Miến Điện thả Nobel Hòa bình: sức ép đối với Trung Quốc gia tăng

Nhà ly khai Trung Quốc Lưu Hiểu Ba và lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi (DR)

Nhà ly khai Trung Quốc Lưu Hiểu Ba và lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi (DR)

Ngày 13/11/2010, chính quyền quân sự Miến Điện đã trả tự do cho lãnh đạo đối lập, bà Aung San Suu Kyi, do vậy, hiện nay, Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới vẫn giam tù người được giải thưởng Nobel Hòa bình, ông Lưu Hiểu Ba. Mặc dù tỏ thái độ cứng rắn, nhưng rõ ràng, Trung Quốc đang ở trong tình thế khó xử.

Ngay sau khi có thông báo ông Lưu Hiểu Ba được trao tặng giải thưởng Nobel Hòa bình 2010, chính quyền Bắc Kinh đã tiến hành quản thúc tại gia, trên thực tế, đối với bà Lưu Hà, vợ ông Lưu Hiểu Ba. Gia đình của ông cho biết là sau đó, họ bị ngăn cản, không được phép đến nhà tù Liêu Ninh, ở đông bắc Trung Quốc, để thăm nuôi ông hàng tháng như trước đây.

Trong khi đó, giới tướng lãnh tại Miến Điện, nổi tiếng là cứng rắn và bất chấp phản ứng quốc tế, đã phải trả tự do cho giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi. Báo chí chính thức tại Trung Quốc không bình luận về thông tin này mà chỉ đưa dưới dạng một tin ngắn.

Tại Oslo, thủ đô Na Uy, chủ tịch Ủy ban Nobel, ông Thorbjoen Jagland nhận định rằng việc bà Aung San Suu Kyi được trả tự do là một điều khích lệ đối với tất cả các tù chính trị, kể cả đối với ông Lưu Hiểu Ba. Theo AFP, ông Nicholas Bequelin, chuyên gia về châu Á thuộc tổ chức Human Rights Watch, cho rằng sau sự kiện bà Aung San Suu Kyi được trả tự do, giờ đây, chỉ còn có mỗi Trung Quốc vẫn giam tù một người được giải thưởng Nobel Hòa bình và do vậy, Bắc Kinh khó có thể chinh phục được công luận quốc tế.

Ngày 25/12 năm ngoái, ông Lưu Hiểu Ba bị kết án 11 năm tù với tội danh “xúi giục chống phá nhà nước”, tức là ông có thể bị cầm tù cho đến năm 2020. Thế nhưng, ông Jean Philippe Béja, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Pháp, CERI, nhắc lại rằng nếu muốn, ban lãnh đạo Trung Quốc có thể trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba ngay lập tức, bởi vì “đây là một quyết định chính trị”. Trong quá khứ, điều này đã từng xảy ra, như đối với trường hợp của Vương Đan, Hàn Đông Phương, Trần Tử Minh, những gương mặt tiêu biểu cho phong trào đấu tranh vì dân chủ Mùa xuân Bắc Kinh 1989 hay đối với các ông Ngụy Kinh Sinh, Từ Văn Lập, những nhân vật trụ cột của phong trào Mùa xuân Bắc Kinh 1979.

Tuy nhiên, ông Lưu Hiểu Ba đã tuyên bố là ông từ chối được trả tự do trước thời hạn đi kèm với điều kiện là phải ra nước ngoài sống lưu vong, tức là khác với trường hợp của ông Vương Đan, Ngụy Kinh Sinh, Từ Văn Lập.

Không biết ai sẽ thay mặt Lưu Hiểu Ba nhận Nobel

Trong những ngày vừa qua, Trung Quốc đã tìm mọi cách gây sức ép, dọa dẫm các nước phương Tây không nên cử đại diện đến dự lễ trao giải Nobel, vào ngày 10/12 năm nay tại Oslo. Vợ ông Lưu Hiểu Ba thì bị “giam lỏng” tại gia còn luật sư của nhà ly khai bị cấm rời khỏi Trung Quốc. Do vậy, có thể xảy ra sự kiện chưa từng thấy là không có người thân nào của ông Lưu Hiểu Ba, thay mặt ông, đứng ra nhận giải thưởng. Xin nhắc lại là vào năm 1991, lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi được trao giải Nobel Hòa bình trong lúc bị quản thúc tại gia và hai người con của bà đã sang Oslo để nhận giải thưởng.

Theo một số nhà phân tích, từ nay cho đến ngày tổ chức lễ trao giải Nobel, khó có khả năng Trung Quốc chấp nhận trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba, nhưng trong một kịch bản cực kỳ lạc quan thì có thể Bắc Kinh sẽ làm việc này, nhân dịp Tết Nguyên đán vào tháng hai năm tới hoặc nhân dịp khóa họp hàng năm của Quốc hội, vào tháng ba. Chuyên gia Béja nhấn mạnh, “tất cả phụ thuộc vào sức ép của cộng đồng quốc tế” và “tương quan lực lượng bên trong chế độ”. Hiện nay, đảng Cộng sản Trung Quốc đang chuẩn bị thế hệ lãnh đạo mới thay thế cho chủ tịch Hồ Cẩm Đào và thủ tướng Ôn Gia Bảo. Giới quan sát cho rằng nội bộ ban lãnh đạo Đảng cũng không hoàn toàn đồng thuận với việc kết án quá nặng nề nhà ly khai Lưu Hiểu Ba, nhất là phe tạm gọi là cải tổ, đang muốn tiến hành một số cải cách chính trị khiêm tốn nào đó.

Đối với ông Bequelin, thuộc HRW, thì nếu việc tiếp tục giam giữ ông Lưu Hiểu Ba gây tổn hại quá lớn đối với hình của Trung Quốc thì có thể Bắc Kinh sẽ kiếm cớ trả tự do cho ông vì lý do sức khỏe. Mặt khác, đến năm 2012, Trung Quốc sẽ có ban lãnh đạo mới. Do không trực tiếp chịu trách nhiệm quyết định bỏ tù ông Lưu Hiểu Ba, ban lãnh đạo mới có thể tìm cách tống tháo vấn đề khó xử mà họ đã phải kế thừa.

Có một thông tin lạc quan đôi chút. Theo AFP, kể từ ngày được tặng thưởng Nobel Hòa bình, chế ăn uống trong tù của ông Lưu Hiểu Ba được cải thiện và thậm chí, ông còn được nhận cả thuốc lá.

Đ. T.

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20101117-mien-dien-tha-nobel-hoa-binh-suc-ep-doi-voi-trung-quoc-gia-tang

This entry was posted in Dân chủ, Quốc Tế. Bookmark the permalink.