Một báo cáo toàn diện nhất từ trước đến nay đánh giá nguy cơ gây tham nhũng trong quản lý đất đai ở Việt Nam vừa được Đại sứ quán Đan Mạch, Đại sứ quán Thụy Điển và Ngân hàng Thế giới hoàn tất.
Đây cũng là tài liệu tham khảo cho Đối thoại về phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong lĩnh vực đất đai giữa Chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế dự kiến tổ chức ngày 25-11 tới.
Báo cáo được xây dựng trên cơ sở khảo sát năm địa phương đại diện cho Bắc – Trung – Nam, đô thị, nông thôn, với sự tham gia của GS-TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT và TS Đặng Ngọc Dinh – người có nhiều kinh nghiệm về khảo sát xã hội học hiện tượng tham nhũng. Báo cáo phân tích hai hoạt động quản lý đất đai chủ chốt: cấp giấy đỏ và thu hồi – giao đất/cấp đất. Theo báo cáo này, tham nhũng trong lĩnh vực quản lý đất đai hoàn toàn thỏa mãn phương trình:
Tham nhũng = (Độc quyền và Độc quyền quyết định) – (Trách nhiệm giải trình và Tính minh bạch).
Cấp giấy đỏ: Xuyên suốt nguy cơ tham nhũng
Trong chuỗi quy trình cấp giấy đỏ, kết quả khảo sát cho thấy các hành vi không trung thực có xu hướng mở rộng trong khu vực đất ở và đất thương mại phi nông nghiệp. Trong đó, 34% số người được hỏi cho rằng ở khâu đầu tiên – phổ biến thông tin về thủ tục là không được công khai hoặc công khai nửa vời. Như ở TP.HCM, người dân cho biết họ thường gặp khó khăn trong xác định, kê khai giấy tờ cần thiết. Còn ở Bắc Ninh, Bình Định, người dân nói họ thường không hiểu cách điền hồ sơ xin cấp giấy đỏ. Do vậy có nguy cơ cán bộ địa chính đặt ra yêu cầu trái pháp luật mà không biết, hoặc người nộp đơn thấy “oải” với thủ tục khó hiểu, dẫn tới phải lo lót để được cán bộ giúp đỡ.
Khâu tiếp theo là nộp hồ sơ, 22% số người được hỏi tin rằng gây khó khăn khi tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy đỏ là hình thức thường gặp. Ở TP.HCM có phản ánh là cán bộ địa chính cấp xã có xu hướng đòi thêm giấy tờ mà luật không yêu cầu, như chứng nhận kết hôn hoặc trích lục bản đồ địa chính. Tại Bình Định, người được khảo sát nói họ hay phải sử dụng “môi giới” để làm thủ tục xin cấp giấy đỏ và khi ấy mọi việc nhanh gọn hơn.
Bước tiếp theo là đánh giá hồ sơ, phê duyệt và giao giấy đỏ. Hỏi 10 người thì sáu người cho rằng người làm giấy đỏ thường gặp phải việc kéo dài thời gian đánh giá, phê duyệt. Còn một số chủ doanh ngiệp cho rằng nếu có “quan hệ tốt” thì thời gian sẽ được rút ngắn.
Quy hoạch: Phần lớn dân không được lấy ý kiến
Chuỗi quy trình của hoạt động thu hồi, giao/cấp đất được bắt đầu bằng bước quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị. Ở khâu này, nghiên cứu tại TP.HCM cho thấy rõ khả năng nhà đầu tư câu kết với cán bộ để mua diện tích lớn đất nông nghiệp. Sau đó, họ tác động để sửa quy hoạch, chuyển diện tích này thành đất phi nông nghiệp với chênh lệch địa tô khổng lồ.
Luật Quy hoạch đô thị mới ban hành và Luật PCTN, cũng như Pháp lệnh Dân chủ cơ sở có dự liệu tình huống này nên quy định phải lấy ý kiến công khai với người dân trước khi phê duyệt quy hoạch. Tuy nhiên, đáng lo là không có quy định nào buộc phải dân chủ, công khai, lấy ý kiến dân với hoạt động “điều chỉnh” kế hoạch sử dụng đất và đồ án quy hoạch.
78% số người được hỏi ở năm địa phương được khảo sát tin rằng có tham nhũng trong hoạt động thu hồi đất, bồi thường, tái định cư và giao/cấp đất.
Kết quả thu được nêu trên hoàn toàn phù hợp với kết quả điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2008. Theo đó, phần lớn hộ gia đình không hề được lấy ý kiến gì về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương cả.
Luật quy định địa điểm đầu tư chỉ được chấp thuận nếu phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Song thực tế cho thấy lãnh đạo địa phương sẵn sàng chấp thuận đề xuất không tuân thủ quy hoạch. Tại Hà Nội, dự án khách sạn trong Công viên Thống Nhất là ví dụ điển hình. Quy hoạch TP không cho phép chuyển đất công cộng sang mục đích kinh doanh nhưng dự án vẫn được phê duyệt. Đến năm 2008, dư luận phản ứng gay gắt, chính quyền mới chuyển dự án đi nơi khác.
Tham nhũng nghiêm trọng hơn vì giám sát yếu
Khâu tiếp theo là quyết định thu hồi, giao/cấp đất. Theo luật, có ba hình thức: giao đất thông qua đấu giá; đấu thầu dự án sử dụng đất; và chỉ định trực tiếp cho chủ đầu tư được lựa chọn. Hầu hết dự án hiện nay chọn cách thức thứ ba, bởi có thể “nhờ” chính quyền cưỡng chế thu hồi, rồi trực tiếp giao đất cho mình. Chi phí để được cấp đất bằng cách thức này rẻ hơn nhiều cách đấu giá, đấu thầu nên chủ đầu tư sẵn sàng “phí ngoại giao”. Tuy nhiên, lý giải hiện tượng này, lãnh đạo một số địa phương lại cho rằng lý do lựa chọn là hai hình thức kia không hấp dẫn để thu hút đầu tư…
Từ các phân tích trên, báo cáo cho rằng nguy cơ tham nhũng ở từng khâu trong chuỗi các thủ tục, hoạt động quản lý đất đai là rất lớn. Nguy cơ này lại nghiêm trọng hơn do hoạt động giám sát của HĐND và các hội đoàn thiếu hiệu quả. Báo chí mặc dù được xác định là công cụ quan trọng để PCTN, song thực tế tác nghiệp của phóng viên gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, thẩm quyền ra quyết định về đất đai được phân cấp mạnh cho cấp tỉnh trong khi hệ thống trách nhiệm và kiểm soát công vụ lại kém hiệu quả. Biểu hiện của tính thiếu trách nhiệm thể hiện rõ qua ý kiến người dân ở Bình Định: cán bộ địa chính thường đạt kết quả thấp trong các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm…
Báo cáo được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu tình huống cấp tỉnh tại năm địa phương: TP.HCM, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Bình Định, Tiền Giang. Một phần trong đó là đánh giá định lượng bằng bảng hỏi tới 215 công dân, 37 đại diện doanh nghiệp, 28 đại diện đoàn thể và 120 công chức. Bổ sung cho nghiên cứu định lượng là các cuộc phỏng vấn, họp với Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số chuyên gia, nhà báo.
Báo cáo còn sử dụng kết quả nghiên cứu năm 2010 của Ngân hàng Thế giới thông qua việc khảo sát thực tế tại văn phòng chính quyền 12 tỉnh, 24 huyện, 120 đơn vị cấp xã và dưới xã; kết hợp với phân tích, đánh giá 63 website tỉnh và ba của bộ.
N. N.
Nguồn: http://phapluattp.vn/20101121105825197p0c1013/doc-quyen-ket-hop-thieu-minh-bach.htm