Vụ phát giải Nobel và danh tiếng Bắc Kinh

John Simpson, Chủ biên trang Thế giới, BBC News

Có lẽ, nghĩ lại thì Trung Quốc có thể đã hành xử khác.

Sự hiện diện của ông Lưu Hiểu Ba là bằng chiếc ghế trống, và đã làm thiệt hại cho quan hệ công chúng của Trung Quốc

Sự hiện diện của ông Lưu Hiểu Ba là bằng chiếc ghế trống, và đã làm thiệt hại cho quan hệ công chúng của Trung Quốc

Nếu Trung Quốc đã không làm ầm lên về việc tặng giải thưởng Nobel Hòa bình cho ông Lưu Hiểu Ba, thì báo chí trên khắp thế giới đã không đến Oslo với số lượng lớn như vậy để tường thuật về buổi lễ này.

Và nếu Trung Quốc đã không cố mạnh tay với các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Na Uy và thuyết phục họ đừng gửi đại sứ của họ tới dự buổi lễ, thì Trung Quốc đã không lao vào cuộc tranh đua với châu Âu và Hoa Kỳ – một điều mà Trung Quốc sẽ không bao giờ giành chiến thắng.

Vậy là chỉ có 16 quốc gia khác, nhiều nước trong số này phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc, đã tẩy chay giải thưởng này.

Các nước tẩy chay buổi lễ

Trung Quốc, Việt Nam, Kazakhstan, Nga, Venezuela, Cuba, Tunisia, Morocco, Sudan, Algeria, Ả Rập Saudi, Iraq, Iran, Ai Cập, Pakistan, Afghanistan, Sri Lanka

Một số nước đã đổi ý, như Serbia, cho thấy dấu hiệu rõ ràng của việc Châu Âu hoặc Mỹ mạnh tay ngược trở lại.

Thật không khôn ngoan khi tham gia vào cuộc chiến ngoại giao ở mức độ công khai như vậy, trừ khi quí vị có khả năng giành chiến thắng.

Và để cho Nga tham gia vào cuộc giằng co, đứng về phía một đất nước vốn bị chỉ trích nặng nề về các thành tích nhân quyền, thì quả khó có thể coi đây là một ý tưởng hay.

Có lẽ Trung Quốc đáng ra nên làm những gì Iran đã làm, khi giải Nobel Hòa bình được trao cho nhà vận động vì nhân quyền người Iran, Shirin Ebadi.

Chính phủ Tehran lớn tiếng phàn nàn rằng họ bị xúc phạm, nhưng khi bà Ebadi đến Oslo để nhận giải thưởng của mình, đại sứ Iran ngồi ở ngay hàng ghế trước vỗ tay tán thưởng.

Việc làm đó đã xoa dịu hoàn toàn những vấn đề trong quan hệ công chúng của Iran.

Sau đó, trong một cuộc lục soát tài sản của bà, cảnh sát Iran đã tịch thu huy chương Nobel bằng vàng đó. Tuy nhiên khi ấy thì những rùm beng và nhận thức quốc tế đã dịu xuống từ lâu rồi.

Sự vắng mặt đáng chú ý

Toàn bộ chuyện này là một thảm họa trong quan hệ công chúng của Trung Quốc.

Biểu tượng của chiếc ghế trống gây thiệt hại lớn.

Chế độ duy nhất trước đó từng có những áp đặt đối với Ủy ban Giải thưởng Nobel trong quá khứ là chế độ mà Trung Quốc sẽ không muốn bị so sánh với: đó là Phát xít Đức, Liên Xô cũ, Ba Lan dưới thời thiết quân luật và Miến Điện.

Đoàn Iran đã vỗ tay hoan hô khi bà Shirin Ebadi nhận giải Nobel Hòa Bình năm 2003.

Đoàn Iran đã vỗ tay hoan hô khi bà Shirin Ebadi nhận giải Nobel Hòa Bình năm 2003.

Các yếu tố khác tại buổi lễ cũng làm tăng sự bối rối xấu hổ thêm nữa, chẳng hạn như dàn đồng ca trẻ em đã hát theo yêu cầu của chính ông Lưu Hiểu Ba. Ông đã tìm cách nói với vợ rằng ông muốn điều này xảy ra. Đối với Ủy ban Nobel, các em tượng trưng cho tương lai, không chịu những kiểm soát chính trị và sự can thiệp của cảnh sát.

Mặc dù ở trong tù tại Trung Quốc, người ta vẫn cảm thấy có sự hiện diện của ông Lưu Hiểu Ba trong toàn bộ buổi lễ như thể chính ông đang ngồi đó.

Lễ trao giải thưởng Hòa bình đến tại một thời điểm khó xử cho giới lãnh đạo Trung Quốc. Trong vài tháng rõ ràng có một trận chiến giữa các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu Trung Quốc về việc liệu có cho phép một mức độ tự do ngôn luận lớn hơn hay không.

Những người bảo thủ, vẫn còn nhớ nhờ có glasnost và cởi mở hơn mà đã giúp hạ bệ ông Mikhail Gorbachev tại Liên Xô vào năm 1991, thì đòi không được thả lỏng kiểm soát những gì người dân có thể nói và viết.

Phe bảo thủ chiến thắng

Có thời, các học giả tự do và chính trị gia lập luận rằng tự do ngôn luận hơn nữa sẽ giúp mở cửa đất nước nói chung và xoa dịu những căng thẳng xã hội ở Trung Quốc.

Đó là một trận chiến mà phe bảo thủ cho đến nay vẫn thắng. Đường lối chính thức vẫn là ông Lưu Hiểu Ba là một người quậy phá, làm nguy hại tới tất cả những gì Trung Quốc đã đạt được bằng việc quay trở lại tình trạng hỗn loạn. Nhiều người Trung Quốc rõ ràng là đồng ý với điều đó.

Nhưng điều quan trọng là không nên hiểu sai những gì đang xảy ra ở đây. Ông Lưu Hiểu Ba có thể không được phép ngồi dự lễ trao giải Nobel, nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc cũng giống như tất cả các nước đã thực hiện chính sách bỏ ghế trống.

Trung Quốc, tất nhiên, khác xa với nước Đức của Hitler. Và cũng không có gì giống với Liên Xô cũ.

Chúng ta đã thấy từ vụ Wikileaks trong những tuần gần đây, các quan chức Trung Quốc đã khó chịu như thế nào với các nước vốn đóng kín cửa như Miến Điện và Bắc Triều Tiên.

Tại sao Trung Quốc coi ông Lưu Hiểu Ba là mối đe dọa

  • 1989: nhà hoạt động hàng đầu trong các cuộc biểu tình vì dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn; bị tù hai năm
  • 1996: phát biểu chống lại hệ thống độc đảng của Trung Quốc; bị đưa đi trại cải tạo lao động ba năm
  • 2008: đồng tác giả của Hiến chương 08, kêu gọi một hiến pháp mới, một hệ thống tư pháp độc lập và tự do ngôn luận
  • 2009: bị tù 11 năm vì tội lật đổ; phán quyết nói rằng ông “có mục tiêu lật đổ chế độ độc quyền dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa của nước ta. Những ảnh hưởng rất ác độc và ông là một tội phạm lớn.”

Công an chìm

Ngay cả cảnh sát mật của Trung Quốc cũng hiểu rằng thời đại đã khác, và rằng họ không thể hành xử như họ đã từng làm.

Và nếu quí vị gặp các nhân vật bất đồng chính kiến Trung Quốc, hầu hết trong số họ – thậm chí cả những người bị quản thúc tại gia – sẽ cho bạn biết họ nghĩ rằng mọi thứ đang dần trở nên tốt hơn, và cuối cùng họ sẽ thắng trong cuộc chiến ý thức hệ. Ông Lưu Hiểu Ba dường như cũng nghĩ như vậy.

Để chính mình bị đẩy vào một vị trí được thể hiện ở một cách nào đó là một người kế nhiệm các chế độ độc tài dã man của quá khứ là một tính toán sai lầm nghiêm trọng.

Nó sẽ không giúp gì cho chỗ đứng của phe bảo thủ mà sự khó chịu và tức giận của họ với quyết định của Ủy ban Nobel đã thể hiện sôi sục trong thời gian qua.

Có lẽ kinh nghiệm có được qua vụ việc giải Nobel này sẽ cung cấp những bài học quan trọng cho giới lãnh đạo kế tiếp của Trung Quốc, mà có lẽ sẽ được công bố chính thức vào mùa thu năm 2012.

Ông Lưu Hiểu Ba có thể phải ở lại trong tù thêm một thời gian nữa. Nhưng Giải Nobel Hòa bình cũng có nghĩa là giới lãnh đạo mới sẽ nhìn nhận ông là một nhân vật nổi bật trong phong trào bất đồng chính kiến.

J. S.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/12/101212_china_nobel_prize.shtml

This entry was posted in Quốc Tế, Trung Quốc. Bookmark the permalink.