Ấn Độ sẽ chạy nhanh hơn Trung Quốc

Ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trong buổi họp báo chiều nay. Ảnh: T.B.

Ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trong buổi họp báo. Ảnh: T.B.

Cuối năm 2010, các nhà kinh tế làm việc cho Ngân hàng Thế giới (World Bank) tiên đoán trong tài khóa 2011 – 2012, kinh tế Ấn Độ sẽ gia tăng với tỷ lệ 8.7%, trong khi Trung Quốc sẽ tăng thêm với tốc độ 8.5%, mà thôi. Một ngân hàng tư, Standard Chartered ở Hồng Kông thì dự báo kinh tế cả hai nước đông dân trên một tỷ người này đều sẽ phát triển với gia tốc 8.5%.

Dù Ấn Độ chạy nhanh hơn Trung Hoa một chút, hay chỉ chạy cùng tốc độ, đó cũng là một tin làm nhiều người ngạc nhiên, kể cả người Ấn Độ. Vì từ hàng chục năm qua, kinh tế Trung Quốc luôn luôn chạy với tốc độ nhanh nhất thế giới, tỷ lệ tăng trưởng lúc nào cũng ở mức 9 hay 10%; còn Ấn Độ thì tuy cũng chạy khá nhanh nhưng chỉ trên dưới 8% mà thôi. Người Ấn Độ, sau khi hết ngạc nhiên rồi, sẽ tự hỏi: Ví thử sang năm Ấn Độ sẽ chạy nhanh hơn Trung Quốc, liệu sau năm 2012 kinh tế Ấn Độ còn tiếp tục gia tăng với tỷ lệ cao hơn của Trung Quốc hay không?

Câu trả lời bất ngờ hơn nữa: Có thể lắm! các nhà kinh tế Chetan Ahya và Tanvee Gupta, làm việc cho Công ty ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, tiên đoán rằng trong 20 năm đến 25 năm tới, kinh tế Ấn Độ sẽ gia tăng với tốc độ cao nhất thế giới, so với các nền kinh tế lớn khác. Và chỉ vài ba năm nữa thôi, kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng lên với gia tốc 8% một năm; trong khi Ấn Độ sẽ chạy nhanh hơn, 9 đến 10%.

Lợi thế nhân lực

Một lý do dễ thấy nhất là số người làm việc (lực lượng lao động, nếu muốn nói văn hoa hơn) của Ấn Độ gia tăng vượt trên Trung Quốc. Trong vài năm đầu thập niên tới, số người làm việc ở Ấn Độ sẽ tăng nhanh hơn ở Trung Hoa; sẽ tới lúc số người lao động ở Ấn Độ đông hơn ở Trung Quốc mặc dù tổng cộng dân số thì vẫn thấp hơn (Nếu giữ mức gia tăng dân số như hiện nay, đến năm 2025 nước Ấn Độ mới đông người bằng Trung Hoa). Từ năm 2011 tới 2020, Ấn Độ sẽ có thêm 136triệu người trẻ tuổi bắt đầu đi làm; trong khi lực lượng lao động ở Trung Quốc tăng thêm 23 triệu, theo kết quả nghiên cứu của Công ty Morgan Stanley. Điều đáng lo cho nước Trung Hoa là từ năm 2011 số thanh niên tuổi từ 15 đến 29 sẽ bắt đầu giảm bớt. Nguyên do là chính sách áp dụng từ năm 1978, bắt mỗi cặp vợ chồng chỉ được phép sinh một con thôi; khiến số người trẻ tăng chậm hơn số người già.

Thêm nhiều người làm việc hơn không nhất thiết đưa tới số sản xuất tăng nhanh hơn, vì còn những yếu tố khác trong cơ cấu kinh tế ảnh hưởng đến sức làm việc của con người. Một trở ngại cho lực lượng lao động của Ấn Độ là nền giáo dục và y tế chưa phát triển đủ để bồi dưỡng “vốn nhân lực” (human capital). Đây là trở ngại lớn nhất trong việc phát triển kinh tế của Ấn Độ, nguyên do vì những sai lầm trong quá khứ.

Theo Giáo sư Hoàng Á Sinh (Yasheng Huang, 黄亚生) thuộc Đại học MIT thì trong những năm bà Indira Gandhi làm Thủ tướng, Chính phủ Ấn Độ không quan tâm cải thiện giáo dục và y tế. Đảng Quốc đại nắm quyền đã lâu, bà Gandhi giảm bớt quyền hạn của guồng máy đảng, chỉ dựa vào một số tay chân, cho nên cũng không tiếp xúc được với đám đông dân chúng. Bà Thủ tướng đã quốc hữu hóa các ngân hàng và các đài truyền hình tư nhân; đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp (theo điều 356 trong Hiến pháp) để gia tăng quyền hành rất nhiều lần, gần như bà nắm độc quyền về chính trị. Trong 15 năm bà Gandhi cầm quyền, mỗi 100 học sinh tiểu học chỉ có 2 thầy giáo và tỷ lệ này không hề thay đổi từ 1966 đến 1984. Năm 1985, sau khi bà qua đời, ở Ấn Độ chỉ có 1% trẻ  em được chích ngừa về bệnh sởi. Một quốc gia không lo giữa sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em, không lo giáo dục họ, là không đầu tư cho tương lai.

Từ khi nước Ấn Độ cải tổ kinh tế nhờ một đảng mới lên thay cho đảng Quốc đại, sau đó các đảng thay phiên nhau cầm quyền, tình trạng đã khá hơn vì các nhà chính trị bắt buộc phải quan tâm đến phúc lợi của dân nhiều hơn. Nền giáo dục đã đạt những tiến bộ. Thí dụ, năm 1990 chỉ có 49% người Ấn Độ biết đọc biết viết, đến năm 2006 tỷ lệ này đã tăng lên 61%; khi nhiều người lao động biết đọc biết viết hơn, chắc chắn sản năng của cả nước sẽ tăng nhanh hơn. Nhưng khi một nước bỏ phí cơ hội không đầu tư vào sức khỏe và trí não của một thế hệ thì sau đó sẽ cần nhiều thập niên mới sửa chữa được những sai lầm như thế.

Lực lượng lao động của Ấn Độ bị yếu thế vì chính sách sai lầm bỏ qua việc giáo dục và y tế từ hàng chục năm trước. Nhưng bù lại, kể từ khi thay đổi kinh tế thì nước này đã thay đổi ngay từ não trạng; nhờ thế đã “giải phóng” cơ cấu nền kinh tế, tạo cơ hội cho những sinh lực tiềm ẩn cất đầu lên.Sinh lực mạnh mẽ nhất là giới kinh doanh tư, từ những nhà tiểu thương cho tới các công ty lớn hàng quốc tế.

Dựa vào tư doanh

Economist kể chuyện anh Bhaskar Chaudhary ở khu Dharavi trong thành phố Mumbai (Trước gọi theo lối Tây phương là Bombay). Ở khu nhà ổ chuột với hàng triệu dân nghèo này, những con hẻm, ngõ, ngách nhỏ đến nỗi một chiếc xe ba bánh kéo qua cũng khó lọt. Chaudhary đã đứng ra làm một thứ sản phẩm thôi, là những mảnh vải may và thêu để gắn vào làm cái túi sau cho những chiếc quần cao bồi (jean). Những mảnh vải may sẵn này được chở tới bán cho các xưởng máy lớn, họ đem may vào quần jean, rồi những chiếc quần này được xuất cảng sang bán bên Trung Đông. Bốn năm trước đây, Chaudhary chỉ có một cái máy may và thêu, nhập cảng từ Trung Quốc.

Chính tinh thần kinh doanh phát triển trong một môi trường tự do là sức mạnh tạo nên “phép lạ kinh tế” ở Ấn Độ trong thời gian tới. Năm 2010 anh đã có 3 cái máy như vậy. Và năm nay, 2010, anh ta mới có 21 tuổi – tức là anh khởi nghiệp từ năm 17 tuổi!

Trong nước Ấn Độ có hàng trăm triệu doanh nhân với chí làm ăn như Bhaskar Chaudhary, từ các người trong gia đình Tata hoặc Ambani (Công ty Reliance) có tham vọng quốc tế, cho tới những thanh niên cặm cụi làm giàu. Nhà tỷ phú Lakshmi Mittal cũng thuộc loại doanh nhân tư này, sau 30 năm theo đuổi nghề luyện thép nay đã làm chủ trên 50% cổ phần của công ty luyện thép lớn nhất thế giới, sau khi mua được Công ty Arcelor của Âu Châu.

Các doanh nhân là sức đẩy cho công cuộc phát triển kinh tế Ấn Độ. Tại Trung Quốc thì ngược lại, sức đẩy chính phát xuất từ guồng máy nhà nước, đặc biệt là từ giữa thập niên 1990 đến nay. Đây là một ưu thế của Ấn Độ so với Trung Quốc. Khảo sát quá trình cải cách kinh tế ở Trung Quốc, chúng ta cũng thấy rõ giới kinh doanh nhỏ đã đóng góp nhiều nhất vào những tiến bộ trong thập niên đầu cải tổ.

Giáo sư Hoàng Á Sinh là người Trung Quốc đã tham cứu các số liệu đầy đủ về kinh tế nước ông, kết luận rằng, ngay sau khi kinh tế được cởi trói năm 1978, chính các doanh nhân nhỏ, các tiểu thương gia ở nông thôn đã góp phần lớn nhất vào sự thành công của việc đổi mới kinh tế. Trong thập niên 1980 sản lượng Trung Quốc tăng rất nhanh, một phần nhờ nông dân được tư do canh tác và mua bán cho nền nông sản gia tăng, nhưng một phần khác là nhờ những “xí nghiệp hương thôn”.Các tiểu thương này đã hoạt động trong các ngành công nghiệp nhỏ và buôn bán ở thôn quê. Theo Giáo sư Hoàng Á Sinh, các xí nghiệp hương thôn này bản chất là những xí nghiệp tư nhân, một điều mà các nhà nghiên cứu Âu Mỹ trước đó thường không biết, họ tưởng các xí nghiệp đó là của nhà nước.

Kể từ thập niên 1990, chính quyền Trung Quốc bắt đầu thay đổi khi phe Thượng Hải lên nắm quyền. Những người này vốn gốc dân thành thị, họ bỏ quên nông thôn, dành mọi ưu đãi cho các dự án ở thành phố. Chính sách này khiến cho kinh tế Trung Quốc trở thành nghiêng lệch.Họ chú trọng tới đầu tư thật nhiều, hầu hết việc đầu tư là do nhà nước quyết định; trong khi các món hàng tiêu thụ và giới kinh doanh tư nhân không được quan tâm. Khi người ta nói kinh tế Trung Quốc gia tăng với tỷ lệ 9 hay 10%, thì trong đó phần gia tăng quan trọng nằm trong các công tác xây dựng: xa lộ, phi trường, các cao ốc đắt tiền, và các cơ xưởng. Nhưng khi các kiến trúc đó được hoạch định thì họ không căn cứ vào nhu cầu cần sử dụng chúng. Họ chỉ thấy là đang có sẵn tiền và nếu xây dựng thêm cũng không hại gì mà lại tạo ra công việc làm cho bao nhiêu công nhân.Tuy nhiên, các công trình xây dựng trên, khi hoàn thành, không được sử dụng hết.Nhà kinh tế Mao Vu Thức đoán rằng có đến 20% các công trình xây dựng xong đã không ai sử dụng. Đó là một tình trạng phí phạm tài nguyên do chính sách kinh tế nghiêng lệch về phía đầu tư mà không chú ý đến nhu cầu giới tiêu thụ.

Cân bằng và lâu bền

Chính sách kinh tế Trung Quốc cũng chú trọng chế tạo hàng xuất cảng mà không khích lệ việc mở mang thị trường tiêu thụ trong nước. Hoạt động ngoại thương, cả xuất khẩu và nhập khẩu, ở Trung Quốc lớn bằng 80% tổng sản lượng nội địa trong khi ở Ấn Độ chỉ bằng một nửa GDP vì nước này chú ý đến thị trường trong nước nhiều hơn. Có thể coi đây là một ưu điểm của kinh tế Trung Quốc; nhưng đằng sau ưu thế đó cũng có những vấn đề.Thứ nhất, việc xuất khẩu hàng hóa tùy thuộc kinh tế thế giới; trong khi thị trường trong nước không lệ thuộc vào kinh tế các nước khác.Thứ nhì, kinh tế phát triển dựa trên thị trường nội địa sẽ phát triển đồng đều hơn, xã hội bớt chênh lệch hơn, và sự phát triển cũng bền vững hơn.

Khi giới tư doanh đóng vai làm động cơ cho công cuộc phát triển, các doanh nhân thế nào cũng tìm hiểu và lo cung ứng cho giới tiêu thụ trong nước, tùy theo nhu cầu và túi tiền của họ. Cho nên trong khi ở Trung Quốc nhà máy của Công ty General Motors lo sản xuất xe để bán sang Mỹ, thì tại Ấn Độ, Công ty Tata lo sản xuất một kiểu xe hơi nhỏ NANO, với giá càng thấp càng tốt (khoảng 2.200 mỹ kim) để bán ngay trong nước. Thế hệ thứ hai của hiệu xe này đang nhắm vào thị trường Âu Mỹ. Cũng vì tinh thần kinh doanh với mục đích doanh lợi, các xí nghiệp đều nghiên cứu để thỏa mãn nhu cầu người tiêu thụ. Công ty quốc tế Tata này, tại phân bộ Hóa học của họ, đã chế ra một thứ máy lọc nước giúp các gia đình nghèo ở nông thôn hay trong các khu nhà ổ chuột có thể đủ nước sạch dùng hàng ngày mà mỗi tháng tốn chưa tới một đô la Mỹ. Theo cùng mô thức đó, một công ty đã chế ra loại máy vi tính xách tay (laptop) với giá rẻ chỉ có 35 đô la. Công ty Ayas Shilpa thì chế ra một loại cầu treo giá thành chỉ bằng một phần mười giá màcác công ty quốc tế trước đó vẫn bán. Ở một quốc gia với nhiều ngôi làng hẻo lánh vẫn chỉ liên lạc với nhau qua những chiếc cầu khỉ, đây là một thị trường rất lớn. Nhà sản xuất chắc sẽ thành công mà cuộc sống người tiêu thụ cũng được cải thiện! Khi nền kinh tế dựa trên sức mạnh của tư doanh, các sáng kiến cải thiện năng suất tự xuất hiện ở khắp nơi; không phải do lệnh từ trên ban xuống mà bốc lên từ hạ tầng. Công ty HCL chuyên về tin học đã đưa ra bán những chương trình (phần mềm) giúp các xí nghiệp nhỏ cải thiện năng suất làm việc. Họ cam kết cho thân chủ nợ, nếu không gặt hái được ích lợi nào cụ thể thì Công ty HCL không lấy tiền! Ngược lại, nếu chương trình điện toán của HCL chạy và thành công, thì nhà sản xuất nhu liệu này được chia lời. Chính những cố gắng nho nhỏ tự động mọc lên ở khắp nơi như thế là một sức mạnh thúc đẩy kinh tế Ấn Độ. Nền kinh tế của họ chạy theo nhu cầu của những người tiêu thụ sau cùng, chứ không do các kế hoạch từ trên thảo ra. Như ông Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh mới nói, mục đích của kinh tế không phải chỉ là đạt được tỷ số tăng trưởng cao mà phải là nâng cao mức sống của mọi người dân.Chính nhờ dựa trên nền tảng tư doanh và chú trọng tới nhu cầu người tiêu thụ trong nước, kinh tế Ấn Độ có triển vọng phát triển bền vững hơn Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc kể từ giữa thập niên 1990 trở nên mất cân bằng vì nhắm đến tỷ số tăng trưởng cao mà không có căn bản vững chắc, như gần đây ông Thủ tướng Ôn Gia Bảo mới thú nhận. Khi các ngân hàng tự do đổ tiền ra cho các xí nghiệp vay thì rất dễ thúc cho kinh tế phát triển. Nhưng sau đó, các xí nghiệp dùng tiền vốn vào những việc gì, nếu không do nhu cầu của giới tiêu thụ trong toàn dân, thì việc đầu tư có thể vô ích.Ngoài ra, chính sách kinh tế đó còn gây ra cảnh chênh lệch giàu nghèo nặng nề.Tại Ấn Độ cũng vẫn có cảnh chênh lệch giàu nghèo, nhưng không đến nỗi trầm trọng như ở Trung Quốc. Chỉ số Gini là một thước đo về mức độ chênh lệch giàu nghèo; chỉ số bằng zero là công bằng tuyệt đối, bằng 100 khi bất công tuyệt đối. Chỉ số Gini của Ấn Độ khoảng trên 32 còn của Trung Quốc lên tới gần 45, tức là mức độ bất công xã hội của Trung Quốc cao gấp rưỡi của Ấn Độ.

Tương lai vẫn còn bấp bênh

Tóm lại kinh tế Ấn Độ có ba ưu điểm so với Trung Quốc trong 10 năm sắp tới.Một là nhân lực trẻ đông hơn.Hai là sự phát triển dựa vào tư doanh năng động hơn.Ba là đường lối chú trọng đến người tiêu thụ trong thị trường nội địa khiến cho việc phát triển bền vững hơn. Như nhà kinh tế Trung Quốc Mao Vu Thức (茅于, Mao Yushi) nhận xét: Kinh tế các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan trước đây khi họ phát triển nhanh, đó là nhờ họ đầu tư vào “vốn con người”.Họ tạo nên được những công nhân lành nghề qua nền giáo dục tân tiến, cộng với giới tư doanh năng động tìm cách khai thác mọi cơ hội làm giàu. Còn Trung Quốc phát triển lên gần đây là nhờ chính sách nhà nước, thực hiện một cuộc di chuyển vĩ đại hàng trăm triệu nông dân lên thành phố để biến họ thành những công nhân không chuyên môn trong các cơ xưởng chế tạo hàng rẻ tiền xuất khẩu. Nếu Trung Quốc không thay đổi chiến lược sớm thì sẽ tới lúc cái lợi thế về công nhân rẻ tiền sẽ không còn nữa.

Cho nên có thể tiên đoán trong thập niên 2011 này kinh tế Ấn Độ có hy vọng sẽ chạy nhanh hơn Trung Quốc. Tuy nhiên, Ấn Độ còn phải vượt qua những trở ngại có thể cản trở con đường phát triển: Hạ tầng cơ sở chưa đủ; hệ thống giáo dục còn cũ quá; những bất đồng trong xã hội do tôn giáo, sắc tộc gây ra có thể biến thành bất hòa, bạo động. Mặc dù đã được cải thiện sau 18 năm đổi mới, guồng máy hành chánh của Ấn Độ, gọi là hệ thống thư lại “Licence Raj,” (các ông hoàng cấp giấy phép) vẫn còn quá nặng nề, cũng là một trở ngại cho kinh tế. Cuối cùng, là vấn đề tham nhũng.Thủ tướng Manmohan Singh được là người sạch nổi tiếng không ai dám nghi ngờ, nhưng số công chức tham nhũng vẫn còn đông.

Ông Pratyush Sinha, từng làm Trưởng ban bài trừ tham nhũng, ước tính có đến 30% công chức ăn hối lộ. Tuy nhiên, nhiều giới doanh thương tại Ấn Độ không bị nạn tham nhũng vòi vĩnh.Đó là những nhà sản xuất mà hoạt động không tùy thuộc vào nhà nước. Họ thuộc đủ các ngành như máy vi tính, cố vấn kinh doanh, sản xuất xe, làm xà phòng, bột giặt, vân vân. Các ngành này không tùy thuộc vào các cuộc đấu thầu với chính phủ và không bị nạn chạy giấy phép. Ngược lại, có những ngành bị nạn tham nhũng nặng nề, liên quan đến đất đai, rừng, biển, khoáng sản, và đấu thầu làm cho chính phủ.

Một nguồn tài nguyên của Ấn Độ là 20 đến 25 triệu người sống ở rải rác hơn 100 quốc gia.Mỗi năm họ chuyền về nước khoảng 21 tỷ đô la.Chính phủ Ấn Độ lập ra một bộ chuyên lo bảo vệ đám kiều dân này (Ministry of Overseas Indian Affairs). Họ đã ký hiệp ước song phương với  nhiều quốc gia với mục đích bảo vệ các công nhân Ấn Độ làm việc ở vùng Trung Đông, Kuwait, vân vân, đặc biệt để ngăn ngừa nạn trung gian bóc lột giới lao động.

Một điềm lành cho nước Ấn Độ là có rất nhiều người Ấn Độ thành công ở nước ngoài đã bắt đầu về nước sau khi thấy trong nước có cơ hội không khác gì ở Mỹ hay Âu Châu. Khi về nước họ được sống thoải mái hơn, gần gũi gia đình và không lo con cháu sẽ “mất gốc”.Chính phủ Singh đã lập một trung tâm chỉ có mục đích giúp những người hồi hương này, sẽ cố vấn cho bất cứ ai muốn về nước đầu tư hoặc làm việc.

Q. Đ.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

This entry was posted in kinh tế, Trung Quốc. Bookmark the permalink.