(NCTG) Theo tin từ Cục phòng chống Thảm họa Quốc gia (OKF – trực thuộc Bộ Nội vụ Hungary), ngày 17-11 vừa qua, một đoàn công tác Việt Nam gồm 22 thành viên đã đến thăm và khảo sát tình hình tại làng Kolontár và TP Devecser.
OKF cho biết: các nhân viên ngoại giao và chuyên gia trong đoàn sở dĩ đề nghị được đến tìm hiểu tại hiện trường vì ở Việt Nam cũng có những bể chứa bùn đỏ tương tự như tại tỉnh Veszprém (Hungary), nơi vừa xảy ra thảm họa bùn đỏ.
Các vị khách Việt Nam đã được Quốc vụ khanh Bộ Môi trường Illés Zoltán và Đại tá PCCC Dobson Tibor, một quan chức OKF “hướng đạo” tại hai địa phương bị hủy hoại nặng nề nhất trong sự cố tràn bùn vừa qua (mà OKF gọi đó là “thảm họa công nghiệp”).
Thoạt tiên, tại TP Devecser, đoàn Việt Nam được thông báo về diễn biến của sự cố, về công tác cứu hộ cũng như về những biện pháp xử lý đã thực hiện, và sẽ được tiến hành theo dự kiến để tái thiết khu vực này. OKF cho hay: các chuyên gia trong đoàn Việt Nam đặc biệt để tâm tới sự cố, cũng như diễn tiến của công cuộc tái thiết sau đó, do Việt Nam cũng có những bể chứa bùn đỏ đang hoạt động.
Tại làng Kolontár, các vị khách đã có dịp chứng kiến tận mắt khu vực bị cơn lũ bùn đỏ tràn qua. Sau đó, đoàn Việt Nam tới thăm con đập bị vỡ và khảo sát các biện pháp kỹ thuật đang được tiến hành tại đó. Cũng theo OKF, để thể hiện sự đồng cảm với người dân địa phương, đoàn đã trao cho TP Devecser khoản hỗ trợ trị giá 5.000 USD.
Trong cuộc trao đổi với NCTG, Thượng úy Bảo vệ Dân sự Töttös Györgyi, Phát ngôn viên Báo chí Cục phòng chống Thảm họa Quốc gia Hungary cho hay: phía Hungary rất vui mừng trước món quà từ thiện của đoàn Việt Nam vì “quả thực chúng tôi đang rất cần”. Nhắc đến lý do và nguyên nhân của thảm họa bùn đỏ, bà Töttös thận trọng cho hay “hiện giờ chúng tôi chưa được biết”.
Nói về những khẳng định cho rằng sở dĩ sự cố xảy ra là vì Hungary áp dụng công nghệ lạc hậu, bà Töttös Györgyi cho rằng “đó chỉ là những phỏng đoán”. Bà cũng cho biết thêm: những bể chứa đầu tiên trong số 10 bể chứa bùn đỏ tại Ajka quả thực được xây dựng từ thập niên 40 thế kỷ trước, nhưng trong số đó, 8 bể cũ đã được hoàn thổ bằng cách che chắn bởi lớp đất và thực vật – ở dạng ấy, bể được kiểm tra thường xuyên và đảm bảo an toàn, không gây hại cho môi trường.
Thượng úy Töttös Györgyi không bình luận về các thông tin trên báo chí Việt Nam, cho rằng các hồ chứa bùn đỏ của Hungary do xây bởi công nghệ lạc hậu nên nguy cơ mất an toàn cao, tuy nhiên, bà có cho hay rằng 2 bể chứa hiện đang được sử dụng tại TP Ajka – bể số 9 và số 10, trong đó đê chắn của bể số 10 bị vỡ 1 mảnh vào ngày 4-10, gây sự cố tràn bùn – là những bể mới nhất, được xây trong vài thập niên qua.
NCTG đã tiếp xúc với bà Németh Andrea, phụ trách Báo chí của Tập đoàn Nhôm Hungary (MAL Zrt.) và luật sư Ruttner György, đại diện pháp luật của hãng – người được coi là có thẩm quyền phát biểu và tuyên bố những vấn đề liên quan tới MAL Zrt. – để biết thêm một số chi tiết kỹ thuật của hệ thống bể chứa và công nghệ mà MAL Zrt. áp dụng. Nội dung cuộc trao đổi sẽ được đưa trong bản tin sau.
Liên quan đến đoàn khảo sát đến từ Việt Nam, nguồn tin ngoại giao tại Budapest cho hay, đây là một phái đoàn liên Bộ do Bộ Công Thương chủ trì, với sự tham gia của đại diện và chuyên gia Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Quốc hội, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), v.v.
Sau khi về nước, một số thành viên trong đoàn đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường – ông Phạm Khôi Nguyên. Theo thông tin từ báo chí Việt Nam, trong phiên chất vấn tại Quốc hội Việt Nam chiều 22-11, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã khẳng định “không lo sự cố bùn đỏ”: “Hungary đã không lường được trước các sự cố còn chúng ta khi triển khai dự án bauxite đã tính đến các vấn đề này”, bởi lẽ Việt Nam lựa chọn công nghệ tiên tiến vào hàng bậc nhất thế giới.
Nguồn: http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=2646