Giới thiệu – Nhà sáng lập Assange đã đặt một cái tên thật “nghịch tử” cho trang mạng của mình: diễn giải dài dòng nó mang nghĩa là Bách khoa thư mở trên mạng mang tên hoặc mang sứ mệnh là Rò Rỉ.
Sự ra đời của WikiLeaks là một điều vô cùng cần thiết trong thời hiện đại, bởi một lẽ duy nhất này thôi: giới cầm quyền của những phe đang kình chống nhau luôn luôn có một mẫu số chung, đó là sự bất đồng hành cùng nhân dân, chính cái nhân dân mà họ luôn luôn vỗ ngực xưng là đại diện (nhiều khi là đại diện chân chính và duy nhất).
WikiLeaks ra đời còn mang một ý nghĩa này nữa: sự bất tuân thủ của công dân – civil disobedience, désobéissance civile – đã từ cung cách vô ý thức chuyển sang cung cách có ý thức và dĩ nhiên là sẽ không dừng lại ở trạng thái thô kệch như chống sưu thuế, phá kho thóc, đua xe và vặt hoa…, mà còn tiến lên giai đoạn trí tuệ cao hơn, khi người ta đủ sức mạnh trí tuệ và kỹ thuật để người công dân toàn cầu đùa giỡn sự đạo đức giả toàn cầu.
Trong khi chưa đòi được sự Minh Bạch viết hoa, thì cứ lật tẩy cái đã, và sau Watergate, đã từng có Irangate, và rồi coi, Leaks sẽ còn ghi lại cả Condomgate, Nudegate, Polymergate, TGVgate và biết đâu đấy, cả Bọ-xit-gate nữa chớ?
Xin dịch đăng hai bài, cốt để bạn đọc lập hệ thống tư liệu riêng cho mình tiện theo dõi thời cuộc.
Phạm Toàn
***
Bài một
28 tháng 11 năm 2010: một ngày lịch sử (Massimo Razzi, đăng trên La Republica Italia, đăng lại 29.11.2010 trên trang mạng của tờ báo Pháp Le Courrier International.)
Trong việc tung ra cả loạt tin tức vốn được giữ trong vòng bí mật, trang mạng WikiLeaks đã ngồi cùng chiếu với năm tờ báo quốc tế cỡ lớn nhất. WikiLeaks cũng đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử thông tin, đó là đánh giá của tờ báo Italia La Repubblica.
Nếu như các tư liệu của WikiLeaks đã làm khốn đốn các phủ tổng thống và phủ thủ tướng, thì chúng cũng đồng thời đánh dấu một bước ngoặt lịch sử đối với công cuộc thông tin truyền thông. Ngày 28 tháng 11 năm 2010 sẽ được lưu giữ như cái ngày mà tất cả mọi điều hoặc gần như mọi điều đã được đổi chỗ, được trút ra và được đưa hết lên mạng Internet hoặc ít ra cũng là bắt đầu từ mạng Internet.
Nghĩ mà coi, không có tờ báo nào còn đặt ra câu hỏi muôn thuở này nữa: “Ta phải bắt đầu công bố những tài liệu này ở đâu, dưới dạng báo giấy hay là tung lên mạng Internet?” Tất tật, từ tờ Spiegel qua các tờ El Pais, The Guardian, Le Monde, cho đến tờ New York Times, tất cả đều tung luôn lên mạng của mình. Sau đó họ mới đăng lên báo giấy, và sau đó cả hai hình thức giấy và mạng mới cùng được dùng song song để tạo thành một toàn thể: một hệ thống phương tiện truyền thông duy nhất được xây dựng trên những cơ sở khác nhau, nhưng cùng đào sâu, cùng tổng kết và đưa ra cả loạt câu hỏi vừa là cảm nhận định tính vừa mang tính định lượng, tất cả đủ sức để đưa chúng ta đến kết luận rằng điều vừa mới xảy ra thật là vô cùng mới mẻ.
Các tài liệu của WikiLeaks xuất phát từ mạng Internet và đương nhiên là nhằm tới việc truyền bá, phổ biến, để cho thiên hạ đọc, rồi bình luận, được cộng đồng cư dân mạng bổ sung thêm cho phong phú và sâu sắc, cho sát hợp mãi với cuôc sống thực. Cuộc chơi ban đầu thuần túy số lượng: sức mạnh phát giác của WikiLeaks dựa trên số lượng tư liệu khổng lồ trao vào tay công chúng của cuộc đời thực này. Miễn là có một “vùng biên” tin học, thế là các công dân toàn thế giới đều có thể an tâm đọc cả ngàn trang tư liệu trước đó họ không sao với tới và đọc rồi thì tự mình rút ra kết luận. “Không sao với tới” vì đó là những tư liệu được canh phòng cẩn mật (và hớ hênh), và đó là vì trước khi có mạng Internet, thì hầu như chẳng anh nào trên đời này dám nhăm nhe “quản lý” riêng các hồ sơ đó ngay cả khi có chúng trong tầm tay.
Nếu quả tình các “tư liệu” đó trước hết làm công việc lột truồng vị hoàng đế ra, thì việc đó cũng đồng thời là kết quả (có dự trù hoặc không dự trù trước) của việc muốn thay đổi cả chiều sâu thông tin lẫn sức nặng thông tin. Thông qua mạng Internet, các hồ sơ lọt vào tay tất cả mọi người. Chúng mở rộng phương tiện báo chí cho đám đông quần chúng vô cùng to lớn, bởi vì bất kỳ ai thì cũng đều có thể bới ra, xem xét, lật tẩy, khảo chứng, hồ nghi và dỡ bỏ các điều xưa nay họ vẫn đinh ninh là đúng. Cùng nhau, các cư dân mạng lại có thể làm gia tăng khối lượng tài liệu đó, hướng cho chúng đi vào chỗ trở thành hữu hiệu, làm nổi bật lên những vấn đề quốc tế, quốc gia hoặc địa phương. Đồng thời, những nhà chuyên môn về thông tin cũng sẽ có nhiệm vụ cố sao “kết nối” cho được những phát giác đó, làm sao cho chúng trở thành dễ đọc nhất, và trên hết, bằng một việc làm có chất lượng cao, họ cùng mò sâu thêm vào các hồ sơ và các hồi ức đặng kết nối và diễn giải những sự kiện và những tác hại chắc chắn có chưa trong những tư liệu đó.
Những nhân tố đã khiến cho cái ngày 28 tháng 11 năm 2010 này trở thành “lịch sử” cũng thật đa dạng: 1) Đó là cái ngày Thông tin trở thành tài sản riêng của mạng Internet. 2) Đó là cái ngày lần đầu tiên tất cả các công dân có trong tay mình cái thứ đồ bí mật mà cho tới đó chỉ Khoa học Lịch sử là được quyền đem ra chưng cất (chứ không được công bố nguyên si, ND thêm) theo cách thức và vào thời điểm do chính quyền chọn. 3) Đó là cái ngày mà lần đầu tiên cũng những công dân đó có khả năng mổ xẻ vô số sự kiện mới xảy ra gần đây và làm cho những kẻ “có thế lực” liên hệ tới những sự kiện đó phải tròn mắt kinh ngạc. 4) Nhưng đó cũng là cái ngày nền thông tin chuyên nghiệp nhận ra là họ phải đương đầu với một thách thức vô cùng to lớn đủ sức thắng họ trong cuộc đấu.
Xin coi tiếp Bài 2: Những phát giác của WikiLeaks trong vài ba câu then chốt