Lịch sử là bài học cho hiện tại. Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa 221 năm trước là bài học cho chúng ta về cách ứng xử đối với dã tâm của quân bành trướng. Đây cũng là bài học cho những ai muốn làm Thái thú thời nay, thích uốn lưỡi cú diều mà không nhớ đến thất bại nhục nhã của kẻ xâm lăng. Mà nói gì đến hơn 200 năm trước! Năm 1979 một lực lượng khổng lồ 600.000 binh sĩ, 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối và dàn hỏa tiễn mà cuối cùng phải rút chạy thảm hại qua bên kia biên giới há chẳng phải là bài học nhãn tiền hay sao?
Bauxite Việt Nam
TSKH Nguyễn Đăng Hưng – Giáo sư danh dự thực thụ Trường đại học Liège, Bỉ
Một tiết mục đáng chú ý tại TP HCM trong dịp Tết Canh Dần vừa qua là Lễ kỷ niệm 221 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa do Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch TP HCM tổ chức tại Công viên Tao Đàn ngày mồng Năm AL (18/2/2010). Buổi lễ đã được tiến hành long trọng với sự tham dự của các ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn viên thanh niên cùng đông đảo người dân thành phố và du khách nước ngoài. Ông Dương Quan Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM đã có bài phát biểu đáng được lưu ý. Chương trình sân khấu hóa đã diễn ra sôi nổi với phần biểu diễn nghệ thuật dân tộc đặc sắc của các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.
Đọc báo tôi cũng thấy một buổi lễ tương tự được tổ chức tại Gò Đống Đa, Hà Nội. Đến tham dự thắp hương trước tượng đài Quang Trung có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Công Soái, Phó Chủ tịch UBND TP Phí Thái Bình, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Mặt trận Tổ Quốc. Thành phần và cấp bậc tham gia của Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có phần thấp hơn, kém long trọng hơn tại TP HCM.
Việc Thành ủy TP HCM coi trọng ngày kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa hơn Thành ủy Hà Nội là điều làm tôi chú ý! Ngay tại Thủ đô, người [lãnh đạo] Hà Nội cảm nhận lịch sử không bằng người Sài Gòn chăng?
Lẽ ra năm nay, trong dịp lễ hội ngàn năm Thăng Long, lễ hội Gò Đống Đa phải có gì nổi trội hơn thường lệ mới phải chứ?
Thật vậy, nếu không có anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ và chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa thì làm gì Thăng Long còn là của Việt Nam để năm 2010 này chúng ta ăn mừng Thủ đô ngàn năm?
Đừng quên cuộc xâm lăng Đại Việt năm 1788 là cuộc xâm lăng bành trướng cuối cùng của phong kiến Trung Hoa và nếu Nguyện Huệ đã chọn hướng giải quyết khác đi thì lịch sử và địa lý của dân tộc Việt Nam ngày nay sẽ ra sao?
Chính sử Việt Nam ghi lại năm ấy mượn cớ vua Lê Chiêu Thống cầu viện, nhà Thanh đã giao cho Tôn Sỹ Nghị một đạo quân đông đảo gần 30 vạn, ào ạt kéo vào nước ta chiếm đóng Thăng Long. Thế yếu, các tướng Tây Sơn Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm rút về Tam Điệp cố thủ và bảo toàn lực lượng. Trong Nam Nguyễn Ánh đã gia tăng được lực lượng sẵn sàng uy hiếp Qui Nhơn trong lúc Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc lâm trọng bệnh. Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ trên thực tế chỉ kiểm soát được một vùng lãnh thổ khá hẹp từ Thuận Hóa đến Nghệ An, trong tay huy động chưa có được 1/10 so với quân số nhà Thanh đang xâm lược Bắc Hà!
Thử tưởng tượng vì số lượng quân mình thua kém, Nguyễn Huệ quyết định thúc thủ, đành làm ngơ trước đoàn “quân lạ” đang xâm nhập miền Bắc, quá đông, quá hùng hổ, thì cái gì sẽ xẩy ra? Nếu Nguyễn Huệ chỉ nghĩ đến quyền lợi của nhà cầm quyền, chỉ lo đương đầu với Nguyễn Ánh ở Gia Định và Nguyễn Nhạc trong Nam, còn phía Bắc thì thôi, giao lại đất Thanh Hóa Nghệ An trở ra cho nhà Thanh và vua Lê Chiêu Thống, tóm lại chỉ lo mưu cầu chiếc ghế vương quyền tại phương Nam?
Trong tình huống ấy lịch sử và địa lý Việt Nam sau này sẽ ra sao?
Nước ta có lẽ chỉ còn lại từ sông Gianh cho đến Hà Tiên khi người Âu bắt đầu xâm nhập vào Đông Nam Á! Giả thuyết này không phải không có ý nghĩa hiện thực khi ta biết, ngoài Bắc vua Lê Chiêu Thống đã phản bội Tổ quốc, dùng niên hiệu nhà Thanh, mặc nhiên công nhận nền đô hộ của người Tàu. Trong Nam lịch sử còn ghi lại cũng năm 1788, từ Gia Định Nguyễn Ánh đã gửi đoàn thuyền chở gạo ra Bắc chi viện cho quân Thanh mà không thành vì gặp bão. Ông vua sáng lập ra triều đình nhà Nguyễn này có nhiều khả năng cũng sẽ để yên cho nhà Thanh ở đất Bắc sau khi lấy lại giang sơn từ tay nhà Tây Sơn vì chẳng may cho dân tộc Việt, người anh hùng áo vải mất sớm.
Nếu lịch sử đi theo hướng đó thì làm gì ta còn Thăng Long mà tổ chức lễ hội ngàn năm như ngày nay?
May thay, Nguyễn Huệ, được sự trợ giúp tư vấn của tầng lớp sỹ phu chân chính lúc bấy giờ, những Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp, Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Nễ, Nguyễn Huy Lượng, Bùi Dương Lịch… đã chọn lựa hướng khác, hướng chính danh yêu nước thương dân, hướng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc. Nguyễn Huệ lập tức lên ngôi Hoàng đế, minh định chính danh, củng cố chính nghĩa dân tộc, theo lẽ trời, thuận lòng người, thống nhất ý chí toàn dân toàn quân, tự mình thống lĩnh thủy bộ đại binh ra Bắc đánh giặc Thanh, chấp nhận lấy một chọi mười:
“Chúng nó sang phen này là mua cái chết đó thôi. Ta ra chuyến này thân coi việc quân đánh giữ, đã định mẹo rồi, đuổi quân Tàu về chẳng qua 10 ngày là xong việc. Nhưng chỉ nghĩ chúng là nước lớn gấp 10 nước ta, sau khi chúng thua một trận rồi, tất chúng lấy làm xấu hổ, lại mưu báo thù, như thế thì đánh nhau mãi không thôi, dân ta hại nhiều, ta sao nỡ thế. Vậy đánh xong trận này, ta phải nhờ Thì Nhậm dùng lời nói cho khéo để đình chỉ việc chiến tranh. Đợi mươi năm nữa, nước ta dưỡng được sức phú cường rồi, thì ta không cần phải sợ chúng nữa.”
Chúng ta biết phần còn lại của lịch sử, số phận của người anh hùng bách chiến bách thắng Quang Trung Nguyễn Huệ.
Sau mồng năm Tết Kỷ Dậu 1789, Ngô Ngọc Du, một nhà thơ đương thời, đã ghi lại không khí tưng bừng của ngày chiến thắng oanh liệt như sau:
“Mây tạnh mù tan trời lại sáng
Đầy thành già trẻ mặt như hoa,
Chen vai khoác cánh cùng nhau nói:
“Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta”
Tại buổi họp báo đầu năm nay (6/1/2010) ở Hà Nội, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường đã thách thức cả dân tộc Việt: “hợp tác [với Trung Quốc] sẽ phát triển, [Việt Nam] đấu tranh sẽ thất bại”, thiết nghĩ việc tổ chức cho thật long trọng Lễ hội Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa là điều nên làm. Thật vậy, hình như ngài Đại sứ quên rằng cách đây 221 năm dân tộc Việt Nam nào có thất bại khi phải bắt buộc chấp nhận hướng đấu tranh dù phải một chống mười!
Sài Gòn mồng Bảy Tết Canh Dần 2010
NĐH
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN. HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.