Việt Nam gia tăng phòng thủ trước Trung Quốc bằng vũ khí của Nga

Trung Quốc càng gia tăng áp lực quân sự trên Biển Đông đối với Việt Nam và các nước trong khu vực, càng thúc đẩy Việt Nam có những động thái tự vệ. Chỉ cần dẫn hai phát biểu của Giáo sư Stephen Blank trong bài phỏng vấn dưới đây là đủ nêu bật nét khái quát nhất của tình hình:

“Không chỉ hướng tới Nga, Việt Nam cũng đang tìm kiếm sự hậu thuẫn từ các nước lớn khác ở châu Á. Họ mua vũ khí ở khắp thế giới, không riêng gì của Nga. Hà Nội đang tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ, có thể là Nhật Bản, và cả Ấn Độ nữa. Đây là một phần của chiến lược chính trị sâu rộng của Việt Nam”.
“Tôi cũng nghĩ sẽ có một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực này, không phải vì Việt Nam mua nhiều vũ khí của Nga mà vì Trung Quốc tăng cường khả năng quốc phòng. Tôi không cho rằng Việt Nam là một mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào ở Đông Nam Á”.

Bauxite Việt Nam

Hồi đầu tháng 2, Việt Nam đã ký hợp đồng mua 12 chiến đấu cơ SU-30MK2 của Nga - Ảnh: Wikipedia Commons

Hồi đầu tháng 2, Việt Nam đã ký hợp đồng mua 12 chiến đấu cơ SU-30MK2 của Nga - Ảnh: Wikipedia Commons

Một bản tin của hãng RIA Novosti nói rằng Việt Nam đã trở thành khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga trong năm 2009, với các hợp đồng lên tới hàng tỷ đôla. Thương vụ này mang ý nghĩa thế nào đối với Hà Nội và Moscow trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh quân sự, và liệu các hơp đồng đó có gây ra một cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Nam Á hay không, mời quý vị tìm câu trả lời từ cuộc phỏng vấn của Nguyễn Trung với ông Stephen Blank, Giáo sư nghiên cứu về an ninh quốc gia, tại Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Đại học Chiến sự Quân đội Hoa Kỳ, trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.

Nguyễn Trung Thứ Bảy, 20 tháng 2 2010

VOA: Có ý kiến tỏ ra ngạc nhiên khi Việt Nam trở thành khách hàng mua vũ khí nhiều nhất của Nga trong năm 2009. Bản thân ông thấy sao?

Giáo sư Stephen Blank: Nói chung, tôi không thấy có gì đáng ngạc nhiên cả. Lâu nay, Nga đã tăng cường nỗ lực gia tăng thị phần buôn bán vũ khí tại Đông Nam Á. Không bất ngờ khi các nước ở khu vực này tăng cường mua vũ khí, bởi lẽ một số cảm thấy bất an trước tình trạng khủng bố, còn số khác quan ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc. Việt Nam rõ ràng lo lắng trước nước láng giềng lớn mạnh.

Thêm nữa, Bắc Kinh đã khiến Hà Nội không hài lòng về quan điểm liên quan tới khu vực biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông). Việt Nam cũng chứng kiến Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự. Vì thế, chính quyền Hà Nội buộc phải tăng cường tiềm lực quốc phòng. Nhưng họ không chỉ mua vũ khí của Nga.

Vì thế, tôi không nghĩ đây là một bước đi gây ngạc nhiên. Điều thú vị là Việt Nam trở thành nước mua vũ khí nhiều nhất trong năm 2009, hơn cả Trung Quốc.

VOA: Trong các phân tích của mình về các thương vụ mua bán vũ khí giữa Việt Nam và Nga, ông có nói rằng động cơ của hai bên lớn hơn so với hợp đồng thực tế. Theo ông, mục tiêu của Việt Nam là gì?

Giáo sư Stephen Blank: Tôi nghĩ rằng mục đích của Việt Nam là muốn tăng cường quốc phòng và vị thế chính trị ở châu Á, nhằm bảo đảm an toàn cũng như tăng cường khả năng phòng thủ tốt hơn trước Trung Quốc.

VOA: Thế còn đối với Nga, thưa ông?

Giáo sư Stephen Blank: Bản thân Nga không hài lòng với Trung Quốc vì nước này đánh cắp thiết kế vũ khí của họ. Trung Quốc đang tìm cách cạnh tranh với Nga tại các thị trường châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Theo tôi, Nga hiểu rất rõ về việc tăng cường sức mạnh quân sự của Bắc Kinh, và điều đó khiến Moscow bày tỏ quan ngại một cách công khai hơn.

Ngoài ra, Nga luôn mong muốn có  một chỗ đứng ở Đông Nam Á, và nước này không có cách thức nào để cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực này, ngoại trừ việc sử dụng năng lượng và xuất khẩu vũ khí. Trên thực tế, hai yếu tố này tương trợ lẫn nhau. Các công ty năng lượng của Nga cũng đã giành được nhiều hợp đồng hơn trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam.

Cuối cùng, tôi nghĩ rằng Moscow cũng mong có tiền để phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của nước này, vốn đang gặp khó khăn.

VOA: Dường như Việt Nam đang tiến gần lại ‘người bạn lớn’, ‘đồng minh’ một thời nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc phải không, thưa ông?

Giáo sư Stephen Blank: Không chỉ hướng tới Nga, Việt Nam cũng đang tìm kiếm sự hậu thuẫn từ các nước lớn khác ở châu Á. Họ mua vũ khí ở khắp thế giới, không riêng gì của Nga.

Hà Nội đang tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ, có thể là Nhật Bản, và cả Ấn Độ nữa. Đây là một phần của chiến lược chính trị sâu rộng của Việt Nam.

VOA: Có quan ngại  rằng các hợp đồng mua bán vũ khí giữa Nga và Việt Nam sẽ đẩy khu vực Đông Nam Á tới một cuộc chạy đua vũ trang. Còn ông nghĩ sao?

Giáo sư Stephen Blank: Tôi cũng nghĩ sẽ có một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực này, không phải vì Việt Nam mua nhiều vũ khí của Nga mà vì Trung Quốc tăng cường khả năng quốc phòng. Tôi không cho rằng Việt Nam là một mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào ở Đông Nam Á.

Vấn đề là khả năng quân sự của Trung Quốc gây quan ngại ở vùng này. Tôi nghĩ nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đang cảm thấy lo lắng trước Bắc Kinh.

VOA: Ông đánh giá như thế nào về sự tranh giành ảnh hưởng giữa Hoa Kỳ và Nga ở châu Á?

Giáo sư Stephen Blank: Moscow không thể cạnh tranh với Hoa Kỳ ở châu Á, mà chỉ có sự ganh đua giữa Washington và Bắc Kinh. Đó là một cuộc cạnh tranh lớn và toàn diện trong mọi lĩnh vực như kinh tế, ngoại giao và khả năng quân sự. Tôi không biết là sự cạnh tranh này sẽ dẫn tới đâu, nhưng rõ ràng Trung Quốc đang là một thách thức lớn đối với Hoa Kỳ.

VOA: Washington trong thời gian qua tuyên bố sẽ tăng cường vị thế ở châu Á, trước sự tăng trưởng của Trung Quốc. Trong khi Nga cũng muốn có tiếng nói ở khu vực này. Một số nhà quan sát cho rằng cuộc đua đó dường như sẽ nóng hơn trong tương lai. Bản thân ông nghĩ sao?

Giáo sư Stephen Blank: Sự ganh đua giữa các cường quốc chưa bao giờ ngưng nghỉ. Khi Trung Quốc trở nên lớn mạnh hơn, sự cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh sẽ gia tăng. Điều đó không có nghĩa sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang, nhưng chắc chắn sẽ là một sự cạnh tranh cởi mở và bình đẳng hơn so với quá khứ, khi vị thế của Trung Quốc vẫn còn yếu.

VOA: Vậy theo ông, là một nước nhỏ, Việt Nam hưởng lợi gì từ sự cạnh tranh này?

Giáo sư Stephen Blank: Theo tôi, điều quan trọng là Việt Nam cần phải duy trì quan hệ với tất cả các bên liên quan trong cuộc đua đó, đồng thời tăng cường sức mạnh nội tại để đương đầu với các mối đe dọa. Đó là chiến lược cơ bản đối với các nước như Việt Nam trong tình thế như vậy.

Nói tóm lại, bằng việc tăng cường khả năng quốc phòng và duy trì mối quan hệ ngoại giao mạnh mẽ với tất cả các nước lớn liên quan như Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ hay Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam có thể cải thiện vị thế của mình.

Nguồn: voanews.com

This entry was posted in Quân Đội, Trung Quốc, Vũ Khí and tagged , , . Bookmark the permalink.