(Lịch sử cuộc xâm lược bằng hải quân của TQ)
RAUL PEDROZO là một đại tá hải quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu. Ông là Phó Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh Hải quân tại Trường Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ.
Ngày 7 tháng Chín, những viên chức tuần duyên Nhật Bản đã bắt giữ thủy thủ đoàn một tàu đánh cá Trung Quốc (TQ) sau khi chiếc tàu này đã húc vào hai tàu tuần duyên Nhật Bản. Viên thuyền trưởng của tàu đánh cá bị bắt giữ và bị buộc những tội có thể đưa ông đi tù tới ba năm. Vụ việc này đã châm ngòi cho một cuộc đối đầu kịch liệt giữa Bắc Kinh và Tokyo: chính phủ TQ đe dọa rút ra khỏi các cuộc thảo luận về vùng mỏ khí đốt trong Biển Đông Trung Hoa và đình chỉ các cuộc họp cấp bộ trưởng, đồng thời tổ chức các cuộc biểu tình bên ngoài các cơ quan ngoại giao Nhật Bản tại TQ, áp đặt cấm vận việc xuất khẩu kim loại đất hiếm qua Nhật Bản, và giam giữ bốn công dân Nhật bị cho là đã quay phim các mục tiêu quân sự tại tỉnh Hồ Bắc. Cuối cùng Nhật Bản không chịu nổi sức ép, đã thả viên thuyền trưởng vào cuối tháng Chín.
Nhiều nhà phân tích thời cuộc đã nhìn vào vụ việc này như là một bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đã có lập trường hung hăng đối với những đối thủ trong vùng. Nhưng thái độ của TQ trong các biển Nam Trung Hoa, Đông Trung Hoa, và Hoàng Hải trong nhiều thập kỷ qua đã để lộ một mô hình lâu dài gồm có những vụ bắt nạt và hù dọa trắng trợn. Khi TQ ra sức bành trướng biên giới trên biển, xác định chủ quyền trên các đảo tranh chấp và các trữ lượng tài nguyên rộng lớn, và gia tăng các lực lượng hải quân nhằm đối đầu với sự khống chế của Hải quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, TQ không bao giờ e ngại sử dụng vũ lực hay chèn ép. Lịch sử xâm lấn lâu dài này của TQ cho thấy Hoa Kỳ cần phải cứng rắn và có biện pháp ngăn ngừa để chống lại việc TQ bành trướng vùng ảnh hưởng mà TQ tự rêu rao là của mình nếu Hoa Kỳ còn nuôi hi vọng không cho phép Bắc Kinh khống chế các vùng biển tiếp giáp duyên hải tây Thái Bình Dương.
TQ cực kỳ hiếu chiến trong biển Nam Trung Hoa, nơi TQ tuyên bố chủ quyền trên một số lãnh thổ đang tranh chấp. Năm 1974, lợi dụng việc chính quyền Washington đang bận tâm với nỗ lực triệt thoái khỏi Việt Nam, TQ đã xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa – lúc bấy giờ đang nằm dưới sự kiểm soát của Việt Nam Cộng Hòa – mở đầu cho một cuộc chiếm đóng bất hợp pháp cho đến ngày nay. Qua nhiều năm, TQ đã gia tăng sự hiện diện quân sự trên các đảo này, xây dựng một phi trường quân sự và một trạm theo dõi tin tức tình báo nhằm sử dụng cho các hoạt động trong biển Nam Trung Hoa.
Hành động lấn lướt của TQ đối với Việt Nam liên tục diễn ra trong những năm vừa qua, chủ yếu là để khống chế nghề cá trong vùng. Chẳng hạn, tháng Giêng 2005, tàu hải quân TQ đã nã súng giết chết chín ngư dân Việt Nam trong lãnh hải Việt Nam. Năm 2009, các lực lượng quân sự TQ đã bắt giữ tổng cộng 17 tàu đánh cá Việt Nam và 210 ngư dân trên tàu. Rồi, tháng Tư 2010, TQ đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Nam Trung Hoa trong một nỗ lực giành quyền kiểm soát các lượng cá đang suy giảm trong vùng biển này. Ngư dân Việt Nam đã sinh sống bằng nghề cá trong vùng biển này qua nhiều thế kỷ, vì thế Hà Nội coi những chính sách thô bạo này của TQ là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam. TQ còn sử dụng những biện pháp o ép kinh tế đối với Việt Nam – TQ đe dọa rằng hãng dầu British Petroleum, năm 2007, và hãng Exxon Mobil, năm 2008, sẽ mất các cơ hội làm ăn tại TQ nếu những hãng này không chấm dứt liên doanh với Việt Nam trong biển Nam Trung Hoa.
Hành động xâm lấn của TQ không chỉ dành riêng cho Việt Nam. Năm 1995, TQ chiếm dải Đá Vành Khăn (Mischief Reef), một đảo nhỏ chỉ cách đảo Palawan của Philippines 130 dặm (280 km) nằm trong eo biển Palawan, một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất châu Á. Bất chấp Philippines nhiều lần kêu gọi TQ rút khỏi nơi đây, TQ vẫn tiếp tục gia tăng hoạt động quân sự bất hợp pháp trên đảo san hô này; các lực lượng hải quân TQ tại đây có thể được sử dụng để gây gián đoạn cho việc lưu thông của tàu bè đi qua các eo biển Malacca và Singapore để đến Philippines và bắc Á.
Tàu và máy bay TQ cũng từng gây trở ngại cho tàu và máy bay Hoa Kỳ trong vùng biển và vùng trời của biển Nam Trung Hoa nhiều lần. Một trong những sự cố đáng lưu ý nhất đã diễn ra vào tháng Tư 2001, khi một chiến đấu cơ F-8 của TQ đã va chạm một chiếc máy bay thám thính EP-3 của Hoa Kỳ, buộc chiếc máy bay Hoa Kỳ phải đáp khẩn cấp ở sân bay Lingshui. Phi hành đoàn bị giam giữ hơn hai tuần lễ mới được thả ra. Gần đây hơn, tháng Ba 2009, năm tàu TQ – ba tàu chính phủ và hai thương thuyền nhỏ – đã quấy nhiễu tàu tuần thám Impeccable của hải quân Hoa Kỳ trong biển Nam Trung Hoa, cách đảo Hải Nam 75 hải lý (139 km). Các thương thuyền TQ cố tình ngừng lại trước mũi chiếc Impeccable, bắt tàu này phải khẩn trương “đứng hẳn” để tránh đụng nhau. Chỉ vài tháng sau đó, hai tàu đánh cá TQ lại quấy nhiễu tàu tuần thám Victorious của Hoa Kỳ trong một sự cố tương tự. Hình như TQ đang sử dụng các tàu dân sự như một phương tiện để tiến hành chiến lược từ chối việc đi lại của tàu nước ngoài trong các biển tiếp giáp duyên hải TQ.
Bắc Kinh tỏ ra nhạy cảm đối với bất cứ tuyên bố nào của Washington về chính sách biển, đảo của TQ. Tháng Bảy 2010, TQ mở một cuộc diễn tập quân sự chưa từng có trong biển Nam Trung Hoa [Biển Đông], huy động tàu chiến và máy bay của ba trong những hạm đội của mình. Sự kiện này diễn ra sau khi ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố trước đó trong cùng một tháng tại Diễn đàn vùng của ASEAN rằng “Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong việc tự do lưu thông, tự do tiếp cận các vùng biển quốc tế tại châu Á, và việc tôn trọng luật quốc tế trong biển Nam Trung Hoa”. Rõ ràng là, Bắc Kinh coi Biển Nam Trung Hoa là một ô trọng yếu trong bàn cờ địa chính trị TQ. Thật vậy, tháng Ba vừa qua, Bắc Kinh công bố biển này là một “lợi ích cốt lõi” đối với TQ – một vị trí trước đây chỉ dành cho Tây Tạng, Tân Cương, và Đài Loan.
Những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh về Đài Loan là yếu tố quan trọng trong chính sách TQ đối với biển Đông Trung Hoa. Không những TQ coi Đài Loan là lãnh thổ của mình mà còn thông qua một đạo luật xác định thẩm quyền TQ trong việc “ban hành luật lệ liên quan đến việc lưu thông của tàu bè và máy bay nước ngoài” qua Eo biển Đài Loan. Đạo luật này vi phạm luật quốc tế về biển vốn cho phép tự do lưu thông và bay qua eo biển. Khoảng giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, TQ tiến hành một loạt diễn tập quân sự ngoài khơi duyên hải Đài Loan trong một nỗ lực nhằm can ngăn (dissuade) phong trào độc lập và hù dọa để cử tri không bỏ phiếu cho những ứng viên Quốc dân đảng trong cuộc tuyển cử tại Đài Loan năm 1996.
TQ cũng từng phản ứng dữ dội chống lại sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Hoàng Hải trong thập niên qua. Năm 2001, một tàu khu trục TQ đã chặn chiếc Bowditch, một tàu hải quân Hoa Kỳ đang tiến hành hợp pháp một cuộc nghiên cứu quân sự thường lệ trong Hoàng Hải, và ra lệnh cho chiếc tàu không vũ trang này rời khu đặc quyền kinh tế (EEZ) của TQ, một vùng biển mà TQ tuyên bố có quyền dò tìm và khai thác tài nguyên. Năm 2009, tàu TQ một lần nữa quấy nhiễu một tàu tuần thám Hoa Kỳ trong Hoàng Hải.
Tháng Bảy 2010, TQ phản đối một cuộc diễn tập quân sự hỗn hợp Mỹ-Hàn, được lên kế hoạch sẽ diễn ra trong Hoàng Hải – một cuộc diễn tập được tổ chức để trả lời vụ Bắc Hàn đánh đắm chiến hạm Cheonan của Nam Hàn vào tháng Ba 2010. Bắc Kinh chỉ trích sự tham gia của tàu George Washington, tranh luận rằng việc đưa một tàu sân bay vào Hoàng Hải sẽ là một thái độ khiêu khích và là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia của TQ – mặc dù trước đó, vào đầu năm, tàu sân bay này của Hoa Kỳ đã hoạt động trong Hoàng Hải không có việc gì xảy ra. Cuối cùng, Hải quân Hoa Kỳ đã xúc tiến cuộc diễn tập nhưng không đưa tàu George Washington vào Hoàng Hải. Quyết định này của Hoa Kỳ trở thành một thắng lợi chính trị to lớn cho chiến lược của Trung Quốc là từ chối sự xâm nhập của các cường quốc bên ngoài vào lãnh hải vây quanh TQ. Ngoài ra, thay vì ghi nhận cử chỉ [đầy thiện chí] của Hoa Kỳ, Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc diễn tập hải quân bằng đạn thật. Cho đến bây giờ tàu sân bay George Washington vẫn chưa trở lại Hoàng Hải.
Hình thức nhân nhượng vô nguyên tắc này (appeasement) không những chẳng mang lại kết quả nào; nó còn bán rẻ khả năng và tầm hoạt động của các lực lượng hải quân Hoa Kỳ một cách không cần thiết. Như thượng nghị sĩ Jim Webb (Dân chủ – bang Virginia) nhận xét, chỉ có Hoa Kỳ mới có đủ cả “tầm vóc lẫn sức mạnh quốc gia” để đối đầu với “sự bất quân bình lực lượng rõ ràng nghiêng hẳn về” TQ trong biển Nam Trung Hoa. Cho đến nay, những nỗ lực của Hoa Kỳ bất quá vẫn còn là yếu ớt – Washington đã đưa những tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do đi lại trên biển nhưng chẳng làm gì đáng kể để chứng tỏ quyết tâm của Hoa Kỳ. Nếu Hoa Kỳ muốn tái khẳng định vai trò của mình trong Thái Bình Dương và chống lại sự khống chế ngày càng gia tăng của TQ, Hoa Kỳ phải gia tăng sự hiện diện của hải quân trong vùng và sẵn sàng chứng tỏ sự hậu thuẫn đối với các đối tác trong vùng bằng hành động, chứ không phải bằng lời nói. Tục ngữ Trung Hoa có câu: Lời nói không làm ra lúa gạo.
Bằng hành động, điều này có nghĩa là Washington không được nhượng bộ trước đòi hỏi của TQ là Hoa Kỳ phải đình hoãn hay giảm thiểu các hoạt động giám sát trong vùng biển hay vùng trời của khu đặc quyền kinh tế TQ. Hải quân Hoa Kỳ cũng nên gửi một tàu sân bay vào Hoàng Hải vào cơ hội sớm nhất; nếu không làm vậy, có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ khuyến khích TQ lên tiếng phản đối ồn ào hơn nữa vào lần sau, khi Hoa Kỳ đề xuất các cuộc diễn tập hải quân ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Hải quân Hoa Kỳ cũng không nên ký kết cái gọi là thỏa ước về sự cố trên biển (Incident at Sea agreement) với hải quân TQ. Một văn kiện như thế, với mục đích điều hành sự di chuyển của các lực lượng hải quân của hai quốc gia, sẽ gia tăng đáng kể uy tín của hải quân TQ và làm cho nó có vẻ ngang hàng với các lực lượng hải quân Hoa Kỳ – một tư thế mà hải quân TQ không có được.
Hoa Kỳ cũng nên liên minh với Indonesia và Việt Nam để phản đối tuyên bố chủ quyền hình lưỡi bò rộng lớn của TQ trong biển Nam Trung Hoa. Hoa Kỳ phải có hành động tiếp theo sau sự phản đối này bằng cách triển khai thêm sự hiện diện của hải quân trong biển Nam Trung Hoa, đặc biệt trong vùng kế cận các đảo bị TQ chiếm đóng (chẳng hạn, quần đảo Hoàng Sa và đảo Vành Khăn). Washington cũng nên nhìn nhận chủ quyền của Nhật Bản trên đảo Senkaku và công khai tuyên bố rằng nghĩa vụ của Hoa Kỳ được qui định trong Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Nhật được áp dụng cho cả đảo Senkaku. Hoa Kỳ phải áp dụng những biện pháp tương tự đối với tuyên bố chủ quyền của Philippines trên đảo san hô Scarborough Shoal và nhóm đảo Kalayaan. Sau cùng, Hoa Kỳ phải tiếp tục một chương trình thám thính và giám sát mạnh dạn và lộ liễu ngoài khơi duyên hải TQ, cũng như các hoạt động thường lệ của tàu sân bay trong Hoàng Hải.
Dĩ nhiên, có thể Bắc Kinh sẽ phản ứng kịch liệt đối với một số biện pháp này và đe dọa cấm vận xuất khẩu kim loại đất hiếm thêm một lần nữa. Nhưng tiếp tục nhân nhượng vô nguyên tắc thậm chí có thể tồi tệ hơn – nó chỉ khuyến khích Bắc Kinh củng cố thêm nữa sự khống chế kinh tế và quân sự của mình trong Thái Bình Dương.
Túy Vân phỏng dịch
Nguồn: Foreign Affairs