Lời bình:
Đất nước trường tồn là nhờ những con người yêu nước thầm lặng làm những công việc có vẻ bình thường như thế này.
Bauxite Việt Nam
– Người đàn ông ấy dành trọn cuộc đời mình cho việc tìm tòi bảo tồn văn hóa đảo Lý Sơn, bảo vệ tư liệu, chứng tích lịch sử về Hoàng Sa.
“Bảng phong thần và những ngôi mộ gió”
Hơn 60 tuổi, sống ở huyện đảo Lý Sơn xa đất liền 30 hải lý, ông Phạm Thoại Tuyền sở hữu “kho báu” gần 1.000 mẫu vật trong bộ sưu tập về văn hóa Sa Huỳnh, gồm đồ gốm sứ, đồ thờ, chén dĩa cổ, bộ sưu tập tiền xu, tượng Chăm, ấn tín, các văn bản Hán Nôm, trong đó nhiều cổ vật có niên đại từ 2.000 đến 3.000 năm.
Đặc biệt, ông còn có cả một kho tàng tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa, về huyện đảo Lý Sơn; trong đó có những tài liệu hết sức quý giá như văn bản về việc vua Gia Long phong thần cho những người có công đi Hoàng Sa.
“Ông Hoàng Sa” cần mẫn chăm sóc các cổ vật tìm thấy ở Lý Sơn.
Trong căn phòng khách rộng chưa đầy 30m2 – nơi dùng làm nơi cất giữ, trưng bày các cổ vật, ông Tuyền cẩn thận dỡ từng trang tư liệu quý: “Vào thế kỷ 16, Chúa Nguyễn đã lập đội Hoàng Sa để canh giữ biển đảo. Phần lớn đội Hoàng Sa lấy từ người làng An Vĩnh của huyện đảo Lý Sơn. Thông thường, từ tháng hai đến tháng ba hàng năm, đội này có nhiệm vụ vượt biển đến các đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo phía Nam khác để đo đạc thuỷ trình, canh giặc biển, dựng bia chủ quyền, khai thác và đánh bắt thủy sản”.
Bao thế hệ dân binh đảo Lý Sơn đã ra đi bảo vệ Tổ quốc, tên tuổi nhiều người được ghi nhận trong các văn thư của triều đình, và không ít trong số họ đã bỏ thân trên biển…
Ông Tuyền cho biết trên đảo Lý Sơn đang tồn tại một loại mộ gọi là mộ chiêu hồn (nhiều người còn gọi là mộ gió) do người dân trên đảo lập ra, thờ cúng và tôn kính. Tuy nhiên, bên dưới không hề có xương cốt, chỉ có hình nhân thế mạng làm bằng đất sét trắng lấy từ trên đỉnh ngọn núi cao nhất của huyện đảo Lý Sơn trộn với lòng trắng trứng gà (tượng trưng cho những người ra đi đã không may nằm lại giữa biển xanh).
Đối với dân đảo, những ngôi mộ chiêu hồn này rất quan trọng trong đời sống tâm linh, dù chỉ là hình nhân thế mạng nhưng vẫn luôn được thờ cúng, chăm sóc hệt như những ngôi mộ thật.
Cứ đến ngày 1 âm lịch hàng tháng, ông Tuyền đều đến các ngôi mộ chiêu hồn này thắp hương làm lễ. Vào cuối tháng 11 hàng năm, bà con trên đảo Lý Sơn làm lễ cúng chung niên (lễ tạ) cầu cho cuộc sống bình yên, ghe thuyền đầy ắp tôm cá trở về. Ngày 2/12 âm lịch sắp tới là ngày kỵ tổ (giỗ chạp) trên đảo tưởng niệm ngày mất của ông thủy tổ và còn là ngày giỗ chung của tất cả những người tham gia vào đội dân binh Hoàng Sa ngày nào.
Ông Tuyền cũng chính là người đại diện tộc họ Phạm (Văn) (tộc họ lâu đời trên đảo, có rất nhiều người đi lính Hoàng Sa như Phạm Văn Nguyên, Phạm Văn Sang, Phạm Hữu Nhật…) đề nghị các cấp chính quyền dựng bia cho những ngôi mộ gió này. Tháng 4 hàng năm, người dân huyện đảo Lý Sơn lại long trọng tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để tri ân những người đã hy sinh vì sự yên bình của Lý Sơn và Tổ quốc.
Ông Tuyền cũng lưu giữ bất kỳ bài báo, tài liệu nghiên cứu nào có liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa bằng cách cắt ra cẩn thận rồi lồng vào các bìa ny lông trắng đóng trong một cuốn sổ. Khi nghe tin có tác giả bài viết, hay nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử ra thăm lại đảo, ông đều tìm gặp và lưu lại chữ ký dưới mỗi bài viết, ghi chú rõ cả ngày giờ đến đảo. Đến nay, “tài sản” của ông có đến bốn cuốn sổ dày cả trăm trang như vậy.
Ông Tuyền cười bảo: “Cẩn thận như vậy vì những bài báo này chứa đựng rất nhiều thông tin quý giá, có ích cho người tìm hiểu sau”. Khi có khách hỏi mượn, ông đều cho xem bản gốc tại nhà trước rồi cho mượn những bản photo để những tài liệu gốc được giữ nguyên vẹn.
Các ngôi mộ gió thờ các dân binh bỏ mạng ngoài biển để giữ gìn biển đảo, quê hương.
Điều thú vị khi khách đến với Lý Sơn là mỗi lần ra thăm đảo, nếu liên hệ trước đều được ông Tuyền tình nguyện làm “hướng dẫn viên” đưa đi tham quan khắp đảo, đến thắp hương tại các ngôi mộ gió, thăm Âm linh tự là nơi diễn ra lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Chính sự am hiểu, tâm huyết, góp nhiều công sức vào việc lưu giữ tư liệu về những Đội dân binh Hoàng Sa đã khiến nhiều người dân gọi ông là “ông Hoàng Sa” của Lý Sơn.
Đào hầm chôn tài liệu Hoàng Sa
Từ sau năm 1990, các cơ quan chức năng và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử như giáo sư Trần Quốc Vượng (Đại học Quốc gia Hà Nội), tiến sĩ Nguyễn Nhã (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ (Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch, Chủ tịch Hội Nhà báo Quảng Ngãi)… đến Lý Sơn để tìm hiểu. Nhiều nhà báo ở xa muốn tìm hiểu về Hoàng Sa và Lý Sơn đều tìm đến nhà ông vì ông được ví như một “kho tàng sống” hiếm hoi ở đảo. Các bộ sưu tập của ông là những tài liệu quý, bằng chứng về việc khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa, minh chứng về văn hóa truyền thống đảo Lý Sơn.
Ông Tuyền tâm sự ông sưu tầm các cổ vật, lưu giữ các tài liệu quý liên quan đến Hoàng Sa và lịch sử huyện đảo Lý Sơn đơn giản vì “muốn cho con cháu biết được công lao của cha ông mình”.
Ông Tuyền bên bia tưởng niệm Chánh đội trưởng thủy quân Phạm Hữu Nhật.
Ông kể đã bắt đầu tìm hiểu, sưu tầm cổ vật từ những năm 1975. Nhiều cổ vật do dân đảo phát hiện khi thay đất trồng tỏi, lúc đầu nhiều người không hiểu giá trị các đồ vật này định vứt bỏ nhưng ông đã “linh cảm” và phát hiện được sự quan trọng của chúng. Ông tìm đến nơi có cổ vật, xin mang về, cất giữ cẩn thận; nhiều khi phải bỏ tiền ra mua các vì không muốn di sản của cha ông bị thất lạc…
Chính nhờ sự tẩn mẩn tìm tòi này, nhiều tư liệu quý về Hoàng Sa như văn bản phong thần cho những người giữ đảo, các ấn, dấu của người đi biển… được tìm thấy trong dân cũng được ông Tuyền phát hiện, lưu giữ.
Vừa qua, đảo Lý Sơn phải hứng chịu hai trận bão kinh hoàng, thiệt hại nặng nề. Trong cơn nổi giận của thiên nhiên, mạng sống của con người thật nhỏ bé, tuy nhiên điều đầu tiên mà người đàn ông này nghĩ đến là bảo vệ các tài liệu về Hoàng Sa. Ông nói: “Muốn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ dân tộc thì trước hết phải bảo vệ, lưu giữ những giá trị văn hóa, di sản của cha ông để lại”. Chính vì lý do này, nên trước khi bão tới, ông đã phải đào hầm chôn tài liệu, cổ vật quý về Hoàng Sa, gốm sứ Sa Huỳnh.
Ông tâm sự: “Tôi sẽ tiếp tục công việc sưu tầm và lưu giữ cổ vật, để con cháu trên đảo và khách từ xa đến có cơ hội tham quan và tìm hiểu về văn hóa Lý Sơn. Nguyện vọng của tôi là sẵn sàng cống hiến những bộ sưu tập, tài liệu về Hoàng Sa và đảo Lý Sơn cho Nhà nước để những giá trị truyền thống, công lao của cha ông được càng nhiều người biết đến. Hy vọng con cháu trên đảo sẽ tiếp tục công việc tôi đang làm”.
Bảo Hòa
Nguồn: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201001/Gap-ong-Hoang-Sa-o-dao-Ly-Son-888824/