Tôi xin cám ơn bài viết “Khai thác Bauxite Tây Nguyên: những vấn đề tồn tại một năm sau” của anh Đặng Đình Cung, kỹ sư tư vấn bên Pháp (ref: BVN và Diễn Đàn). Ít nhất anh Cung cũng có can đảm phần nào để tường thuật lại những sự thật “mắt thấy tai nghe” qua thư từ liên lạc với các quan chức Nhà nước trong năm qua. Riêng tôi và nhiều người viết trong Trang Mạng BVN đã nhìn thấy rõ sự thật từ ngày đầu tiên, đó là “những màn kịch lừa phỉnh dư luận” do nhiều diễn viên chức sắc lớn trong triều đình Nhà nước đồng diễn, khởi đầu là ba văn bản ký kết giữa TBT Nông Đức Mạnh và lãnh đạo cao cấp TQ về dự án khai thác quặng mỏ Bauxite trên cao nguyên Lâm Đồng, sau đó là lời tuyên bố của các quan lớn trong chính phủ. Anh Cung làm tổng kết những chuyện đã qua chỉ là một cách xác nhận thêm chứng từ ở cương vị một kỹ sư tư vấn mà thôi. Tôi thắc mắc rằng tại sao anh Cung đã không nói lên sự thật đó từ hồi năm ngoái, để cho chính nghĩa của Bản Kiến Nghị đầu tiên và ba lá thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở nên sáng ngời thêm? Bây giờ anh mới hé lộ màn bí mật trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” thì có lợi ích gì?
Quý vị độc giả cho phép tôi thử đặt vấn đề một cách khác: ví thử nếu không có hiểm hoạ vỡ hồ chứa bùn đỏ bên Hungarie thì mọi người có đồng thanh lên tiếng phản đối kịch liệt như cả tháng nay không? Nếu không có hiểm hoạ vỡ hồ chứa bùn đỏ bên Hungarie thì mọi người có nhất trí ký Bản Kiến Nghị thứ hai (tháng Mười 2010) trong đó xuất hiện nhiều nhân vật lão thành cách mạng như bà Nguyễn Thị Bình, ông Nguyễn Văn Hiệu, v.v. và anh Cung có ngồi viết bản tổng kết như thế này không?
Có thể nói rằng “may mắn” làm sao Hungarie đã bị nếm mùi bùn đỏ cực độc trước chúng ta, cho nên mọi người mới giật mình lo sợ, đúng không? Nếu không có đại hoạ đó thì có lẽ hai dự án Bauxite trên Tây Nguyên cứ lẳng lặng tiếp diễn, bên trong chất chứa quá nhiều sai trái, nhiều trò lấp liếm lừa gạt dư luận, không khác gì Dung Quất và Vinashin… rồi thì 10 năm 20 năm sau nếu lỡ cái hồ vĩ đại 110 hecta trên Tây Nguyên đổ sập, tạo một dòng thác bùn đỏ khổng lồ cuồn cuộn chảy xuống hạ lưu, phá tan tành nhiều làng mạc, thành phố đông dân cư trên đường thoát xuống đồng bằng, và một lần nữa chúng ta đành ngậm ngùi thương tiếc cho số phận người dân VN chăng?
Hiện nay, ai ai cũng nhất trí yêu cầu ngưng ngay hai công trình xây cất đó, bản thân tôi cũng đã ký tên lần thứ hai ngay từ ngày đầu tiên. Nhưng tôi thấy tình thế hôm nay khác xa bối cảnh tháng Tư năm 2009, đó là vì trên mặt pháp lý quốc tế chúng ta đã bị vướng chân, vướng tay vào bản hợp đồng do chính phủ VNCHXHVN ký kết chính thức với nhà thầu TQ. Ai nấy vì sự an nguy đến tính mạng gia đình, bạn bè, thân nhân mà phải cương quyết đòi ngưng ngay dự án, nhưng có ai thử đặt vài câu hỏi như sau:
1)- Chúng ta lấy lý do gì đình chỉ hai công trình đó, trên công pháp quốc tế, để thế giới họ không chê cười dân tộc VN ta?
2)- Quốc hội và dư luận quần chúng, nhất là báo chí theo lề phải, có thật sự đủ can đảm và sức mạnh để phá vỡ kế hoạch đẩy đất nước vào con đường phiêu lưu không lối thoát?
3)- Sau khi hai công trình xây cất dở dang bị đình chỉ, thì bước kế tiếp chúng ta sẽ làm gì với những đống sắt vụn dở dang trên công trường? Chúng ta lấy tiền đâu ra chi trả ngân hàng thế giới, trong khi Dung Quất và Vinashin lỗ chỏng gọng, nợ công đã vượt qua mốc 50% GDP, chi tiêu phung phí xa hoa cho 10 ngày đại lễ Thăng Long? Chúng ta đã dự phòng hết những sự cố bất ngờ sẽ xảy ra chưa (ngoại giao, chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật), có thể nói là chúng ta đang “nắm dao đằng lưỡi” và “thụ động chạy theo đuôi tình thế”?
Tôi đã nêu những câu hỏi đó vài lần trên Mạng Internet với bạn bè cùng chung chí hướng, và… có vẻ nhiều người ngại đụng chạm sự thật nên lại tiếp tục giữ im lặng, sợ tranh luận, tuy rằng họ mang danh phận trí thức khoa bảng (GSTS) đầy mình. Bây giờ tôi đành mạo muội xin phép BVN cho tôi đặt câu hỏi với quý vị độc giả thân thương. Rất mong mỏi nhận được hồi âm sớm của quý bác, quý anh chị.
Buồn thay cho vận mệnh nước nhà!
Lê Quốc Trinh, Canada
Quebec (13/11/2010)