Hiện nay Vinashin đã qua tái cơ cấu đợt 1 rồi đợt 2; Chính phủ và ban lãnh đạo mới đưa ra nhiều chiến lược mới được cho là hứa hẹn tương lai sáng sủa: sau vài ba năm nữa sẽ trả hết nợ và phát triển. Thế nhưng hiện nay thì tất cả vẫn bùng nhùng, không biết thưc chất Vinashin nợ bao nhiêu, trị giá tài sản còn lại thực chất là bao nhiêu, các bước trả nợ như thế nào, khất nợ, hoãn nợ có được không? V.v. và v.v.
Sở dĩ có tình trạng trên là do tất cả những con số về Vinashin bấy nay như doanh số, tài sản, lãi, lỗ, đơn hàng, hợp đồng đã ký… đều là hư ảo, mà Chính phủ và Ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận là do Vinashin báo cáo không trung thực. Điều lạ là đến nay các con số không trung thực đó vẫn được dùng lại trong các báo cáo rồi kế hoạch cải tổ của Chính phủ và ban lãnh đạo mới của Tâp đoàn Vinashin…
Tôi chỉ xin đơn cử câu chuyện thực về một con người và những con số về tài sản, tức giá trị đã đầu tư trong một tổng công ty của Vinashin ở Hải Phòng như sau:
Anh bạn chí thân của tôi, một chuyên gia cơ khí giỏi với gần 30 năm trong ngành, nguyên Phó Giám đốc Kỹ thuật một công ty con của một tổng công ty to trong tập đoàn Vinashin, từ giữa năm 2008 được rút về Tổng công ty làm quản lý kỹ thuật cho một dự án đầu tư lớn nhưng chưa xong, tâm sự:
“Sáu tháng nay công ty mình không trả lương, những người biết làm việc và có trình độ trong ban Kỹ thuật của mình đã lần lượt bỏ công ty đi hết rồi, chỉ còn chủ yếu là những người không ai ở ngoài muốn thuê thì ở lại, nhưng cũng không có việc làm vì đầu tư đã xong đâu. Thế là Tổng công ty quyết định giải tán công ty, hàng trăm con người tự nhiên “ra đường” sau sáu tháng không lương, chỉ giữ lại ban quản lý dự án đầu tư, vẫn làm việc không lương. Nhưng lương bổng không phải vấn đề làm mình đau đầu nhất.”
Bạn tôi là dân kỹ thuật, thật như đếm, không biết kinh doanh chút nào, nên đi đâu cũng phụ trách kỹ thuật thôi…
“Đáng sợ nhất là dự án đầu tư dở dang mình đang phải nhận, cảm giác chẳng khác nào đang ôm vào một quả bom chưa nổ! Đời thuở nhà nào mà có chuyện người ta giao cho mình công trình trị giá trên sổ sách những hơn nghìn tỷ gồm nhà xưởng trống trơ, máy móc ngổn ngang hoen rỉ, bến bãi lôm nhôm cỏ nước… tất cả đang thực hiện dở dang nhưng không có chứng từ, tài liệu, số sách, hợp đồng… gì hết. Tất cả những công ty, con người đã làm việc này vốn là các công ty sân sau, thân hữu… của Tổng công ty đều đã biến mất, không dấu vết!”
Anh bạn tôi, kỹ sư chế tạo máy tốt nghiệp xuất sắc K21 Bách Khoa Hà Nội được xung thẳng vào pháo binh, vào Đảng và trở thành chiến sĩ thi đua toàn quân sau 3 năm phục vụ quân đội, trung úy đại đội trưởng pháo binh lục quân trước khi về ngành đóng tàu, mà lại tin người ta có phép thần thông như của Tôn Ngộ Không (!), nói tiếp:
“Bàn giao diễn ra thế này: Họ dẫn ra hiện trường và khoát tay: đấy mấy nhà xưởng kia đã chi hơn 300 tỷ, các máy móc, cần cẩu kia hơn 200 tỷ, còn bãi cát kia mấy chục hecta đã san lấp mất gần 200 tỷ, con lại các thứ lặt vặt như văn phòng tường rào và thiết bị văn phòng, chi phí quản lý ba năm qua là gần 200 tỷ nữa, còn thiếu 500 tỷ là công trình hoàn thành để khai thác, nhưng… đề nghị anh ký nhận trong biên bản bàn giao này!”. Rồi:
“Mình gần 30 chục năm trong nghề, nhìn đống sắt rỉ với mớ chữ Tàu tớ biết là đồ dổm rồi, không biết có dùng được không mà bảo tớ ký nhận không có sổ sách, hồ sơ kỹ thuật, hợp đồng, nhà cung cấp, nhà chế tạo, chứng chỉ… với giá trị hàng trăm tỷ (!) thì có chết tớ cũng không ký! Tớ cứ băn khoăn không biết đống sắt đó có đáng giá chục tỷ không? Hay là hai chục tỷ? Nhưng làm sao thành trên hai trăm được nhỉ?! Toàn bộ dự án đầu tư này chắc chỉ đáng khoảng hai hay ba trăm tỷ thôi và nếu thế thì tớ sẽ làm nó thành có lãi được. Còn trên một nghìn tỷ thì chịu.”
Hai tuần sau đó, bạn tôi được nhân viên phát hiện bất tỉnh nhân sự trong văn phòng, được đưa đi cấp cứu kịp thời. Bác sĩ kết luận: sức khỏe tốt, làm việc căng thẳng quá. Một tháng sau bạn tôi lại được gia đình đưa đi cấp cứu trên Hà Nội vì bất tỉnh buổi tối ở nhà, phải nằm viện 2 tuần. Bác sĩ kết luận: không tìm ra nguyên nhân, phải nghỉ ngơi lâu dài, không được làm việc căng thẳng. Tôi vừa ở TP HCM bay ra, câu đầu tiên là thì thào vào tai bạn trước mặt gia đình vợ con nó: “Cậu ký biên bản nhận công trình trên nghìn tỷ chưa? Tốt!” Tôi ôm nhẹ cái đầu đang lắc lắc của bạn. Ôi, người hùng Vinashin của tôi!
Sau đó, hàng loạt các cuộc họp nội bộ gia đình và bạn bè đã chớp nhoáng hay chậm chạp diễn ra về đề tài sức khỏe của bạn tôi. Tất cả đều kết luận như bác sĩ: bạn tôi phải nghỉ làm việc vô thời hạn vì lý do sức khỏe, tất nhiên là không lương bổng hay trợ cấp gì hết.
Thôi, vẫn còn may chán. Nếu không thì cứ đi làm không lương mà ôm quả bom nổ chậm (hay bom xịt ngòi?) kích thước khoảng 700-800 tỷ đồng mang nhãn hiệu Vinashin ấy hay sao!
Thế mới biết sức khỏe của một công ty như Vinashin có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ nhân viên của nó thế nào. Bạn tôi chỉ là cán bộ quèn trong Tập đoàn Vinashin thôi mà suýt ôm phải một quả bom nổ chậm như thế! Không biết cái bọn cài bom, đặt bom, cài mìn nổ chậm nó biến đâu tài thế?!
Và có bao nhiêu quả bom to nhỏ như thế được cài lại trong tài sản của Vinashin hiện nay nhỉ? 100 quả ư? 1000 quả ư? Ôi, nghĩ mà kinh! Chả lẽ hàng trăm hàng nghìn cán bộ giỏi và trung thực như bạn tôi trong Vinashin phải vào viện hết ư? Và nếu họ, những chuyên gia kỹ thuật giỏi nhất Vinashin vào viện hết thì lấy ai làm việc cứu Vinashin nhỉ?
Xin bật mí thông tin nữa về bạn tôi: từng là Giám đốc Kỹ thuật của công trình đóng tàu lớn nhất của Vinashin và của ngành đóng tàu Việt Nam cho đến nay, trị giá trên ba nghìn tỷ, làm việc trực tiếp dưới sự điều hành của Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinashin.
T. T. N.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN