sự kiện Đảo Vành Khăn (Mischief Reef) và hậu kỳ: những tương tác chiến lược giữa Trung Quốc với ASEAN và trong nội bộ ASEAN.
Sự kiện được mệnh danh là Mischief Reef đã bắt đầu khi các lực lượng vũ trang của Philippines khám phá ra các kết cấu bằng bê tông do Trung Quốc xây trên bãi đá ngầm nhỏ bé đó vào tháng 02/1995, phía bên trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lí mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
Ba ngày đàm phán ở Bắc Kinh kết thúc trong bế tắc – Trung Quốc vẫn phản kháng rằng Mischief Reef là một phần của Trường Sa thuộc Trung Quốc và các kết cấu bê tông đó chỉ là nơi trú ngụ cho ngư dân Trung Quốc chứ không phải là boong ke quân sự.[1]
Sau đó chính phủ Philippines đã cho hải quân và không quân ra đánh sập các kết cấu này. Bắc Kinh ngạc nhiên về hành động của Philippines, nhưng họ lại càng ngạc nhiên hơn khi ASEAN đồng lòng ra một tuyên bố chung lên án hành động của Trung Quốc là phá vỡ “Tuyên bố ASEAN về Biển Đông”.
Trước đó ASEAN vẫn tin rằng Trung Quốc sẽ nhã nhặn hơn và hòa giải trong khuôn khổ ngoại giao kín đáo để giữ thể diện chứ không làm ầm ĩ. Ngay cả như vậy, Trung Quốc cũng không tỏ vẻ xuống thang vì khi chính phủ Philippines tổ chức cho các nhà báo trong và ngoài nước ra thăm các đảo mà Philippines tuyên bố chủ quyền, các con tàu của họ đã bị các tàu Trung Quốc phong tỏa.[2] Philippines đã trả đũa bằng cách bắt 62 ngư dân Trung Quốc tại những vùng nước gần đó do đã vi phạm hải phận.[3]
Sau sự kiện đó, Pan Shiying, người phát ngôn không chính thức của Trung Quốc về Biển Đông đã tuyên bố với giới chức Mỹ rằng nếu lời đề nghị của Trung Quốc cùng khai thác các vùng đảo bị khước từ thì hải quân không còn cách nào khác là phải dùng vũ lực chiếm lấy các đảo này.[4] Có nghĩa là nếu các nước bằng lòng thương thảo với Trung Quốc, họ sẽ thừa nhận sự tuyên bố của các nước về một phần hoặc toàn bộ Trường Sa.
Nếu họ không thương thảo với Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ dùng chiến thuật ” xắt salami” bằng cách xâm chiếm từng đảo, từng đảo, từng bãi đá, từng bãi ngầm một và từ đó tạo ra một sự đã rồi cho tất cả các nước Đông Nam Á phải tự giải quyết.
Tổng Thống Ramos đã quyết định cho phép một công ty con phụ thuộc tập đoàn dầu khí Mỹ Vaalco tìm kiếm dầu khí tại Reed Bank thuộc Trường Sa.[5] Nhằm ngăn chặn các bước lấn tới của Trung Quốc, tổng thống Ramos đã đe dọa sẽ nhờ cậy đến Hiệp ước Phòng Thủ chung Phi-Mỹ và Quốc hội Philippines đã thông qua một chương trình 50 tỷ Peso (2 tỷ usd) để nâng cấp quân đội nước này.[6]
Trong một nỗ lực nhằm kéo nhiều nước vào bàn thương lượng, các nước ASEAN đã nhấn mạnh vấn đề Trường Sa tại diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về an ninh, một sáng kiến của hội nghị hậu-bộ trưởng thường niên tại Brunei vào tháng 07/1995.
Để làm giảm nhiệt tại khu vực, Bắc Kinh đã nói nhỏ với Manila rằng Trung Quốc sẽ không xây dựng các kết cấu mới tại khu vực tranh chấp với Philippines.[7] Và theo đó họ sẽ thảo luận các tranh cãi chủ quyền với ASEAN với tư cách một nhóm vào Hội nghị Thượng đỉnh tại Bangkok.[8]
Đề nghị này cho thấy một nhượng bộ lớn từ phía Trung Quốc trong bối cảnh trước đó họ đã khăng khăng sẽ chỉ thảo luận song phương. Tuy vậy có vẻ đằng sau đó đây chỉ là một mưu kế chiến thuật để xoa dịu các quan ngại của các nước ASEAN bởi vì đến tháng 3/1996, Trung Quốc lại tái xây dựng các kết cấu trên đảo Mischief mà người Phi đã phá bỏ trước đó.[9]
Trùng hợp với một loạt các trận pháo kích qua eo biển Đài Loan, thái độ hung hãn của Bắc Kinh tại Trường Sa được các giới chức và học giả ASEAN hiểu rằng đây là một nỗ lực của PLAN nhằm tận dụng điểm yếu chính trị của Tổng Bí Thư Quang Trạch Dân để nâng cao vị thế và mưu cầu lợi ích của họ.
Dù gì đi nữa vẫn có một cảm giác chung trong nội bộ ASEAN là Trung Quốc đang lần lữa chờ thời để đủ mạnh sẽ thôn tính tất cả các đảo đang tranh cãi tại Biển Đông. Còn có cách giải thích nào khác chăng, khi vừa chấp nhận các nguyên tắc giải quyết bằng thuơng lượng và cùng khai thác tài nguyên, Trung Quốc vừa tiến hành chiếm thêm đảo và dành cho các bên khác những hợp đồng dầu khí?
Việc chiếm đóng Trường Sa sẽ không chỉ là một biểu hiện cho sự tự đại rằng Trung Quốc đang hồi phục thành một cường quốc mà nó còn đưa Trung Quốc đến một vị trí của một tay chơi đáng gờm trên bàn cờ chính trị Đông Nam Á.
Ẩn sâu dưới hai lần can thiệp quân sự của Trung Quốc tại Johnson và Mischief vào năm 1988 và 1995 có lẽ là sự lo lắng của Trung Quốc rằng các tuyên bố chủ quyền của họ sẽ bị mài mòn nếu họ không nhanh chóng xác nhận sự hiện diện của họ tại Trường Sa. Trung Quốc trở nên nghi ngại các nỗ lực của các bên ASEAN tranh thủ sự ủng hộ lẫn nhau và chia Trường Sa cho nhau, đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995.
Vào tháng 1/1992, Việt Nam và Malaysia đã có một thỏa thuận cùng khai thác tài nguyên tại các khu vực tranh chấp.[10] Vào tháng 4/1996, Việt Nam và Philippines đã gửi một nhóm các khoa học gia của hai nước trên một con tàu của chính phủ Philippines trong một chuyến đi kéo dài 15 ngày để bảo tồn các sinh vật biển tại Trường Sa.[11] Còn đối với các tranh cãi giữa Trung Quốc và Việt Nam về các nhượng quyền dầu lửa ngoài khơi, ASEAN cẩn thận không đổ dầu vào lửa, vẫn giữ thái độ im lặng.
Thật ra Trung Quốc sẽ cố đặt mình vào vị thế thuận lợi nhất trong bất kỳ cuộc thảo luận nào về chủ quyền Trường Sa khi nào họ thấy cần tỏ ra mềm dẻo về vấn đề thềm lục địa hay việc đòi hỏi quyền tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia và Brunei. Những nước này là những nước tuyên bố chủ quyền với số đảo và đá ít hơn cả so với các bên tranh chấp khác, và do vậy việc này sẽ không chỉ cho phép Trung Quốc xác định đường cơ sở cực nam và hợp pháp hóa sự có mặt của họ tại đó, mà còn có thể khiến các nước ASEAN khác phải quay lại chống nhau.
Khi ấy, cần quan sát các tương tác giữa Trung Quốc với hai nhóm quốc gia trong cùng cách thức của quan hệ cấp 3. Liệu Trung Quốc sẽ có thể chia rẽ họ hay ASEAN sẽ đoàn kết vững chắc lại. Cho đến nay có vẻ như ý thứ hai là đúng hơn. Tuy vậy, bất kỳ một nhượng bộ nào của Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền tại Trường Sa sẽ làm Trung Quốc dễ phải nhượng bộ hơn tại các cuộc tranh giành ở nơi khác, do vậy kịch bản này cũng khó mà thành sự thật.
Mặc dù Đài Loan duy trì tuyên bố chủ quyền cho riêng mình tại các đảo Biển Đông, vai trò của đảo quốc này trong mớ bòng bong đang diễn ra ở Biển Đông trở nên khá mâu thuẫn với họ, và đây có lẽ cũng đã phản ánh chính xác hình ảnh họ trong cuộc khủng hoảng vị thế của mình.
Sau cuộc chạm trán giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 14/03/1988, Bộ Trưởng Quốc Phòng Đài Loan đã tuyên bố nếu Trung Quốc khi đó yêu cầu quân Đài Loan ở đảo Thái Bình (đồn trú từ 1956) trợ giúp, thì Đài Loan sẽ xuất quân.[12] Vì những lý do dân tộc tính, những nhân vật trong Tân Đảng vốn ủng hộ thống nhất sẽ muốn toàn bộ Trường Sa về tay Trung Quốc hơn là về bất kì quốc gia ASEAN nào khác.[13] Do Đài Loan đã được nhận vào các hội thảo ở Inđonesia năm 1992, các giới chức và học giả tham dự của họ luôn lên tiếng mạnh khi lập lại lý lẽ Trung Quốc là các đảo tranh chấp đã từ lâu trong lịch sử thuộc về người Trung Quốc và các vấn đề phát sinh sẽ phải giải quyết chỉ khi chủ quyền “Trung Quốc” không bị ảnh hưởng.[14]
Trong tinh thần đó, Phó Tổng Giám Đốc của CNOOC đã có thể tuyên bố rằng kể từ tháng 8/1995, Trung Quốc và Đài Loan sẽ hợp tác để khảo sát và khai thác dầu khí trên Biển Đông vì cả hai bên như “trong một nhà và không có vấn đề tranh chấp chủ quyền lẫn nhau”.[15] Mặc dù Viện Hành pháp của Đài Loan vào tháng 4/1993 đã ra một hướng dẫn chính sách tuyên bố rằng ” Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) nằm trong giới hạn vùng nước lịch sử là khu vực hàng hải trong vòng kiểm soát của Trung Hoa Dân Quốc”,[16] vấn đề làm cho mình gần giống với vị thế của Trung Quốc về chủ quyền “Trung Quốc” từ phía Đài Loan cho thấy tuyên bố của mình bị không mấy coi trọng bởi cả Trung Quốc và các quốc gia khác.
Bãi Scarborough: các nhân tố dưới tầm quốc gia tương tác lẫn nhau
Nằm trong vùng lân cận với Macclesfield Bank, cách đảo chính của Philippines là Luzon 200km về phía Tây, tọa lạc một bãi đá gọi là Scarborough hay Huangyan theo tiếng Trung Quốc.
Vào ngày 01/05/1997 hai tàu của Cục Hàng Hải Trung Quốc chở một nhóm các thành viên một câu lạc bộ dân sự từ Nhật, Mỹ, và Trung Quốc đã tiến đến gần bãi Scarborough. Ngay lúc ấy tàu chiến và phi cơ quân sự Philippines xuất hiện và cảnh báo các thuyền trưởng rằng họ đã vào bên trong đảo vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.[17] Công luận Philippines nhận thấy các câu lạc bộ kiểu này là những con cờ trong trò chơi tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc trong nỗ lực sử dụng các phương tiện phi quân sự như tàu khảo sát, công ty dầu khí và kể cả các tàu bè dân sự của Trung Quốc và ngoại quốc để tiến công trong các trận chủ quyền lãnh thổ.
Nhà đương cục Trung Quốc đã ứng xử trên Biển Đông đúng y như họ đã tố cáo chính phủ Nhật Bản hành xử trong trường hợp Điếu Ngư /Senkaku. Những nghi vấn này đã có cơ sở vì theo lời của một nhà tổ chức chuyến đi người Hoa, ông này nói rằng chính phủ Trung Quốc đã chi hàng ngàn đô la để thuê tàu và chuyến hành trình này đã được một cựu binh Trung Quốc dẫn đầu.[18]
Rốt cuộc câu chuyện dài này đến đâu? Thượng Nghị Sĩ Philippines Gregoy Honasan đã đề nghị chính phủ Phi huấn luyện và trang bị vũ khí cho các cư dân các đảo Trường Sa để tự vệ chống những xâm phạm của nước ngoài trong tương lai.[19] Sau đó vị nghị sĩ ra Scarborough cắm cờ Phi trên đảo.
Măc dù chính quyền Phi ngay lập tức ra thông báo không liên quan đến hành động của các nhà hoạt động này bằng cách gọi đó là những hoạt động cá nhân, song cùng lúc ấy chính phủ Phi cũng tuyên bố họ vẫn sẽ tiếp tục xây dựng các hải đăng trên các đảo đang tranh chấp mà họ đang chiếm giữ.[20] Sự việc có vẻ như đã được giải quyết sau ba ngày thương lượng tại Bắc Kinh giữa Thứ trưởng Ngoại giao Phi và Trung Quốc, theo đó hai bên đồng ý lập một ủy ban khảo sát lại tuyên bố các chủ quyền của mình.[21] Tuy nhiên vào tháng 03/1998, Ngoại trưởng Philippines đã phải cảnh cáo Trung Quốc vì đã xây dựng một trạm vệ tinh trên một đảo Trường Sa và các buồng điện thoại trên các đảo do Trung Quốc chiếm giữ tại quần đảo Trường Sa.[22]
C. P. C.
Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-15-trang-page-2
(*) Xin xem bài 1 Vai trò các tác nhân trong tranh cãi Biển Đông là gì? và bài 2 Vì sao Trung Quốc không muốn quốc tế hóa Biển Đông (chú thích của BVN).
[1] Rodney Tasker, “A Line in the Sand,” Far Eastern Economics Review, 6 April 1995, 14.
[2] Ross Marlay, “China, the Philippines, and the Spratly Islands,” Asian Affairs – An American Review, winter 1997, vol. 23, no. 4, 207.
[3] Asiaweek, “A Breakthrough on the Spratlys,” 25 August 1995, 24.
[4] Nayan Chanda, Rigoberto Tiglao and John McBeth, “Territorial Imperative,” FarEastern Economics Review, 23 February 1995, 14.
[5] “Ramos Defends Oil Search in Disputed Waters,” FBIS East Asia, 6 July 1994, Tokyo KYODO.
[6] Rodney Tasker, “Ways and Means,” Far Eastern Economic Review, 11 May 1995, 14.
[7] “The Claim on the Kalayaan Islands in Spratlys Group,” BusinessWorld Weekender (Philippines), 14 February 1997. http://bworld.net/oe021497/Weekend/Focus/story3.html (accessed 20 January 2003).
[8] Marlay, “China, the Philippines, and the Spratly Islands,” 207.
[9] Ibid.
[10] Cheng-yi Lin, “Taiwan’s South China Sea Policy,” Asian Survey, April 1997, vol. XXXVLL, no. 4, 328.
[11] Marlay, “China, the Philippines, and the Spratly Islands,” 207.
[12] Shim Jae Hoon, “Một giọt máu đào hơn ao nước lã chính trị” (Blood Thicker than Politics,) Far Eastern Economic Review, 5 May 1988, 26.
[13] Lin, “Taiwan’s South China Sea Policy,” 332.
[14] Chen Jie, “China’s Spratly Policy,” Asian Survey, October 1984, vol. XXXIV, no. 10,900.
[15] “Beijing Official on Cooperation to Tap Spratlys,” FBIS China, 30 August 1995, Taipei CNA.
[16] “The South China Sea Policy Guidelines,” reprinted in Kuan-ming Sun, “Policy of the Republic of China towards the South China Sea,” Marine Policy, 1995, vol. 19, no.5, 408.
[17] Long-Distance Radio Century Club (DXCC), “BS7H 1997 Bulletin 13 – 0530Z, 07
May 1997.” http://www.iglou.com/n4gn/sr/bltns/bltn13.html (accessed 20 January
1999).
[18] Andrew Sherry and Rigoberto Tiglao,”Luật Rừng” (Law of the Seize, tác giả chơi chữ Law of the Sea) Far Eastern Economic Review, 12 June 1997, vol. 17, 20-21.
[19] “Philippines: Government Urged to Arm Residents in Spratly Islands,” FBIS East Asia, 9 May 1997.
[20] “Manila To Build Lighthouses in Spratlys,” FBIS East Asia, 19 May 1997.
[21] “Philippines: Manila, PRC Agree on Working Group to Avert War in Spratlys,” FBIS East Asia, 30 May 1997.
[22] “Philippines: China Warned on Spratlys Satellite Plans,” FBIS East Asia, 3 March 1998, Quezon City GMA-7 Radio-Television Arts Network.