Khi Việt Nam tham gia đàm phán WTO, người Việt Nam hay nghe câu nói: “Mỹ đàm phán, và cả thế giới hưởng lợi.” Đối với việc cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam, người Nhật cũng hoàn toàn có quyền nói một câu tương tự: “Người Nhật đưa ra sáng kiến, các nhà đầu tư ở Việt Nam hưởng lợi.”
Sau gần 6 năm ngồi trên ghế bộ trưởng kế hoạch & đầu tư (MPI), ông Trần Xuân Giá có thể tự hào vì đã thúc đẩy cho sự ra đời của Luật Doanh nghiệp, mở ra cơ hội cho khu vực doanh nghiệp tư nhân dần khẳng định vai trò của mình trong một nền kinh tế đang chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường.
Ông Võ Hồng Phúc, người kế nhiệm ông Giá, cũng có thể thanh thản rời nhiệm sở vào mùa hè năm tới, sau khi đã có vai trò tương tự trong việc bước đầu buộc khối doanh nghiệp nhà nước phải chấp nhận “đá cùng một sân” với khu vực tư nhân trong một luật doanh nghiệp chung cho mọi thành phần kinh tế. (Việc củng cố các doanh nghiệp nhà nước lớn, thông qua hình thức tập đoàn, vượt quá xa thẩm quyền quyết định của ông).
Với khoảng thời gian tại nhiệm ở vị trí đứng đầu MPI gấp rưỡi ông Giá, ông Phúc cũng kịp thúc đẩy cho sự ra đời của một luật đầu tư thống nhất (có hiệu lực từ 1.7.2006), tiền đề cho một cuộc chơi bình đẳng hơn giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Hơn nữa, ông Phúc được coi là người đóng vai trò nổi bật trong nỗ lực hoàn thiện môi trường đầu tư của chính phủ Việt Nam, thông qua Sáng kiến chung Việt – Nhật, được bắt đầu triển khai cách đây 6 năm.
“Cảm ơn sự hợp tác của Ngài Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, người có sự hợp tác và đóng góp vô cùng lớn lao đối với Sáng kiến chung Việt – Nhật”, tân Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki nói tại cuộc họp báo sau phiên họp cấp cao Ủy ban Đánh giá và Xúc tiến Sáng kiến chung Việt – Nhật, diễn ra sáng Thứ Sáu tuần trước, 10.12.2010, tại Hà Nội.
Trọng tâm của giai đoạn IV: Công nghiệp hỗ trợ
Khi Việt Nam tham gia đàm phán WTO, người Việt Nam hay nghe câu nói: “Mỹ đàm phán, và cả thế giới hưởng lợi.”
Đối với việc cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam, người Nhật cũng hoàn toàn có quyền nói một câu tương tự: “Người Nhật đưa ra sáng kiến, các nhà đầu tư ở Việt Nam hưởng lợi.”
Nhưng Đại sứ Tanizaki đã nói theo cách khác: “Sáng kiến chung Nhật – Việt là một diễn đàn đặc biệt hơn rất nhiều những diễn đàn mà chúng ta đã có. Bởi trong diễn đàn này, hai bên cùng tìm ra những tồn tại trong môi trường đầu tư ở Việt Nam, hợp tác giải quyết để cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư này, qua đó góp phần thu hút, xúc tiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.”
Riêng vốn đầu tư cam kết lũy kế từ Nhật Bản, theo Đại sứ Tanizaki, đã vượt con số 20 tỷ USD tính đến tháng 11.2010. Trong đó, tỷ lệ vốn thực hiện của Nhật Bản cao hơn tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
Trong cuộc họp báo, ông Phúc cho biết, sau hai năm thực hiện kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt – Nhật giai đoạn III, 50 trong số 62 tiểu mục nêu trong kế hoạch hành động đã triển khai tốt và đúng tiến độ. Ông Phúc lý giải rằng 10 tiểu mục triển khai chưa đúng tiến độ đều là những tiểu mục khó, bởi liên quan đến sửa đổi luật, nghị định, như thuế, sở hữu trí tuệ, an toàn vệ sinh thực phẩm, hạ tầng, và giao thông đô thị, hoặc cần thêm sự giúp đỡ của phía Nhật Bản, như công nghiệp hỗ trợ. (2 tiểu mục hai bên nhất trí không đánh giá có liên quan tới xây dựng chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam, do các vấn đề này đã nằm trong nội dung hoạt động của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật bản (JAMA) và Bộ Công Thương.)
Đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật – Việt Susumi Kato nhận xét cũng đồng ý rằng với tỷ lệ triển khai đúng tiến độ đạt 81%, giai đoạn III đã thực sự thành công, bởi các vấn đề còn lại đều khó, so với giai đoạn I và II.
“Hai bên nhất trí tiếp tục triển khai 10 nội dung còn lại trong giai đoạn IV. Nhưng điều tôi cho rằng còn quan trọng hơn nữa chính là chúng ta đã hình thành được một mối quan hệ hợp tác mật thiết, chiến lược giữa chính phủ và doanh nghiệp, thông qua đó nhà nước và doanh nghiệp cùng làm tốt hơn nữa môi trường đầu tư“, vị Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành của Tập đoàn Sumitomo này nhấn mạnh.
Đại sứ Tanizaki cũng đồng ý với ông Phúc, và nêu quan điểm của phía Nhật Bản là nền công nghiệp hỗ trợ là vô cùng quan trọng đối với Việt Nam, cũng như đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, bởi nó sẽ cung cấp nguyên phụ liệu và linh kiện cần thiết cho quá trình sản xuất – kinh doanh ở Việt Nam. “Chính vì thế trong giai đoạn IV, chúng tôi coi đây là một lĩnh vực vô cùng quan trọng và cần phải được triển khai”, Đại sứ Tanizaki nói.
Bộ trưởng Phúc cũng chia sẻ mong muốn của phía Nhật, khi khẳng định đây sẽ là một trọng tâm của kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt – Nhật giai đoạn IV.
“Khi môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được điều chỉnh theo hướng phù hợp với tình hình thực tế và thông lệ quốc tế, những vấn đề vướng mắc về qui trình, thủ tục đầu tư ngày càng giảm. Thay vào đó là những vấn đề liên quan đến chính sách mang tính dài hạn, tổng thể, vấn đề của ngành, lĩnh vực”, ông Phúc hé lộ thêm những nội dung chính sẽ được hai bên bàn bạc đưa vào kế hoạch giai đoạn IV.
Được biết, việc chậm trễ triển khai kế hoạch hành động liên quan đến việc xây dựng một ngành công nghiệp hỗ trợ chủ yếu do bất đồng về quan niệm và cách tiếp cận giữa Nhật Bản và Việt Nam. Kết quả là sau khi nghe Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam Đỗ Hoài Nam và đặc phái viên thủ tướng Trương Đình Tuyển – người có quan điểm rằng công nghiệp hỗ trợ là thành tố quan trọng để nền kinh tế Việt Nam chuyển sang mục tiêu phát triển bền vững – báo cáo về kết quả hội thảo về công nghiệp hỗ trợ, diễn ra vào cuối tháng 7.2010 tại Hà Nội, Thủ tướng đã quyết định không ký bản dự thảo nghị định do Bộ Công Thương trình. Họ được lệnh phải soạn thảo lại từ đầu dựa trên những nội dung cơ bản mà các chuyên gia Nhật đưa ra.
ODA từ Nhật Bản tiếp tục tăng
Cũng trong cuộc họp báo trên, Đại sứ Tanizaki khẳng định: “Để cải thiện hơn nữa hạ tầng của Việt Nam, Nhật Bản mong muốn được tiếp tục hỗ trợ vốn ODA.”
Theo nguồn tin riêng của Tuần Việt Nam, trong những năm tới những khoản cho vay bằng đồng yen sẽ tập trung nhiều vào việc thúc đẩy nhập khẩu thiết bị từ Nhật đối với các dự án hạ tầng ở Việt Nam, như giao thông và năng lượng. Nguồn tin này cũng cho biết đây cũng là điều người Nhật học được từ Trung Quốc khi các doanh nghiệp của nước này tham gia khá thành công các dự án năng lượng ở Việt Nam.
“Nhưng mặt khác, chúng tôi cũng cần có sự thấu hiểu và đồng thuận từ những người nộp thuế ở Nhật Bản“, Đại sứ Tanizaki không quên cảnh báo, khi nhắc tới vụ hối lộ của PCI tại thành phố Hồ Chí Minh, bị bung ra vào hai năm trước.
Khi được hỏi, liệu vụ này có ảnh hưởng đến chính sách ODA của Nhật hay không, Đại sứ Tanizaki cho biết: “Tôi nghĩ là không, bởi hai phía đang hợp tác với nhau để phòng tránh những vụ tương tự.”
Theo nguồn tin riêng của Tuần Việt Nam, trước khi rời Việt Nam, người tiền nhiệm của ông Tanizaki đã hé ra rằng Nhật Bản sẽ chia nhỏ các dự án ra để việc giám sát được dễ dàng hơn.
Nhật Bản không chỉ khẳng định sẽ tiếp tục cấp ODA cho Việt Nam, dù quốc gia Đông Nam Á này đã vượt qua ngưỡng nghèo. Dường như ODA từ Nhật đang có xu hướng tăng thêm.
Theo phân tích của Đại sứ Tanizaki, tuy tổng mức cam kết của Nhật Bản trong năm 2010 cũng chỉ tương đương với tổng mức cam kết năm 2009, nhưng, thực sự, đã có sự khác biệt. “Trong năm 2009, cam kết ODA có cả phần hỗ trợ khẩn cấp (chống khủng hoảng), tương đương với 600 triệu USD, còn số dự án mà phía Việt Nam đề xuất và phía Nhật cam kết chỉ khoảng 1,2 tỷ USD. Như vậy, năm 2010 cam kết ODA của Nhật tăng khoảng 50% so với năm 2009″, ông giải thích.
Bộ trưởng Phúc đã không bình luận gì thêm. Là một trong những người chuẩn bị và tham gia cuộc hội đàm giữa hai thủ tướng Nhật Bản và Việt Nam vào cuối tháng 10.2010, ông hiểu rõ lý do vì sao cam kết ODA của Nhật lại tăng như vậy.
Nhật Bản gọi – Việt Nam trả lời
Trong cuộc hội đàm cấp cao này, quan hệ đối tác chiến lược Việt – Nhật đã được cụ thể hóa bằng việc Việt Nam cho Nhật tham gia vào hai dự án rất lớn và có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Đó là các công ty Nhật được đồng ý tham gia nghiên cứu khả thi xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 2, và tham gia khai thác đất hiếm – được coi là có ý nghĩa cực kỳ quan trọng về chính trị.
Theo Viện Tư vấn Phát triển (CODE), tổng tài nguyên đất hiếm của Việt Nam dự báo là trên 22 triệu tấn REO, tập trung chủ yếu ở Tây Bắc Bộ, với 4 tụ khoáng được ghi nhận là Đông Pao, Nậm Xe, Mường Hum và Yên Phú. Trong đó, lớn nhất là Đông Pao với trữ lượng đã xác định là 645 ngàn tấn, đã được một công ty Nhật thăm dò từ đầu năm nay, và Nậm Xe với trữ lượng đã xác định là 1,74 triệu tấn.
Theo đánh giá của Bộ Ngoại giao, điểm sáng của ngoại giao song phương năm nay là quan hệ Việt – Nhật, khi hai bên đều cần đến nhau, tìm đến nhau đúng lúc đúng chỗ. Phía Nhật đã nói thẳng rằng, nếu cho đến nay Nhật Bản luôn tạo điều kiện giúp đỡ Việt Nam phát triển hạ tầng, hay chống khủng hoảng, bằng các nguồn vốn ODA, thì đây là lúc Nhật Bản gặp khó khăn và rất cần Việt Nam giúp đỡ.
Trước đó, trong sự kiện Biển Hoa Đông, khi tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu tuần tra Nhật Bản ở khu vực đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) và thuyền trưởng tàu cá bị bắt giữ, Trung Quốc được cho là đã sử dụng ngón đòn hạn chế xuất khẩu đất hiếm để gây sức ép với Nhật Bản.
Còn nhớ, trước chuyến thăm của Thủ tướng Kan khoảng mươi ngày, đặc phái viên và cũng là người tiền nhiệm của ông là Hatoyama đã có một chuyến đi tiền trạm quan trọng gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thuộc cấp của ông. Chính ông Hatoyama và ông Dũng đã từng có một cuộc gặp quan trọng ở New York bàn về ODA, điện hạt nhân và đường sắt cao tốc, bên lề hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân, hồi giữa tháng 4.2010. Kết quả là những nội dung chủ yếu của tuyên bố chung đã được hai bên quyết định ngay trong chuyến tiền trạm này.
Mặc dù, biết có bên thứ ba sẽ không mấy bằng lòng, nhưng giới lãnh đạo Việt Nam đã có sự lựa chọn cần thiết, vì lợi ích quốc gia của mình. Họ hiểu thực chất của mối quan hệ đối tác chiến lược: “Bên này gọi – bên kia trả lời! Và ngược lại!”
H. P.
Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-12-nhat-ban-rut-bai-hoc-trung-quoc-o-viet-nam