Vào google, gõ “tàu Hoa Sen” ta sẽ có một số thông tin về con tàu đã trở nên nổi tiếng. Nó được đóng năm 2000, được Vinashin mua năm 2007 với giá 60 triệu EURO, tương đương 100 triệu USD. Đi được vài chuyến, tính toán rằng bị lỗ, nằm ụ từ dạo đó đến nay. Tháng 1/2007, tàu bị nứt vỏ và chắc là đã được sửa chữa.
Vẩn vơ nghĩ, con tàu này giá của nó hiện nay là bao nhiêu? 100 triệu USD hay là 112 triệu USD (12 triệu USD là lãi suất từ năm 2007 đến nay – ít nhất cũng phải là 4%/năm x 3 năm = 12 triệu USD)? Hay là 12 tỷ đồng (tức là giá của 1200 tấn phế liệu x 10 triệu đồng/tấn)? Các chi phí khác có thể tạm cho qua, như quản lý, bảo vệ, hay thủ tục thanh lý, tháo dỡ ….
Từ đó, nghĩ thêm một chút, số nợ của Vinashin là bao nhiêu, 86 nghìn tỷ hay 104 nghìn tỷ hay 120 nghìn tỷ. Chả trách không một ai có thể trả lời được. Có lẽ số nào cũng đúng, vậy tính minh bạch nó nằm ở đâu? Trong khi đó, nó đã được chuyển sang cho chủ mới và đang xem xét phương án kinh doanh (nghĩa là đang còn nằm ụ).
Vinalines là chủ mới, tự nhiên lại có một khối tài sản khổng lồ và lẽ tất nhiên hoạt động tài chính cũng phải thể hiện sự có mặt của khối tài sản này.
Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng có nói là có khả năng cho thuê tàu Hoa Sen với giá 4 triệu USD/năm. Và nhiều người mừng vì có vẻ là hiệu quả nhất. Cứ cho rằng đấy là phương án tối ưu. Nhưng đây mới chỉ có thể đủ trả chi phí lãi vay cho 100 triệu USD vốn (ít nhất 4%/năm). Thế còn thì lấy đâu ra để trả nợ khấu hao tài sản cố định? Thế là, Vinalines, một đơn vị kinh doanh, tự nhiên lại mất một số vốn lớn đến như vậy (tương đương 100 triệu USD) chỉ trong khoảng 15 năm (là đời của một con tàu đi biển khoảng 25 năm trừ đi 10 tuổi của nó – Hoa Sen được đóng từ năm 2000). Thế là tính minh bạch về tài chính của Vinalines không còn, mà lẽ ra Vinalines phải được hưởng.
Một thời gian sau, việc xét xử các quan chức cũ của Vinashin chắc chắn sẽ diễn ra, và thử nghĩ ra một kịch bản như sau:
Bên buộc tội: – Trong vụ mua tàu Hoa Sen, bị cáo đã gây thiệt hại rất lớn cho Vinashin, đã góp phần dẫn đến … cho tập đoàn này…
Bên luật sư bào chữa: – Kính thưa Tòa, trong vụ tàu Hoa Sen, các bị cáo vô tội, bởi tàu Hoa Sen đã được một đơn vị khác nhận về với giá trị tài sản nguyên có của nó. Vinashin không mất một đồng nào…
Chả lẽ pháp luật cũng đã phần nào mất đi tính minh bạch của nó?
N. V. B.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN